1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Cấu trúc an ninh châu Âu thay đổi sau sự kiện Nga tấn công Ukraine

Hiện nhiều quốc gia châu Âu vẫn đang tiếp tục gửi viện trợ tới Ukraine nhằm giúp quốc gia này chống đỡ lại chiến dịch quân sự của Nga.

Ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga-Ukraine

Trong đó, đáng chú ý là Đức đã có quyết định lịch sử khi gửi vũ khí sát thương tới khu vực xung đột. Việc Liên minh châu Âu cùng nhiều quốc gia thành viên cũng như một số quốc gia châu Âu khác trong những ngày qua liên tiếp gia tăng viện trợ quân sự cho Ukraine thể hiện rất nhiều điều. Đầu tiên, là Liên minh châu Âu. Trong thông báo đầu tuần này, lãnh đạo EU đã quyết định lần đầu tiên kích hoạt cơ chế được gọi là "Facility for Peace" - tạm hiểu là một nền tảng cơ sở để bảo vệ hòa bình, để qua đó cung cấp ngay lập tức 450 triệu euro trợ giúp cho Ukraine mua các loại vũ khí, không chỉ để phòng thủ mà còn để tấn công, bao gồm cả phương án mua một số máy bay chiến đấu.

Cấu trúc an ninh châu Âu thay đổi sau sự kiện Nga tấn công Ukraine - 1

Một thiết giáp, chưa rõ của phe nào, bị phá hủy trên đường phố của thành phố Bucha thuộc vùng Kiev ngày 1/3 (Ảnh: Reuters).

Tiếp đến, chính phủ Đức cũng đã lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ từ bỏ một nguyên tắc vốn được xem là cấm kị trong chính sách đối ngoại của nước này, đó là nguyên tắc "không cung cấp vũ khí cho các bên đang trong xung đột" để gửi 5.000 vũ khí các loại cho Ukraine. Phần Lan, một quốc gia giữ vị thế trung lập trong suốt nhiều thập kỷ Chiến tranh Lạnh cũng quyết định gửi vũ khí cho Ukraine. Thụy Điển cũng hành động tương tự, dù lần cuối cùng Thụy Điển gửi vũ khí trợ giúp một quốc gia khác đã cách đây gần 1 thế kỷ, từ năm 1939.

Tất cả những điều này cho thấy, cuộc chiến tại Ukraine đã có tác động ghê gớm mà nói như nhiều lãnh đạo châu Âu, đây là một sự kiện lịch sử, một cột mốc làm thay đổi tiến trình lịch sử tại châu Âu và trước một biến cố trọng đại như thế, châu Âu cũng đang phải có những thay đổi lịch sử về mặt chính sách. Cần nhắc lại rằng, chỉ vài tuần trước, chính phủ Đức không những không gửi vũ khí trợ giúp cho Ukraine mà còn cấm tất cả các nước đã mua vũ khí của Đức không được viện trợ số vũ khí đó cho Ukraine.

Thậm chí, máy bay của các nước châu Âu chở vũ khí đến Ukraine còn không được phép bay qua không phận Đức. Nhưng việc Nga phát động cuộc chiến tại Ukraine đã phá nát cấu trúc an ninh châu Âu và nước Đức buộc phải thích ứng. Không chỉ gửi vũ khí cho Ukraine, Đức còn ngay lập tức bổ sung 100 tỷ euro cho ngân sách quốc phòng năm 2022 và tuyên bố từ sau thời điểm này, Đức sẽ chi trên 2% GDP mỗi năm cho quốc phòng.

Với nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới như Đức, con số này sẽ là rất lớn, ở mức dao động từ 70 đến 80 tỷ euro mỗi năm và sẽ nhanh chóng đưa Đức thành một trong những nước chi tiêu quân sự lớn nhất thế giới. Đó sẽ là một thay đổi chiến lược với châu Âu, bởi Đức bao năm qua vốn luôn né tránh việc đầu tư nhiều vào sức mạnh cứng.

Ở một khía cạnh khác, việc các nước châu Âu ồ ạt viện trợ quân sự cho Ukraine cho thấy, sau 1 tuần từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, châu Âu đánh giá Ukraine có khả năng thể trụ được lâu dài và có thể gây nên những tổn thất lớn cho phía Nga. Do đó, không chỉ cung cấp vũ khí phòng thủ mà giờ đây các nước châu Âu còn cung cấp cả vũ khí tấn công. Mục đích của châu Âu rất rõ ràng, và cũng đã được nhiều lãnh đạo khối này tuyên bố công khai, đó là sẽ làm mọi cách để gia tăng cái giá mà Nga phải trả cho hành động quân sự của Nga tại Ukraine.

Tính toán của châu Âu trước mối lo an ninh

Sau sự kiện Ukraine, các nước Đông Âu thuộc không gian Xô Viết cũ, các nước Baltic, các nước đang theo đường lối trung lập như Phần Lan, Thụy Điển hiện đều không cảm thấy an toàn khi cấu trúc an ninh châu Âu với hàng loạt thỏa thuận đã bị phá vỡ.

Trong số những quốc gia lân cận Ukraine hoặc nằm trong không gian Xô Viết cũ, đa số đã gia nhập NATO và các quốc gia này đang kêu gọi sự hỗ trợ an ninh lớn từ NATO nhằm ngăn chặn nguy cơ xung đột từ Ukraine lan sang. NATO cũng đã có những động thái tương đối mạnh mẽ nhằm trấn an các quốc gia này, như Ba Lan, Romania, 3 nước Baltic.

Hàng loạt nước đã gửi thêm quân sang sườn Đông châu Âu và NATO cũng đã lần đầu tiên kích hoạt một phần lực lượng phản ứng nhanh của khối này. Hiện nay, mặc dù nguy cơ đụng độ giữa Nga với các nước NATO trên lý thuyết là có vì các lực lượng quân sự của hai bên đang hoạt động với cường độ dày đặc trong một phạm vi địa lý gần nhau nên có thể xảy ra các sự cố ngoài ý muốn, tuy nhiên, NATO đã nhiều lần khẳng định khối này không muốn chiến tranh với Nga.

Phía Nga chắc chắn cũng không mong muốn điều đó bởi NATO vẫn là một khối quân sự hùng mạnh. Do đó, với các quốc gia đã nằm trong NATO thì điều 5 của Hiệp ước NATO về phòng thủ tập thể vẫn là một bảo đảm tương đối vững chắc. Tuy nhiên, các nước khác như Moldavia, Gruzia hay Phần Lan, Thụy Điển thì đang lo ngại hơn, đặc biệt là Moldavia và Gruzia. Hai quốc gia này chưa phải thành viên NATO và đồng thời trong nội bộ cũng đang có những lực lượng ly khai thân Nga, vì thế lo ngại an ninh của Moldavia và Gruzia là có cơ sở. Hai nước này cũng thể hiện ý muốn gia nhập NATO rất rõ nhưng qua những gì đang diễn ra tại Ukraine và tại chính Gruzia vào năm 2008 thì có thể thấy, cả Nga lẫn NATO đều sẽ không để kịch bản này sớm xảy ra.

Với Phần Lan và Thụy Điển, các tính toán có nhiều khác biệt. Đây là hai quốc gia chưa gia nhập NATO dù hội tụ đủ mọi điều kiện và cũng được NATO chào đón nhưng trong nhiều thập kỷ qua, cả Phần Lan và Thụy Điển đều duy trì chính sách đối ngoại trung lập, không liên kết, chỉ xây dựng quan hệ đối tác với NATO kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.

Đặc biệt, Phần Lan được xem là một mô hình điển hình cho việc giữ được sự trung lập, quan hệ tốt với cả Nga (trước đây là Liên Xô) lẫn các nước phương Tây, vẫn phát triển được mô hình kinh tế tự do cho riêng mình. Tuy nhiên, sự kiện Ukraine cũng đang khiến cả Phần Lan lẫn Thụy Điển phải cân nhắc nhiều hơn bao giờ hết về việc gia nhập NATO. Các tranh luận này hiện đang rất nóng tại Phần Lan và Thụy Điển và các cuộc thăm dò gần đây cho thấy, quan điểm của người dân hai nước đang thay đổi rất nhanh.

Tại Phần Lan, cách đây 1 tháng vẫn chỉ có khoảng 28% người dân muốn gia nhập NATO nhưng cuộc thăm dò đầu tuần này của kênh truyền hình YLE cho thấy, con số này đã tăng lên 52%, cũng là lần đầu tiên đa số dân Phần Lan muốn gia nhập NATO. Tại Thụy Điển, con số này, theo khảo sát hôm 27/02 của kênh SVT cũng là 41%, cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, Nga cũng đã phát đi cảnh báo rằng nếu hai nước này, đặc biệt là Phần Lan, gia nhập NATO thì sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng về quân sự và chính trị. Do đó, các lãnh đạo Phần Lan và Thụy Điển cũng sẽ phải cân nhắc rất kỹ.

Châu Âu buộc phải thiết kế lại một cấu trúc an ninh khu vực mới?

Một số ý kiến cho rằng, toàn bộ cấu trúc an ninh tại châu Âu, vốn được xây dựng từ hơn 3 thập kỷ qua sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, đang đổ vỡ. Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sự đổ vỡ này đang được thể hiện ở Ukraine, đó là các nước phương Tây và Nga đã không thể dung hòa được lợi ích của nhau, không lắng nghe các quan ngại của nhau, cụ thể là việc NATO đã mở rộng quá ồ ạt sang phía Đông, bất chấp các cam kết với Nga trong nhiều năm qua, khiến Nga cảm thấy bị đe dọa an ninh nghiêm trọng. Do đó, một cấu trúc an ninh mới sau này chắc chắn sẽ phải nhận thức được bài học vô cùng đắt giá này.

Nhưng, việc thảo luận về một cấu trúc an ninh mới đảm bảo hòa bình lâu dài tại châu Âu có lẽ không phải là việc thích hợp vào thời điểm này. Quan hệ Nga - phương Tây đã đổ vỡ hoàn toàn, hai bên hiện nay chỉ còn thiếu mỗi việc là xung đột quân sự trực diện. Phương Tây đã tung ra các lệnh trừng phạt chưa từng có nhằm vào Nga và cũng đã công khai tuyên bố muốn đánh sập nền kinh tế Nga để buộc Nga phải trả giá cho hành động quân sự tại Ukraine.

Về phần mình, Nga cũng đã đưa ra lựa chọn, đó là hành động quyết liệt, bất chấp các chỉ trích từ thế giới, các rủi ro bị bao vây, cô lập, để xác lập lại vùng ảnh hưởng của mình, lập lại trật tự an ninh mới. Do đó, tương lai lâu dài tại châu Âu sẽ là sự đối đầu thậm chí có thể gay gắt hơn cả thời Chiến tranh Lạnh. Đây là một sự kiện lịch sử, một sự đổ vỡ toàn diện của an ninh châu Âu và hậu quả của nó sẽ còn rất dài. Vẫn chưa thể biết đến khi nào thì phương Tây và Nga mới có thể ngồi lại với nhau để đối thoại về một cấu trúc an ninh mới cho châu Âu.

Theo Quang Dũng - VOV