Những lựa chọn rủi ro với đảng Dân chủ Mỹ sau khi ông Biden ngừng tranh cử
(Dân trí) - Nhiều thành viên đảng Dân chủ Mỹ đã đồng loạt ủng hộ quyết định của Tổng thống Joe Biden rút khỏi chiến dịch tranh cử. Mặc dù vậy, đây cũng là bước ngoặt đầy thách thức với đảng Dân chủ.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 tiếp tục những diễn biến bất ngờ khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố rút khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng.
"Được phục vụ với cương vị tổng thống là vinh dự lớn nhất trong cuộc đời tôi. Mặc dù tôi có ý định tái tranh cử, nhưng tôi tin rằng việc tôi dừng tranh cử sẽ mang lại lợi ích cao nhất cho đảng Dân chủ và đất nước. Tôi sẽ chỉ tập trung hoàn thành nhiệm vụ tổng thống của mình trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ", Tổng thống Biden thông báo trên mạng xã hội X cuối ngày 21/7.
Quyết định được đưa ra sau khi ông Biden đối mặt với sức ép từ bỏ cuộc đua vào Nhà Trắng do các thành viên trong đảng và dư luận hoài nghi về sức khỏe, sự minh mẫn của ông.
Hồi giữa tháng 7, tin tức ông Biden dương tính với Covid-19 càng làm dấy lên những lo ngại về tình trạng sức khỏe vốn đã là điểm yếu của chủ nhân Nhà Trắng. Chỉ một ngày trước khi có kết quả xét nghiệm, ông Biden thậm chí còn tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn rằng "chỉ có tình trạng sức khỏe mới có thể buộc tôi rời khỏi đường đua".
Sự minh mẫn của ông Biden cũng bị đặt dấu hỏi lớn. Tổng thống Mỹ liên tiếp nhầm lẫn trong ngày cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh NATO ngày 11/7 tại Washington, khi ông gọi nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky là "Tổng thống Putin", hay nhầm bà Kamala Harris là "Phó Tổng thống Trump" trong một cuộc họp báo.
Sự hoài nghi đối với khả năng tranh cử của ông Biden càng lớn sau cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa ông với ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump ngày 27/6.
Cuộc tranh luận ban đầu được kỳ vọng sẽ trở thành cơ hội giúp ông Biden xóa tan đi những quan ngại liên quan đến tuổi tác của ông. Tuy nhiên, sự kiện này lại trở thành dấu chấm hết cho chiến dịch tái tranh cử của chủ nhân Nhà Trắng.
Dấu chấm hết cho chiến dịch tranh cử của ông Biden
Trong buổi tranh luận kéo dài 90 phút, Tổng thống Biden, 81 tuổi, phát biểu với giọng khàn và tỏ ra thiếu mạch lạc khi tranh luận. Ông bị cho là phản biện không quyết liệt trong cả những vấn đề vốn được coi là ưu thế của đảng Dân chủ.
Điều này dấy lên nhiều lo ngại nội bộ đảng Dân chủ khi chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là tới đại hội đảng và 4 tháng nữa đến cuộc bầu cử tổng thống.
Trong khi đó, đối thủ Donald Trump, dù chỉ kém ông Biden 3 tuổi, lại luôn tỏ ra mạch lạc xuyên suốt cuộc tranh luận, bất chấp việc những phát biểu của cựu Tổng thống Mỹ bị nghi ngờ về tính logic và xác thực.
Kết quả một số cuộc thăm dò cho thấy khoảng 75% cử tri Mỹ và 50% đảng viên đảng Dân chủ cho rằng ông Biden không nên đại diện đảng tranh cử. Ngược lại, 50% cử tri và hầu hết thành viên đảng Cộng hòa tin tưởng ông Trump có đủ năng lực tái đắc cử.
Cuộc tranh luận đầu tiên có nhiều quy tắc có lợi cho ông Biden, song ông dường như đã không tận dụng được chúng. Đầu tiên phải kể đến việc trái ngược với truyền thống từ năm 1988 khi Ủy ban phi đảng phái chịu trách nhiệm giám sát các cuộc tranh luận Tổng thống, thì nay nhiệm vụ đó được chuyển cho các hãng truyền thông.
Trước đây, các buổi tranh luận thường được tổ chức vào tháng 9 và tháng 10 trong năm bầu cử. Các đợt tranh luận ngắn, sớm hơn như hiện tại thường có lợi cho đảng Dân chủ vì chúng giúp ông Biden giảm căng thẳng về mặt tâm lý do tuổi tác và sức khỏe tinh thần. Tổng thống đương nhiệm cũng có cơ hội sửa chữa mọi vấn đề trước cuộc tổng tuyển cử.
Ngoài ra, ông Biden cũng được hưởng lợi từ việc khán giả không được phép tham dự cuộc tranh luận cũng như micro của ứng viên bị tắt tiếng nhằm tránh ngắt lời người còn lại.
Trên thực tế, ông Donald Trump là người có khả năng tương tác rất tích cực với khán giả và thói quen ngắt lời đối thủ, như những gì ông đã làm trong các cuộc tranh luận sơ bộ của đảng Cộng hòa, tranh luận với bà Hillary Clinton năm 2016 và với chính ông Joe Biden năm 2020.
Không ứng viên nào được phép đem cố vấn vào hội trường để tranh thủ sự giúp đỡ trong giờ nghỉ, đồng thời họ cũng không được phép mang theo ghi chú đã được soạn trước.
Rõ ràng, ông Biden đã bỏ lỡ một cơ hội tuyệt vời để biến hội trường thành nơi trưng cầu dân ý về ông Trump, người đã bị kết tội hồi tháng 5 tại Manhattan, New York với 34 tội danh hình sự liên quan tới gian lận thuế và vi phạm luật tài chính bầu cử. Thậm chí, ông Trump còn phải đối mặt với 3 cáo buộc khác, nổi bật trong số đó là nghi vấn kích động vụ bạo loạn tại tòa nhà quốc hội vào ngày 6/1/2021 nhằm ngăn chặn tiến trình chuyển giao quyền lực cho ông Biden.
Hơn nữa, sự mất tập trung đã khiến ông Biden bỏ qua cơ hội buộc ông Trump phải cam kết thừa nhận thất bại nếu thua trong cuộc bầu cử.
Ông Biden cũng không tập trung vào các vấn đề quan trọng đối với đảng Dân chủ và phụ nữ, ví dụ như lo ngại về việc Tòa án Tối cao lật ngược quyền phá thai theo hiến pháp vào năm 2022. Trong thời gian đương chức, ông Trump đã bổ nhiệm 3 thẩm phán bảo thủ trong tổng số 9 thẩm phán, làm đảo lộn sự cân bằng của tòa án (6 người bảo thủ so với 3 người cấp tiến).
Ngoài ra, Tổng thống đương nhiệm không thể biện luận cho chính sách kinh tế dẫn đến tỷ lệ lạm phát cao, cuộc khủng hoảng nhập cư bất hợp pháp, xung đột ở Ukraine và chiến dịch quân sự của Israel tại Dải Gaza.
Điều này dẫn tới kết quả các cuộc thăm dò cho thấy công chúng tin rằng ông Trump đã thành công trong việc trình bày các mục tiêu một cách mạch lạc hơn, dù đa phần cử tri không tin tưởng về tính trung thực của những phát biểu đó.
Hàng loạt cuộc thăm dò do CNN, YouGov và Morning Consult tiến hành ngay sau cuộc tranh luận cho thấy kết quả người xem tin ông Trump đã giành chiến thắng chiếm áp đảo.
Thách thức cho đảng Dân chủ
Việc thay đổi ứng viên ở giai đoạn nước rút là một bước ngoặt chính trị đầy rủi ro và hiếm có trong lịch sử bầu cử Mỹ hiện đại.
Quyết định ngừng tranh cử của Tổng thống Joe Biden diễn ra chỉ vài tháng trước khi nước Mỹ chính thức bước vào cuộc bầu cử, khiến ông trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên rút lui khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng sau hơn nửa thế kỷ.
Vào tháng 3/1968, Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson từng tuyên bố sốc rằng ông sẽ không tái tranh cử. Tuyên bố đã biến đại hội đảng Dân chủ năm đó thành một cuộc khủng hoảng, kéo theo các cuộc biểu tình trên đường phố, cánh tả tức giận với lập trường ủng hộ chiến tranh của ứng viên Hubert Humphrey do đảng lựa chọn.
Quy định mới đã ra đời sau đó. Cụ thể, nếu một ứng viên ngừng tranh cử sau khi được đề cử chính thức, Ủy ban Quốc gia của đảng Dân chủ hoặc Cộng hòa sẽ họp bất thường để đề cử ứng viên mới.
Hiện nay, ứng viên tiềm năng thay thế ông Biden nhận được nhiều chú ý hơn cả là Phó Tổng thống Kamala Harris. Hiến pháp Mỹ quy định phó Tổng thống sẽ trở thành tổng thống nếu chủ nhân Nhà Trắng qua đời hoặc mất năng lực điều hành, song quy định này không ảnh hưởng đến quy trình của đảng trong việc lựa chọn ứng viên tổng thống trong một cuộc bầu cử.
Bà Harris không thể tự động thay thế vị trí đề cử của đảng Dân chủ cho ông Biden. Thay vào đó, bà sẽ phải cạnh tranh với các ứng viên tiềm năng khác như Thống đốc California Gavin Newsom, Thống đốc Michigan Gretchen Whitmer, Thống đốc Illinois JB Pritzker hoặc Thống đốc Pennsylvania Josh Shapiro.
Đảng Dân chủ lo ngại rằng cuộc cạnh tranh sẽ chia rẽ nội bộ đảng ngay trước thềm tổng tuyển cử và đem lại kết quả không mấy tốt đẹp.
Vấn đề sẽ càng phức tạp hơn nếu ứng viên thay thế không phải bà Harris. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực tới nhóm cử tri đảng Dân chủ người Mỹ gốc Phi vì trên thực tế, rất nhiều sự ủng hộ dành cho đảng đến từ những cử tri xuất thân da màu.
Đảng Dân chủ cũng lo ngại trong tình thế gấp rút như hiện nay, họ không có đủ thời gian để suy xét các hồ sơ một cách kỹ lưỡng. Chỉ một vụ bê bối chưa từng được phát hiện trước đó hoặc một vài thành tích yếu kém trong quá trình vận động tranh cử cũng có thể khiến cả chiến dịch của ứng viên thay thế sụp đổ.
Ngoài ra, nếu 3.933 đại biểu không thể chọn ra đề cử của đảng, 739 "siêu đại biểu", những lãnh đạo và quan chức cấp cao, khi đó sẽ vào cuộc để quyết định người thay thế ông Biden.
Theo quy tắc bỏ phiếu của đảng Dân chủ kể từ năm 2016, các siêu đại biểu không được phép bỏ phiếu ở lá phiếu đầu tiên, nhưng họ sẽ bỏ phiếu ở các lá phiếu tiếp theo nhằm tránh gây chia rẽ và cáo buộc lãnh đạo đảng thao túng và kiểm soát phiếu bầu.
Nhìn chung, phương án này sẽ kéo theo những cuộc cạnh tranh và cãi vã không cần thiết nội bộ đảng Dân chủ. Song, trong bối cảnh ông Biden rút khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng, đảng Dân chủ dường như không còn nhiều phương án dự phòng.
Ở chiều ngược lại, một số nhà phân tích cho rằng, việc thay đổi ứng viên vào thời điểm này không phải điều đáng lo ngại với đảng Dân chủ.
Meena Bose, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Hofstra (Mỹ), nhận định mặc dù việc thay đổi ứng viên quá gần cuộc bầu cử rất rủi ro, nhưng nó cũng có thể nâng cao cơ hội cho đảng. "Một sự thay đổi muộn màng không phải là lý tưởng, nhưng có thể mang lại sự lạc quan hơn là không có thay đổi nào cả", giáo sư Bose nói.
Hơn nữa, bà Harris nhận được sự ủng hộ của Tổng thống Biden và cũng là người có thể kế thừa những kết quả của chiến dịch tranh cử của ông. Do đó, theo các chuyên gia, việc lựa chọn bà Harris có thể đảm bảo một "sự chuyển đổi không gián đoạn" khi cuộc đua vào Nhà Trắng đã ở giai đoạn nước rút.
Kịch bản nào tiếp theo?
Phó Tổng thống Kamala Harris đang đứng đầu danh sách thay thế ông Biden, nhưng bà phải đối mặt với những vấn đề như số phiếu thăm dò ý kiến lép vế. Có thể nói, một cuộc đấu trí sẽ bùng phát giữa những nhân vật chủ chốt của đảng Dân chủ ôm hy vọng cạnh tranh cho chức vụ này.
Đảng Dân chủ dự kiến sẽ có khoảng 4.672 đại biểu vào năm 2024, bao gồm 3.933 đại biểu thường và 739 siêu đại biểu. Để đảm bảo được đề cử, ứng viên cần phải giành được đa số phiếu bầu, tức là phải có nhiều phiếu bầu hơn tất cả những người khác cộng lại.
Trong trường hợp không ứng viên nào đạt được kết quả này, các đại biểu đóng vai trò là những người đại diện tự do sẽ đàm phán với ban lãnh đạo đảng.
Có thể phải mất nhiều vòng bỏ phiếu để một ứng cử viên nào đó giành được đa số phiếu bầu. Lần gần đây nhất mà đảng Dân chủ không đề cử được ứng viên nào sau vòng bỏ phiếu đầu tiên đã là vào năm 1952.
Cho đến nay, CNN đưa tin đã xác định được hơn 500 phiếu ủng hộ dành cho Phó Tổng thống Kamala Harris từ các đại biểu đảng Dân chủ. Con số này bao gồm khoảng 290 đại biểu thường và hơn 220 siêu đại biểu.
Chiến dịch tranh cử của bà Harris cũng đang nhận được sự ủng hộ từ các quan chức đảng Dân chủ. Thông cáo từ đội ngũ tranh cử của bà Harris viết: "Hàng trăm quan chức đắc cử trong giới chính trị đã noi gương Tổng thống Joe Biden, tuyên bố sự ủng hộ tuyệt đối dành cho Phó Tổng thống Kamala Harris trở thành đại diện của đảng Dân chủ tranh cử tổng thống vào tháng 11 sắp tới".
Chiến dịch tái khẳng định bà Harris "sẽ làm mọi điều có thể" để đoàn kết đảng Dân chủ, đoàn kết nước Mỹ và đánh bại ông Donald Trump.
Tuy nhiên, cho dù bà Harris hay một thành viên Dân chủ nào khác trở thành ứng viên tổng thống, đảng Cộng hòa chắc chắn sẽ đổ lỗi cho đảng Dân chủ vì đã che đậy những điểm yếu liên quan đến ông Biden và khiến quốc gia gặp nguy hiểm.
Chiến dịch tranh cử của ông Trump đã bắt đầu thực hiện chiến thuật này với việc tập trung công kích bà Harris, liên kết bà với những chính sách bị cho là thất bại của đảng Dân chủ.
Thực tế, trong phần lớn năm qua, ông Trump và các đồng minh đã suy đoán rằng ông Biden sẽ không trở thành ứng viên của đảng Dân chủ và sẽ rút khỏi chiến dịch tranh cử trước khi đại hội đảng diễn ra, buộc đảng Dân chủ phải tìm kiếm ứng viên thay thế.
"Sự hỗn loạn (ở đảng Dân chủ) là bạn của chúng tôi", một người thân cận với ông Trump nói.
Ở hậu kỳ, các cố vấn của ông Trump cho biết, Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa đã có danh sách tìm hiểu về những đảng viên Dân chủ nổi tiếng có thể kế nhiệm ông Biden, trong đó có Thống đốc bang Michigan Gretchen Whitmer, Thượng nghị sĩ bang Arizona Mark Kelly, Thống đốc Pennsylvania Josh Shapiro và Thống đốc California Gavin Newsom. Danh sách này được cập nhật liên tục.
"Ông Trump sẽ đánh bại bất kỳ ứng viên Dân chủ nào vào ngày 5/11 vì ông ấy có thành tích đã được chứng minh và chương trình nghị sự Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại", Chris LaCivita và Susie Wiles, đồng quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump, tuyên bố.
Hầu hết những người thân cận với ông Trump tiếp tục tin rằng sẽ không có sự thay đổi đáng kể nào bởi vì những người có thể thay thế ông Biden đều không phải đối thủ đáng gờm, cộng với những thách thức pháp lý trong việc chuyển ngân sách chiến dịch tranh cử của ông Biden cho một ứng viên mới.
Theo Arab News, CFP Public, ABS-News