DMagazine

NATO và Nga có đối đầu quân sự trực tiếp nếu lãnh thổ NATO bị tấn công?

(Dân trí) - Ngay từ khi cuộc chiến Nga - Ukraine bắt đầu nổ ra, một câu hỏi thường trực đặt ra cho các nhà phân tích là liệu cuộc chiến này có dẫn đến đến xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO hay không.

NATO VÀ NGA CÓ ĐỐI ĐẦU QUÂN SỰ TRỰC TIẾP NẾU LÃNH THỔ NATO BỊ TẤN CÔNG?

Ngay từ khi cuộc chiến Nga - Ukraine bắt đầu nổ ra ngày 24/2, một câu hỏi thường trực đặt ra cho các nhà phân tích và hoạch định chính sách, chiến lược quân sự là liệu cuộc chiến này có dẫn đến xung đột trực tiếp giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hay không. Việc trả lời câu hỏi này phần lớn phụ thuộc vào việc diễn giải và áp dụng Điều 5 của NATO ra sao.

Nội dung và ý nghĩa Điều 5 của NATO

NATO và Nga có đối đầu quân sự trực tiếp nếu lãnh thổ NATO bị tấn công? - 1

Các binh sĩ tham gia cuộc tập trận của NATO tại Na Uy ngày 17/3 (Ảnh: Reuters).

NATO là tổ chức an ninh tập thể ra đời tại Washington DC, Mỹ, vào ngày 4/4/1949 khi Chiến tranh lạnh giữa Liên Xô và Mỹ vừa mới manh nha bắt đầu. NATO hiện gồm có 30 thành viên ở Bắc Mỹ (Mỹ, Canada) và châu Âu, trong đó 16 thành viên tham gia trong giai đoạn 1949-1982 và 14 thành viên còn lại tham gia từ sau năm 1999, trong đó chủ yếu là các nước Đông Âu Xã hội chủ nghĩa cũ và 3 nước Cộng hòa Baltic.

Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương gồm 14 điều, trong đó quan trọng nhất là Điều 5, liên quan đến an ninh tập thể. Nội dung Điều 5 như sau:

"Các bên tham gia Hiệp ước nhất trí rằng một cuộc tấn công vũ trang chống lại một hoặc nhiều nước thành viên NATO ở châu Âu hoặc Bắc Mỹ sẽ được coi là một cuộc tấn công chống lại tất cả các thành viên và do đó, các bên đồng ý rằng nếu một cuộc tấn công vũ trang như vậy xảy ra, mỗi thành viên NATO sẽ thực hiện quyền tự vệ cá nhân hoặc tập thể được Điều 51 của Hiến chương Liên Hợp Quốc công nhận, để hỗ trợ một hoặc các bên bị tấn công bằng cách thực hiện ngay lập tức, đơn phương và phối hợp với các bên khác, hành động mà họ cho là cần thiết, bao gồm cả việc sử dụng lực lượng vũ trang, để khôi phục và duy trì an ninh của khu vực Bắc Đại Tây Dương."

Nói một cách khác, NATO sẽ "kích hoạt" Điều 5 tức hành động quân sự tập thể khi một hay nhiều thành viên của NATO bị tấn công quân sự. Trong suốt thời kỳ Chiến tranh lạnh, mặc dù đối đầu giữa Liên Xô với Mỹ và NATO hết sức căng thẳng và quyết liệt ở châu Âu, nhưng chưa bao giờ 2 bên tiến gần đến một cuộc đụng độ quân sự trực tiếp, thậm chí chưa bên nào đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân như cuộc xung đột Nga - Ukraine lần này.

Với vị trí địa lý tiếp giáp lãnh thổ 4 thành viên NATO là Ba Lan, Rumania, Hungary và Slovakia của Ukraine, có thể nói cuộc chiến Nga - NATO là cuộc chiến tranh nóng gần sát nhất với lãnh thổ của NATO và trung tâm châu Âu kế từ khi NATO ra đời năm 1949 đến nay. Khác với các cuộc đối đầu trước đây giữa các cường quốc trong lịch sử, kể từ khi vũ khí hạt nhân được sử dụng lần đầu năm 1945, các cường quốc hạt nhân hết sức thận trọng, tìm mọi cách để tránh đối đầu trực tiếp vì họ hiểu rằng trong "cuộc chiến hạt nhân" sẽ không bao giờ có "kẻ thắng, người thua".

NATO và Nga có đối đầu quân sự trực tiếp nếu lãnh thổ NATO bị tấn công? - 2

Tòa nhà bị phá hủy do pháo kích tại Kiev, Ukraine ngày 18/3 (Ảnh: Reuters).

Trong cuộc chiến Nga - Ukraine này cũng vậy, ngay khi Nga kích hoạt Lực lượng răn đe hạt nhân thì Mỹ cũng cho dừng việc kiểm tra hay tập trận vũ khí hạt nhân vì cho rằng điều này có thể gây ra sự "hiểu lầm chiến lược" và đẩy quan hệ giữa Nga với Mỹ và NATO đến miệng hố chiến tranh.

Ngay từ trước và trong suốt cuộc chiến Nga - Ukraine hiện nay, viện trợ quân sự của NATO cho Ukraine mới chỉ dừng ở mức huấn luyện quân sự và một số vũ khí mang tính chất phòng thủ như tên lửa chống tăng Javelin hay tên lửa đất đối không vác vai Stinger. Ngoài ra, NATO cũng không lập vùng cấm bay ở Ukraine theo đề nghị của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Tất cả những điều trên được NATO lý giải rằng do Ukraine không phải là thành viên của NATO, nên những hành động đi quá giới hạn có thể gây ra đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO - điều mà cho đến nay cả hai bên đều cố gắng tránh.

Về phía mình, cho đến nay tất cả các hoạt động quân sự của Nga trong "Chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine cũng chỉ giới hạn trong lãnh thổ Ukraine, một quốc gia không có bất cứ cam kết an ninh ràng buộc nào với NATO. Nga cũng hiểu rằng, nếu họ đi quá giới hạn này, tức tấn công một quốc gia thành viên NATO, thì điều này có nghĩa là Nga đã vượt "lằn ranh đỏ" về an ninh, và do đó, đặt mình ở thế đương đầu quân sự trực tiếp với cả khối NATO - một điều mà chính Nga cũng không hề mong muốn.

Điều 5 sẽ được áp dụng ra sao nếu lãnh thổ NATO bị tấn công?

Ngày 13/3 vừa qua, NATO đã bị bất ngờ và rúng động bởi đợt tấn công bằng tên lửa chính xác của Nga vào căn cứ huấn luyện quân sự Yavoriv, phía Tây Ukraine, chỉ cách biên giới với Ba Lan vài chục km và là nơi có nhiều chuyên gia quân sự NATO đang huấn luyện cho binh sĩ Ukraine. Cuộc tấn công này khiến hơn 200 người chết và bị thương. Việc này khiến NATO buộc phải có câu trả lời nghiêm túc về phản ứng của khối trong trường hợp Nga chủ động tấn công "phòng ngừa" hoặc tên lửa, đạn pháo của Nga rơi sang lãnh thổ NATO một cách không chủ đích. Khi đó Điều 5 sẽ được "kích hoạt" ra sao?

Trong quá khứ, Điều 5 mới chỉ được NATO sử dụng một lần sau sự kiện nước Mỹ bị tấn công khủng bố ngày 11/9/2001. Tháng 10/2001, NATO đã nhất trí thông qua một loạt biện pháp ủng hộ Mỹ, bao gồm việc triển khai 7 máy bay của NATO và 830 phi công từ 13 quốc gia tuần tra trên bầu trời Mỹ. Tất nhiên, chuyện NATO sử dụng sức mạnh quân sự tập thể để tấn công kẻ thù vô hình như chủ nghĩa khủng bố là câu chuyện khác và hoàn toàn không thể so được cuộc chiến giữa NATO và Nga, vì cả hai bên đều có kho vũ khí hạt nhân khổng lồ và Thế chiến III có thể sẽ không còn là câu chuyện giả định nữa.

NATO và Nga có đối đầu quân sự trực tiếp nếu lãnh thổ NATO bị tấn công? - 3

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock phát biểu tại họp báo ở Berlin hôm 17/3 (Ảnh: Reuters).

Để Điều 5 được kích hoạt với việc huy động và sử dụng sức mạnh quân sự của cả khối NATO liên quan đến 2 câu chuyện: Sự nhất trí của cả khối NATO và phản ứng của Mỹ.

Đối với NATO, Tổng thư ký khối NATO Jens Stoltenberg mới đây tuyên bố rằng, "Moscow cần hiểu rõ rằng NATO sẽ không tha thứ cho bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia thành viên". Tuy tuyên bố như vậy, nhưng điều này không có nghĩa NATO sẽ tự động có phản ứng quân sự ngay lập tức khi có cuộc tấn công quân sự của Nga. Nếu chuyện này xảy ra thì NATO và các thành viên của mình sẽ buộc phải xem xét, cân nhắc và ra quyết định dựa trên các tính toán sau:

Một là, đây là cuộc tấn công có tuyên chiến hay không tuyên chiến. Nếu có lời tuyên chiến công khai từ phía Nga thì việc NATO có phản ứng tập thể là điều đương nhiên.

Hai là, trong trường hợp không tuyên chiến, thì NATO sẽ xem xét cuộc tấn công của Nga là chủ ý hay do sơ suất như "tên bay, đạn lạc". Nếu là cuộc tấn công do sơ suất vũ khí thông thường thì NATO chỉ cần cảnh cáo và nâng cao mức độ cảnh giác là đủ.

Ba là, kể cả trong trường hợp Nga chủ ý tấn công bằng vũ khí thông thường, thì điều này còn phụ thuộc vào mức độ và tác động của cuộc tấn công. Nếu không phải là cuộc tấn công quy mô lớn thì ngay trong nội bộ NATO chưa chắc đã có sự nhất trí rằng đó là cuộc tấn công nhắm vào NATO và NATO phải có phản ứng tập thể của cả 30 nước.

Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là các phản ứng hay hành động của NATO đều trông chờ vào Mỹ, cường quốc quân sự hùng mạnh nhất và là trụ cột của NATO. Trong Thông điệp Liên bang đọc trước hai viện Quốc hội ngày 1/3/2022, Tổng thống Biden đã nhắc lại cam kết thực hiện nghĩa vụ thành viên NATO của Mỹ, cụ thể là: "nước Mỹ cam kết bảo vệ từng tấc đất của các quốc gia thành viên NATO với toàn bộ sức mạnh tập thể của cả khối".

Điều đáng lưu ý là trong hệ thống chính trị Mỹ, việc ra quyết định tham chiến của Mỹ khá phức tạp. Trước hết theo luật pháp Mỹ, cụ thể là Đạo Luật về Quyền hạn chiến tranh (War Power Act), được thông qua năm 1973 thì quyền tuyên chiến và tham gia chiến tranh thuộc về Quốc hội Mỹ chứ không phải Tổng thống. Trong tình trạng khẩn cấp, Tổng thống có thể tuyên bố chiến tranh và tham chiến, nhưng phải báo cáo Quốc hội Mỹ trong vòng 48 giờ kể từ khi tham gia và không được cam kết tham chiến quá 60 ngày nếu không được quốc hội cho phép. 

Cả Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương lẫn Đạo Luật về Quyền hạn chiến tranh 1973 đều không ghi cụ thể là Mỹ sẽ tự động quyết định tấn công đối phương trong trường hợp Mỹ hay đồng minh NATO bị tấn công. Ở đây có 2 chuyện mà Mỹ phải tính trước khi hành động: Một là, hành động quân sự của Nga có phải là "tấn công quân sự" vào một thành viên NATO hay không. Hai là, việc can dự và phản ứng quân sự ở mức độ nào là phù hợp với lợi ích quốc gia của Mỹ.

Đó là lý do mà cả Tổng thống Mỹ Joe Biden lẫn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin Lloyd đều tránh bình luận về hình thức, quy mô và phạm vi hành động quân sự của Mỹ trong lúc này và luôn nhấn mạnh các hành động của Mỹ sẽ được thực hiện trong khuôn khổ các cam kết an ninh tập thể và có sự tham vấn với các nước thành viên NATO. Điều này để tránh cho Mỹ phải gánh trách nhiệm một mình, trong khi vẫn duy trì được sự linh hoạt tối đa về mặt chiến lược, cũng như vai trò trụ cột và tầm ảnh hưởng đối với toàn khối NATO.

Đại sứ Hoàng Anh Tuấn, Nguyên Phó Tổng thư ký ASEAN

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine