Chuyến thăm của Tổng thống Biden được bảo vệ như thế nào?

Hải Nam Hải Đường

(Dân trí) - Để bảo vệ cho Tổng thống Mỹ, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ lựa chọn sĩ quan tiếp cận phải có nhiều kinh nghiệm làm việc với an ninh Mỹ qua những kỳ, cuộc bảo vệ các đời Tổng thống Mỹ trước đó.

Trong 2 ngày 10-11/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có chuyến thăm cấp nhà nước tại Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chuyến thăm kết thúc tốt đẹp, quan hệ 2 nước được nâng tầm cao mới, là Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Trong gần 30 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao, Việt Nam đón tiếp 4 đời Tổng thống Mỹ đương nhiệm sang thăm và làm việc. Điều này không chỉ khẳng định vị thế, khả năng ngoại giao, sự phát triển của Việt Nam trên trường quốc tế mà còn tô đậm hơn hình ảnh một Việt Nam an toàn, hòa bình, thân thiện.

Đối với chuyến thăm của ông Joe Biden lần này, công tác an ninh của Việt Nam một lần nữa "ghi điểm", mà trong đó, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ là lực lượng nòng cốt.

Chuyến thăm của Tổng thống Biden được bảo vệ như thế nào? - 1

Lực lượng cảnh vệ bảo vệ lễ đón Tổng thống Biden tại sân bay Nội Bài (Ảnh: Bộ Tư lệnh Cảnh vệ).

"Uy tín" từ 5 lần bảo vệ các đời Tổng thống Mỹ sang Việt Nam

Theo Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, ngay sau khi nhận thông tin về kế hoạch sang Việt Nam của Tổng thống Joe Biden, đơn vị đã chủ động phối hợp với Cục Lễ tân Nhà nước (Bộ Ngoại giao) để nắm tình hình, trực tiếp làm việc với các đoàn tiền trạm của Mỹ. Từ đó, các nội dung liên quan đến công tác bảo vệ được thống nhất.

Trên cơ sở công tác nắm và dự báo tình hình, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã tham mưu Bộ Công an trong việc phân công nhiệm vụ tới công an các đơn vị, địa phương, theo tinh thần đảm bảo an ninh, an toàn với "mức độ cao nhất" cho đoàn Tổng thống Mỹ.

Trong quá trình làm việc với các đoàn tiền trạm, mặc dù phía an ninh Mỹ luôn đưa ra những yêu cầu, đòi hỏi rất cao trong công tác bảo vệ, song với sự tin tưởng qua 5 lần bảo vệ các đời Tổng thống Mỹ sang thăm Việt Nam trước đó, Cơ quan Mật vụ, Cơ quan An ninh Ngoại giao Mỹ đã có sự tin tưởng nhất định và tìm được "tiếng nói chung" với lực lượng an ninh Việt Nam.

Chuyến thăm của Tổng thống Biden được bảo vệ như thế nào? - 2

Cảnh vệ Việt Nam làm việc với lực lượng an ninh Mỹ (Ảnh: Bộ Tư lệnh Cảnh vệ).

Qua đó, 2 bên cùng thực hiện nhiệm vụ trên nguyên tắc: Mọi hoạt động của mật vụ an ninh và các cơ quan của Mỹ phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam; Bộ Tư lệnh Cảnh vệ Việt Nam và các đơn vị của Bộ Công an chịu trách nhiệm chính trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho Tổng thống Joe Biden trong suốt thời gian hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. 

Đồng thời, 2 bên cũng thống nhất một số biện pháp linh hoạt để đáp lại việc Mỹ đón tiếp trọng thị Tổng Bí thư và lãnh đạo cấp cao của Việt Nam trong những năm qua.

Bên cạnh đó, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, nắm bắt tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, từ đó phát hiện, ngăn chặn, vô hiệu hóa kịp thời mọi âm mưu đe dọa an ninh, an toàn cho đoàn khách; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao, các cơ quan liên quan để đảm bảo các yêu cầu về nghi lễ đối ngoại theo quy định; xác định rõ khu vực trọng tâm, trọng điểm, vừa đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn mọi hoạt động của Tổng thống Mỹ, vừa đảm bảo chủ quyền an ninh quốc gia.

"Mọi kế hoạch, phương án bảo vệ chính xác từng phút"

Trong công tác bảo vệ an ninh, an toàn cho chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden, Phòng Bảo vệ sự kiện đặc biệt và khách quốc tế (Bộ Tư lệnh Cảnh vệ) là đơn vị chủ công.

Đơn vị đã khảo sát các địa điểm hoạt động, tuyến đường di chuyển, nơi ăn nghỉ của Tổng thống, từ đó tham mưu lãnh đạo Bộ Tư lệnh Cảnh vệ chủ động xây dựng phương án, kế hoạch bảo vệ; huy động tối đa lực lượng, phương tiện kỹ thuật hiện đại tham gia công tác bảo vệ, kết hợp với nhiều biện pháp nghiệp vụ.

Chuyến thăm của Tổng thống Biden được bảo vệ như thế nào? - 3

Trung tướng Trần Hải Quân (sơ mi trắng dài tay quần đen) trực tiếp khảo sát, kiểm tra an ninh an toàn tại bức phù điêu cố Thượng nghị sĩ John MacCain (Ảnh: Bộ Tư lệnh Cảnh vệ).

Toàn bộ quá trình trên, đích thân Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ - Trung tướng Trần Hải Quân - là người chỉ đạo, kiểm tra.

Theo Thượng tá Trần Thế Việt (Phó trưởng phòng Bảo vệ sự kiện đặc biệt và khách quốc tế), bên cạnh việc xây dựng kế hoạch, bố trí lực lượng bảo vệ tại nơi diễn ra các hoạt động, nơi ăn - nghỉ, tuyến đường di chuyển của Tổng thống Biden, việc lựa chọn cán bộ bảo vệ tiếp cận ông Biden cũng đặc biệt.

Ngoài việc đáp ứng các tiêu chuẩn về trình độ nghiệp vụ, sĩ quan tiếp cận Tổng thống phải có nhiều kinh nghiệm làm việc với an ninh Mỹ qua những kỳ, cuộc bảo vệ các đời Tổng thống Mỹ trước đó. Đồng thời, phương án bảo vệ luôn phải có kế hoạch dự phòng.

Đánh giá về chuyến thăm lần này của ông Biden, Đại tá Trần Xuân Thịnh (Trưởng phòng Bảo vệ sự kiện đặc biệt quan trọng và khách quốc tế) cho biết, lịch hoạt động của Tổng thống rất dày, đặc biệt lại chỉ diễn ra trong chưa đầy 24 tiếng.

Vì vậy, theo Đại tá Thịnh, "mọi kế hoạch, phương án bảo vệ lần này được đơn vị chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ, tỉ mỉ, cẩn trọng hơn rất nhiều, đảm bảo chính xác đến từng phút".

Chuyến thăm của Tổng thống Biden được bảo vệ như thế nào? - 4

Trang thiết bị hiện đại được Bộ Tư lệnh Cảnh vệ sử dụng để bảo vệ Tổng thống Mỹ (Ảnh: Bộ Tư lệnh Cảnh vệ).

Là một trong các đơn vị nòng cốt thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh vệ tham gia bảo vệ chuyến thăm của Tổng thống Biden, Phòng Kỹ thuật bảo vệ đã sử dụng toàn bộ phương tiện kỹ thuật hiện đại nhất, phối hợp với lực lượng an ninh Mỹ tiến hành các biện pháp nghiệp vụ tổ chức kiểm tra an ninh, kiểm soát cả 3 vùng "trên không, mặt đất, dưới lòng đất" tại các địa điểm hoạt động, nơi ăn, nghỉ của Tổng thống Mỹ.

"Cùng với việc huy động nhiều phương tiện kỹ thuật hiện đại của đơn vị, chúng tôi còn tập trung lực lượng, ứng trực quân số đảm bảo sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ khi có tình huống phát sinh, nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho Tổng thống trong suốt thời gian hoạt động tại Việt Nam", Trung tá Nguyễn Minh Thủy, Phó trưởng phòng Kỹ thuật bảo vệ, chia sẻ.