DMagazine

Thế khó của đảng Cộng hòa khi ông Trump tuyên bố tái tranh cử tổng thống

(Dân trí) - Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức tuyên bố chạy đua vào Nhà Trắng lần thứ 3, nhưng các chuyên gia cho rằng, vị thế của ông trong đảng Cộng hòa giờ đây rất khác xưa.

THẾ KHÓ CỦA ĐẢNG CỘNG HÒA KHI ÔNG TRUMP TUYÊN BỐ TÁI TRANH CỬ TỔNG THỐNG

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức tuyên bố chạy đua vào Nhà Trắng lần thứ 3, nhưng các chuyên gia cho rằng, vị thế của ông trong đảng Cộng hòa giờ đây rất khác xưa.

Ngày 15/11, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức tuyên bố tranh cử tổng thống lần thứ 3 . Ông cam kết giúp nước Mỹ vĩ đại trở lại. Tuy nhiên chỉ số ít nghị sĩ Cộng hòa tham dự buổi công bố. Những lãnh đạo hàng đầu, tiếng nói có ảnh hưởng, các chiến lược gia cho đến nhà tài trợ dường như thờ ơ. Điều này cho thấy, đảng Cộng hòa có thể đang muốn tách dần khỏi ông Trump. Tuy nhiên theo một số chuyên gia, điều này không hề dễ dàng.

Những người "kề vai sát cánh" không còn chung đường

Thế khó của đảng Cộng hòa khi ông Trump tuyên bố tái tranh cử tổng thống - 1

Cựu Tổng thống Donald Trump đọc Thông điệp liên bang năm 2020. Phía sau là cựu Phó Tổng thống Mike Pence và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Ảnh: Reuters).

Đảng Cộng hòa đã giành chiến thắng với cách biệt mong manh ở Hạ viện và thất bại ở Thượng viện trong cuộc bầu cử vừa qua. Điều này gây ra sự tranh cãi rất lớn về ảnh hưởng và vai trò của cựu Tổng thống Trump. Thời gian qua, nhiều người từng kề vai sát cánh với ông Trump ở nhiệm kỳ trước đã bắt đầu suy nghĩ khác.

Cựu Phó tổng thống Mike Pence, trong một buổi trò chuyện với CNN hôm 16/11, đã từ chối ủng hộ chiến dịch tranh cử năm 2024 của ông Trump.

Phát biểu một ngày sau khi phát hành cuốn hồi ký mang tên "So Help Me God" (tạm dịch: "Xin Chúa giúp con"), ông Pence hầu như giữ kín về kế hoạch tiếp theo. Tuy vậy, ông cởi mở hơn khi được hỏi về cuộc bạo động ngày 6/1/2021 tại Điện Capitol. Cựu phó tổng thống gọi đó là ngày khó khăn nhất trong cuộc đời ông.

Khi đề cập đến chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Trump, cựu phó Tổng thống Pence nói rằng, sẽ có những sự lựa chọn tốt hơn xuất hiện trong hai năm tới. Ông Pence để ngỏ khả năng mình là một trong số đó. Ông nói: "Tôi sẽ thông báo cho các bạn sau! Tôi nghĩ đã đến lúc lãnh đạo mới ở nước này cần mang chúng ta lại gần nhau hơn, quanh những lý tưởng cao đẹp nhất".

Khi được hỏi liệu ông có ra làm chứng trước ủy ban điều tra vụ ngày 6/1 hay không, cựu Phó Tổng thống Mike Pence đã bác bỏ và nói rằng: "Quốc hội không có quyền lấy lời khai của tôi. Nó sẽ tạo ra một tiền lệ khủng khiếp, khi một ủy ban quốc hội triệu tập phó tổng thống để thảo luận những vấn đề ở Nhà Trắng. Nó vi phạm sự phân chia quyền lực và làm xói mòn mô hình dân chủ".

Cựu Thống đốc bang New Jersey Chris Christie, người từng là đồng minh thân cận của cựu Tổng thống Trump, mới đây cũng lên tiếng chỉ trích người bạn cũ, khi cho rằng đảng Cộng hòa đã đưa ra những ứng cử viên kém năng lực vào cuộc đua vừa qua.

Ông Christie cùng một số đảng viên Cộng hòa đổ lỗi cho các ứng cử viên có quan hệ với cựu Tổng thống Trump, ủng hộ tuyên bố sai trái của ông Trump về gian lận trong cuộc bầu cử năm 2020, khiến cử tri không hài lòng nên chuyển sang bầu cho ứng viên đảng Dân chủ.

Cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo, một trong những người trung thành nhất của ông Trump, cũng là một ứng viên sáng giá có thể chạy đua vào Nhà Trắng năm 2024, mới đây cũng viết lên Twitter ngầm chỉ trích người sếp cũ với nội dung: "Chúng ta cần sự nghiêm túc hơn, ít ồn ào hơn và những lãnh đạo biết đưa đất nước tiến lên phía trước, chứ không phải người lúc nào cũng cho rằng mình là nạn nhân". Rõ ràng ông Pompeo đã cho thấy một góc nhìn rất khác. Ông cũng giữ khoảng cách khi không tham dự buổi công bố chạy đua chức tổng thống năm 2024 của ông Trump.

Nhà tài trợ không còn hào hứng

Thế khó của đảng Cộng hòa khi ông Trump tuyên bố tái tranh cử tổng thống - 2

Cựu Tổng thống Donald Trump đứng trên sân khấu cùng cựu Đệ nhất phu nhân Melania Trump sau khi tuyên bố tranh cử tổng thống năm 2024 tại dinh thự Mar-a-Lago ở Palm Beach, bang Florida ngày 15/11 (Ảnh: Reuters).

Không chỉ các chính trị gia, nhiều nhà tài trợ có tầm ảnh hưởng cũng muốn đảng Cộng hòa tách rời khỏi ông Trump. Đế chế truyền thông News Corp của tỷ phú Rupert Murdoch từng ủng hộ ông Trump nhiệt thành nay cũng phát hành nhiều bài báo chỉ trích ông Trump.

Tỷ phú Stephen Schwarzman, giám đốc điều hành (CEO) công ty Blackstone và là đồng minh một thời của cựu Tổng thống Trump, đã tuyên bố vào hôm 15/11 rằng, ông sẽ không ủng hộ nỗ lực của ông Trump để trở thành ứng cử viên của đảng Cộng hòa tranh cử vào Nhà Trắng. Theo ông Schwarzman, đã đến lúc đảng Cộng hòa chuyển sang một thế hệ lãnh đạo mới có năng lực hơn, nhiệt huyết hơn và biết đoàn kết đất nước hơn. Ông Schwarzman, 75 tuổi, là nhà tài trợ quan trọng của đảng Cộng hòa. Ông đã chi 35,5 triệu USD hỗ trợ đảng Cộng hòa trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm nay.

Ông Ken Griffin, tỷ phú sáng lập công ty chứng khoán Citadel, đã công khai ủng hộ Thống đốc bang Florida Ron DeSantis, người dễ dàng tái đắc cử trong cuộc đua vừa qua. Ông Ken Griffin gọi cựu Tổng thống Trump là người thua cuộc 3 lần, hy vọng ông không chạy đua vào Nhà Trắng, thay vào đó nhường chỗ cho Thống đốc Florida Ron DeSantis. Ông gọi thất bại 3 lần của cựu Tổng thống Trump vào năm 2020, 2021 và 2022 là kết quả khó tin.

Với khối tài sản ước tính hơn 29 tỷ USD, ông Griffin là người giàu nhất bang Florida và là một trong những nhà hảo tâm ủng hộ lớn nhất cho đảng Cộng hòa. Ông Griffin đã ủng hộ Thống đốc DeSantis 5 triệu USD cho cuộc đua mà vị thống đốc 44 tuổi này giành chiến thắng vang dội.

Ông Scott Jennings, chiến lược gia của đảng Cộng hòa phân tích trên CNN rằng, gần như phe Dân chủ sẽ tiếp tục kiểm soát Nhà Trắng, nếu ông Trump đại diện cho đảng Cộng hòa tranh cử 2024. Đảng Cộng hòa cũng hiểu điều này, nhưng để thoát khỏi ảnh hưởng của ông Trump không phải là điều dễ dàng.

Thế khó của đảng Cộng hòa khi muốn tách khỏi ông Trump

Thế khó của đảng Cộng hòa khi ông Trump tuyên bố tái tranh cử tổng thống - 3

Cựu Tổng thống Donald Trump tham dự cuộc mít tinh trước bầu cử giữa kỳ để ủng hộ các ứng cử viên đảng Cộng hòa ở Latrobe, bang Pennsylvania ngày 5/11 (Ảnh: Reuters).

Dù đang đối mặt với sự phản đối từ nhiều bên, không thể phủ nhận rằng ông Trump vẫn đang là ứng cử viên sáng giá nhất của đảng Cộng hòa. Những cử tri trung thành với ông luôn duy trì mức ổn định, từ 30-35%. Đây là số cử tri đủ để ông đánh bại bất kỳ ứng viên nào thách thức vị trí số một.

Một số chuyên gia cho rằng, trong cuộc bầu chọn để trở thành ứng cử viên duy nhất đại diện cho đảng Cộng hòa, nếu có nhiều đối thủ cùng tham gia, ví dụ ông Ron DeSantis, ông Mike Pence, ông Mike Pompeo hay bà Nikkey Halley, thì ông Trump dễ dàng đánh bại tất cả, thông qua 30-35% cử tri trung thành. Đây là những người ủng hộ mạnh mẽ khẩu hiệu "Make American Great Again" (tạm dịch: "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại") của ông.

Do đó, một số lãnh đạo cấp cao đảng Cộng hòa đang muốn chọn ra ứng viên duy nhất đấu với ông Trump, ví dụ Thống đốc Florida Ron DeSantis. Khi đó, 30% cử tri trung thành của ông Trump sẽ không thể đấu lại 70% cử tri khác, trong đó có trên dưới 30% là không ủng hộ ông Trump. Tuy nhiên, cũng có thể từ đây đến khi cuộc đua bắt đầu tăng tốc, sẽ có một số ít ứng viên vượt trội hơn, ví dụ Thống đốc Florida Ron DeSantis và cựu Phó tổng thống Mike Pence. Lúc này, phiếu bầu của đảng Cộng hòa sẽ không bị chia nhỏ và những ứng viên không phải là ông Trump sẽ thu hút được nhiều phiếu hơn.

Theo một số chuyên gia, nếu đảng Cộng hòa chọn một ứng viên không phải ông Trump, có đủ sự mạnh mẽ, uy tín, và thành tích trong quá khứ, trong khi đảng Dân chủ không có ứng viên nổi bật, thì cơ hội chiến thắng của đảng Cộng hòa sẽ vượt trội hơn hẳn.

Ngược lại, nếu ông Trump đại diện cho đảng Cộng hòa năm 2024, cơ hội cho đảng Dân chủ lại cao hơn. Lý do ông Trump có khoảng 35% cử tri Cộng hòa trung thành, nhưng chia ra với tổng cử tri nước Mỹ, thì cũng chỉ chiếm khoảng 15-25%. Lúc này hàng loạt cử tri Cộng hòa có hiềm khích với ông Trump sẽ quay sang bỏ phiếu cho ứng viên Dân chủ, và cơ hội giành chiến thắng của ông Trump gần như bằng không.

Đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa đều hiểu rõ viễn cảnh trên, tuy nhiên để thay đổi là điều không đơn giản.

Trong cuộc bầu cử vừa qua, đảng Cộng hòa đã chiến thắng ở Hạ viện với cách biệt không lớn. Ông Kevin McCarthy trong cuộc bầu chọn nội bộ đảng Cộng hòa để trở thành ứng viên duy nhất ra tranh cử chức chủ tịch Hạ viện đã giành chiến thắng vang dội. Tuy nhiên, vẫn có khoảng 30 nghị sĩ phản đối. Với cuộc bầu cử nội bộ, con số 30 nghị sĩ này không đáng lo ngại, nhưng bầu cử chủ tịch Hạ viện, điều đó dư sức khiến "gió đổi chiều".

Hiện nay đảng Cộng hòa có 220 ghế để kiểm soát Hạ viện. Giả sử khi cuộc bầu cử chủ tịch Hạ viện diễn ra, tất cả nghị sĩ Dân chủ đều bỏ phiếu cho ứng viên Dân chủ, chỉ cần 3 nghị sĩ Cộng hòa quay lưng bỏ phiếu cho ứng viên Dân chủ, ghế chủ tịch Hạ viện sẽ tiếp tục do người của đảng Dân chủ nắm giữ. Do đó con số 30 nghị sĩ phản đối ông McCarthy là quá nhiều, có thể nhấn chìm tham vọng làm chủ tịch Hạ viện của ông. Phần lớn những nghị sĩ trong nhóm này là đồng minh thân cận của ông Trump.

Thời gian qua, có tín hiệu cho thấy ông McCarthy muốn nhượng bộ. Ông đàm phán với các nghị sĩ phản đối, đồng thời cân nhắc bổ nhiệm họ vào ghế chủ tịch các ủy ban đầy quyền lực của Hạ viện như Ủy ban tình báo, Ủy ban tài chính hay Ủy ban quân lực. Những ủy ban này thậm chí có quyền điều tra các mối liên hệ của con trai Tổng thống Joe Biden.

Đây là viễn cảnh cho thấy cựu Tổng thống Trump gia tăng quyền lực của mình trong nội bộ đảng Cộng hòa. Viễn cảnh này còn dẫn tới điều gì? Ông Trump có thêm sức mạnh trong cuộc đua trở thành ứng viên chính thức và duy nhất của đảng Cộng hòa để tranh cử tổng thống năm 2024.

Nguyễn Phong