1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Lo sợ hỗn loạn vì biến chủng mới, dòng người tìm cách chạy khỏi Nam Phi

Thành Đạt

(Dân trí) - Hàng loạt chuyến bay quốc tế bị hủy sau thông tin về biến chủng Omicron khiến Nam Phi rơi vào tình trạng hỗn loạn trong những ngày vừa qua.

Lo sợ hỗn loạn vì biến chủng mới, dòng người tìm cách chạy khỏi Nam Phi - 1

Hành khách xếp hàng để lên chuyến bay của hãng hàng không Air France đến Paris, Pháp tại sân bay quốc tế OR Tambo ở Johannesburg, Nam Phi ngày 26/11 sau khi có thông tin về biến chủng mới (Ảnh: AP).

Tâm lý hoài nghi và hoang mang bao phủ Nam Phi, khi thông tin về biến chủng Omicron khiến hàng loạt chuyến bay bị hủy và làm dấy lên lo ngại về viễn cảnh phong tỏa tại quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất châu Phi.

Các chuyến bay từ Nam Phi đến Mỹ, Anh và các quốc gia ở châu Âu đã nhanh chóng bị cấm sau khi các nhà khoa học Nam Phi chính thức công bố phát hiện biến chủng virus mới vào ngày 25/11.

"Mọi thứ hoàn toàn hỗn loạn. Không ai có thể cho chúng tôi biết điều gì có thể xảy ra đối với hoạt động đi lại vào thời điểm này", Steve Lawrence, du khách mắc kẹt tại OR Tambo, một trong những sân bay nhộn nhịp nhất châu Phi, cho biết.

"Mọi thứ đang thay đổi theo từng phút và chúng tôi bị bỏ lại trong tình trạng hỗn loạn. Chúng tôi đã lên kế hoạch đến Mỹ trong tháng 12 và bây giờ chúng tôi đang bị mắc kẹt", Lawrence nói thêm.

Khoảng 600 hành khách trên hai chuyến bay của hãng hàng không KLM từ Johannesburg (Nam Phi) đến Amsterdam (Hà Lan) đã bị mắc kẹt trên đường băng tại sân bay Schiphol sau khi xảy ra tình trạng hoảng loạn do sự xuất hiện của biến chủng virus mới.

"Các quốc gia phát triển thật ngây thơ khi tin rằng họ có thể ngăn chặn sự lây lan của biến chủng này bằng một lệnh cấm toàn diện đối với các quốc gia ở khu vực phía nam châu Phi. Virus đã xâm nhập vào các nước này từ những người thậm chí chưa từng đến hoặc tiếp xúc với bất kỳ ai từ phía nam châu Phi", Shabir Madhi, nhà nghiên cứu vaccine người Nam Phi, nói với hãng tin Al Jazeera.

"Việc biến chủng được phát hiện ở đây không có nghĩa nó là biến chủng của Nam Phi. Nam Phi là một trong những nước có năng lực giải trình tự gene virus SARS-CoV-2 tốt nhất thế giới dựa trên kinh nghiệm điều trị HIV và lao của chúng tôi. Chúng tôi là nước đi trước, do vậy chúng tôi trở thành nạn nhân cho thành công của chính mình", Madhi nói thêm.

Ngành du lịch bị ảnh hưởng

Việc dừng đột ngột các chuyến bay đã khiến ngành du lịch của Nam Phi bị ảnh hưởng nặng nề, khi số khách hủy đặt chỗ ngày càng tăng ngay sau thông báo về chủng virus mới.

"Tôi hoàn toàn bị sốc. Khi chúng tôi thức dậy vào sáng thứ Sáu (26/11), mọi thứ đều ổn. Nhưng chỉ trong vòng 48 giờ, chúng tôi đã bị cấm và chúng tôi đang bị hủy phòng rất nhiều", Manuela Pallamer, chủ sở hữu khu nghỉ dưỡng Mziki Safari Lodge ở North West, Nam Phi, cho biết.

"Chúng tôi có thị trường du lịch địa phương tốt, nhưng nếu tất cả khách du lịch nước ngoài hủy dịch vụ, chúng tôi sẽ thực sự bị suy sụp", Pallamer nói thêm.

Ngành du lịch là một trong những ngành sử dụng lao động chủ chốt tại Nam Phi, cung cấp việc làm cho 4,5% toàn dân số và chiếm 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm. Ngành du lịch của Nam Phi đã mất khoảng 10 tỷ USD vào năm ngoái do lượng khách nước ngoài sụt giảm và ước tính sẽ mất khoảng 10 triệu USD mỗi tuần sau khi dừng các chuyến bay tới các thị trường du lịch quan trọng ở nước ngoài.

Chính phủ Nam Phi đã lên tiếng phản đối các lệnh hạn chế đi lại vì biến chủng Omicron. Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla ngày 26/11 nói rằng lệnh cấm đi lại vi phạm quy định và tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Ông Phaahla chỉ trích các quốc gia khác "muốn đổ lỗi" và gán biến chủng mới cho Nam Phi thay vì hợp tác làm việc để giải quyết tình hình theo hướng dẫn của WHO.

"Covid-19 là tình huống khẩn cấp về y tế toàn cầu. Chúng ta phải hợp tác cùng nhau, chứ không phải trừng phạt nhau", ông Phaahla nói.

Theo Bộ trưởng Y tế Nam Phi, các nghiên cứu sơ bộ cho thấy biến chủng mới có thể dễ lây nhiễm hơn do thành phần di truyền, nhưng các vaccine hiện tại vẫn có hiệu quả trong việc ngăn ngừa ca bệnh nghiêm trọng do biến chủng.

Một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nam Phi hôm 27/11 cũng chỉ trích mạnh mẽ lệnh cấm đi lại, cho rằng việc một số quốc gia trên thế giới cấm chuyến bay từ Nam Phi sau khi biến chủng được phát hiện giống như đang "trừng phạt" Nam Phi, thay vì hoan nghênh nước này vì khả năng phát hiện biến chủng mới nhanh hơn.

WHO ngày 26/11 đã xếp Omicron vào danh sách biến chủng đáng lo ngại với nguy cơ lây nhiễm cao hơn Delta. Sau khi xuất hiện ở Nam Phi, các ca mắc biến chủng mới bắt đầu lan sang các nước châu Âu, Bắc Mỹ (Canada), châu Á (Hong Kong).

Hàng loạt quốc gia đã cấm các chuyến bay từ Nam Phi và các nước láng giềng hoặc cấm nhập cảnh với người trở về từ khu vực này. Israel thậm chí thông báo cấm toàn bộ người nước ngoài nhập cảnh, trở thành nước đầu tiên đóng biên giới để đối phó biến chủng Omicron.