DNews

Nga bất lực nhìn Syria sụp đổ: Cơn địa chấn tạo bước ngoặt ở Trung Đông

Đại tá Lê Thế Mẫu

(Dân trí) - Lợi dụng việc Moscow đang phải đương đầu với cuộc chiến toàn diện của Phương Tây do Mỹ dẫn dắt với tâm điểm ở Ukraine nhằm buộc Nga phải chịu thất bại chiến lược, chính biến bất ngờ xảy ra ở Syria.

Nga bất lực nhìn Syria sụp đổ: Cơn địa chấn tạo bước ngoặt ở Trung Đông

LTS: Để cùng nhận diện bản chất cuộc khủng hoảng Syria, báo Dân trí trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả loạt bài viết "Syria: Tâm điểm cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Nga" của Đại tá Lê Thế Mẫu, chuyên gia phân tích chính trị quốc tế thuộc Viện Chiến lược Quốc phòng, Bộ Quốc phòng.

Kỳ 1: Nga không chấp nhận thế giới đơn cực - Mỹ cần "sự kiện kinh thiên động địa"

Kỳ 2: Syria vào tầm ngắm: Mục tiêu then chốt của Mỹ nhằm hạ gục Nga

Kỳ cuối: Nga bất lực nhìn Syria sụp đổ: Cơn địa chấn tạo bước ngoặt ở Trung Đông

Syria bất ngờ sụp đổ, vì đâu nên nỗi?

Ngày 27/11, lợi dụng tình thế Moscow đang phải đối phó với cuộc chiến tranh toàn diện của Phương Tây do Mỹ dẫn dắt, lực lượng đối lập mà nòng cốt là nhóm chiến binh Hồi giáo có vũ trang Hayat Tahrir al-Sham (HTS) bất ngờ mở cuộc tấn công vào những khu vực thuộc quyền kiểm soát của Quân đội Syria (SAA).

Sau chưa đầy hai tuần, ngày 8/12, lực lượng đối lập tiến vào thủ đô Damascus và gây sức ép buộc Tổng thống Syria Bashar al-Assad chấp nhận chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Chỉ huy của tổ chức HTS, Muhammad al-Julani, tuyên bố chính quyền Assad đã sụp đổ và sẽ thành lập chính phủ chuyển tiếp.

Sự kiện này chấm dứt một giai đoạn cạnh tranh địa chính trị giữa Mỹ và Nga trong khu vực Đại Trung Đông mà tâm điểm là Syria, gây ra cơn địa chấn chính trị ở Trung Đông.

Một câu hỏi lớn đặt ra ở đây là vì sao chính thể của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã từng đứng vững trong cuộc chiến chống khủng bố vô cùng khốc liệt trong suốt 6 năm liền, từ năm 2011 đến năm 2017 lại sụp đổ nhanh chóng đến thế? Cơn địa chấn chính trị này xuất phát từ nhiều nguyên nhân:

Nguyên nhân thứ nhất, chính quyền Assad chỉ kiểm soát 65% lãnh thổ đất nước nhưng lại từ chối thảo luận với lực lượng đối lập gồm tổ chức HTS, Quân đội quốc gia Syria (SNA) và Lực lượng dân chủ Syria (SDF) ở phía Đông Bắc đất nước để thành lập chính phủ hòa hợp dân tộc theo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Nguyên nhân thứ hai, Tổng thống Assad chậm trễ trong việc tiến hành cải cách cần thiết để tích hợp các lực lượng chính trị khác vào hệ thống quản lý nhà nước.

Nguyên nhân thứ ba, Syria lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội do bị bao vây, cấm vận trong hơn 10 năm liền, không đủ điều kiện để duy trì lực lượng vũ trang.

Do khó khăn về kinh tế và mục tiêu chính trị không rõ ràng, Quân đội Syria không còn động cơ chiến đấu. Vì thế, lực lượng chính phủ Syria nhanh chóng buông súng trước sức ép của quân nổi dậy, trước hết là tổ chức HTS vốn rất thiện chiến và theo đuổi mục tiêu kiên quyết loại bỏ ông Assad.

Lực lượng đối lập tiến quá nhanh, binh sĩ Quân đội Syria cởi bỏ quân phục, vứt vũ khí tháo chạy (Video: Telegram).

Nguyên nhân thứ tư, Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ không còn ảnh hưởng như trước do bối cảnh địa chính trị thay đổi sâu sắc.

Trong đó, Iran và các đồng minh của họ như Hezbollah và Hamas đã bị suy yếu do cuộc xung đột kéo dài với Israel.

Ngoài ra, Moscow đang phải dốc toàn lực để tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Khi quân nổi dậy mở chiến dịch tấn công nhằm vào lực lượng ủng hộ Tổng thống Assad, hôm 3/12, Nga quyết định sơ tán lực lượng khỏi căn cứ hải quân ở cảng Tartus, chứng tỏ họ không có ý định tiếp tục chi viện quân sự cho Quân đội Syria.

Còn Thổ Nhĩ Kỳ, ngay từ khi bùng phát cuộc khủng hoảng Syria vào năm 2011, đã theo đuổi mục tiêu loại bỏ chính thể Assad.

Nguyên nhân thứ năm, Washington vẫn tiếp tục ủng hộ các lực lượng đối lập ở Syria nhằm mục tiêu xuyên suốt là loại bỏ chính thể của Tổng thống Bashar al-Assad. Đúng như cựu Thượng nghị sỹ John McCain từng tuyên bố rằng kịch bản Libya sẽ lặp lại ở Syria.

Khác kịch bản Libya, nơi Mỹ - NATO trực tiếp can thiệp quân sự để loại bỏ chính thể của Tổng thống Muammar Gaddafi, ở Syria, Washington sử dụng các lực lượng đối lập để tiến hành cuộc chiến tranh ủy nhiệm lật đổ chính quyền Assad.

Nguyên nhân thứ sáu, báo Washington Post tiết lộ, chính quyền Kiev được cho là đã cung cấp vũ khí trang bị và cố vấn quân sự cho tổ chức hồi giáo cực đoan Hayat Tahrir al-Sham để chuẩn bị tiến hành chiến dịch phản công nhằm lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Diễn tả theo ngôn ngữ nghệ thuật quân sự, Ukraine mở mặt trận thứ hai để chống Nga. Họ không chỉ cung cấp vũ khí cho các lực lượng đối lập ở Syria mà còn cử lực lượng đặc nhiệm tới một số nước châu Phi để loại bỏ ảnh hưởng của Nga.

Nga bất lực nhìn Syria sụp đổ: Cơn địa chấn tạo bước ngoặt ở Trung Đông - 1

Bàn cờ địa chính trị Trung Đông thay đổi chóng mặt sau khi chính quyền Assad sụp đổ ở Syria (Ảnh: Oinegro).

Cơn địa chấn chính trị tác động tới nhiều quốc gia

Chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad sụp đổ nhanh chóng được nhìn nhận như cơn địa chấn chính trị có tác động tới nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực.

Nga

Sau khi giúp chính thể của Tổng thống Bashar al-Assad đánh bại tổ chức khủng bố IS vào năm 2017 để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, ảnh hưởng của Nga ở Trung Đông nổi lên như một quốc gia đi đầu trong cuộc đấu tranh chống khủng bố quốc tế.

Hiện nay do không thể bảo vệ được chính thể của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, ảnh hưởng của Moscow chắc chắn sẽ bị giảm sút. Để thích ứng bối cảnh địa chính trị mới đã thay đổi căn bản, Nga sẵn sàng thảo luận với các lực lượng đối lập ở Syria, kể cả nhóm HTS mà trước đây họ coi là "tổ chức khủng bố".

Bản thân HTS cũng thay đổi quan điểm về Nga. Theo đó, chỉ huy HTS là Abu Mohammed al-Julani tuyên bố chính phủ mới ở Syria sẵn sàng thiết lập quan hệ nếu Moscow thể hiện thiện chí. Đáp lại một cách tích cực, ngày 10/12, Duma quốc gia Nga thông qua nghị quyết loại trừ HTS ra khỏi danh sách các tổ chức khủng bố.

Moscow đang thảo luận với HTS về việc duy trì hai căn cứ quân sự của họ ở Syria, đồng thời đảm bảo an ninh cho phái bộ ngoại giao và công dân Nga đang hiện diện trên lãnh thổ Syria.

Hiện tại chưa rõ số phận của hai căn cứ quân sự của Moscow ở Tartus và Khmeimim. Ngoài ra, Tổng thống Vladimir Putin quyết định cấp quy chế tị nạn cho cựu Tổng thống Syria Bashar al-Assad và gia đình ông xuất phát từ mục đích nhân đạo.

Mỹ

Trợ lý Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực Trung Đông Daniel Shapiro cho biết, Washington sẽ duy trì sự hiện diện quân sự tại miền Đông Syria để sẵn sàng ngăn chặn sự trỗi dậy của tổ chức khủng bố IS.

Washington đang duy trì liên lạc trực tiếp và thường xuyên với các lực lượng nổi dậy ở Syria đóng vai trò chủ chốt trong việc lật đổ ông Assad.

Phó Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Feiner cho biết quân đội nước này sẽ ở lại Syria sau khi chính thể của Tổng thống Bashar al-Assad bị loại bỏ. Trên thực tế, Washington muốn hiện diện quân sự lâu dài ở quốc gia Trung Đông để loại bỏ ảnh hưởng của Nga, Iran và Trung Quốc. Trong khi đó, Tổng thống đắc cử Donald Trump cho biết Mỹ không nên tiếp tục can thiệp vào cuộc xung đột ở Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ

Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những bên được hưởng lợi nhiều nhất sau cuộc chính biến ở Syria lần này. Trước hết, cũng như Mỹ, kể từ khi bùng phát "Mùa xuân Ả-rập", chủ trương xuyên suốt của Thổ Nhĩ Kỳ là loại bỏ ông Assad.

Hiện nay, sau khi chính thể này sụp đổ, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu thực hiện chủ trương loại bỏ lực lượng người Kurd đang hiện diện trên lãnh thổ Syria mà Ankara coi là "tổ chức khủng bố". Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ còn theo đuổi toan tính mở rộng lãnh thổ sang một số vùng Đông - Bắc của Syria. Trong bối cảnh hiện nay, ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gia tăng trong thế giới Hồi giáo.

Nga bất lực nhìn Syria sụp đổ: Cơn địa chấn tạo bước ngoặt ở Trung Đông - 2

Chính quyền Assad sụp đổ ở Syria tác động tới rất nhiều quốc gia (Ảnh: AFP).

Israel

Nhà nước Do Thái - đồng minh then chốt của Washington ở Trung Đông - cũng là đồng tác giả trong việc xây dựng Đề án Đại Trung Đông.

Ngay sau khi các biến động chính trị mang tên "Mùa xuân Ả-rập" lan tỏa sang Syria vào năm 2011, Tel Aviv ủng hộ chủ trương của Washington lật đổ ông Assad.

Hiện nay, hành động theo phương thức "mượn gió bẻ măng", lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đưa quân tiến vào Cao nguyên Golan của Syria và dường như có ý đồ giành quyền kiểm soát vĩnh viễn vùng đất này để thực hiện chủ trương chiến lược xây dựng Nhà nước đại Do Thái ở thời đại mới.

Tính đến ngày 10/12, IDF đã tiến hành ít nhất 350 cuộc không kích để phá hủy nhiều vũ khí trang bị của Syria, gồm tàu chiến, máy bay, xe tăng, hệ thống phòng không và cơ sở công nghiệp quốc phòng nhằm ngăn những phương tiện này rơi vào tay các lực lượng Hồi giáo cực đoan có liên hệ với tổ chức khủng bố Al-Qaeda.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố, Tel Aviv muốn xây dựng mối quan hệ ổn định với chính phủ mới ở Syria nếu họ xóa bỏ vị thế của Iran và không cho phép Tehran vận chuyển vũ khí cho lực lượng Hezbollah.

Iran

Chính quyền Assad sụp đổ là tổn thất lớn đối với Iran, làm đứt gãy trục kháng chiến chống Mỹ và Israel.

Giờ đây, Tehran đang vừa ở trong tình thế chờ đợi, vừa phải rút lực lượng vũ trang cũng như công dân của mình ra khỏi Syria vì chẳng ai có thể đảm bảo an toàn cho họ. Lãnh đạo tối cao Ali Khamenei trong bài phát biểu trước người dân đã khẳng định chính Washington và Tel Aviv đã  lên kế hoạch loại bỏ ông Assad. Ông còn ám chỉ Thổ Nhĩ Kỳ cũng đóng vai trò then chốt trong các diễn biến ở Syria.

Đồng thời, Tehran đang cố gắng đạt được thỏa thuận với chính quyền mới ở Damascus. Theo hướng đó, chỉ 1 ngày sau khi chính quyền Assad sụp đổ, các quan chức ở Tehran tuyên bố sẵn sàng đàm phán với phe đối lập nếu họ tôn trọng các nguyên tắc của Tehran và không cho phép Tel Aviv mở rộng các cuộc tấn công.

Trước khi HTS tuyên bố thay đổi chính thể ở Syria, Teheran đã đổi tên tổ chức HTS thành "lực lượng bán quân sự" và ngừng gọi tổ chức này là "khủng bố".

Nhà nước Syria dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Bashar al-Assad dựa trên chủ nghĩa dân tộc Ả-rập được thể hiện trong tên gọi Cộng hòa Ả-rập Syria. Quốc gia này còn là nơi định cư của người Kurd, người Thổ Nhĩ Kỳ, người Armenia và nhiều nhóm sắc tộc khác.

Sau khi tổ chức HTS lên nắm quyền, họ sẽ xây dựng chế độ cộng hòa Hồi giáo ở Syria đáp ứng lợi ích của các nhóm sắc tộc khác nhau. Trước mắt HTS vẫn duy trì nguyên trạng hệ thống chính quyền dưới thời Tổng thống Bashar al-Assad để xây dựng chính quyền mới.

Tuy nhiên, dưới tác động của sự cạnh tranh địa chiến lược của nhiều chủ thể chính trị trong và ngoài khu vực Trung Đông, đất nước Syria sẽ còn phải trải qua quá trình lâu dài mới có thể phát triển ổn định.

Dòng sự kiện: Chiến sự Syria