(Dân trí) - Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang đứng trước ngã rẽ với các lựa chọn về chính sách để phát triển Triều Tiên theo quỹ đạo như ông đề ra sau 10 năm cầm quyền.
NGÃ RẼ QUAN TRỌNG CỦA ÔNG KIM JONG-UN SAU 10 NĂM LÃNH ĐẠO TRIỀU TIÊN
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang đứng trước ngã rẽ với các lựa chọn về chính sách để phát triển Triều Tiên theo quỹ đạo như ông đề ra sau 10 năm cầm quyền.
Tuần này, nhà lãnh đạo Kim Jong-un kỷ niệm 10 năm lên nắm quyền tại Triều Tiên, sau khi tiếp nối con đường chính trị của cha và ông nội. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng ông Kim Jong-un đang phải đối mặt với thời kỳ khó khăn nhất khi Triều Tiên phải hứng chịu các lệnh trừng phạt, đại dịch Covid-19 và khó khăn về kinh tế.
Theo các chuyên gia, nếu ông Kim Jong-un không thể đảm bảo các cam kết của mình cả về phát triển vũ khí hạt nhân và vực dậy nền kinh tế, điều đó có thể gây khó khăn cho vai trò lãnh đạo của ông.
Tăng trưởng kinh tế mà ông Kim Jong-un đạt được trong những năm qua được đánh giá vẫn ở mức khiêm tốn, mặc dù nhà lãnh đạo Triều Tiên đã thực hiện nhiều cải cách thương mại và định hướng thị trường sau các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế từ năm 2016 nhằm gây sức ép buộc Bình Nhưỡng phải từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa.
Sau khi gây chú ý trên toàn thế giới với các hội nghị thượng đỉnh cùng cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào các năm 2018 và 2019, ông Kim Jong-un phải tìm cách giải bài toán khó khăn cho nền kinh tế Triều Tiên, vốn đang trên đà suy giảm do đóng cửa biên giới để chống đại dịch.
Các cuộc đàm phán với Mỹ đã rơi vào bế tắc trong hơn 2 năm, sau khi ông Kim Jong-un không đạt được thỏa thuận với ông Trump về việc nới lỏng trừng phạt cho Triều Tiên. Chính quyền mới của Tổng thống Joe Biden dường như cũng không vội vàng chấp nhận một thỏa thuận với Triều Tiên trừ khi ông Kim Jong-un sẵn sàng cắt giảm chương trình vũ khí hạt nhân, trong khi đây lại là "thanh gươm báu" mà ông Kim Jong-un coi là "vật bảo đảm" lớn nhất cho sự sống còn của Triều Tiên.
Mặc dù vẫn củng cố quyền lực vững chắc tại Triều Tiên, song ông Kim Jong-un dường như ngày càng khó đạt được các mục tiêu mà ông đã đặt ra: vừa duy trì vũ khí hạt nhân vừa mang lại sự thịnh vượng cho người dân. Ông Kim Jong-un từng đặt ra mục tiêu này trong bài phát biểu đầu tiên trước người dân trên cương vị lãnh đạo vào đầu năm 2012, tuyên bố rằng Triều Tiên sẽ "không bao giờ phải thắt lưng buộc bụng nữa".
Park Won Gon, giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Ewha Womans ở Seoul, Hàn Quốc, cho biết cách ông Kim Jong-un phát triển nền kinh tế trong những năm tới có thể quyết định sự ổn định lâu dài của chính quyền do ông lãnh đạo.
"Chương trình vũ khí hạt nhân, nền kinh tế và sự ổn định của chế độ đều có mối liên hệ với nhau. Nếu vấn đề hạt nhân không được giải quyết, nền kinh tế sẽ không tốt lên, điều đó mở ra khả năng xảy ra bất ổn trong xã hội Triều Tiên", chuyên gia Park nhận định.
Nỗ lực ngoại giao còn nhiều trắc trở
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong các cuộc gặp ngoại giao với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào các năm 2018-2019 (Ảnh: Reuters).
Theo AP, ông Kim Jong-un rất cần được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt do Mỹ dẫn đầu để xây dựng nền kinh tế vốn bị đình trệ từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, Mỹ sẽ không nới lỏng trừng phạt, trừ khi ông Kim Jong-un thực hiện các bước cụ thể để hướng tới phi hạt nhân hóa.
Bất chấp việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh, ông Trump dường như không quan tâm đến việc nới lỏng các lệnh trừng phạt Triều Tiên. Chính ông Trump cũng từng cho rằng các lệnh trừng phạt là đòn bẩy chính của Mỹ trong việc gây sức ép với Bình Nhưỡng. Một vấn đề nữa đặt ra là liệu ông Kim Jong-un có sẵn sàng gặp một tổng thống khác của Mỹ - người sẵn sàng bắt tay với ông như Tổng thống Trump từng làm hay không.
Nỗ lực ngoại giao của hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên tan rã sau hội nghị thượng đỉnh thứ hai vào tháng 2/2019, khi Washington từ chối yêu cầu của Bình Nhưỡng về việc nới lỏng các lệnh trừng phạt để đổi lấy việc dỡ bỏ một cơ sở hạt nhân cũ của Triều Tiên.
