DNews

Ông Trump muốn Mỹ tiếp quản Gaza: Tham vọng vẽ bản đồ thế giới mới?

Đức Hoàng

(Dân trí) - Giới quan sát nhận định việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ngỏ ý muốn Washington kiểm soát Dải Gaza cho thấy tham vọng của ông chủ Nhà Trắng với việc vẽ lại bản đồ thế giới để mang lại lợi ích cho Mỹ.

Ông Trump muốn Mỹ tiếp quản Gaza: Tham vọng vẽ bản đồ thế giới mới?

Tuyên bố gây sốc của Tổng thống Donald Trump vào hôm 4/2 rằng ông muốn Mỹ kiểm soát và tái thiết Dải Gaza dù gây ra bất ngờ lớn với dư luận quốc tế, nhưng theo các chuyên gia, nó phù hợp với tham vọng của ông nhằm vẽ lại bản đồ thế giới và đặt lợi ích của Washington lên vị trí số 1.

Kể từ khi ông Trump trở lại Nhà Trắng hơn 2 tuần trước, cách tiếp cận "Nước Mỹ trên hết" của ông dường như đã chuyển thành "Nước Mỹ có nhiều hơn" với việc Tổng thống bày tỏ mong muốn có thêm các lãnh thổ mới.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh trước đó ông đã vận động tranh cử với cam kết giữ Mỹ tránh xa các cuộc can thiệp nước ngoài và những cuộc chiến kéo dài vô tận.

Phát ngôn "gây sốc" ở Trung Đông

Ông Trump đã gây bất ngờ lớn khi nêu khả năng Mỹ sẽ kiểm soát Gaza trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 4/2 với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ông nói rằng ông hình dung việc xây dựng một khu nghỉ dưỡng nơi các cộng đồng quốc tế có thể chung sống hòa bình.

Ngay lập tức, các quốc gia Ả rập, Palestine và nhóm vũ trang Hamas đã lên tiếng phản đối ông. Phát ngôn của ông Trump đã chạm đến một trong những vấn đề nhạy cảm nhất trong xung đột Ả Rập - Israel.

Gaza bị tàn phá nghiêm trọng sau chiến sự với Israel (Video: AP).

Kế hoạch của ông Trump có khả năng làm gia tăng nỗi lo sợ của người Palestine ở Gaza, nơi có dân số trước chiến tranh khoảng 2,3 triệu người. Họ lo ngại về nguy cơ bị buộc rời khỏi dải đất ven biển này, đồng thời làm dấy lên mối quan ngại ở các quốc gia Ả Rập vốn từ lâu đã lo ngại về nguy cơ bất ổn nếu có cuộc di cư như vậy xảy ra.

Người Palestine từ lâu đã bị ám ảnh bởi sự kiện mà họ gọi là "Nakba" hay "thảm họa", khi 700.000 người Palestine bị mất nhà cửa trong cuộc chiến tranh xung quanh sự ra đời của Nhà nước Israel vào năm 1948.

Nhiều người trong số họ đã bị buộc phải rời đi hoặc chạy trốn sang các quốc gia Ả Rập láng giềng, bao gồm Jordan, Syria, Liban, nơi họ và con cháu của họ vẫn sống trong các trại tị nạn. Một số người đã đến Gaza. Israel nhiều lần phủ nhận cáo buộc rằng họ đã buộc người Palestine phải rời đi.

Cuộc xung đột mới nhất, hiện tạm dừng do một thỏa thuận ngừng bắn mong manh, đã chứng kiến các cuộc oanh tạc và tấn công trên bộ chưa từng có của Israel tại Gaza, tàn phá nhiều khu vực đô thị.

Phần lớn người dân Gaza đã bị buộc phải di dời nhiều lần trong chiến dịch tấn công của Israel, được phát động sau cuộc tấn công ngày 7/10/2023 của nhóm vũ trang Hamas khiến 1.200 người thiệt mạng, theo thống kê của Israel.

Hơn 47.000 người đã thiệt mạng ở Gaza kể từ đó, theo các quan chức y tế Palestine.

Ông Trump muốn Mỹ tiếp quản Gaza: Tham vọng vẽ bản đồ thế giới mới? - 1

Bản đồ Gaza - một dải đất hẹp ven biển dọc theo Địa Trung Hải, ở Trung Đông (Ảnh: Britannica).

Trước khi Israel phát động cuộc tấn công vào năm 2023, họ đã yêu cầu người Palestine ở phía bắc Gaza di chuyển đến các khu vực an toàn ở phía nam. Khi cuộc tấn công mở rộng, Israel tiếp tục yêu cầu họ di chuyển xa hơn về phía nam, tới Rafah, gần biên giới với Ai Cập.

Vào giai đoạn sau của cuộc chiến, trước khi phát động chiến dịch ở Rafah, Israel đã yêu cầu người dân di chuyển đến khu vực nhân đạo mới được chỉ định ở Al-Mawasi, một khu vực dài 12km dọc theo bờ biển, bắt đầu từ phía tây Deir Al-Balah ở trung tâm Gaza đến Khan Younis và Rafah ở phía nam.

Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, khoảng 85% dân số Gaza đã bị buộc phải rời khỏi nhà của họ.

Nhiều người Palestine ở Gaza cho biết họ sẽ không rời bỏ vùng đất này ngay cả khi có cơ hội, vì họ lo sợ điều đó có thể dẫn đến một cuộc di cư vĩnh viễn khác, lặp lại thảm họa Nakba năm 1948.

Ai Cập và các quốc gia Ả Rập khác kiên quyết phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm đẩy người Palestine vượt qua biên giới. Cũng như người Palestine, họ lo ngại rằng bất kỳ cuộc di cư lớn nào đều sẽ làm suy yếu triển vọng của giải pháp 2 nhà nước - ý tưởng thành lập một nhà nước Palestine bên cạnh Israel - đồng thời khiến các quốc gia Ả Rập phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng.

Ả Rập Xê út khẳng định sẽ không thiết lập quan hệ với Israel nếu không có sự ra đời của một nhà nước Palestine.

Mỹ đã dẫn đầu các nỗ lực ngoại giao trong nhiều tháng để thuyết phục Ả Rập Xê út - một trong những quốc gia Ả Rập có ảnh hưởng nhất - bình thường hóa quan hệ với Israel. Tuy nhiên, cuộc chiến ở Gaza đã khiến Riyadh tạm gác vấn đề này trước làn sóng phẫn nộ của các nước Ả Rập đối với chiến dịch tấn công của Israel.

Ngay từ những ngày đầu của cuộc xung đột, các chính phủ Ả Rập, đặc biệt là Ai Cập và Jordan, đã nhấn mạnh rằng người Palestine không được phép bị buộc rời khỏi vùng đất nơi họ muốn xây dựng một nhà nước tương lai, bao gồm Bờ Tây bị chiếm đóng và Dải Gaza.

Ông Israel Katz, hiện đang giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng, tuyên bố vào ngày 16/2/2024 rằng Israel không có kế hoạch trục xuất người Palestine khỏi Gaza. Israel sẽ phối hợp với Ai Cập về vấn đề người tị nạn Palestine và tìm cách không làm tổn hại đến lợi ích của Ai Cập, ông Katz nói thêm.

Tuy nhiên, những phát biểu của một số thành viên trong chính phủ Israel đã làm dấy lên lo ngại ở Palestine và các nước Ả Rập về nguy cơ xảy ra một thảm họa Nakba mới. Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich nhiều lần kêu gọi thực hiện chính sách "khuyến khích di cư" của người Palestine khỏi Gaza và đề xuất Israel áp đặt chế độ cai trị quân sự đối với vùng lãnh thổ này.

Tham vọng vẽ lại bản đồ thế giới

Theo giới quan sát, đề xuất của ông Trump thoạt nghe có vẻ "tùy hứng" nhưng lại phản ánh cách Tổng thống Mỹ tiếp cận nhiệm kỳ thứ hai của mình.

Ông coi quan hệ với các đồng minh thân cận như Canada và Mexico chủ yếu mang tính giao dịch, đồng thời xem các vấn đề thế giới như một cơ hội kinh doanh lớn. Quan điểm này càng được nhấn mạnh khi ông đề xuất thành lập một quỹ đầu tư quốc gia của Mỹ vào hồi đầu tuần.

Ông từng nêu khả năng Mỹ lấy lại kênh đào Panama, đề xuất Mỹ giành quyền kiểm soát Greenland từ tay đồng minh NATO, Đan Mạch và nhiều lần gợi ý rằng Canada nên trở thành bang thứ 51 của Mỹ.

Đồng thời, ông đã cảnh báo Canada và Mexico bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế nếu họ không đáp ứng các yêu cầu về an ninh biên giới.

Ông Trump muốn Mỹ tiếp quản Gaza: Tham vọng vẽ bản đồ thế giới mới? - 2

Cuộc sống ở Gaza được mô tả là "địa ngục trần gian" khi cơ sở hạ tầng bị phá hủy nghiêm trọng, tình trạng thiếu lương thực, nước sạch và nhu yếu phẩm vẫn chưa được xoa dịu (Ảnh: Reuters).

Tại cuộc họp báo với ông Netanyahu, ông Trump nói như một nhà phát triển bất động sản từng trải khi thừa nhận những khó khăn mà người dân Palestine ở Gaza phải chịu đựng. Theo giới quan sát, ông Trump dường như đang làm chính trị từ góc nhìn của một doanh nhân khi ông sẽ sử dụng các đòn bẩy để làm công cụ thương lượng.

"Chúng ta sẽ biến nơi đó thành một địa điểm quốc tế không thể tin được. Tôi nghĩ tiềm năng của Dải Gaza là vô cùng to lớn. Và tôi tin rằng cả thế giới, các đại diện từ khắp nơi trên thế giới, sẽ có mặt ở đó và họ sẽ sống ở đó. Người Palestine cũng vậy, người Palestine sẽ sống ở đó. Nhiều người sẽ sống ở đó", ông nói.

