DNews

Nước cờ của ông Biden khi "cởi trói" cho Ukraine tấn công lãnh thổ Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Joe Biden dường như đã xem xét nhiều yếu tố khi quyết định cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa của Mỹ để tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga.

Nước cờ của ông Biden khi "cởi trói" cho Ukraine tấn công lãnh thổ Nga

"Thà muộn còn hơn không", đó là cách các quan chức Ukraine phản ứng với thông tin về việc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho phép lực lượng vũ trang Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS do Washington cung cấp để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Quyết định này được đưa ra hơn một năm kể từ khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đưa ra yêu cầu đối với Mỹ và muốn Washington nhượng bộ.

Tổng thống Zelensky đã đạt được mong muốn của mình, ngay sau khi Nga bắt đầu một chiến dịch tấn công bằng máy bay không người lái và bom nhằm vào lưới điện của Ukraine trước mùa đông khắc nghiệt.

Các chuyên gia cho rằng, đây là quyết định mạo hiểm của Tổng thống Biden khi ông chỉ còn tại nhiệm ở Nhà Trắng trong 2 tháng nữa.

Tổng thống Nga Vladimir Putin từng cảnh báo, nếu tên lửa do Mỹ sản xuất bắt đầu rơi xuống các thành phố của Nga, Moscow sẽ coi đây là "sự tham gia trực tiếp" của quân đội phương Tây vào cuộc chiến ở Ukraine.

Nước cờ của ông Biden khi cởi trói cho Ukraine tấn công lãnh thổ Nga - 1

Tên lửa tầm xa ATACMS được phóng ra từ pháo phản lực phóng loạt M270 của Mỹ (Ảnh: Wikipedia).

Sau khi có thông tin về việc Mỹ cởi trói vũ khí tầm xa cho Ukraine, các nhà lập pháp Nga đã cảnh báo nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh thế giới thứ 3.

Tuy nhiên, Tổng thống Biden sẵn sàng chấp nhận rủi ro vì ông quyết tâm củng cố di sản với hình ảnh một nhà lãnh đạo Mỹ ủng hộ trung thành Ukraine, trái ngược với Tổng thống đắc cử Donald Trump, người đã cam kết sẽ buộc Ukraine phải đàm phán hòa bình với Nga.

Chính quyền Tổng thống Biden cũng tính toán rằng, nguy cơ leo thang thành một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Mỹ và Nga vẫn có thể kiểm soát được.

Kể từ tháng 2/2022, khi quân đội Nga bắt đầu chiến dịch quân sự, mọi thiết bị quân sự của phương Tây được chuyển giao cho Ukraine đều đi kèm với các điều kiện nghiêm ngặt về cách thức triển khai.

Ukraine được kỳ vọng sẽ sử dụng thiết bị quân sự do phương Tây cung cấp hoàn toàn cho mục đích phòng thủ để giữ vững tiền tuyến hoặc đẩy lùi quân đội Nga, nhưng không được tấn công vào trong lãnh thổ Nga.

Trong giai đoạn đầu, Tổng thống Biden đã từ chối xem xét bất kỳ thay đổi nào trong chính sách của Mỹ đối với vũ khí cấp cho Ukraine. Các quan chức Mỹ lo ngại rằng nguy cơ xảy ra xung đột giữa Mỹ và Nga có thể leo thang mất kiểm soát.

Quyết định của Mỹ cũng ảnh hưởng đến các đồng minh khác của Ukraine. Cuối cùng, Anh và Pháp đã cho phép Ukraine sử dụng tên lửa hành trình Storm Shadow do hai nước cùng sản xuất với tầm bắn hiệu quả khoảng 400km để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Tuy nhiên, nếu Mỹ không sẵn sàng chấp nhận rủi ro đáng kể hơn, châu Âu cũng không sẵn sàng làm như vậy và Storm Shadows sẽ chỉ được sử dụng một cách hạn chế.

Vậy, vì sao Washington đột ngột thay đổi quyết định?

Lý do thứ nhất, sự xuất hiện của khoảng 10.000 binh lính Triều Tiên được cho là có thể chiến đấu cùng Nga trong cuộc chiến với Ukraine. Mỹ coi động thái của Triều Tiên và Nga là sự leo thang đáng kể trong cuộc xung đột và Washington không thể khoanh tay đứng nhìn.

Ukraine tuyên bố có thể tấn công các căn cứ trên lãnh thổ Nga, nơi quân nhân Triều Tiên trú ẩn và huấn luyện, từ đó làm gián đoạn việc triển khai trên chiến trường của họ.

Mỹ dường như đồng ý với kế hoạch của Ukraine: tên lửa ATACMS do Washington sản xuất và cung cấp cho Ukraine có thể tấn công tất cả mục tiêu này.

Nhà Trắng muốn nhấn mạnh rằng việc triển khai quân đội Triều Tiên vào tỉnh Kursk của Nga đã thúc đẩy quyết định của Mỹ, rằng đây là phản ứng của Washington đối với sự leo thang của Moscow.

Các quan chức phương Tây cho rằng việc triển khai quân đội Triều Tiên cho thấy cuộc xung đột Ukraine đang mở rộng và trở thành nơi mà các đối thủ của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đóng góp vai trò, từ đó khiến cuộc chiến trở nên toàn cầu hơn.

Theo quan điểm của Tổng thống Biden, đây là một hành động leo thang, để đáp trả một hành động leo thang.

Lý do thứ 2, chính quyền Tổng thống Biden quyết định thay đổi hướng đi vì nhận ra rằng, cả quyết tâm tiếp tục chiến đấu của Ukraine và sự ủng hộ của phương Tây dành cho Kiev đều đang suy yếu.

Ukraine đang gặp khó khăn trong việc tuyển quân cho một cuộc chiến kéo dài gần 3 năm. Ngày 19/11 đánh dấu 1.000 ngày kể từ khi Nga bắt đầu mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Và việc Tổng thống đắc cử Donald Trump chuẩn bị lên nắm quyền tại Nhà Trắng cũng làm giảm hy vọng của Ukraine hơn nữa.

Trong khi đó, sự thống nhất của phương Tây trong việc ủng hộ Ukraine dường như đang bị lung lay.

Vào ngày 15/11, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã phớt lờ sự phản đối của các nhà lãnh đạo châu Âu và gọi điện cho Tổng thống Putin để xem xét các phương án chấm dứt chiến tranh. Ông Scholz đã trở thành nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên có cuộc điện đàm với Tổng thống Putin kể từ cuối năm 2022. Động thái của nhà lãnh đạo Đức đã vấp phải sự phản đối từ các đồng minh.

Tuy nhiên, Tổng thống Biden dường như muốn xoa dịu sự lo lắng của châu Âu bằng cách cho thấy rằng Mỹ vẫn dẫn đầu chiến lược của phương Tây về Ukraine.

Nước cờ của ông Biden khi cởi trói cho Ukraine tấn công lãnh thổ Nga - 2

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: Reuters).

Lý do thứ 3 xuất phát từ lo ngại rằng Nga có thể tranh thủ quá trình chuyển giao quyền lực ở Washington như một cơ hội để chọc thủng các tuyến phòng thủ của Ukraine và giành được những bước tiến lớn trong cuộc xung đột.

Các chuyên gia lo ngại, cuộc không kích của Nga vào Ukraine cuối tuần trước là cuộc tấn công dữ dội nhất trong nhiều tháng qua và có thể là màn dạo đầu cho một cuộc tấn công trên bộ thậm chí còn lớn hơn của Nga trong thời gian tới.

Washington lo ngại rằng, khi quá căng thẳng và mất tinh thần, Ukraine có thể nhượng bộ, dẫn đến một thảm họa quân sự.

Lý do thứ 4, Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden có thể tìm cách gây khó khăn cho chính quyền kế nhiệm của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

"Động lực chính đằng sau sự thay đổi lập trường của ông Biden và thời điểm đưa ra quyết định của ông về cơ bản là để làm cho nhiệm kỳ của tổng thống mới Trump trở nên khó khăn nhất có thể", Alexander Korolev, giảng viên cao cấp về chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học New South Wales, cho biết.

"Quyết định này thực sự thay đổi các cam kết hoạt động của Donald Trump. Ông Trump, trong chiến dịch tranh cử của mình và trước khi chính thức bắt đầu chiến dịch tranh cử, đã đưa ra những tuyên bố rất khoa trương về cách ông sẽ chấm dứt chiến tranh ở Ukraine trong vòng một ngày hoặc trong vòng một tuần - rất nhanh chóng", Korolev cho biết.

"Tôi nghĩ quyết định của ông Biden khiến ông Trump khó có thể thực hiện bất kỳ động thái mang tính quyết định nào đối với Ukraine mà không khiến ông ấy trông giống như một người ủng hộ Nga", Korolev cho biết thêm.

Korolev nói thêm rằng, mặc dù ông Trump có thể đảo ngược quyết định của ông Biden sau khi nhậm chức, nhưng điều này sẽ "không đẹp mắt" đối với các đồng minh của Mỹ, đặc biệt là ở châu Âu.

Ông Trump đã nhiều lần đe dọa sẽ cắt viện trợ cho Ukraine. Trong chiến dịch tranh cử, ông đã chỉ trích Tổng thống Ukraine Zelensky là "người bán hàng vĩ đại nhất mọi thời đại", đề cập đến hàng tỷ USD viện trợ mà Washington đã cung cấp cho Kiev.

Donald Trump Jr., con trai của Tổng thống đắc cử Trump, cũng nhanh chóng cáo buộc chính quyền Tổng thống Biden tìm cách làm suy yếu tổng thống đắc cử trước khi ông nhậm chức.

"Ngành công nghiệp quân sự dường như muốn đảm bảo rằng họ sẽ tiến hành Thế chiến 3 trước khi cha tôi có cơ hội kiến tạo hòa bình và cứu sống các sinh mạng", Donald Trump Jr. bình luận.

Theo nhà bình luận chính trị Mỹ Dan Kovalik, Tổng thống Biden muốn ép Tổng thống đắc cử Trump kéo dài cuộc xung đột ở Ukraine.

"Chính quyền Biden muốn dồn ông Trump vào chân tường. Họ biết rằng Trump ít nhất đã hứa sẽ chấm dứt chiến tranh ở Ukraine và họ muốn gây khó khăn cho ông ấy để thực hiện điều đó. Người dân Mỹ muốn cuộc chiến này kết thúc, và trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống này, ông Biden sẽ làm mọi cách có thể để duy trì cuộc chiến này", ông Kovalik cho biết.

Chuyên gia Kovalik nhận định, quyết định này có thể không liên quan đến ông Trump và nhằm mục đích bảo vệ những gì ông Biden coi là di sản chính trị của mình. Trên thực tế, tổng thống sắp mãn nhiệm muốn đảm bảo rằng ông sẽ được nhớ đến như một người cứng rắn với Nga "cho đến phút cuối".

Wang Wen, nhà nghiên cứu tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, cũng cho rằng chính quyền Tổng thống Biden sắp mãn nhiệm có thể lựa chọn leo thang xung đột ở Ukraine để ngăn ông Trump chấm dứt trong ngắn hạn.

"Quyết định của chính quyền Biden về việc dỡ bỏ lệnh cấm Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để tấn công các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Nga là một động thái chính trị rất nguy hiểm, cũng như là một động thái có tính toán nhằm để lại gánh nặng và bẫy nghiêm trọng cho chính quyền Trump kế nhiệm", chuyên gia Wen cho biết.

Theo ông, xung đột Ukraine đóng vai trò là yếu tố tiêu cực đối với chính quyền Tổng thống Biden.

"Chính quyền Biden tin rằng yếu tố tiêu cực này có thể trở thành yếu tố tích cực nếu chính quyền Trump dừng chiến tranh trong ngắn hạn, nhưng điều này là không thể chấp nhận được đối với những người tiền nhiệm. Hiện tại, có vẻ như chính quyền Biden sẽ chỉ dừng lại nếu leo thang xung đột lên mức không thể chấp nhận được đối với chính quyền Trump", chuyên gia Wen đưa ra ý kiến.

Lý do thứ 5, nguồn cung ATACMS mà Ukraine có thể có được là rất hạn chế. Vì vậy, ngay cả khi Kiev có thể tấn công sâu vào trong lãnh thổ Nga, điều đó cũng không thể tạo ra sự thay đổi trong một sớm một chiều trên chiến trường.

Hiện chưa rõ Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine biến thể ATACMS nào để tấn công lãnh thổ Nga, nhưng tầm bắn xa nhất của tên lửa này có thể lên tới 300km.

Các nhà phân tích đã liệt kê số lượng mục tiêu của Nga nằm trong tầm bắn của tên lửa ATACMS, trong đó Viện Nghiên cứu Chiến tranh liệt kê hàng trăm mục tiêu, bao gồm các sân bay của Nga. Tuy nhiên, các máy bay ở các sân bay này đã được sơ tán sâu hơn vào trong lãnh thổ Nga.  

Quyết định của Mỹ cho phép Ukraine tấn công sâu vào trong lãnh thổ Nga buộc các chỉ huy quân sự Nga phải xem xét lại cuộc tấn công sắp tới và chuyển hướng lực lượng để bảo vệ các tuyến tiếp tế bên trong lãnh thổ Nga, nơi có nguy cơ dễ bị Ukraine tấn công.

Quyết định của Tổng thống Biden được xem là mạo hiểm, vì có thể khiến Nga trả đũa nhằm vào các đoàn xe quân sự phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine và gây ra một cuộc chiến rộng lớn hơn.

Tuy nhiên, các cố vấn của Tổng thống Biden đã tính toán rằng, Nga sẽ không mạo hiểm đối đầu quân sự trực tiếp với Mỹ vào thời điểm 2 tháng trước khi Tổng thống đắc cử Trump tuyên thệ nhậm chức, nhất là khi ông Trump đang ủng hộ một phương án giải quyết xung đột được cho là bất lợi hơn cho Ukraine.

Ông Trump có thể hủy bỏ quyết định của ông Biden ngay khi ông bước vào Nhà Trắng. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Biden hy vọng đến lúc đó, Ukraine sẽ không lùi bước trước áp lực của Nga và ngay cả khi ông Trump buộc Ukraine phải nhượng bộ để đạt được hòa bình, ít nhất họ cũng sẽ làm như vậy từ một vị thế chiến lược tốt hơn.

Quyết định thay đổi cục diện chiến sự?

Nước cờ của ông Biden khi cởi trói cho Ukraine tấn công lãnh thổ Nga - 3

Xe tăng Nga khai hỏa ở vùng chiến sự (Ảnh: Sputnik).

Vào tháng 9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo rằng việc sử dụng ATACMS bên trong lãnh thổ Nga đồng nghĩa với việc liên minh quân sự NATO đang tham gia vào cuộc chiến với Nga.

Ông Vladimir Dzhabarov, phó chủ tịch thứ nhất phụ trách các vấn đề quốc tế của thượng viện Nga, cảnh báo quyết định của phương Tây có thể dẫn đến Thế chiến 3 và sẽ bị đáp trả nhanh chóng.

Chuyên gia Korolev cho biết ông hoài nghi việc Nga sẽ trả đũa trực tiếp Mỹ và các đồng minh NATO, nhưng "mối nguy hiểm leo thang là có thật".

"Điều đó có thể lý giải cho việc Nga sẽ có những động thái táo bạo hơn đối với Ukraine", ông nói thêm.

Dmitry Suslov, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Toàn diện châu Âu và Quốc tế thuộc Trường Kinh tế Cao cấp, cảnh báo quyết định của phương Tây về việc cho phép sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công vào lãnh thổ Nga đã trao cho Moscow toàn quyền tấn công các căn cứ của NATO.

"Rủi ro leo thang chắc chắn đang tăng lên đáng kể. Moscow đã giải thích rằng họ sẽ coi các cuộc tấn công tầm xa như vậy là sự tham gia trực tiếp của Mỹ và phương Tây vào cuộc chiến chống lại Nga", ông Suslov nói.

"Theo đó, Nga sẽ thực hiện một số bước để gây ra thiệt hại trực tiếp và ngay lập tức cho các nước phương Tây và Mỹ, bao gồm các cuộc tấn công tên lửa trực tiếp của Nga vào các cơ sở quân sự của họ, chắc chắn sẽ không liên quan đến đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, đó là quyết định cuối cùng", chuyên gia lưu ý.

Theo ông Suslov, các biện pháp trả đũa của Nga có thể bao gồm việc chuyển giao vũ khí tiên tiến hơn cho các lực lượng "đang trực tiếp chiến đấu chống lại Mỹ, đặc biệt ở Trung Đông".

Bên cạnh đó, cũng có khả năng xảy ra các cuộc tấn công ngay lập tức vào các căn cứ quân sự của Mỹ bên ngoài châu Âu.

"Đây là một lựa chọn cực đoan và về mặt này, Nga có toàn quyền tấn công các cơ sở quân sự của NATO tại các nước NATO", nhà phân tích cho biết.

Một số chuyên gia cho rằng, quyết định của Tổng thống Biden cho phép Kiev phóng tên lửa tầm xa của Mỹ vào sâu trong lãnh thổ Nga khó có thể trở thành bước ngoặt trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Đài NHK dẫn một nguồn tin tại quốc hội Mỹ cho rằng kho tên lửa ATACMS ở Ukraine rất hạn chế vì chúng đã được sử dụng trong cuộc xung đột. Vì vậy, quyết định của Tổng thống Biden sẽ không có tác động đáng kể đến tình hình chiến trường.

Chuyên gia Korolev nhận định việc sử dụng tên lửa ATACMS "chủ yếu là một quyết định mang tính chính trị và tượng trưng" và sẽ không tạo ra sự khác biệt đáng kể trong quỹ đạo chung của cuộc chiến.

"Những tên lửa đó sẽ không thể tấn công bất kỳ trung tâm chính trị quan trọng nào. Chúng chủ yếu có thể nhắm vào khu vực Kursk và các vùng lãnh thổ khác do Nga kiểm soát ở Ukraine. Tôi coi đó chủ yếu là một động thái chính trị tại Nhà Trắng", ông nói thêm.

Kể từ sau chiến thắng của ông Trump, các quan chức cấp cao trong chính quyền Biden đã nhiều lần nói rằng họ sẽ sử dụng thời gian còn lại trong nhiệm kỳ này để đảm bảo Ukraine có thể chiến đấu hiệu quả vào năm tới hoặc đàm phán hòa bình với Nga từ "vị thế mạnh".

Một giả thuyết được các nhà phân tích đặt ra là Tổng thống đắc cử Trump sẽ thu hồi quyết định của Tổng thống Biden về việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa. Một số quan chức Mỹ tin rằng khả năng sử dụng tên lửa để tấn công lãnh thổ Nga khó có thể thay đổi đáng kể cục diện xung đột.

"Có khả năng ông Trump sẽ hủy bỏ quyết định. Thực tế cho thấy, đội ngũ của ông đã cáo buộc ông Biden cố gắng leo thang xung đột", nhà bình luận Lisa Haseldine của trang tin Spectator, dự đoán.

Chuyên gia Wang Wen dự đoán vài tháng tới sẽ là "giai đoạn rủi ro cao" trong cuộc xung đột ở Ukraine. Theo ông, chính quyền Tổng thống Biden và Zelensky sẽ cố gắng mở rộng xung đột và sử dụng vũ khí mạnh hơn để buộc Nga phải phản công tích cực hơn, qua đó ngăn Tổng thống đắc cử Trump chấm dứt xung đột trong ngắn hạn. Chuyên gia này cũng cho biết, có thể ông Trump thậm chí phải tăng viện trợ cho Ukraine nếu nước này rơi vào tình thế khó khăn.

Theo Straitstimes, CNA, Tass, Newsweek