Mỹ và Triều Tiên đã không gặp gỡ công khai kể từ sau cuộc họp thất bại giữa các quan chức của hai nước vào tháng 10/2019. 2 tháng sau đó, ông Kim Jong-un tuyên bố tại một hội nghị chính trị trong nước rằng, Triều Tiên sẽ mở rộng hơn nữa kho vũ khí hạt nhân của mình khi đối mặt với sức ép từ Mỹ. Ông Kim Jong-un cũng kêu gọi người dân Triều Tiên kiên cường đấu tranh, tự lực cánh sinh về kinh tế.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng Covid-19 toàn cầu đã cản trở các mục tiêu kinh tế lớn của ông Kim Jong-un khi buộc Triều Tiên phải phong tỏa biên giới, đóng băng hoạt động thương mại với Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh là đồng minh quan trọng nhất và là huyết mạch kinh tế duy nhất của Bình Nhưỡng.
Cơ quan tình báo Hàn Quốc gần đây cho biết kim ngạch thương mại hàng năm của Triều Tiên với Trung Quốc đã giảm 2/3, xuống còn 185 triệu USD tính đến tháng 9/2021. Giới chức Triều Tiên cũng lo lắng về tình trạng khan hiếm lương thực, giá hàng hóa tăng cao, thiếu thuốc men và các nguồn cung thiết yếu khác.
Trong khi đó, các cuộc đàm phán với Mỹ vẫn chưa có lối thoát. Việc chính quyền Tổng thống Joe Biden rút quân khỏi Afghanistan đã cho thấy sự chuyển hướng lớn trong chính sách đối ngoại của Mỹ, từ tập trung vào chống khủng bố và đối phó với những quốc gia mà Mỹ xem là "thù địch" như Triều Tiên và Iran sang đối đầu với Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với việc triển vọng đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ ít khả quan.
Triều Tiên cho đến nay vẫn không có ý định thay đổi lập trường. Bình Nhưỡng muốn Washington phải từ bỏ "chính sách thù địch" trước, ám chỉ các lệnh trừng phạt và các cuộc tập trận quân sự chung Mỹ - Hàn. Bình Nhưỡng coi các cuộc tập trận này là động thái nhằm chuẩn bị cho kế hoạch xâm lược Triều Tiên.
"Triều Tiên sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân của mình, cho dù có thế nào đi nữa. Chủ đề duy nhất mà họ sẵn sàng thảo luận không phải là giấc mơ phi hạt nhân hóa mà là các vấn đề liên quan đến kiểm soát vũ khí", Andrei Lankov, giáo sư tại Đại học Kookmin, Seoul, nói.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Lankov, ông Kim Jong-un có thể được hưởng lợi từ cuộc đối đầu giữa Washington và Bắc Kinh, vốn làm tăng giá trị chiến lược của Triều Tiên đối với Trung Quốc. Trung Quốc sẵn sàng giúp đỡ Triều Tiên bằng cách viện trợ lương thực, nhiên liệu và các viện trợ khác, và điều này sẽ làm giảm áp lực buộc ông Kim Jong-un phải bước vào bàn đàm phán với Mỹ.
"Thay vì tăng trưởng, Triều Tiên sẽ đình trệ, nhưng không đến mức để xảy ra một cuộc khủng hoảng nguy cấp. Đối với ông Kim Jong-un, đó là sự thỏa hiệp có thể chấp nhận được", chuyên gia Lankov bình luận.
Các bước đi của Triều Tiên
Triều Tiên vẫn đang thực hiện các bước tích cực để khẳng định lại sự kiểm soát của nhà nước đối với nền kinh tế trong bối cảnh biên giới đóng cửa vì đại dịch. Điều này đi ngược lại với những cải cách trước đó của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, khi ông cho phép đầu tư tư nhân và "bật đèn xanh" cho các doanh nghiệp nhà nước cũng như các nhà máy được tự chủ và hoạt động theo hướng thị trường nhiều hơn nhằm thúc đẩy thương mại và sản xuất trong nước.
Cũng có những dấu hiệu cho thấy các nhà chức trách Triều Tiên đang ngăn chặn việc sử dụng đồng USD và các ngoại tệ khác trên thị trường. Điều này cho thấy Bình Nhưỡng dường như đang lo ngại về việc cạn kiệt dự trữ ngoại tệ.
Việc khôi phục quyền kiểm soát của chính quyền trung ương đối với nền kinh tế cũng đóng vai trò quan trọng trong việc huy động các nguồn lực của nhà nước để ông Kim Jong-un có thể mở rộng hơn nữa chương trình hạt nhân. Nếu không thực hiện điều này, chương trình hạt nhân của Triều Tiên sẽ gặp thách thức khi nền kinh tế nước này gặp khó khăn.
Trong khi dừng thử nghiệm các vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa trong 3 năm qua, ông Kim Jong-un gần đây tăng cường thử nghiệm các loại vũ khí tầm ngắn nhằm gửi thông điệp cứng rắn tới Mỹ cũng như các đồng minh của Washington là Hàn Quốc và Nhật Bản.
"Chế độ trừng phạt do Mỹ dẫn đầu vẫn tồn tại và việc quay trở lại nền kinh tế do nhà nước kiểm soát chưa bao giờ là câu trả lời cho những khó khăn của Triều Tiên trong quá khứ cũng như bây giờ. Vào một thời điểm nào đó, ông Kim Jong-un sẽ phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn về việc ông sẽ giữ được vũ khí hạt nhân trong bao lâu và tình huống này có thể sẽ sớm xảy ra", chuyên gia Go dự đoán.