Con rể và cựu cố vấn của ông Trump, Jared Kushner, năm ngoái từng mô tả Gaza là "bất động sản ven biển có giá trị".

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, khoảng cách từ ý tưởng của ông Trump tới việc thực thi còn tương đối xa vời khi ông chưa nêu rõ chi tiết kế hoạch để người Palestine rời đi và tái thiết Gaza ra sao.

Ở một góc độ khác, ông Trump có thể không nghiêm túc với ý tưởng Mỹ kiểm soát Gaza, theo nhận định của Will Wechsler, Giám đốc cấp cao các chương trình Trung Đông tại Hội đồng Đại Tây Dương. Ông cho rằng ông Trump đang áp dụng chiến lược thường thấy của mình: Đưa ra những lập trường cứng rắn để tăng cường vị thế trước các cuộc đàm phán.

"Tổng thống Trump đang làm theo kịch bản quen thuộc: Dịch chuyển mục tiêu để tăng cường đòn bẩy trước khi bước vào một cuộc đàm phán. Trong trường hợp này là đàm phán về tương lai của chính quyền Palestine", ông phỏng đoán.

Tương lai nào cho giải pháp 2 nhà nước?

Ông Trump muốn Mỹ tiếp quản Gaza: Tham vọng vẽ bản đồ thế giới mới? - 3

Ông Trump dường như thấy tiềm năng của Gaza trong một thương vụ đầu tư bất chấp sự phức tạp của khu vực này trong bàn cờ Trung Đông (Ảnh: Reuters).

Đề xuất của ông Trump dường như gạt bỏ ý tưởng về giải pháp 2 nhà nước, thay vào đó hướng tới một mô hình mới, có thể liên quan đến việc Mỹ đóng vai trò vùng đệm trong khu vực.

"Thật khó tin", Jon Alterman, cựu quan chức Bộ Ngoại giao hiện đứng đầu chương trình Trung Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, nhận xét về gợi ý của ông Trump. Ông cho rằng người dân Gaza khó có thể tự nguyện rời khỏi khu vực này.

"Nhiều người Gaza là hậu duệ của những người Palestine từng chạy trốn khỏi các vùng lãnh thổ mà Israel đang kiểm soát và chưa bao giờ có cơ hội trở về nhà cũ của họ. Tôi nghi ngờ rằng nhiều người sẽ sẵn sàng rời bỏ Gaza, ngay cả khi nó tan hoang. Tôi khó hình dung được một kết thúc tốt đẹp cho việc tái phát triển quy mô lớn ở một Gaza không còn dân cư", ông cho hay.

Liên hợp quốc và chính quyền Mỹ từ lâu đã ủng hộ kế hoạch về việc lập ra 2 nhà nước cùng tồn tại trong các đường biên giới an toàn và được quốc tế công nhận. Người Palestine muốn thành lập một nhà nước ở Bờ Tây, Đông Jerusalem và Dải Gaza, những vùng lãnh thổ bị Israel kiểm soát trong cuộc chiến năm 1967 với các nước láng giềng Ả Rập.

Khi tranh cử tổng thống, ông Trump chủ yếu nói về chủ nghĩa cô lập, nhấn mạnh sự cần thiết phải chấm dứt các cuộc chiến tranh ở nước ngoài và tăng cường an ninh biên giới. Ông cho rằng châu Âu nên đảm nhận phần lớn trách nhiệm hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến với Nga thay vì Mỹ.

Những nỗ lực ban đầu của ông tại Nhà Trắng chủ yếu tập trung vào việc trục xuất những người nhập cư trái phép và thu gọn quy mô chính phủ liên bang, hai nội dung cốt lõi trong chương trình nghị sự của ông.

Mong muốn vẽ lại bản đồ thế giới không nằm trong các phát biểu trước đây của ông, và điều này có thể mang lại rủi ro chính trị cho ông Trump và các đồng minh Đảng Cộng hòa. Theo các cuộc khảo sát của Reuters/Ipsos, phần lớn cử tri không ủng hộ những ý tưởng này.

Chỉ 16% người trưởng thành ở Mỹ ủng hộ ý tưởng gây áp lực buộc Đan Mạch bán Greenland cho Washington trong một cuộc khảo sát được thực hiện vào ngày 20-21/1 sau khi ông Trump nhậm chức. Khoảng 29% người tham gia thăm dò ủng hộ ý tưởng giành lại quyền kiểm soát kênh đào Panama.

Chỉ 21% đồng ý với quan điểm rằng Mỹ có quyền mở rộng lãnh thổ của mình ở Tây bán cầu và chỉ 9% người được khảo sát cho rằng Mỹ nên sử dụng biện pháp quân sự để kiểm soát thêm lãnh thổ mới.

Theo Newsweek, Asia Times

Dòng sự kiện: Chính quyền Trump 2.0