DMagazine

Nhật Bản hứng chỉ trích vì 2 người chết, 600 ca nhiễm Covid-19 trên tàu

(Dân trí) - Nhật Bản đối mặt với làn sóng chỉ trích gay gắt về khả năng kiểm soát dịch corona trên du thuyền Diamond Princess sau khi xuất hiện 2 ca tử vong và hơn 600 trường hợp nhiễm virus trên tàu.

Nhật Bản hứng chỉ trích vì 2 người chết, 600 ca nhiễm Covid-19 trên tàu

Nhật Bản đối mặt với làn sóng chỉ trích gay gắt về khả năng kiểm soát dịch corona trên du thuyền Diamond Princess sau khi xuất hiện 2 ca tử vong và hơn 600 trường hợp nhiễm virus trên tàu.

Du thuyền hạng sang thành "nhà tù nổi" ở Nhật Bản vì virus corona
 

Hơn 621 người trên du thuyền Diamond Princess được xác nhận nhiễm virus corona chủng mới (Covid-19), biến con tàu này trở thành ổ dịch lớn nhất bên ngoài Trung Quốc. Ngoài ra, quan chức Nhật Bản hôm nay 20/2 xác nhận 2 hành khách trên tàu đã tử vong.

Diamond Princess chở 3.711 hành khách và thủy thủ đoàn bị cách ly tại cảng Yokohama, Nhật Bản từ ngày 4/2, sau khi một người Hong Kong từng đi trên du thuyền bị phát hiện dương tính với virus corona.

Mỹ đã sơ tán hơn 300 công dân nước này khỏi du thuyền Diamond Princess vào ngày 17/2. Ngoài ra, các nước khác cũng đã lên kế hoạch sơ tán tương tự.

Khi cuộc khủng hoảng corona trên du thuyền ở Yokohama hạ nhiệt, sự tập trung của dư luận bây giờ chuyển hướng sang Tokyo. Những người chỉ trích cho rằng cách chính phủ Nhật Bản ứng phó với trường hợp của Diamond Princess dường như liên quan tới phản ứng của dư luận nhiều hơn là bản chất dịch bệnh. Nhiều người cho rằng việc Nhật Bản cách ly du thuyền không thực sự hiệu quả.

Dư luận hoài nghi

Một chuyên gia về dịch bệnh truyền nhiễm Nhật Bản đã khiến dư luận “dậy sóng” khi thực hiện các video chỉ trích cách chính phủ Nhật Bản xử lý cuộc khủng hoảng dịch bệnh trên du thuyền Diamond Princess. Những video này đã thu hút hàng trăm nghìn lượt xem.

Kentaro Iwata, giáo sư tại Đại học Kobe, cho rằng tình hình trên du thuyền Diamond Princess “hoàn toàn hỗn loạn” và vi phạm quy trình cách ly.

“Du thuyền này hoàn toàn không phù hợp để kiểm soát truyền nhiễm”, ông Iwata nói bằng cả tiếng Anh và tiếng Nhật trong các video được đăng vào cuối ngày 18/2.

“Tôi đã ở châu Phi để đối phó với dịch Ebola. Tôi cũng đã ở các nước khác để đối phó với dịch tả. Tôi cũng ở Trung Quốc hồi năm 2003 để đối phó với dịch SARS… Tôi chưa bao giờ sợ bị lây nhiễm. Nhưng khi ở bên trong du thuyền Diamond Princess, tôi rất sợ… vì không có cách nào biết virus đang ở đâu”, giáo sư Iwata chia sẻ.

Iwata cho biết ông rất quan ngại về những gì ông đã chứng kiến trên du thuyền sau khi đến thăm con tàu hôm 18/2. Giáo sư Nhật Bản lo lắng tới mức ông đã tự cách ly 14 ngày để tránh lây nhiễm virus corona cho gia đình. 

"Không có sự phân biệt giữa vùng xanh - nơi không lây nhiễm virus, và vùng đỏ - nơi có khả năng nhiễm virus", ông Iwata cho biết.

Chỉ còn vài tháng nữa Nhật Bản sẽ đăng cai Thế vận hội Olympic 2020. Đối với một số người Nhật Bản, đợt bùng phát dịch corona đã khiến họ hồi tưởng lại những ký ức không mấy vui vẻ về cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima năm 2011, khi chính phủ Nhật Bản cũng bị chỉ trích dữ dội vì cách xử lý cuộc khủng hoảng này.

“Virus lan rộng hơn những gì chính phủ đã tuyên bố. Trong thảm họa Fukushima, chính phủ cũng nói rằng không có rò rỉ hạt nhân. Họ đã che giấu sự thật vào thời điểm đó, và tôi tin tình huống tương tự cũng đang xảy ra với dịch corona”, Shinichi Niwa, giáo sư tại Đại học Y khoa Fukushima, nhận định.

Nhật Bản lên tiếng

Nhật Bản hứng chỉ trích vì 2 người chết, 600 ca nhiễm Covid-19 trên tàu - 1

Xe buýt đưa hành khách rời khỏi du thuyền Diamond Princess tại cảng Yokohama, Nhật Bản. (Ảnh: Reuters)

Giới chức chính phủ Nhật Bản đã lên tiếng bác bỏ chỉ trích của Giáo sư Iwata.

“Từ ngày 5/2, chúng tôi đã thực hiện các biện pháp kỹ lưỡng để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, bao gồm đeo khẩu trang, rửa tay và dùng thuốc khử trùng. Sự thật là chúng tôi đang cố gắng hết sức để ngăn chặn sự lây nhiễm", Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói với các phóng viên ngày 19/2.

Chính phủ Nhật Bản nhiều lần nói rằng phản ứng của họ với cuộc khủng hoảng trên du thuyền Diamond Princess là phù hợp. Một số bác sĩ cũng đồng tình với quan điểm này.

“Bằng chứng dịch tễ học cho thấy chiến lược cách ly của chúng tôi đã phát huy hiệu quả. Gần 4.000 người ở lại trên con tàu, vốn không được thiết kế cho việc cách ly suốt nhiều tuần, và đây là một tình huống rất khó khăn”, Shigeru Omi, Chủ tịch Tổ chức Chăm sóc sức khỏe Cộng đồng Nhật Bản, cho biết.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã ca ngợi “những nỗ lực phi thường” của Nhật Bản trong việc cách ly hành khách trên du thuyền Diamond Princess. Tuy nhiên, CDC vẫn nghi ngờ liệu các biện pháp này có đủ ngăn chặn dịch bệnh lây lan hay không.

“CDC đánh giá rằng biện pháp (của Nhật Bản) có lẽ chưa đủ để ngăn chặn sự lây nhiễm giữa các hành khách trên tàu. Tỷ lệ các ca nhiễm mới trên tàu, đặc biệt là những người chưa phát triệu chứng, cho thấy nguy cơ vẫn đang tiếp diễn”, CDC nhận định.

Theo thông báo của CDC, các hành khách và thủy thủ đoàn trên du thuyền Diamond Princess sẽ được yêu cầu chờ ít nhất 14 ngày sau khi rời khỏi tàu. Sau thời hạn này, họ mới được đưa trở về Mỹ.

Quy trình cách ly

Nhật Bản hứng chỉ trích vì 2 người chết, 600 ca nhiễm Covid-19 trên tàu - 2

Các nhân viên mặc đồ bảo hộ bước vào du thuyền Diamond Princess. (Ảnh: Reuters)

Ngay từ đầu, các chuyên gia đã đã đặt ra câu hỏi về quy trình cách ly trên du thuyền Diamond Princess. Không giống như Mỹ, Nhật Bản không có cơ quan kiểm soát dịch bệnh quốc gia.

Mãi tới ngày 5/2, các hành khách trên tàu mới được cách ly trong phòng. Trước đó, khi các nhà chức trách tiến hành kiểm tra sàng lọc người nhiễm bệnh, các sự kiện trên tàu như khiêu vũ, đố vui và lớp tập thể dục vẫn diễn ra.

Các hành khách cũng cho biết trong những lần kiểm tra sàng lọc, các quan chức y tế Nhật Bản chỉ đeo khẩu trang và không mặc đồ bảo hộ đầy đủ. Sau đó, 2 nhân viên kiểm dịch đã bị chẩn đoán nhiễm virus Covid-19.

Theo các chuyên gia, virus lây lan trên tàu nhiều khả năng bắt nguồn từ chính những người ở trong phòng của họ hoặc từ các thành viên thủy thủ đoàn, những người vẫn chưa phát triệu chứng khi tiếp xúc với hành khách.

“Bằng cách nào để có thể cách ly khi thực tế đã có nhiều người liên tục tiếp xúc với nhau? Về mặt dịch tễ học, cách ly lúc này không có tác dụng gì”, Eyal Leshem, Giám đốc Trung tâm Y học và Bệnh Nhiệt đới tại Trung tâm Y tế Sheba ở Israel, cho biết.

Nhật Bản cũng cho phép các hành khách rời khỏi tàu theo nhóm, bao gồm những người trên 80 tuổi đã có kết quả xét nghiệm âm tính với virus corona. Các chuyên gia cho rằng hành động này đi ngược lại với các quy định cách ly thông thường.

Dịch bệnh dưới boong tàu

Nhật Bản hứng chỉ trích vì 2 người chết, 600 ca nhiễm Covid-19 trên tàu - 3

Các hành khách trên du thuyền Diamond Princess. (Ảnh: Reuters)

Dịch corona có thể đã lây lan nhanh dưới boong tàu, nơi thủy thủ đoàn với khoảng 1.100 người làm việc và ngủ trong điều kiện chật chội, dùng chung không gian sinh hoạt và phòng tắm.

“Nỗi lo sợ về virus corona đang tăng lên từng giây. Tôi đề nghị chính phủ đưa chúng tôi ra khỏi đây và cách ly chúng tôi. Chúng tôi nên được sàng lọc và cách ly”, Binoy Kumar Sarkar, thành viên thủy thủ đoàn người Ấn Độ, nói trong một video được đăng trên Facebook hôm 7/2.

Một số ý kiến khác cho rằng Nhật Bản nên cách ly hành khách ở trên đất liền.

“Việc cách ly trên tàu có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm và tạo rào cản cho việc tiếp cận chăm sóc y tế”, Esther Chernak, giáo sư lâm sàng và Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Sức khỏe cộng đồng tại Đại học Drexel ở Philadelphia, cho biết.

Một cuộc thăm dò do hãng tin Kyodo thực hiện vào cuối tuần qua cho thấy 53% số người được hỏi nói rằng họ không hài lòng với cách chính phủ Nhật Bản xử lý khủng hoảng trên du thuyền.

Bộ Y tế Nhật Bản từ đầu đã nói rằng các ca nhiễm bệnh trên du thuyền Diamond Princess sẽ không được tính vào số ca nhiễm bệnh trong nước của Nhật Bản, theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tuy nhiên theo một số chuyên gia, điều này chỉ thể hiện rằng Nhật Bản muốn tránh bị coi là một điểm nóng của dịch corona.

Thành Đạt

Theo Reuters