Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Việt Nam: Chuyến thăm tạo đà cho tương lai
(Dân trí) - Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam mang ý nghĩa quan trọng khi diễn ra đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với nhiều thành tựu nổi bật.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng, chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ diễn ra trong 2 ngày 10/9 và 11/9 theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh cho rằng đây là chuyến thăm mang ý nghĩa rất quan trọng.
"Chuyến thăm diễn ra vào dịp hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện (2013-2023). Đây cũng là giai đoạn được coi là phát triển mạnh mẽ nhất và thực chất nhất trong quan hệ Việt - Mỹ, dẫn đến những bước phát triển phù hợp với lợi ích của cả hai bên", ông Vinh nhận định.
Từ đầu năm nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden đã có cuộc điện đàm cấp cao vào ngày 29/3. Cuộc điện đàm được coi là sự khởi đầu cho dấu mốc kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện.
Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, hai nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh một số điểm quan trọng trong cuộc điện đàm: Một là, đánh giá 10 năm đối tác toàn diện là giai đoạn phát triển rất tích cực, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước; hai là, hai bên sẽ thúc đẩy các chuyến thăm, trong đó có chuyến thăm cấp cao để tăng cường hơn nữa quan hệ và nâng tầm quan hệ lên một mức mới; ba là, hai bên cũng xác định tiếp tục thúc đẩy quan hệ thực chất hơn, nhưng cũng có nhiều lĩnh vực mới mà hai bên có thể đẩy mạnh hợp tác như kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, phát triển bền vững và chất lượng cao, trong đó có chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hậu cần…
"Nhìn tổng thể, chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden vừa đánh dấu sự kiện kỷ niệm 10 năm hai nước thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, cũng là dịp nhìn lại thành quả của 10 năm qua, nhưng quan trọng hơn cả là tạo đà, định hướng cho các bước phát triển trong thời gian tới trong quan hệ giữa hai nước, vừa định hướng phát triển, vừa nhấn mạnh các nguyên tắc chỉ đạo quan hệ, đặc biệt là xem xét nâng tầm quan hệ lên mức mới", ông Vinh nói.
Chuyến thăm trong bối cảnh mới
Từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, tất cả các đời tổng thống Mỹ đều thăm Việt Nam, mỗi chuyến thăm đều để lại dấu ấn để thúc đẩy quan hệ.
Tại Mỹ, các đời tổng thống khác nhau thuộc hai đảng khác nhau, nhưng đều chọn thăm Việt Nam, điều này cho thấy có sự đồng thuận giữa hai đảng trong lòng nước Mỹ. Các tổng thống Mỹ, dù ở đảng nào, cũng đều coi trọng mối quan hệ với Việt Nam.
"Chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden lần này diễn ra trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động và quan hệ Việt - Mỹ đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Do vậy, hai nước sẽ phải tìm cách thích ứng với đà quan hệ cũng như chuyển động mới của tình hình khu vực và thế giới", ông Vinh cho biết.
Theo Đại sứ Vinh, những chuyển động mới trong tình hình khu vực và thế giới có cả thách thức và cơ hội. Thách thức có thể thấy là những cuộc khủng hoảng trên thế giới và khu vực, cũng như các thách thức khác đang đặt ra, bao gồm an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, thách thức do đứt gẫy chuỗi cung ứng, dịch chuyển chuỗi cung ứng.
Tuy vậy, bối cảnh hiện nay cũng đặt ra nhiều cơ hội để hai bên có thể hợp tác được với nhau, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, công nghệ và phát triển bền vững, phát triển xanh, phát triển số…
Chuyến thăm lần này diễn trong bối cảnh kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, do vậy hai bên sẽ định hướng chặng đường đi sắp tới cùng với tiếp tục duy trì đà quan hệ phát triển trong bối cảnh mới.
"Ngoài ra, cũng cần nhấn mạnh đến chữ "duyên" giữa cá nhân Tổng thống Joe Biden và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng", ông Vinh chia sẻ.
Cách đây 8 năm, vào tháng 7/2015, khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ, lúc đó Phó Tổng thống Joe Biden là người chủ trì buổi chiêu đãi Tổng Bí thư và hai nhà lãnh đạo đã có những cuộc trao đổi.
Vào đầu năm 2021, nhân dịp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII, Tổng thống Joe Biden đã gửi thư chúc mừng. Đến tháng 3 năm nay, hai nhà lãnh đạo tiếp tục có cuộc điện đàm cấp cao.
Như vậy, từ 2015 đến nay, hai bên vẫn nhấn mạnh việc tôn trọng thể chế chính trị của nhau, đặc biệt là duy trì liên hệ cấp cao giữa hai người đứng đầu hệ thống chính trị của hai nước.
Kỳ vọng về quan hệ song phương
Đại sứ Phạm Quang Vinh cho biết ông có một số kỳ vọng về quan hệ Việt - Mỹ sau chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Joe Biden.
Thứ nhất, hai bên chắc chắn sẽ nhấn mạnh việc tiếp tục đà quan hệ song phương, đặc biệt là các chương trình hợp tác phát triển hiện có và định hướng cho tương lai.
Thứ hai, hai bên sẽ làm sâu sắc hơn sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, đặc biệt là nguyên tắc chỉ đạo quan hệ, bao gồm việc tôn trọng thể chế chính trị của nhau.
Thứ ba, lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ vẫn là những lĩnh vực trọng tâm sau những khó khăn trong thời gian đại dịch vừa qua và các cuộc khủng hoảng trên thế giới. Đặc biệt, quan hệ kinh tế thời gian tới sẽ tập trung vào việc phát triển bền vững và chất lượng cao, tập trung vào khoa học công nghệ, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số.
"Tôi kỳ vọng vào tất cả những điều trên. Ngoài ra, quan hệ Việt - Mỹ đã đạt đến tầm toàn diện và chiến lược, nên tôi rất mong lần này, hai nước sẽ nâng cấp quan hệ", Đại sứ Phạm Quang Vinh nhấn mạnh.
Dấu mốc quan trọng
Tháng 7/2013, Mỹ và Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác toàn diện. Cuối năm 2014, Đại sứ Phạm Quang Vinh chính thức bắt đầu nhiệm kỳ công tác tại Mỹ.
Đánh giá về sự kiện Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ đối tác toàn diện cách đây 10 năm, Đại sứ Phạm Quang Vinh cho rằng đây là "sự kiện có ý nghĩa quan trọng".
"Đặt trong bức tranh tổng thể khi hai nước từng xảy ra chiến tranh, cấm vận, đến bình thường hóa quan hệ, và từ bình thường hóa đến việc trở thành đối tác toàn diện, có thể thấy hai bên đã có những bước tiến nhanh và bước tiến dài. Vì đây là khuôn khổ đầu tiên ổn định, lâu dài và toàn diện trong quan hệ Việt - Mỹ, nên việc hai nước thiết lập quan hệ đối tác toàn diện đã tạo đà cho những bước đi trong tương lai", ông Vinh nhấn mạnh.
Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, 10 năm đối tác toàn diện có thể coi là "giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất, thực chất nhất, sâu rộng nhất trong quan hệ Việt - Mỹ trên tất cả lĩnh vực".
Nhiệm kỳ từ năm 2014 đến năm 2018 của Đại sứ Phạm Quang Vinh gắn với dấu mốc kỷ niệm 20 năm Việt - Mỹ thiết lập quan hệ (1995-2015). Theo ông, một sự kiện không thể không nhắc đến là chuyến thăm đầu tiên của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tới Mỹ vào tháng 7/2015.
Như vậy, ngay trong lĩnh vực chính trị, về tăng cường hiểu biết, tăng cường tin cậy và thúc đẩy hợp tác trên cơ sở tôn trọng thể chế chính trị của nhau vẫn còn có dư địa để làm sâu sắc hơn nữa. Ngoài ra, các lĩnh vực khác như khoa học công nghệ, an ninh quốc phòng, hợp tác khu vực… cũng dần được tăng cường.
Về chính trị, một loạt chuyến thăm cấp cao giữa hai nước đã diễn ra trong 10 năm qua, trong đó dấu ấn lớn nhất là chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - chuyến thăm lịch sử, đánh dấu lần đầu tiên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thăm Mỹ - hội đàm với Tổng thống Barack Obama và ra tuyên bố tầm nhìn quan hệ giữa hai nước vào tháng 7/2015.
Tháng 5/2016, Tổng thống Obama có chuyến thăm Việt Nam. Tháng 11/2017, Tổng thống Donald Trump cũng có chuyến thăm tới Việt Nam. Sau đó, vào tháng 2/2019, Tổng thống Trump đến Hà Nội để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. Tháng 8/2021, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cũng có chuyến thăm Việt Nam ngay trong năm đầu nhiệm kỳ.
Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, những chuyến thăm này có một số ý nghĩa.
"Thứ nhất, các chuyến thăm cấp cao cho thấy hai bên coi trọng mối quan hệ song phương. Thứ hai, mỗi một chuyến thăm càng thúc đẩy hơn nữa khuôn khổ hợp tác giữa hai bên. Thứ ba, các chuyến thăm cũng nhấn mạnh nguyên tắc về quan hệ, trong đó có nguyên tắc tôn trọng thể chế chính trị. Chính trị đối ngoại thông qua các chuyến thăm đã tăng cường sự hiểu biết, tăng cường sự hợp tác, tăng cường định hướng cho quan hệ song phương", ông Vinh nhận định.
Về kinh tế thương mại đầu tư, đây là lĩnh vực được coi là điểm sáng trong hợp tác Việt - Mỹ và hai bên cùng có lợi ích. Vào thời điểm hai nước thiết lập quan hệ đối tác toàn diện cách đây 10 năm, thương mại hai chiều khoảng 35-36 tỷ USD, nhưng đến cuối năm 2022, con số này đã lên tới 123 tỷ USD, tức là tăng gần gấp 4 lần.
Mỹ hiện trở thành thị trường duy nhất và đầu tiên vượt ngưỡng 100 tỷ USD trong xuất khẩu của Việt Nam. Những con số này có ý nghĩa rất quan trọng.
Thị trường Mỹ là thị trường rất quan trọng đối với Việt Nam. Trong tương tác kinh tế của Việt Nam, châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu và Mỹ là 3 cực vô cùng quan trọng để tạo thế cân bằng thương mại. Nếu 3 cực trung tâm này có trục trặc, mất cân bằng thương mại và đứt gãy chuỗi cung ứng sẽ xảy ra.
Về các lĩnh vực khác, hai nước cũng đạt được nhiều thành tựu trong 10 năm qua.
Trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, hai nước tăng cường hợp tác cả trên bình diện song phương và đa phương. Mỹ giúp Việt Nam tăng cường năng lực an ninh hàng hải, chuyển giao tàu, hợp tác thông qua cơ chế đa phương như Liên hợp quốc, ASEAN… Hai nước cũng hợp tác trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh.
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Mỹ là một trong những nước giúp Việt Nam nhiều nhất và kịp thời nhất về vaccine. Hơn 40 triệu liều vắc xin đã được Mỹ chuyển cho Việt Nam vào lúc dịch bệnh căng thẳng nhất và thế giới vẫn khan hiếm vaccine.
Ngoài ra, về hợp tác giáo dục, hơn 30.000 sinh viên Việt Nam theo học tại Mỹ. Việc thành lập Trường Đại học Fulbright Việt Nam cũng được coi là điểm nhấn trong quan hệ hợp tác giáo dục giữa hai bên.
Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, tiến trình phát triển quan hệ Việt - Mỹ trong 10 năm qua thể hiện qua một số dấu mốc.
Năm 2013 gắn với dấu mốc hai nước thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, đánh dấu chương mới trong 18 năm quan hệ ngoại giao, tạo ra khuôn khổ hợp tác ổn định và toàn diện trong quan hệ Việt - Mỹ.
Năm 2015 gắn với dấu mốc 20 năm Việt - Mỹ thiết lập quan hệ, đánh dấu sự sâu sắc hơn trong việc hiểu biết và hợp tác giữa hai nước, nhất là lòng tin về chính trị thể hiện qua chuyến thăm đầu tiên của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tới Mỹ, hai bên ra tuyên bố tầm nhìn, nhấn mạnh nguyên tắc tôn trọng thể chế chính trị của nhau.
Một dấu mốc nữa thể hiện qua những chuyến thăm cấp cao liên tục giữa hai nước qua các năm. Điều này cho thấy hai bên đều coi trọng mối quan hệ này và Mỹ coi trọng cả quan hệ song phương lẫn vị trí địa chiến lược của Việt Nam.
