1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Dỡ hạn chế vũ khí cho Ukraine: "Nước cờ" cuối của ông Biden?

Minh Phương

(Dân trí) - Xung đột Nga - Ukraine bước vào một bước ngoặt mới khi Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã cho phép Kiev dùng vũ khí viện trợ tầm xa để tấn công sâu vào Nga.

Dỡ hạn chế vũ khí cho Ukraine: Nước cờ cuối của ông Biden? - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: Getty).

Quyết định vào phút chót

Sau một thời gian dài từ chối đề nghị của Ukraine vì lo ngại tình hình leo thang, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tuần qua được cho là đã "bật đèn xanh" cho phép Ukraine dùng vũ khí tầm xa do Washington viện trợ để tấn công sâu vào Nga.

Nếu được xác nhận, động thái này cho thấy sự thay đổi đáng kể trong chính sách hỗ trợ Ukraine của chính quyền Tổng thống Biden khi nhiệm kỳ của ông chỉ còn vài tuần.

Một lần nữa, ông Biden đưa ra quyết định quan trọng về chính sách đối với Ukraine ở thời điểm đôi khi bị cho là quá muộn màng.

Trước kia, Ukraine cũng từng đề nghị Mỹ cung cấp pháo HIMARS, xe tăng Abrams, máy bay chiến đấu F-16. Ban đầu, Washington dứt khoát từ chối, nhưng cuối cùng lại chấp thuận khi lực lượng Ukraine ở thế khó trong cuộc xung đột với Nga.

Vì sao Mỹ "bật đèn xanh"?

Mỹ đã cung cấp Hệ thống tên lửa chiến thuật quân đội (ATACMS) cho Ukraine từ đầu năm ngoái. Đây là tên lửa có tầm bắn lên tới 300km và là một trong những tên lửa mạnh nhất mà phương Tây viện trợ cho Ukraine đến thời điểm này.

Kiev đã sử dụng tên lửa này cho hoạt động tấn công các mục tiêu ở những vùng lãnh thổ bị Nga kiểm soát, trong đó có bán đảo Crimea. Tuy nhiên, Washington không cho phép Kiev dùng ATACMS tấn công vào lãnh thổ Nga.

Ukraine lập luận rằng việc không được phép sử dụng những loại vũ khí như vậy bên trong lãnh thổ Nga giống như bị yêu cầu chiến đấu với một tay bị trói sau lưng.

Nhận định về lý do khiến chính quyền Tổng thống Biden đảo ngược chính sách hạn chế trên, một số chuyên gia cho rằng động thái này nhằm đáp trả việc Triều Tiên gần đây triển khai lực lượng quân sự để hỗ trợ Nga đối phó quân đội Ukraine ở vùng biên giới Kursk.

Tác động từ "nước cờ" của Mỹ

Dỡ hạn chế vũ khí cho Ukraine: Nước cờ cuối của ông Biden? - 2

Một tổ hợp ATACMS của Mỹ (Ảnh: Reuters).

Với quyết định mới từ chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, Ukraine giờ đây sẽ có thể tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga, rất có thể là xung quanh khu vực Kursk, nơi lực lượng Ukraine nắm giữ hàng trăm km2 lãnh thổ.

Các quan chức Mỹ cho biết Kyiv sẽ có thể sử dụng ATACMS để phòng thủ trước một cuộc phản công dự kiến của quân đội Nga và Triều Tiên. Một số nguồn tin phương Tây trước đó nhận định, Nga đã triển khai khoảng 50.000 quân, bao gồm cả lính Triều Tiên, dường như sẽ mở một cuộc phản công quy mô lớn ở Kursk trong vòng vài ngày tới.

Ukraine có thể tập kích các vị trí của Nga ở Kursk, bao gồm địa điểm tập kết quân, hậu cần, cơ sở hạ tầng và kho đạn dược.

Tuy nhiên, BBC dẫn nhận định của các nhà phân tích cho rằng, quyết định mới của Washington sẽ khó giúp Ukraine xoay chuyển cục diện chiến sự. Họ lý giải, nguồn cung ATACMS từ Mỹ sẽ không đủ để Kiev tạo bước ngoặt. Hơn nữa, các thiết bị quân sự của Nga, chẳng hạn như máy bay phản lực, đã được chuyển đến các sân bay sâu hơn bên trong lãnh thổ Nga để đề phòng.

Mặc dù vậy, loại vũ khí này vẫn có khả năng mang lại cho Ukraine một số lợi thế vào thời điểm quân đội Nga đang tiến công nhanh ở miền Đông Ukraine và giữa lúc tinh thần của quân đội Kiev giảm sút.

"Tôi nghĩ đây không phải một quyết định mang tính bước ngoặt mà là một quyết định mang tính biểu tượng nhằm thể hiện sự hỗ trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine. Nó cũng có thể khiến Nga chịu tổn thất hơn", một nhà ngoại giao phương Tây nhận định.

Evelyn Farkas, người từng giữ chức phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng trong chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, cho biết một câu hỏi đặt ra sau quyết định của Washington là số lượng đạn dược mà Mỹ sẽ được cung cấp.

"Chúng tôi được biết Lầu Năm Góc đã cảnh báo rằng họ không có quá nhiều tên lửa để cung cấp cho Ukraine", ông Farkas nói và cho biết thêm rằng ATACMS có thể có "tác động tâm lý tích cực" ở Ukraine nếu chúng được sử dụng để tấn công các mục tiêu như cầu Kerch nối bán đảo Crimea với đất liền Nga.

Một tác động nữa từ động thái của chính quyền Tổng thống Biden là "tạo ra tiền lệ", mở đường cho các đồng minh hỗ trợ tương tự cho Ukraine. Theo báo Le Figaro, Anh và Pháp cũng đã bật đèn xanh cho Kiev.

Ở chiều ngược lại, động thái của Mỹ làm dấy lên lo ngại nguy cơ xung đột Ukraine leo thang thành một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO.

Tổng thống Vladimir Putin đã cảnh báo, nếu phương Tây cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công Nga, Moscow sẽ coi đó là sự tham gia trực tiếp của NATO vào cuộc chiến Ukraine.

"Điều đó sẽ thay đổi đáng kể bản chất, bản chất của cuộc xung đột, có nghĩa là các nước NATO, Mỹ và các nước châu Âu đang chiến đấu với Nga", chủ nhân Điện Kremlin tuyên bố.

Ông Trump có thể phản ứng như thế nào?

Dỡ hạn chế vũ khí cho Ukraine: Nước cờ cuối của ông Biden? - 3

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố có thể chấm dứt xung đột Ukraine trong vòng 24 giờ (Ảnh: Shutter).

Đội ngũ của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump hiện chưa bình luận về thông tin Mỹ dỡ bỏ hạn chế khả năng tấn công tầm xa của Ukraine bằng vũ khí viện trợ. Một người phát ngôn đội ngũ chuyển tiếp của ông cho biết, họ sẽ chưa bình luận khi chưa có tuyên bố chính thức từ chính quyền ông Biden.

Trong khi đó, một thành viên giấu tên khác trong đội ngũ của ông Trump cho biết, ông chắc chắn sẽ xem xét lại quyết định của người tiền nhiệm khi nhiệm kỳ của ông bắt đầu vào tháng 1 tới.

Một số đồng minh của ông Trump đã lên tiếng chỉ trích việc cho phép Ukraine dùng vũ khí tầm xa của Mỹ tấn công vào Nga. Tuy nhiên, một số khác lại cho thấy quan điểm trái ngược, Michael Waltz, người được ông Trump đề cử vào vị trí Cố vấn An ninh Quốc gia, cho rằng Mỹ có thể đẩy nhanh việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine để buộc Nga phải đàm phán.

Tổng thống đắc cử Trump nghĩ rằng ông dễ dàng giải quyết xung đột Ukraine trong vòng 24 giờ, nhưng thực tế ông dường như sẽ phải đối mặt cuộc chiến với những yếu tố rủi ro đang gia tăng đáng kể.

Theo BBC, Reuters, TASS

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm