DNews

Sự sụp đổ chóng vánh của chế độ Assad và nguy cơ Syria chìm trong hỗn loạn

Ngô Hoàng

(Dân trí) - Sự sụp đổ chóng vánh của chính quyền Assad ở Syria chỉ sau 11 ngày tiến công của lực lượng đối lập là cơn địa chấn tại một khu vực vốn luôn bất ổn, với những hệ quả rất lớn với nước này và Trung Đông.

Sự sụp đổ chóng vánh của chế độ Assad và nguy cơ Syria chìm trong hỗn loạn

Sau 11 ngày tiến công thần tốc, các nhóm vũ trang chống chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad, đứng đầu là Hayat Tahir al-Sham (HTS), đã tiến vào thủ đô Damascus mà hầu như không vấp phải sự kháng cự đáng kể nào.

Diễn biến này đánh dấu sự kết thúc hoàn toàn giai đoạn cầm quyền gần 1/4 thế kỷ của ông Bashar al-Assad và hơn nửa thế kỷ của gia tộc Assad ở Syria từ năm 1971 đến nay.

Theo tin từ Nga, sáng 8/12, Tổng thống Assad đã tuyên bố từ chức và bay sang Moscow, nơi ông cùng các thành viên gia đình đã được cấp quy chế tị nạn "vì lý do nhân đạo".

Điều gì đã xảy ra trong 11 ngày qua?

Thắng lợi khá dễ dàng và nhanh chóng của các lực lượng đối lập với chính quyền Bashar al-Assad đã khiến dư luận trong khu vực và trên thế giới không thể không tự hỏi điều gì thực sự đã diễn ra khiến chế độ Assad ở Syria bất ngờ sụp đổ như vậy?

Để hiểu rõ bối cảnh, cần nhìn lại lịch sử chính trị Syria. Gia tộc Assad đã cầm quyền ở Damascus từ năm 1971, với sự chuyển giao quyền lực từ Tổng thống Hafez al-Assad sang con trai Bashar al-Assad vào năm 2000, mở ra một giai đoạn chính trị phức tạp và nhiều biến động.

Cấu trúc xã hội Syria vô cùng phức tạp với sự đa dạng về dân tộc và tôn giáo. 

Dưới thời ông Bashar al-Assad, người Syria đã phải chịu sự quản lý hà khắc, cuộc sống khó khăn sau nhiều năm chịu nhiều trừng phạt quốc tế. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến nội chiến kéo dài từ năm 2011 đến nay.

Quân đội chính phủ Syria, dù được Nga, Iran và nhóm Hezbollah hỗ trợ, nhưng thiếu động cơ và tinh thần chiến đấu do chế độ đãi ngộ rất thấp.

Mệt mỏi sau nhiều năm xung đột, mất niềm tin vào chế độ, cùng với sự suy giảm hỗ trợ từ các đồng minh, các lực lượng bảo vệ chế độ ngày càng suy yếu.

Trong khi đó, nhóm vũ trang đối lập chính HTS, dưới sự dẫn dắt của Abu Mohammad al-Jolani, đã khôn khéo chuyển sang một chiến lược mới mang đậm tính dân tộc chủ nghĩa ôn hòa, nhờ đó ngày càng được lòng dân và phát triển nhanh chóng.

Như chính Jolani tiết lộ gần đây, để chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công vừa qua, HTS và các nhóm chống chính phủ khác đã âm thầm chuẩn bị trong suốt 5 năm qua.

Theo báo chí nước ngoài, các đơn vị chiến đấu của chính phủ dường như đã luôn bỏ chạy hoặc đầu hàng khi bị các lực lượng chống chính phủ tấn công. Thậm chí, các lực lượng tinh nhuệ nhất của quân chính phủ ở cả tuyến phòng thủ cuối cùng xung quanh thủ đô cũng vậy.

Nơi mà tối 7/12 Bộ trưởng Nội vụ Syria còn tuyên bố là "không ai có thể xuyên thủng được" thì ngay sáng hôm sau, quân HTS vẫn tiến vào dễ dàng như chốn không người.

Sau khi chiếm được Damascus, các lực lượng của HTS chưa vội tràn vào trực tiếp giành quyền điều hành các cơ quan chính quyền, mà chờ cho đến khi Thủ tướng hiện tại chính thức bàn giao trong hòa bình. Trong khi đó, các lực lượng của HTS tiếp tục tiến về Deir ez-Zor và Raqqa sát dòng sông Euphrate ở phía Đông giàu tài nguyên nhằm lấp vào chỗ trống quân chính phủ bỏ lại.

Tuy nhiên, đây lại là các khu vực thuộc quyền kiểm soát Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) được Mỹ trực tiếp ủng hộ với 900 quân đồn trú thường xuyên để "loại trừ mối đe dọa khủng bố và ngăn chặn mọi hoạt động có thể xảy ra từ bên ngoài của IS".

Cuộc nội chiến dữ dội và dai dẳng

Vào năm 2000 khi Tổng thống Hafez al-Assad qua đời, sinh viên y khoa Bashar al-Assad bất ngờ được đưa từ London về nước cầm quyền thay cha. Từ đó, dưới tác động của nhiều yếu tố bên trong và ngoài, tình hình Syria chưa bao giờ yên ả và chính quyền ở Damascus luôn gặp hết sóng gió này tới bão tố khác, dù nhà lãnh đạo trẻ Bashar al-Assad luôn không ngần ngại áp dụng các biện pháp mạnh tay để đối phó.

Trước ảnh hưởng của làn sóng Cách mạng Màu ở Trung Đông từ đầu những năm 2010, đến năm 2011 làn sóng chống đối chính phủ ở Syria biến thành một cuộc nội chiến với quy mô và tính chất ngày càng nghiêm trọng.

Năm 2015, bên cạnh sự hỗ trợ từ Iran và lực lượng ủy nhiệm Hezbollah ở Li Băng, Nga đã đưa quân sang trực tiếp giúp quân đội của Tổng thống Assad phản công thắng lợi, đẩy lùi hoàn toàn các nhóm vũ trang chống chính phủ để giữ vững quyền lực.

Từ đó đến nay, mỗi khi bị các nhóm vũ trang đối lập tấn công, quân chính quy Syria đều có sự hỗ trợ trực tiếp của 3 lực lượng trên và nhờ đó, chính quyền của ông Assad cơ bản giữ vững được quyền kiểm soát trên phần lớn đất nước.

Gần đây, dù ngày càng khó khăn vì chịu nhiều lệnh trừng phạt quốc tế và bị các lực lượng đối lập tấn công từ rất nhiều nơi, chính quyền Bashar al-Assad vẫn kiên quyết không chấp nhận thỏa hiệp, đối thoại chia sẻ quyền lực.

Trong bối cảnh Nga đang phải tập trung toàn lực cho cuộc chiến ở Ukraine, còn Hezbollah cũng đã suy yếu đi rất nhiều và Iran cũng gặp nhiều khó khăn, khi bị HTS cùng các lực lượng đối lập khác dồn dập tấn công, quân chính phủ Syria đã liên tục thất bại và suy sụp hoàn toàn.

Hệ lụy và tác động đối với khu vực

Sự sụp đổ chóng vánh của chế độ Assad và nguy cơ Syria chìm trong hỗn loạn - 1

Một phụ nữ Syria chụp ảnh bức chân dung bị xé rách của ông Assad sau khi ông bị lật đổ (Ảnh: Reuters).

Do vị trí địa lý đặc biệt của Syria, các tác động địa chính trị từ sự kiện vừa diễn ra là vô cùng sâu rộng. Trước hết, đối với quảng đại người dân Syria, hy vọng chung là sau sự ra đi của ông Bashar al-Assad, một trang mới có thể đã được mở ra nếu các lực lượng đối lập đứng đầu là HTS thực hiện đúng cam kết về một chính quyền ôn hòa, không trả thù, không Hồi giáo cực đoan, tôn trọng các nhóm tôn giáo thiểu số...

Tuy nhiên, đối với cộng đồng người Alawite chiếm 12% dân số và từng là xương sống của chế độ Assad trước đây, hệ lụy có thể sẽ còn phức tạp hơn.

Mặc dù HTS cam kết không trả thù, nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều nhóm kháng chiến cực đoan khác. Sau nhiều năm xung đột, việc hòa giải sẽ là thách thức lớn và nguy cơ xung đột giữa các phe phái tôn giáo trên đất nước này vẫn còn hiện hữu.

Với khu vực, trước hết là Thổ Nhĩ Kỳ, nước bảo trợ chính cho các nhóm đối lập Hồi giáo vũ trang ở Syria, sự sụp đổ của chế độ Assad có thể sẽ có cơ hội để Ankara đạt được mục tiêu chiến lược. Trong đó, đặc biệt là việc kiềm chế phong trào ly khai người Kurd ở Đông Bắc Syria và mở rộng ảnh hưởng hơn nữa ở khu vực này.

Ngoài ra, việc tái thiết Syria cũng có thể mang lại những cơ hội làm ăn lớn cho các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ.

Đối với Iran, việc ông Assad bị lật đổ là một đòn mạnh giáng vào "Trục kháng chiến" do Tehran lãnh đạo; đánh dấu sự suy yếu về thế và lực của Iran trong cuộc đối đầu không ngừng nghỉ với Israel.

Thực tế thì trong suốt 14 năm nội chiến vừa qua, Iran đã đầu tư rất nhiều tiền của, vũ khí và nhân lực vào chính quyền Assad để biến Syria thành một bàn đạp mở rộng ảnh hưởng ra toàn khu vực Trung Đông. Có lẽ vì thế mà một nhà ngoại giao phương Tây đã phải thốt lên trong trao đổi với báo Washington Post rằng "mất Syria, trục kháng chiến cơ bản đã sụp đổ".

Với Nga, sự sụp đổ của chính thể Bashar al-Assad là một tổn thất to lớn về nhiều mặt bởi nước này trong gần 10 năm qua đã dầy công đầu tư để có được một vị thế ngoại giao và địa chính trị chưa từng có ở Syria nói riêng và Trung Đông nói chung. Sự thất vọng của Nga là rất to lớn, đúng như những gì phó Chủ tịch Thượng viện Nga Konstantin Kosachev mới đây đã thể hiện trên mạng xã hội: "Những gì đang xảy ra ở Syria là một thảm kịch cho tất cả mọi người".

Tuy nhiên, sau sự kiện này, Nga dường như đã ý thức được là không thể làm gì hơn với một thể chế như ở Syria vừa qua, từ đó nhanh chóng điều chỉnh chiến lược một cách thực dụng hơn. Thực tế là Nga đã nhanh chóng chấp nhận thực tế mới; đã linh hoạt để kịp thời sắp xếp cho ông Assad và các thành viên gia đình di tản an toàn, vừa giúp bảo vệ tối đa lợi ích của mình trong bối cảnh mới, vừa không mang tiếng "bỏ rơi" đồng minh cũ trong hoạn nạn.

Không chỉ vậy, HTS đã sớm cam kết đảm bảo an toàn cho các cơ quan đại diện ngoại giao và các căn cứ quân sự mà Nga đã thuê dài hạn dưới thời ông Bashar al-Assad. Thậm chí, HTS còn bày tỏ coi trọng vai trò của Nga và mong muốn tiếp tục duy trì các mối quan hệ hợp tác tốt đẹp với quốc gia này.

Sau khi cả Iran lẫn các phong trào kháng chiến chống Israel như Hamas, Hezbollah đều bị suy yếu đáng kể trước các đòn tấn công của Israel suốt thời gian gần đây, diễn biến hiện nay ở Syria lại càng tăng thêm thế và lực cho Israel và khiến Tel Aviv có thể liều lĩnh hơn trong các kế hoạch gia tăng can thiệp và mở rộng ảnh hưởng ở Syria và khu vực. Điều này cũng gián tiếp gây thêm khó khăn cho cuộc đấu tranh của người Palestine để thành lập một Nhà nước riêng.

Triển vọng sắp tới

Có thể nói, sự sụp đổ của chính quyền Bashar al-Assad không chỉ là một biến cố riêng biệt của Syria, mà còn là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử địa chính trị ở Trung Đông. Câu hỏi đầu tiên vào lúc này là liệu HTS và các nhóm chống chính phủ Assad có thể xây dựng được một nước Syria mới hòa bình và thống nhất, phi Hồi giáo cực đoan và chung sống hòa bình với tất cả các nước trên thế giới, hay lại rơi vào tình trạng bạo lực và chia rẽ như trong quá khứ?

Thứ hai là liệu các nước lớn và các thế lực chủ chốt ở khu vực có tôn trọng quyền của người Syria trong lựa chọn chế độ chính trị cho mình hay nhân cơ hội này lại nhảy vào tranh giành ảnh hưởng như đã không ít lần xảy ra trong quá khứ?

Kịch bản người dân Syria mong muốn nhất hiện nay có lẽ là HTS cùng các lực lượng Hồi giáo đã góp sức lật đổ chế độ Assad vừa qua kiểm soát được tình hình, thực hiện được hòa giải giữa các nhóm, tiến tới thành lập được một chính phủ liên hiệp với sự tham gia của tất cả các lực lượng, phe phái chính trị.

Với 74% dân số là Hồi giáo Sunni, trong khi ở đây luôn tồn tại những mâu thuẫn sâu sắc giữa các nhóm tôn giáo, sắc tộc, vì thế, thách thức lớn nhất của chính phủ mới sẽ là làm thế nào để hòa giải được các nhóm thiểu số, đặc biệt là nhóm Alawite - từng là trụ cột trong chế độ Assad.

Để góp phần khuyến khích và hỗ trợ thích đáng quá trình chuyển đổi hòa bình ở Syria hiện nay, điều cộng đồng quốc tế, trước hết là các nước lớn và các quốc gia ở khu vực cần làm ngay lúc này là tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria, sẵn sàng cung cấp mọi sự hỗ trợ cần thiết để giúp chính quyền mới chuyển đổi chính trị thành công, kịp thời triển khai các hoạt động viện trợ nhân đạo cho người dân Syria và hỗ trợ tái thiết nước này ở mức cao nhất có thể.

Hiện tại, giữa nhóm HTS và đại diện còn lại của chính phủ cũ đã có tiếp xúc. Tuy nhiên tình hình chung vẫn rất phức tạp, tiềm ẩn dấu hiệu nguy hiểm khó lường.

Trước hết, đó là việc quân Israel nhanh chóng tiến vào "vùng đệm" ở phía Nam Syria; còn Thủ tướng Netanyahu tuyên bố cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng từ cuộc chiến năm 1974 "nay sẽ vĩnh viễn là một phần của Israel". Ngoài ra, không quân Israel đã liên tục tấn công các mục tiêu bên trong Syria bị cho là các cơ sở sản xuất tên lửa và vũ khí hóa học.

Còn Mỹ, sau khi chính quyền Assad sụp đổ, không chỉ vẫn coi HTS là "tổ chức khủng bố" mà còn liên tục tiến hành các cuộc không khích các mục tiêu ở vùng Deir ez-Zor và Raqqa để "ngăn chặn nguy cơ IS trở lại". Riêng Thổ Nhĩ Kỳ cũng tận dụng khoảng trống quyền lực hiện nay ở Syria để nối lại việc ném bom các vị trí của người Kurd trên đất Syria.

Nếu những diễn biến trên không được kịp thời ngăn chặn, không loại trừ khả năng đất nước Syria sau triều đại Assad sẽ lại tiếp tục rơi vào một vòng xoáy xung đột mới giống như những gì đã diễn ra tại Afghanistan sau khi quân Mỹ rút đi vào mùa hè năm 2022.