(Dân trí) - Mặc dù Omicron được xếp vào nhóm biến chủng "đáng lo ngại", các chuyên gia cho rằng không nên quá hoảng sợ trước chủng virus mới này, nhưng cần theo dõi chặt và chú ý các biện pháp phòng ngừa.
Thế giới đang sợ hãi thái quá với biến chủng Omicron?
Mặc dù Omicron được xếp vào nhóm biến chủng "đáng lo ngại", các chuyên gia cho rằng không nên quá hoảng sợ trước chủng virus mới này, nhưng cần theo dõi chặt và chú ý các biện pháp phòng ngừa.
Biến chủng gây triệu chứng nhẹ ở người đã tiêm vaccine
Trước những lo ngại của thế giới về sự nguy hiểm của biến chủng Omicron, đặc biệt sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp biến chủng này vào nhóm "đáng lo ngại", giới chức Nam Phi đã lên tiếng trấn an.
Tiến sĩ Angelique Coetzee, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Nam Phi (SAMA), người đầu tiên cảnh báo về sự xuất hiện của Omicron, cho biết các bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron có triệu chứng rất khác so với các bệnh nhân Covid-19 trước đó mà bà điều trị. "Triệu chứng của họ rất khác và nhẹ so với những bệnh nhân đã điều trị trước đó", bác sĩ Coetzee, người có phòng khám riêng tại thành phố Pretoria, tỉnh Gauteng (Nam Phi), cho biết.
Bà cho biết thêm: "Họ chỉ có các triệu chứng nhẹ như đau mỏi cơ, mệt mỏi khoảng một đến hai ngày. Đến nay, chúng tôi phát hiện những người nhiễm biến chủng mới không bị mất vị giác hay khứu giác. Họ có thể ho hắng một chút, nhưng các triệu chứng không có gì nổi bật. Một vài người trong số họ đang điều trị tại nhà". Điều khiến bà lo ngại là Omicron có thể gây triệu chứng nặng hơn ở bệnh nhân cao tuổi hoặc chưa tiêm vaccine hoặc có bệnh nền.
Bà đã điều trị cho hơn 20 bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron, chủ yếu là người dưới 40 tuổi, trong đó một nửa chưa tiêm chủng vaccine. Bà cho rằng, biến chủng Omicron đang bị "thổi phồng quá mức". "Chúng tôi chỉ biết được điều này sau 2 tuần theo dõi. Đúng là biến thể Omicron rất dễ lây lan nhưng chúng tôi không biết tại sao lại xuất hiện quá nhiều thông tin cường điệu hóa về nó khi chúng tôi vẫn đang nghiên cứu".
Tuy nhiên, bà cũng lưu ý rằng nghiên cứu về biến chủng Omicron vẫn đang trong giai đoạn đầu và tính đến ngày 28/11, chỉ có 24% người dân Nam Phi được tiêm chủng đầy đủ.
Tiến sĩ Sharon Alroy-Preis, người đứng đầu cơ quan dịch vụ y tế công cộng của Israel, nói rằng nguy cơ lây nhiễm biến chủng Omicron "rất cao", nhưng những người đã tiêm vaccine Covid-19 mà nhiễm biến chủng thì chỉ bị nhẹ.
Giáo sư Dror Mevorach, trưởng khoa virus corona tại Bệnh viện Đại học Hadassah Ein Karem (Israel), cho biết các báo cáo sơ bộ về tình trạng lâm sàng của những người bị nhiễm biến chủng mới rất khả quan. "Nếu tình hình tiếp tục diễn biến theo hướng này, Omicron có thể là một biến chủng tương đối nhẹ so với biến chủng Delta, và nghịch lý là, nếu vẫn tiếp diễn như vậy, biến chủng này sẽ dẫn đến tỷ lệ lây nhiễm thấp hơn và sẽ dễ dàng đối phó hơn trên toàn cầu", giáo sư Mevorach nói.
Báo cáo về tình hình dịch bệnh cho thấy, bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron có xu hướng trẻ hơn và biến chủng này không phổ biến ở những người lớn tuổi. Bệnh nhân nhiễm biến chủng mới chủ yếu cảm thấy mệt mỏi và đau nhức cơ thể. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ tác động của biến chủng đối với người lớn tuổi mắc các bệnh nền như tiểu đường hoặc bệnh tim.
"Vẫn còn sớm để đưa ra kết luận, vì tình hình chưa chắc đã thực sự tồi tệ. Tại thời điểm này, điều quan trọng là phải thu thập thông tin chứ không phải suy đoán", giáo sư Mevorach cho biết.
Bộ trưởng Y tế Israel Nitzan Horowitz ngày 28/11 cho biết, nước này đã chuẩn bị sẵn sàng cho sự xuất hiện của một biến chủng mới trong thời gian qua. "Nhờ có sự chuẩn bị và duy trì các biện pháp phòng ngừa và giám sát, chúng ta đã nhanh chóng khoanh vùng được biến chủng này. Vấn đề này đang được kiểm soát, và không có lý do gì để hoảng sợ", ông Horowitz nói thêm.
Thận trọng nhưng không hoảng sợ
Biến chủng Omicron được phát hiện lần đầu ở khu vực phía nam châu Phi từ giữa tháng 11. Kết quả giải trình tự gen cho thấy, Omicron chứa đến 50 đột biến, trong đó có 32 đột biến trên protein gai, gấp đôi số đột biến của chủng Delta.
Chuyên gia Samiran Panda, Trưởng khoa Dịch tễ học và bệnh truyền nhiễm của Hội đồng Nghiên cứu Y học Ấn Độ (ICMR) cho biết, những thay đổi về cấu trúc của virus mà thế giới đã phát hiện ra với biến chủng Omicron không nhất thiết làm thay đổi chức năng đáng lo ngại nào.
"Nó có thể không gây chết người hoặc khiến cho bệnh nặng hơn nhưng tới thời điểm này không có dữ liệu như vậy và tất nhiên chúng ta vẫn phải chờ xem. Không cần thiết phải hoảng loạn, mọi người dân nên tập trung vào tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa Covid-19 và đảm bảo tuân thủ các biện pháp phòng dịch. Nếu phần lớn dân số được tiêm đủ 2 liều vaccine, đó sẽ là bước tiến lớn về y tế công cộng. Ngoài ra, cũng cần củng cố việc tầm soát, giải trình tự gen virus với du khách quốc tế", chuyên gia Panda nói.
Ông nhấn mạnh: "Du khách quốc tế cần được xét nghiệm và giám sát chặt bởi virus mang biến chủng mới có thể xâm nhập theo dòng người di chuyển toàn cầu. Nhiều nước đã xuất hiện biến chủng Omicron, nhưng số ca vẫn rất ít. Tôi chưa thể nói rằng Omicron lây lan mạnh hơn. Chúng ta cần đánh giá một cách thận trọng và thời gian sẽ làm sáng tỏ".
Các chuyên gia Nam Phi cũng cho rằng, hầu hết các ca nhiễm Omicron có triệu chứng không nghiêm trọng, vì vậy người dân không nên hoảng sợ, nhưng vẫn cần thận trọng khi còn quá ít dữ liệu về biến chủng nào. Người dân được khuyến cáo nên chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ, đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết của tiêm chủng vaccine.
Chuyên gia Peter Collignon, giáo sư về các bệnh truyền nhiễm và là nhà vi sinh vật học tại Đại học Quốc gia Australia (ANU), thừa nhận có những lo ngại rằng vaccine có thể không hiệu quả đối với biến chủng Omicron mới. Tuy nhiên, ông cho biết hiện chưa có bằng chứng để đưa ra kết luận như vậy.
Giáo sư Collignon nói với đài ABC rằng, các loại vaccine Covid-19 đã được phê duyệt vẫn có khả năng chống lại biến chủng Omicron. Chuyên gia Australia cho biết, nếu nhìn vào tỷ lệ tử vong và nhập viện trên toàn thế giới, thì vaccine "vẫn rất hiệu quả trong việc đối phó với mọi biến chủng từng xuất hiện từ trước đến nay".
"Cho đến nay chúng ta không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy vaccine không có hiệu quả trong việc chống lại dịch bệnh này" - chuyên gia Peter Collignon, giáo sư về các bệnh truyền nhiễm và là nhà vi sinh vật học tại Đại học Quốc gia Australia (ANU).
Giám đốc Viện Quốc gia về Dị ứng và Các bệnh Truyền nhiễm của Mỹ, Cố vấn Y tế trưởng Anthony Fauci, đã nói với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại cuộc họp hôm 29/11 rằng, mũi vaccine tăng cường sẽ mang lại sự bảo vệ "đáng tin cậy nhất" trước biến chủng Omicron.
Giáo sư Collignon nhận định sự xuất hiện của các biến chủng mới là điều đáng quan tâm, nhưng cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng các biến chủng này và không nên quá sợ hãi.
"Hiện tại, chúng ta chưa có bằng chứng xác thực cho thấy khả năng phòng vệ mà chúng ta đang có, chủ yếu là vaccine, hoặc mức độ nghiêm trọng của biến chủng, còn tồi tệ hơn những gì chúng ta đã thấy trước đây. Vì vậy, tôi nghĩ chúng ta phải cẩn trọng, nhưng theo quan điểm của tôi, không nên để nỗi sợ hãi dẫn đến các quyết định thái quá", ông Collignon nói.
Theo giáo sư Collignon, cần có các tiêu chí thuyết phục hơn để lý giải cho việc áp dụng các lệnh cấm đi lại, bắt buộc cách ly tại khách sạn và các biện pháp cứng rắn khác để đối phó với dịch bệnh.
Chuyên gia Australia cho rằng mức độ sợ hãi của công chúng đang lớn hơn so với rủi ro thực sự của biến chủng.
"So với một năm trước, Australia đang ở trong tình thế tốt hơn nhiều. Chúng ta đã có vaccine với hiệu quả cao để đối phó với mọi biến chủng xuất hiện từ trước đến nay. Mọi thứ đều đang thuận lợi cho chúng ta", ông Collignon nói.
Nhà dịch tễ học Catherine Bennett nói với ABC News rằng có những dấu hiệu lạc quan về biến chủng Omicron, bao gồm việc biến chủng này chỉ gây ra tình trạng bệnh nhẹ, nhưng cũng có những dấu hiệu cho thấy biến chủng này có khả năng lây nhiễm cao hơn.
Bà Bennett cho rằng cần có thêm bằng chứng để xác định khả năng lây nhiễm và mức độ nghiêm trọng của chủng virus, đồng thời tìm hiểu mức độ hiệu quả của các loại vaccine đã được phê duyệt.
Về phía WHO, mặc dù xếp Omicron vào nhóm "đáng lo ngại", nhưng cơ quan này cho biết vẫn chưa rõ liệu nó có khả năng lây nhiễm cao hơn so với các biến chủng trước đây của virus SARS-CoV-2 hay không hoặc có thể gây ra bệnh nặng hơn không. WHO dẫn lại bằng chứng sơ bộ cho thấy, nguy cơ tái nhiễm với biến chủng mới có thể cao hơn so với các biến chủng khác của SARS-CoV-2. Tuy nhiên, WHO cũng nhấn mạnh rằng, để hiểu được mức độ nghiêm trọng của Omicron sẽ mất từ vài ngày cho đến vài tuần.
Thông cáo ngày 28/11 của WHO nêu rõ, việc hạn chế đi lại toàn cầu có thể đóng vai trò giúp giảm đà lây lan Covid-19, nhưng cũng "tạo ra gánh nặng cuộc sống và mưu sinh". WHO khuyến cáo các nước đưa ra các biện pháp ứng phó dựa trên cơ sở khoa học và các đánh giá rủi ro.