"Điều này cũng cho thấy sự đồng thuận của hai đảng ở Mỹ đối với mối quan hệ với Việt Nam, dù rằng tình hình thế giới cũng như khu vực có những chuyển biến phức tạp, dù rằng quan hệ hai nước có thời kỳ lịch sử là một cuộc chiến tranh và hiện tại là sự khác biệt về chế độ chính trị.
Đây là cơ sở để hai nước phát triển hơn nữa mối quan hệ trong tương lai", ông Vinh cho biết thêm.
Một điểm đáng chú ý là khi thế giới bước vào giai đoạn cạnh tranh quyết liệt và đối mặt với nhiều thách thức trong những năm gần đây liên quan đến đại dịch Covid-19, cạnh tranh giữa các nước lớn, cuộc chiến Nga - Ukraine, chuyển đổi chính sách của các nước trong khu vực, mối quan hệ Việt - Mỹ vẫn được đặt trong tổng thể độc lập, tự chủ và đa dạng hóa. Việt Nam vẫn giữ được tự chủ chiến lược, nhưng đồng thời vẫn duy trì quan hệ với tất cả nước lớn.
Quan hệ Việt - Mỹ được mở rộng, nhưng quan hệ Việt Nam với châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương, với Trung Quốc và các nước khác vẫn được tăng cường. Như vậy, có thể thấy, dấu mốc của quan hệ Việt - Mỹ được đặt trong tổng thể quan hệ đường lối đối ngoại chung của Việt Nam.
Động lực thúc đẩy quan hệ song phương
Đại sứ Phạm Quang Vinh cho rằng có 3 yếu tố để đưa quan hệ Việt - Mỹ phát triển lên tầm cao như hiện nay.
Thứ nhất, hai nước đã nỗ lực vượt qua quá khứ từng là cựu thù trong chiến tranh. Hai nước có chủ trương khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, nhưng nếu dừng lại ở đó chưa đủ, mà còn thừa nhận quá khứ để cùng nhau hợp tác, khắc phục hậu quả chiến tranh.
Đây được xem là bước đầu tiên để hai nước bình thường hóa quan hệ và thiết lập quan hệ đối tác toàn diện.
Cả Mỹ và Việt Nam đều phải vượt qua hội chứng chiến tranh trong lòng mỗi nước, mỗi bên đều chịu những đau thương mất mát, không chỉ 20 năm chiến tranh mà còn 20 năm cấm vận.
Thứ hai, Mỹ và Việt Nam đã tạo ra được nguyên tắc để dù hai bên có thể chế chính trị khác biệt vẫn có thể hợp tác và hợp tác ngày càng sâu rộng. Nguyên tắc chỉ đạo trong quan hệ đối tác toàn diện là tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, hợp tác bình đẳng cùng có lợi và tôn trọng thể chế chính trị của nhau.
Cùng với nguyên tắc chỉ đạo quan hệ, nguyên tắc tôn trọng thể chế chính trị của nhau là nền tảng cho mối quan hệ ngày càng tăng cường hiểu biết và lòng tin chính trị. Điều này không có nghĩa là không có khác biệt, nhưng những khác biệt đó đều được giải quyết trên cơ sở nhận thức chung, bao gồm sự hiểu biết, xây dựng lòng tin chính trị, tôn trọng thể chế chính trị, phù hợp lợi ích hai nước.
Thứ ba, Mỹ và Việt Nam đều đan xen lợi ích và hai bên cùng có lợi từ việc thúc đẩy quan hệ song phương. Đan xen lợi ích ngày càng được mở rộng và song trùng nhiều hơn. Hai bên mở rộng các lĩnh vực hợp tác, nhưng trong mỗi lĩnh vực cũng có song trùng lợi ích nhiều hơn do đà quan hệ tăng lên. Đồng thời, còn nhiều dư địa cần bổ sung trong việc đan xen lợi ích.
Chỉ riêng hợp tác kinh tế thương mại đã chứng minh rằng hai bên có lợi ích và bổ sung cho nhau. Không gian kinh tế giữa hai nước còn rất lớn, thể hiện qua các con số tăng trưởng qua từng năm. Ngoài ra, những ngành kinh tế mới và chuyển dịch chuỗi cung ứng cũng tạo thuận lợi cho Việt Nam mở rộng quan hệ với Mỹ.
Bên cạnh đó, Mỹ cùng cần tăng cường hợp tác với Việt Nam, quốc gia có vị trí địa chiến lược ở châu Á - Thái Bình Dương, khi Mỹ muốn tăng cường quan hệ và mở rộng hợp tác tại khu vực này.
"Dư địa hợp tác trong tương lai của quan hệ Việt - Mỹ còn rất lớn. Trên cơ sở 9 trụ cột của quan hệ đối tác toàn diện, hai nước còn rất nhiều không gian để khai thác", Đại sứ Phạm Quang Vinh nhận định.
Tính riêng trong lĩnh vực kinh tế, 10 năm quan hệ đối tác toàn diện và 28 năm quan hệ song phương đã đặt nền tảng để các tập đoàn lớn của Mỹ tới Việt Nam và đều có chương trình dài hạn ở đây.
Việt Nam cần tranh thủ thị trường Mỹ, nhưng ở trong nước, Việt Nam cũng cần tạo ra các sản phẩm có sức hấp dẫn và cạnh tranh, đồng thời thu hút nhà đầu tư Mỹ vào Việt Nam. Ngoài ra, hai nước cũng cần tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực mới như kinh tế số, chuyển đổi số…
Vượt qua những thách thức để tiến xa hơn
Đại sứ Phạm Quang Vinh cho rằng, quan hệ Việt - Mỹ hiện nay "vẫn đối mặt với một số thách thức, cả trên bình diện song phương và quốc tế".
Thứ nhất là sự khác biệt giữa hai nước, bao gồm về thể chế chính trị và nền kinh tế.
Về khác biệt thể chế chính trị, hai bên cần tạo ra cơ sở để có thể tăng cường hiểu biết, tăng cường lòng tin chính trị, thu hẹp phần khác biệt và nếu có khác biệt, cần đối thoại với nhau.
Do vậy, hai bên cần trao đổi chính trị, tăng cường hiểu biết, thúc đẩy các chuyến thăm, đẩy mạnh hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh để thấy rằng đây là cầu nối không chỉ giữa chính phủ với chính phủ mà còn người dân với người dân. Ngoài ra, hai bên cần tăng cường đan xen lợi ích, trong đó nhấn mạnh nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng cùng có lợi, bao gồm tôn trọng thể chế chính trị của nhau.
Về khác biệt nền kinh tế, hai nước có trình độ phát triển kinh tế khác nhau, tỷ trọng nền kinh tế, GDP cũng khác. Việt Nam đang chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, còn Mỹ là nền kinh tế thị trường tự do.
"Do vậy, nếu muốn tiếp cận thị trường Mỹ, chắc chắn Việt Nam phải đáp ứng yêu cầu đòi hỏi từ phía Mỹ, cũng như xây dựng nền tảng tốt.
Hơn nữa, thị trường Mỹ không chỉ hấp dẫn với Việt Nam mà còn hấp dẫn với rất nhiều nước, do vậy những mặt hàng của Việt Nam phải đủ sức cạnh tranh, mà muốn đủ sức cạnh tranh đòi hỏi phải cải cách và nâng cao chất lượng", ông Vinh nêu rõ.
Một thách thức nữa là tác động từ môi trường bên ngoài. Dịch bệnh là tác nhân lớn nhất dẫn đến khó khăn kinh tế của tất cả thị trường lớn của Việt Nam, bao gồm châu Âu và Mỹ, trong khi Việt Nam là nền kinh tế hướng theo xuất khẩu. Do vậy, sản phẩm của Việt Nam phải đủ sức hấp dẫn và đủ sức cạnh tranh với các nước khác.
Ngoài ra, cạnh tranh giữa các nước lớn dẫn đến những khó khăn, phức tạp, nhưng đồng thời cũng dịch chuyển các chuỗi cung ứng, tạo ra những cơ hội mới. Do vậy, Việt Nam phải đủ bản lĩnh, đủ năng lực để chọn cơ hội trong những thách thức đó.
Khi hợp tác ngày càng gia tăng, sẽ có thêm những thách thức mới và cơ hội mới. Thách thức bao gồm rào cản về kinh tế khi Việt Nam trở thành đối tác lớn của Mỹ, tham gia sâu rộng hơn vào thị trường Mỹ…