DNews

NATO "tham chiến" ở Ukraine trước đối thủ Nga xứng tầm: Rực lửa!

Ngọc Huy

(Dân trí) - Ukraine là nơi không thể tốt hơn để NATO thử nghiệm các loại vũ khí trước đối thủ Nga xứng tầm. Điều quan trọng là họ "tham chiến" mà không hao tổn bất kỳ một binh sĩ nào.

NATO "tham chiến" ở Ukraine trước đối thủ Nga xứng tầm: Rực lửa!

Xung đột Ukraine được coi là giao tranh quy mô lớn nhất thế giới kể từ đầu thế kỷ 21. Bên cạnh các lý do địa chính trị, xung đột lợi ích, đây cũng là nơi lần đầu tiên các dòng vũ khí hiện đại của Nga đụng độ thực sự với Mỹ và phương Tây kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Dù chưa từng công khai, nhưng đã có nhiều dấu hiệu thể hiện chiến trường Ukraine chính là thao trường thử nghiệm vũ khí và chiến thuật quân sự của NATO khi đương đầu với đối thủ chính là Lực lượng vũ trang Liên bang Nga.

Những "thánh khí" NATO được thử lửa xung đột hiện đại

Có bao giờ bạn đặt câu hỏi bên cạnh lý do giúp Ukraine đối phó với Nga, tại sao Mỹ và phương Tây lại nhiệt thành viện trợ các loại vũ khí hiện đại bậc nhất cho Kiev, ngoại trừ không quân (tính tới thời điểm hiện tại).

Trong suốt nhiều thập niên qua, NATO tập thể lựa chọn các đối thủ dưới tầm để đè bẹp dễ dàng, qua đó quảng cáo về những loại vũ khí hiện đại, bất bại hay "thánh khí".

Chắc chắn sự giúp đỡ của NATO đối với Ukraine không phải là miễn phí. Cuộc xung đột Ukraine chính là cơ hội rất tuyệt vời để thử nghiệm các loại vũ khí hiện đại của mình trước đối thủ xứng tầm là Quân đội Nga.

Thực tế từ cổ chí kim, chiến tranh chính là "lò lửa" tôi luyện để tạo ra các loại vũ khí hiệu quả, loại bỏ các khuyết điểm tồn tại từ khâu thiết kế. Vì vậy, không quá ngạc nhiên khi rất nhiều vũ khí, phương tiện chiến đấu của NATO đã được mang sang Ukraine tham chiến thực tế, qua đó giúp họ thu lượm được những kinh nghiệm quý báu để sửa đổi, hoàn thiện các loại đã có và chế tạo sản phẩm mới, hiện đại trong tương lai.

Bản thân chính quyền Ukraine cũng hiểu rất rõ điều này...

NATO tham chiến ở Ukraine trước đối thủ Nga xứng tầm: Rực lửa! - 1
Các đối tác phương Tây sẽ thấy liệu vũ khí của họ có hoạt động hiệu quả hay không và liệu họ có cần nâng cấp hay không. Đối với ngành công nghệ quân sự trên thế giới không có một địa điểm nào thử nghiệm tốt hơn chiến trường Ukraine.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov

Chiến trường Ukraine cũng giúp nhiều loại vũ khí của NATO khẳng định được vị thế như hỏa tiễn chống tăng Javelin, pháo phản lực HIMARS, tên lửa hành trình Storm Shadow… Chúng gây ra rất nhiều khó khăn cho Quân đội Nga. Bên cạnh đó, cũng không ít loại vũ khí đã đánh mất danh hiệu bất bại như xe tăng Leopard 2, Challenger, xe chiến đấu Bradley hay các loại phương tiện bọc thép kháng mìn khác.

Có thể nói, chiến trường Ukraine là nơi không thể phù hợp hơn để NATO thử nghiệm các loại vũ khí trước đối thủ xứng tầm là Quân đội Nga mà khối Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương không hao tổn một binh, một tốt nào.

Các loại vũ khí nổi bật của Nga và phương Tây đã được huy động vào cuộc xung đột trực tiếp vô cùng ác liệt ở Ukraine, làm bộc lộ ưu nhược thực sự của chúng.

Khi còn đương nhiệm, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov tuyên bố, các vũ khí NATO đã chứng tỏ vượt trội hơn vũ khí Nga.

Một bài báo mới đây của tờ Financial Times của Anh cũng ca ngợi vũ khí Mỹ và NATO viện trợ cho Ukraine đã thể hiện khả năng xuất sắc trên chiến trường. Bài báo này còn minh họa cho tuyên bố của mình bằng việc so sánh vũ khí NATO với ô tô Mercedez-Benz của Đức và vũ khí Nga với ô tô lạc hậu thời Xô viết.

Tác giả bài báo trên còn cho rằng Ukraine đã sử dụng hệ thống phòng không MIM-104 Patriot (do Mỹ sản xuất) để bắn hạ hơn 12 quả tên lửa siêu vượt âm Kinzhal của Nga.

Trong khi đó, chuyên gia quân sự Nga Viktor Litovkin cho rằng các tuyên bố trên không phản ánh đúng thực tế, chủ yếu nhằm làm hài lòng các độc giả phương Tây cũng như để quảng bá cho chiến dịch phản công của Ukraine.

Ông Litovkin nói với đài Sputnik: "Trên thực tế, chính hệ thống Patriot lại bị phá hủy, chỉ bằng một đòn đánh của Kinzhal. Có tới 5 bệ phóng Patriot bị phá hủy cùng một lúc, đài radar của chúng cũng bị tiêu diệt. Bên cạnh đó, các xe tăng Leopard (của Đức) đã bị các pháo thủ và phi công Nga bắn cháy".

Theo chuyên gia Litovkin, người Mỹ e ngại gửi cho Ukraine xe tăng Abrams là do họ nghĩ rằng các xe tăng đó cũng có thể bị tên lửa, pháo binh và trực thăng Nga phá hủy dễ dàng.

Ông Litovkin lý giải việc Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine ca ngợi vũ khí phương Tây là do ông ấy muốn có thêm nhiều vũ khí khí tài của phương Tây để có thể tiếp tục chiến đấu với người Nga.

Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 7, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov khi còn đương nhiệm cho biết: "Các đối tác phương Tây sẽ thấy liệu vũ khí của họ có hoạt động hiệu quả hay không và liệu họ có cần nâng cấp hay không. Đối với ngành công nghệ quân sự trên thế giới không có một địa điểm nào thử nghiệm tốt hơn chiến trường Ukraine".

NATO tham chiến ở Ukraine trước đối thủ Nga xứng tầm: Rực lửa! - 2

Xe tăng Leopard 2 của Quân đội Ukraine (Ảnh: Domena publiczna).

Hiệu quả của nghệ thuật tác chiến NATO trong hình hài Quân đội Ukraine

Không chỉ có vũ khí, khí tài, NATO còn đang thử nghiệm các chiến thuật tác chiến thông qua các lữ đoàn Ukraine được huấn luyện và trang bị theo chuẩn của khối liên minh này.

Chính sinh mạng của những người lính Ukraine đang giúp thử nghiệm các chiến thuật tác chiến lục quân của NATO khi đối đầu với Quân đội Nga hùng mạnh. Tương tự như vũ khí, chiến thuật quân sự cũng cần được thử nghiệm trong thực tế để sửa đổi và áp dụng phù hợp hơn.

Hãng thông tấn RIA Novosti của Nga dẫn thông tin, các tù binh Ukraine bị bắt giữ đã khai báo về tình trạng huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu kém.

Theo lời khai của Alexander Pavlenko, tù binh người Ukraine, nếu tính theo thang điểm 5, mức độ huấn luyện của tân binh Ukraine chỉ đạt 1 điểm. "Nhiều người trong số chúng tôi mới chỉ đến trường bắn 2 lần", ông Alexander Pavlenko nói.

Nhiều binh lính trong Lữ đoàn bộ binh cơ giới số 32 Ukraine là dân thường trước khi lữ đoàn này được thành lập vào tháng 1 và họ chỉ nhận được 3 tuần huấn luyện cơ bản của NATO ở Đức trước khi được triển khai. Họ đã miêu tả cảm giác "vượt quá khả năng" cũng như tình trạng vũ khí kém hiện đại hơn và thậm chí đặt câu hỏi về sự vô ích của cuộc xung đột đang diễn ra.

"Mọi thứ không giống như những gì bạn đọc trên các báo cáo hằng ngày và trên tin tức", Volodymyr, một trung sĩ bộ binh cho hay.

Các tân binh khác của Ukraine cũng nói rằng, 3 tuần huấn luyện cơ bản của NATO khiến họ không được chuẩn bị trước thực tế chiến trường.

"Một lính bộ binh NATO hiểu rõ anh ta được hỗ trợ và có thể tấn công với sự tự tin rằng khả năng cao anh ta sẽ không chết hoặc bị thương", tân binh Igor thuộc Lữ đoàn 32 cho hay.

Thực tế tại các quốc gia phương Tây, do thời gian ngắn, binh lính Ukraine chỉ được huấn luyện tác chiến cá nhân sơ sài, không được huấn luyện phối hợp nhóm, binh chủng hợp thành. Điều này khiến các đơn vị xung kích Ukraine trên những mặt trận phản công chính như Zaporizhia hay Nam Donetsk chiến đấu rời rạc, máy móc dẫn tới hiệu quả kém và thiệt hại nặng nề.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Lenta,  Chuyên gia quân sự Nga - Tiến sĩ Chính trị học Vasily Kashin đã chỉ ra những sai lầm chiến thuật của Ukraine dẫn tới cuộc phản công thất bại.

Theo ông Kashin, Ukraine lập kế hoạch mà không tính tới khả năng tác chiến quân sự của siêu cường như Nga. Kiev còn đánh giá quá cao năng lực chiến đấu của quân đội trong khi không tích lũy đủ nguồn lực để có thể tổ chức phản công quy mô lớn xuyên thủng phòng tuyến đối phương.

Ngay cả khi trước khi cuộc phản công bắt đầu, tỷ lệ tổn thất trang bị của Ukraine đã ở mức báo động. Quân đội Ukraine không có thời gian chuẩn bị lực lượng cần thiết trước sức ép liên tục từ Mỹ và đồng minh phương Tây.

"Phương Tây luôn đòi hỏi kết quả. Điều này buộc Ukraine phải phát động phản công sớm với những nguồn lực sẵn có", ông Vasily Kashin cho biết.

Không chỉ có vấn đề huấn luyện binh sĩ, công tác chỉ huy, tham mưu của Lực lượng vũ trang Ukraine cũng thiếu liền mạch và hiệu quả. Vấn đề này nằm ở việc chính các cố vấn và chỉ huy NATO tham gia hoạch định chiến thuật tác chiến với Ukraine nhưng họ hầu như không có kinh nghiệm đối phó với quân đội của một cường quốc như Nga.

Những kinh nghiệm "quý báu" của NATO trong chống khủng bố, phiến quân và các quốc gia có tiềm lực quân sự nhỏ yếu, về cơ bản không giúp ích gì trước hỏa lực pháo binh, không quân có ưu thế gần như tuyệt đối của Nga.

Chính vì thế, trong giai đoạn đầu của cuộc phản công, các mũi tấn công Ukraine thường áp dụng một chiến thuật và bị lực lượng phòng thủ Nga dễ dàng bắt bài để ngăn chặn.

Chính các chỉ huy chiến trường Ukraine cũng đã nhận ra vấn đề này. Một sĩ quan giấu tên từng tham chiến nhiều năm bình luận, các chỉ huy tiền tuyến Ukraine trong thời gian đầu xung đột Donbass thường có tính chủ động rất cao. Họ có những đánh giá về thực tế tác chiến của đơn vị và điều chỉnh chiến thuật phù hợp. Điều này không còn tồn tại ở những lứa sĩ quan chỉ huy Ukraine sau này.

NATO tham chiến ở Ukraine trước đối thủ Nga xứng tầm: Rực lửa! - 3

Các loại xe tăng, thiết giáp hiện đại của Ukraine do NATO cung cấp bị Nga phá hủy ở mặt trận Zaporizhia (Ảnh: Reuters).

Thay đổi hay là thất bại

Những thiệt hại lớn trong giai đoạn đầu của cuộc phản công đã khiến giới chức Ukraine, cụ thể là Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Ukraine Valery Zaluzhny tuyên bố thay đổi chiến thuật tác chiến. Điều này đồng nghĩa với việc Quân đội Ukraine quay trở về lối đánh truyền thống và bỏ qua những chiến thuật thiếu hiệu quả của NATO.

Các mũi tấn công Ukraine đã được tổ chức thành các nhóm bộ binh luồn sâu có sự yểm trợ của phương tiện bọc thép lách vào các tuyến phòng thủ của Nga. Dù phải chịu thương vong, nhưng chiến thuật này đã phần nào phát huy hiệu quả ở các chiến trường ác liệt như Robotine, Staromaiorske hay Kleshchevka…

Nhưng một vấn đề phát sinh là NATO cần Ukraine thử nghiệm các loại vũ khí và chiến thuật trên xương máu binh sĩ Ukraine, nên sự thay đổi chiến thuật của giới chức quân sự của Ukraine là… đi ngược lại lợi ích của họ.

Không khó để nhận ra những bình luận về "sự sai lầm" của Quân đội Ukraine từ giới chức quân sự NATO, cũng như chuyên gia quân sự phương Tây.

Trả lời phỏng vấn kênh Youtube Judging Freedom, cựu sĩ quan tình báo Mỹ Tony Shaffer nhấn mạnh, nếu cuộc phản công của Ukraine thực hiện theo đúng kế hoạch đã được phía Mỹ hoạch định thì kết quả đạt được còn lớn hơn nhiều so với hiện tại.

"Ukraine thực tế có đội hình thiết giáp hiệu quả để đâm sâu vào tuyến phòng ngự của đối thủ", cựu sĩ quan tình báo Mỹ đánh giá.

NATO tham chiến ở Ukraine trước đối thủ Nga xứng tầm: Rực lửa! - 4
Về cuộc phản công chưa hiệu quả, tôi có thể giải thích đơn giản là hoặc những sĩ quan và tướng lĩnh NATO có năng lực yếu kém, hoặc là phía Ukraine không biết lắng nghe và thực hiện đúng kế hoạch.
Cựu sĩ quan tình báo Mỹ Tony Shaffer

Theo đó, các sĩ quan chỉ huy Mỹ đã luôn sát cánh cùng Lực lượng vũ trang Ukraine tại Kiev, nhưng không phải lúc nào những khuyến nghị của họ cũng được ghi nhận và thực hiện. Ông Tony Shaffer cũng nêu ra thực trạng về sự thiếu nhất quán của các sĩ quan chỉ huy Ukraine trong việc đưa ra kế hoạch tác chiến cụ thể và liền mạch trên chiến trường, kể cả khi có tư vấn từ sĩ quan NATO.

"Về vấn đề này, tôi có thể giải thích đơn giản là hoặc những sĩ quan và tướng lĩnh NATO có năng lực yếu kém, hoặc là phía Ukraine không biết lắng nghe và thực hiện đúng kế hoạch", ông Tony Shaffer nói.

Trước đó, cựu sĩ quan phân tích CIA, Larry Johnson cho rằng, NATO đang phải tính toán lại chiến thuật của Kiev, khi đánh giá không đúng khả năng phản công của Lực lượng vũ trang Ukraine.

Ông lưu ý rằng, những bước tiến chậm chạm từ cuộc tấn công của Kiev được xác định trước là do Quân đội Ukraine thiếu không quân. Chuyên gia Larry Johnson dự báo, mọi máy bay Ukraine cất cánh đều có khả năng bị Không quân Nga "bắn hạ ngay lập tức".

Ngoài ra, cựu sĩ quan CIA cho rằng, giới lãnh đạo Mỹ đang chi số tiền khổng lồ để giúp đỡ Kiev, nhưng không mang lại kết quả. Theo ông, kể từ khi bắt đầu chiến dịch đặc biệt, Mỹ đã phân bổ số tiền cho Ukraine nhiều hơn số tiền Nga chi cho toàn bộ ngân sách quốc phòng của nước này.

Phát biểu với Der Tagesspiegel của Đức, ông Franz-Stefan Gadi, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế có trụ sở tại London đánh giá, Lực lượng vũ trang Ukraine thiếu khả năng phối hợp tác chiến từ cấp phân đội cho tới hiệp đồng quân binh chủng quy mô lớn.

"Thực tế chiến trường chứng minh, Lực lượng vũ trang Ukraine thiếu kỹ năng và kinh nghiệm tổ chức hoạt động quân sự quy mô lớn, binh chủng hợp thành, đây là nguyên nhân dẫn tới tốc độ phản công chậm và mức thiệt hại khủng khiếp của Ukraine", ông Gadi đánh giá.

NATO tham chiến ở Ukraine trước đối thủ Nga xứng tầm: Rực lửa! - 5
Thực tế chiến trường chứng minh, Lực lượng vũ trang Ukraine thiếu kỹ năng và kinh nghiệm tổ chức hoạt động quân sự quy mô lớn, binh chủng hợp thành, đây là nguyên nhân dẫn tới tốc độ phản công chậm và mức thiệt hại khủng khiếp.
Ông Franz-Stefan Gadi, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế

Theo chuyên gia Gadi, các hoạt động quân sự của Ukraine diễn ra không đồng bộ. Thực tế, Quân đội Ukraine có thể làm được hơn thế nếu công tác tổ chức phản công có hệ thống hơn. Với tình hình hiện tại, cuộc phản công của Ukraine chỉ đơn giản là "cuộc chiến đẫm máu", dù có tung các đơn vị dự bị chiến lược vào cuộc cũng không thu được những kết quả đáng kể.

Có một điều đặc biệt là những nhận định này đều đến từ những nhà phân tích quân sự hay cựu binh sĩ chưa từng có mặt ở chiến trường Ukraine.

Trong khi đó ở phía Nga, các điều chỉnh chiến thuật từ những thất bại trên chiến trường năm 2022 đều phát huy được hiệu quả.

Quân đội Nga đã phát huy được thế mạnh về hỏa lực tầm xa, hạn chế thương vong trong giao chiến; giảm nhuệ khí của Ukraine thông qua việc phân tuyến chiến trường bằng hệ thống phòng thủ kiên cố.

Các đơn vị cơ động cấp sư đoàn và tập đoàn quân được tái hợp để chuẩn bị cho những đòn đánh quy ước quyết định… Rõ ràng, Moscow hiểu rõ đối thủ trên chiến trường không phải là Ukraine, mà NATO và 51 quốc gia đối tác phía sau.

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine