Vì sao du thuyền Diamond Princess vẫn trở thành ổ dịch dù đã được cách ly?

(Dân trí) - Từ 1 ca dương tính Covid-19 ban đầu đến nay trên du thuyền Diamond Princess đã có hơn 500 người nhiễm bệnh, dù đã áp dụng các biện pháp cách ly nghiêm ngặt. Tại sao lại như vậy?

Sau hơn 2 tuần cách ly tại cảng Yokohama (Nhật Bản), khoảng 500 du khách (trong số 3700 người) trên du thuyền Diamond Princess hôm nay, ngày 19/02, sẽ được lên bờ. Không ít các nhà khoa học trên thế giới nhận định rằng, giải pháp cách ly du thuyền này thực sự là một thất bại, trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, bởi thay vì giúp khống chế dịch, Diamond Princess lại trở thành một “buồng nuôi” virus khổng lồ, khi mà từ 1 ca dương tính với Covid-19 ban đầu, đến thời điểm hiện tại đã có hơn 500 ca nhiễm bệnh, biến du thuyền này trở thành ổ dịch Covid-19 lớn nhất bên ngoài biên giới Trung Quốc.

Từ sự việc của Diamond Princess, một câu hỏi lớn đang được các chuyên gia và dư luận đặt ra: “Vì sao được kiểm soát, cách ly rất nghiêm ngặt nhưng vẫn có nhiều người trên du thuyền này nhiễm bệnh đến vậy?”

Vì sao du thuyền Diamond Princess vẫn trở thành ổ dịch dù đã được cách ly? - 1

“Có một số môi trường mà mầm bệnh có thể lây lan hiệu quả hơn”, TS Michael Ryan, một chuyên gia đến từ Tổ Chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết. Theo ông, du thuyền có thể chính là môi trường như vậy cho COVID-19, và nó đã đẩy nhanh tốc độ lây lan của dịch bệnh.

TS Nathalie MacDermott, chuyên gia về dịch bệnh, Đại học London nhận định: “Biện pháp cách ly được áp dụng với du thuyền đã không cho thấy tác dụng và giờ đây nó đang trở thành một nguồn lây lan dịch bệnh”. Cũng theo vị tiến sĩ này, hiện chúng ta vẫn còn chưa xác định chính xác các cơ chế lây nhiễm của virus corona mới. Do đó, ngoài 3 cách lây nhiễm đã được WHO xác định, có khả năng vẫn còn con đường lây lan khác.

Vì sao du thuyền Diamond Princess vẫn trở thành ổ dịch dù đã được cách ly? - 2

Xe bus đưa các hành khách âm tính với Covid-19 lên bờ.

Để giải thích vì sao Diamond Princess lại biến thành ổ dịch, TS MacDermott cho biết, cần phải hiểu được các biện pháp kiểm soát dịch bệnh đã được áp dụng trên con tàu, cách hệ thống lọc khí của con tàu hoạt động, cách liên kết của các cabin và cách chất thải được loại bỏ. “Không loại trừ khả năng của việc lây lan thông qua môi trường tiếp xúc. Do đó, cách các bề mặt trên tàu được vệ sinh cũng là yếu tố quan trọng cần xét đến” – TS MacDermott nhấn mạnh.

Vụ việc của tàu Diamond Princess khiến chuyên gia này liên tưởng đến trường hợp của khu dân cư Amoy Gardens trong đại dịch SARS. Theo đó, virus gây bệnh SARS đã lây lan thông qua đường ống nước thải được liên kết với nhau trong khu dân cư, dẫn đến 300 người nhiễm bệnh và biến Amoy Gardens trở thành địa điểm bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch bệnh này.

Vì sao du thuyền Diamond Princess vẫn trở thành ổ dịch dù đã được cách ly? - 3

Phóng viên tác nghiệm tại khu vực du thuyền Diamond Princess được cách ly.

TS MacDermott đánh giá rằng, việc cách ly toàn bộ du khách trên du thuyền có thể là một sai lầm khiến dịch bệnh lây lan nhanh. “Nhẽ ra họ chỉ nên cách ly những người bị nhiễm bệnh ở trong phòng cho đến sau 48 tiếng, kể từ khi các triệu chứng bệnh biến mất, chứ không phải là toàn bộ du khách trên thuyền”.

Theo mô tả của một số du khách trên Diamond Princess, cuộc sống trên tàu sau khi bị cách ly giống như một nhà tù nổi, chỉ khác là họ được đi lại trên sàn tàu nhưng vẫn phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách với các du khách khác.

Vì sao du thuyền Diamond Princess vẫn trở thành ổ dịch dù đã được cách ly? - 4

“Sự cách ly của những du khách trên tàu có lẽ không giống như điều mà chúng ta đang nghĩ”, là nhận định của TS Paul Hunter, chuyên gia y tế đến từ Đại học Đông Anglia (Vương quốc Anh). Theo ông, virus tiếp tục lây lan trên tàu là do sự kết hợp của nhiều vấn đề: “Rất khó để áp dụng cách ly trong môi trường của một con thuyền. Tôi nghĩ rằng, có một vài du khách sẽ phớt lờ các yêu cầu cách ly. Nếu các du khách được cách ly ở trên mặt đất, nơi không gian rộng lớn hơn, có thể dịch bệnh đã được kiểm soát tốt hơn”.

Theo thông tin được cung cấp từ các quan chức y tế Nhật Bản, khoảng 1000 thủy thủ đoàn đã được quy định phải đeo khẩu trang y tế, rửa tay, sử dụng các chai xịt diệt khuẩn và ngừng vận hành nhà hàng, quán bar cũng như các không gian giải trí khác kể từ sau ngày 05/02, thời điểm 10 ca nhiễm Covid-19 đầu tiên trên tàu được xác nhận và cách ly.

Vì sao du thuyền Diamond Princess vẫn trở thành ổ dịch dù đã được cách ly? - 5

Một du khách đang nói chuyện điện thoại trong cabin của mình, trong thời gian Diamond Princess bị cách ly.

Về phía các du khách của Diamond Princess cũng đã được khuyến cáo ở nguyên trong phòng, không tiếp xúc với các du khách khác. Những du khách ở trong các cabin không có cửa sổ sẽ được phép lên sàn tàu khoảng 1 giờ mỗi ngày.

Vấn đề nằm ở chỗ các thủy thủ đoàn vẫn dùng chung phòng với nhau và tiếp tục phục vụ du khách như: giao đồ ăn, thư từ, khăn tắm hay vào cabin của khách để dọn dẹp. Bên cạnh đó, đội ngũ khoảng 1000 người này cũng ngồi ăn chung với nhau ở trong một khoang lớn. “Không giống như hành khách, các thủy thủ đoàn sẽ dùng chung phòng ở, dùng chung thức ăn và đó có thể là lý do vì sao nhiều thủy thủ đoàn bị nhiễm bệnh, sau khi các biện pháp cách ly đã được áp dụng” - Shigeru Omi, cựu quan chức WHO nhận định.

Minh Nhật

Theo Medical Xpress, SCMP