Vì sao Ukraine không hoảng loạn trước tình thế "ngàn cân treo sợi tóc"?
(Dân trí) - Trong khi Nga triển khai lực lượng quân sự quy mô lớn áp sát biên giới và Mỹ liên tục cảnh báo về nguy cơ xung đột, giới chức Ukraine tỏ ra không quá sốt sắng.
Việc Nga tăng cường quân sự ở sát biên giới Ukraine là điều dễ nhận thấy. Các hình ảnh vệ tinh cho thấy những đoàn xe tăng phủ đầy tuyết của Nga ngày càng mở rộng dọc theo biên giới Ukraine. Một loạt bài đăng trên mạng xã hội cũng ghi lại quá trình các đoàn tàu của Nga chở bệ phóng tên lửa, xe bọc thép và binh sĩ di chuyển chậm rãi về phía tây.
Theo New York Times, bất chấp việc Nga tăng cường quân sự dọc biên giới, Mỹ cảnh báo một cuộc tấn công có thể sắp xảy ra và lực lượng NATO được đặt trong tình trạng báo động, giới lãnh đạo Ukraine dường như vẫn xem nhẹ mối đe dọa từ Nga.
Sự bình tĩnh của Ukraine khiến giới phân tích phải đoán già đoán non về toan tính thực sự của các nhà lãnh đạo nước này. Một số nhà phân tích cho rằng đó là cách để chính quyền Ukraine giữ ổn định thị trường, ngăn chặn sự hoảng loạn và tránh khiêu khích Nga. Trong khi đó, các nhà phân tích khác nhận định, điều này cho thấy Ukraine đã chấp nhận một thực tế không mấy dễ dàng rằng, xung đột với Nga đã trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của họ.
Ngày 25/1, Nga thông báo nước này sẽ tiến hành một loạt cuộc tập trận quân sự, từ Thái Bình Dương đến sườn phía tây xung quanh Ukraine. Đây được xem là màn phô diễn sức mạnh quy mô lớn, cho thấy phạm vi hoạt động rộng lớn của quân đội Nga.
Cảnh giác trước nguy cơ Nga có thể ngừng bán năng lượng cho châu Âu vào mùa đông, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang lên kế hoạch tìm các nhà cung cấp khí đốt và dầu thô từ Trung Đông, Bắc Phi và châu Á để tăng nguồn cung cho châu Âu trong những tuần tới.
Trong khi Điện Kremlin và phương Tây "căng như dây đàn", các quan chức Ukraine vẫn đang sống trong bầu không khí yên bình.
Tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine khẳng định lực lượng Nga hiện nay không có sự thay đổi đáng kể nào so với lực lượng thường được tăng cường vào mùa xuân. Người đứng đầu hội đồng an ninh quốc gia Ukraine cáo buộc một số nước phương Tây và các hãng thông tấn đã phóng đại quá mức về mối nguy hiểm vì mục đích địa chính trị. Một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Ukraine cũng lên tiếng chỉ trích Mỹ và Anh khi yêu cầu gia đình của các nhà ngoại giao rời khỏi đại sứ quán ở Kiev.
Một nguồn tin được cho là thân cận với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói với BuzzFeed News hôm 24/1 rằng, chính phủ Ukraine "không cho rằng có bất kỳ mối đe dọa từ xa nào sắp xảy ra đối với Kiev". Nguồn tin này gọi việc Mỹ quyết định sơ tán các nhà ngoại giao khỏi đại sứ quán ở Kiev là "rất đáng thất vọng".
Trong bài phát biểu trước người dân cả nước vào tuần trước, Tổng thống Zelensky hỏi rằng: "Có gì mới không? Đây không phải là thực tế vẫn tồn tại trong suốt 8 năm qua sao?".
Cơ quan tình báo quân sự của Ukraine cho biết có ít nhất 127.000 binh sĩ Nga đang tập trung ở biên giới. Con số này chưa bao gồm binh lính và thiết bị quân sự đang được Nga chuyển đến nước láng giềng Belarus, một đồng minh của Moscow, trước khi diễn ra cuộc tập trận quân sự vào tháng tới. Mỹ nói rằng những cuộc tập trận này có thể được xem như một cái cớ để Nga bố trí lực lượng trong tầm tấn công trực tiếp đến thủ đô Kiev của Ukraine.
Mặc dù vậy, trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Ukraine ICTV hôm 24/1, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov dường như vẫn đặt nghi vấn xung quanh những ồn ào liên quan đến hoạt động quân sự của Nga.
"Hôm nay, ngay tại thời điểm này, không có một nhóm tấn công nào của lực lượng vũ trang Nga được thành lập, điều này chứng minh rằng ngày mai họ sẽ không tấn công quân sự. Đó là lý do tôi yêu cầu mọi người không lan truyền sự hoảng loạn", Bộ trưởng Reznikov nói.
Lý do Ukraine không "sốt sắng"
Các nhà phân tích cho biết có nhiều lý do khác nhau dẫn đến sự không đồng nhất trong thông điệp của các quan chức Ukraine và những người đồng cấp Mỹ giữa lúc "nước sôi lửa bỏng".
Tổng thống Zelensky phải khéo léo trong việc đưa ra thông điệp để không làm đứt đoạn nguồn viện trợ từ phương Tây, đồng thời tránh chọc tức Nga và trấn an người dân Ukraine.
Sau 8 năm kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, các chuyên gia cho rằng Ukraine buộc phải tính toán mối đe dọa khác từ Moscow với các đồng minh phương Tây.
Năm 2014, các đơn vị biệt kích của Nga được cho là đã tham gia chiến dịch sáp nhập bán đảo Crimea, trong khi lực lượng ly khai được cho là do Nga hậu thuẫn đã triển khai hoạt động tại 2 tỉnh miền đông Ukraine. Hơn 13.000 người đã thiệt mạng trong các cuộc xung đột.
"Chúng tôi hiểu các kế hoạch và ý định của Nga. Nhưng đối với chúng tôi, khóc lóc vì sợ hãi là điều không cần thiết", Oleksii Danilov, người đứng đầu hội đồng quốc phòng và an ninh quốc gia Ukraine, cho biết.
Ông Danilov và những người khác trong chính phủ Ukraine cho rằng, việc gieo rắc sự hoảng loạn và xáo trộn trong xã hội Ukraine cũng là một phần trong chiến lược của Nga, giống như bất kỳ động thái quân sự nào. Vì vậy, thể hiện sự sợ hãi tức là đã trao chiến thắng cho đối phương ngay cả khi tiếng súng chưa nổ ra.
"Nhiệm vụ của chúng tôi bây giờ là thực hiện công việc của mình trong một môi trường bình tĩnh và cân bằng", ông Danilov nói.
Mỹ cũng có lý do riêng của nước này khi liên tục cảnh báo về mối đe dọa từ Nga. Maria Zolkina, nhà phân tích chính trị của Tổ chức Sáng kiến Dân chủ có trụ sở tại Kiev, cho biết Washington buộc phải gửi một thông điệp mạnh mẽ tới cả Moscow và các đồng minh ở châu Âu như Đức - những nước vẫn còn do dự trong việc đưa ra lập trường vững chắc chống lại Nga.
Tuy vậy, hồi chuông cảnh báo của Washington, bao gồm việc đặt 8.500 binh sĩ Mỹ trong tình trạng "báo động cao" để sẵn sàng triển khai tới sườn phía đông của NATO, có thể càng kích động Điện Kremlin. Nga cũng có thể viện cớ sự khiêu khích của Mỹ để thực hiện hành động cứng rắn hơn.
Ngày 25/1, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Moscow đang theo dõi các hoạt động chuyển quân của NATO "với sự quan ngại sâu sắc".
Không phải tất cả người dân Ukraine đều đồng ý với cách tiếp cận của chính phủ hiện tại. Cuối tuần trước, các nhà lãnh đạo của phe đối lập chính trị ở Ukraine đã hối thúc ông Zelensky gác lại lời kêu gọi bình tĩnh và chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh.
Một nhóm các thành viên Quốc hội từ các đảng phái khác nhau, cũng như cựu tổng thống, thủ tướng và ngoại trưởng Ukraine đã ký một thông cáo chung kêu gọi ông Zelensky huy động lực lượng của Ukraine để đối phó với "mối đe dọa chết người từ Nga, đang rình rập Ukraine".
"Tổng thống tin rằng nếu ông ấy khiến người dân Ukraine sợ hãi, tỷ lệ ủng hộ dành cho ông ấy sẽ giảm xuống", cựu Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk nói về ông Zelensky.
"Nếu Nga bắt đầu hành động quân sự, chúng ta phải quên đi hệ thống chính trị và bảng xếp hạng tín nhiệm ở nước này, vì tôi không chắc chúng ta sẽ có cơ hội tổ chức các cuộc bầu cử quốc hội hoặc tổng thống tiếp theo", cựu Thủ tướng Ukraine cảnh báo.