Chuyên gia Mỹ: Ông Biden thăm Việt Nam vào thời điểm hoàn hảo
(Dân trí) - Trao đổi với Dân trí, các chuyên gia đánh giá chuyến thăm Việt Nam tới đây của Tổng thống Mỹ Joe Biden là cơ hội để 2 nước nhìn lại mối quan hệ và tìm kiếm cơ hội hợp tác mới sâu sắc hơn.
Trong 28 năm quan hệ Việt - Mỹ, một điều đã trở thành truyền thống: Mỗi đời tổng thống Mỹ từ thời ông Bill Clinton đều thăm Việt Nam. Có lẽ vì vậy mà thông báo của Nhà Trắng về việc ông Joe Biden sẽ tới Hà Nội vào ngày 10-11/9 không quá bất ngờ.
"Nếu ông Biden không có chuyến thăm thì đó mới thành câu chuyện gây chú ý", ông Gregory Poling, Giám đốc chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington D.C., chia sẻ với Dân trí.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, Tổng thống Joe Biden thăm Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Mục đích của chuyến thăm là nhằm trao đổi các phương thức để làm sâu sắc hơn hợp tác Việt - Mỹ, theo thông báo từ Nhà Trắng.
"Chuyến thăm cho thấy ngay cả với lịch trình di chuyển bận rộn và cuộc bầu cử cận kề vào năm sau, ông Biden vẫn thấy được tầm quan trọng của việc tiếp nối truyền thống thăm Việt Nam từ thời Tổng thống Clinton", ông Poling nói.
Ông Murray Hiebert, cố vấn cấp cao cùng thuộc chương trình Đông Nam Á tại CSIS, đánh giá thời điểm diễn ra chuyến thăm là phù hợp.
"Năm 2025, ông Biden hoặc một tổng thống Mỹ khác sẽ bận rộn với nhiệm kỳ hoặc chính quyền mới. Cùng lúc đó, Việt Nam sẽ chuẩn bị cho Đại hội Đảng vào năm 2026", ông Hiebert nói. "Như vậy lúc này thực sự là thời điểm hoàn hảo".
Động lực mới
Quan hệ Việt - Mỹ suốt 10 năm qua được đánh dấu bởi sự phát triển mạnh mẽ, thể hiện qua những con số về kim ngạch thương mại hai chiều, số sinh viên Việt Nam du học Mỹ, hay lượng du khách Mỹ thăm Việt Nam…
Tuy còn một số khác biệt, Việt - Mỹ có thể đối thoại và không biến những khác biệt đó trở thành trung tâm của toàn bộ mối quan hệ, theo ông Hiebert. Dù vậy, bối cảnh trong nước và quốc tế đã có nhiều thay đổi sau một thập niên và cũng đến lúc 2 nước cần cùng nhau tìm ra hướng hợp tác mới.
"Chuyến thăm lần này có ý nghĩa quan trọng vì nó góp phần giúp Việt Nam và Mỹ đưa quan hệ đi sâu hơn, khi chúng ta đang ở trong giai đoạn rất khác", ông Hiebert nói. "Cũng đã 10 năm trôi qua kể từ khi 2 nước thiết lập Đối tác toàn diện nên đây là dịp tốt để xem xét bổ sung các yếu tố mới vào mối quan hệ ấy".
Theo thông báo của Nhà Trắng, chuyến thăm là dịp để 2 nước trao đổi về các cơ hội "thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam lấy công nghệ làm trọng tâm, lấy đổi mới sáng tạo làm động lực, mở rộng quan hệ nhân dân thông qua chương trình trao đổi giáo dục, phát triển nhân lực và chống biến đổi khí hậu".
Ông Poling cho rằng hầu hết những kết quả 2 bên cùng đạt được sau chuyến thăm nhiều khả năng sẽ là sự tiếp nối của những chương trình được khởi xướng từ trước, chẳng hạn như chương trình Quan hệ đối tác về chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP).
"Chúng ta có thể thấy những chi tiết mới về các nguồn tài trợ trong JETP. Hợp tác về nguồn kim loại thiết yếu cũng là lĩnh vực 2 nước cùng quan tâm", chuyên gia từ CSIS nói, thêm rằng Việt - Mỹ trong tương lai dự kiến tăng cường hợp tác về an ninh biển, các công nghệ mới, thương mại điện tử và giao lưu nhân dân.
Chuyến thăm lần này cũng có ý nghĩa cá nhân đối với Tổng thống Joe Biden và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vì 2 nhà lãnh đạo sẽ có cơ hội tái ngộ.
Năm 2015, khi còn là Phó Tổng thống, ông Joe Biden đã chủ trì buổi chiêu đãi trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông Joe Biden đã gây ấn tượng vì dẫn 2 câu thơ trong Truyện Kiều để nói về quan hệ Việt - Mỹ.
"Đó là cách thể hiện sự tôn trọng đối với văn hóa và lịch sử, điều rất có ý nghĩa", ông Scot Marciel, nguyên Phó trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận định với Dân trí.
"Những cử chỉ cá nhân thể hiện sự tôn trọng như vậy khá nhỏ nhặt nhưng lại là một phần rất quan trọng giúp xây dựng các mối quan hệ", ông Marciel nói. "Đó cũng là cách mà quan hệ Việt - Mỹ bắt đầu nảy nở sau nhiều năm chiến tranh".
Chưa có tiền lệ
Một điều chưa có tiền lệ trong chuyến thăm sắp tới của ông Joe Biden là việc ông là tổng thống đầu tiên của Mỹ thăm Việt Nam sau khi nhận lời mời của một Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây không phải là lần phá lệ đầu tiên trong lịch sử quan hệ Việt - Mỹ.
Năm 2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã trân trọng tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong Phòng Bầu dục của Nhà Trắng. Đây là việc chưa có tiền lệ và ban đầu cũng có các ý kiến khác nhau trong nội bộ Nhà Trắng.
Theo ông Poling từ CSIS, chuyến thăm năm 2015 của Tổng Bí thư thể hiện cả Mỹ và Việt Nam nhận ra và tôn trọng thực tế là hệ thống của hai nước khác nhau.
"Vì thế, việc cả 2 nước sẵn sàng bỏ thông lệ qua một bên để đưa ra các quyết định hợp lý cho thấy hai bên coi đó là điều quan trọng và cần phải được thực hiện", ông Poling nói. "Đó là minh chứng cho thấy cả Hà Nội và Washington đều có cam kết lớn đối với mối quan hệ này".
Sau khi tới Việt Nam vào tháng 8/1993 để thành lập văn phòng Bộ Ngoại giao Mỹ đầu tiên, ông Scot Marciel đã ấn tượng với việc một Tổng Bí thư như ông Đỗ Mười lại đích thân gặp gỡ và chào đón những đoàn công dân Mỹ sang thăm Việt Nam lúc bấy giờ.
"Tôi nhớ rõ rằng Tổng Bí thư Đỗ Mười rất thân thiết và ấm áp, có lúc còn xúc động khi gặp các nhóm cựu chiến binh Mỹ. Điều đó thật sự có tác động tới người khác, thậm chí còn quan trọng hơn cả những lời bạn nói ra", ông Marciel nhớ lại.
"Việc phá lệ đã xảy ra ở cả hai bên", ông Marciel, người từng công tác 3 năm tại Việt Nam, kể. "Tôi thấy rằng cả người Mỹ và người Việt đều khá thực tế và coi trọng kết quả, nên họ sẵn sàng hơn một chút để không quá lo lắng về nghi thức cụ thể mà tập trung hoàn thành công việc".
Các nhà ngoại giao Việt Nam ở Mỹ được các chuyên gia đánh giá cao vì sự chủ động, thể hiện qua việc Việt Nam thường nằm trong số các nước Đông Nam Á đầu tiên có thể sắp xếp chuyến thăm hoặc điện đàm mỗi khi Mỹ có chính quyền mới.
"Họ sẽ cố liên hệ để trao đổi với nội các mới về Việt Nam, về những gì hai nước muốn thực hiện cùng nhau...", ông Murray kể. "Đôi lúc tôi nghe các đại sứ nước khác đùa rằng Việt Nam năng động quá, khiến họ trông như đang ngồi yên không làm gì vậy".
Các Đại sứ Mỹ tại Việt Nam cũng chủ động đóng góp vào những khoảnh khắc quan trọng của mối quan hệ. Chẳng hạn, theo hồi ký của cựu Đại sứ Ted Osius, để vượt qua được sự ngần ngại ban đầu của Nhà Trắng về việc mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ, ông đã phải "nhờ người quen" thuyết phục Tổng thống Obama về tầm quan trọng của chuyến thăm này. Kết quả là một chuyến thăm lịch sử.
Mối quan hệ hướng tới tương lai
Trong nhiều năm, hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh đã là nền tảng thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ và xây dựng niềm tin song phương.
Tới nay, Việt Nam đã hồi hương hơn 700 hài cốt lính Mỹ. Đồng thời, Mỹ đang hỗ trợ Việt Nam tìm kiếm bộ đội mất tích và tiến hành tẩy độc sân bay Biên Hòa, sau khi hoàn thành tẩy độc sân bay Đà Nẵng và các dự án rà phá bom mìn còn sót lại.
"Khi tôi còn ở Hà Nội, vấn đề người Mỹ mất tích trong chiến tranh gây ra nhiều nghi kỵ, khiến nhiều người cho rằng Việt Nam còn giấu thông tin", ông Marciel kể. "Nhưng theo thời gian, Việt Nam đã thể hiện sự hợp tác tốt và làm giảm đáng kể nỗi lo ngại đó".
Ở chiều ngược lại, hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh cũng thể hiện với người dân và chính phủ Việt Nam rằng Mỹ là đối tác đáng tin cậy vì nó thể hiện sự thiện chí, không đòi hỏi đổi chác.
Chuyến thăm sắp tới của ông Joe Biden và các cơ hội hợp tác mà 2 bên sẽ trao đổi nhân dịp này cho thấy sự thay đổi và mở rộng trong mối quan hệ Việt - Mỹ.
"Mối quan hệ này không còn là sửa chữa quá khứ, mà là nhìn đến tương lai", ông Poling nói. "Nếu vào 30 năm trước, bạn nói với John McCain (cố Thượng nghị sĩ Mỹ đóng góp lớn cho việc thúc đẩy bình thường hóa) rằng một công ty Việt Nam sẽ sản xuất xe điện ở Bắc Carolina, ông ấy sẽ nói bạn thật điên rồ. Nhưng bản chất mối quan hệ đã thay đổi và hướng tới tương lai hơn".
"Cần phải có sự thay đổi như vậy vì chúng ta không muốn mối quan hệ luôn luôn hướng về quá khứ", ông Poling nói.