Mỹ muốn giúp người trẻ Việt thuận lợi tiếp cận thị trường việc làm toàn cầu
(Dân trí) - Tùy viên Văn hóa Đại sứ quán Mỹ Kate Bartlett nêu ra những kiến thức và kỹ năng cần thiết để người trẻ Việt Nam có thể hội nhập thế giới và khẳng định Washington sẽ sát cánh để hỗ trợ mục tiêu này.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, Tùy viên Văn hóa của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam Kate Bartlett đã nêu bật những điểm sáng trong hoạt động hợp tác giáo dục và văn hóa giữa 2 nước, đồng thời nhấn mạnh cam kết của Mỹ về việc đồng hành với Việt Nam để 2 nước cùng hướng tới mục tiêu thịnh vượng chung, xứng tầm với quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Nhà ngoại giao Mỹ cũng đưa ra những lời khuyên bổ ích cho giới trẻ Việt về những kỹ năng, kiến thức đóng vai trò như chiếc "chìa khóa" để mở ra cánh cửa hội nhập với thế giới, trở thành công dân toàn cầu.
Hỗ trợ Việt Nam phát triển nguồn lực lao động chất lượng
Việt Nam và Mỹ thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện - một cột mốc quan trọng sẽ dẫn tới sự hợp tác sâu sắc hơn trên tất cả các lĩnh vực. Vậy Mỹ có kế hoạch gì để tăng cường hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực văn hóa và giáo dục?
- Tôi rất vui mừng vì bạn đã nhắc tới chuyến thăm gần đây của Tổng thống Joe Biden tới Việt Nam và sự kiện 2 nước đã trở thành Đối tác Chiến lược Toàn diện để nâng cấp mối quan hệ lên một tầm cao mới.
Đây là một thời điểm đầy hào hứng. Điều khiến tôi và các đồng nghiệp rất vui mừng là chúng tôi nhận thấy rằng văn hóa và giáo dục được đặt lên hàng đầu trong chiến lược này.
Hai chính phủ sẽ làm việc cùng nhau và hợp tác chặt chẽ hơn, nhưng đồng thời cũng quan tâm tới đời sống của người dân 2 nước. Điều này có thể bao gồm sự hợp tác giữa các trường đại học, của các tổ chức văn hóa và các đơn vị khác nhằm củng cố mạnh mẽ nền tảng ngoại giao nhân dân.
Vì vậy, tôi coi tuyên bố chung do lãnh đạo Việt Nam và Mỹ đưa ra là một cơ hội tuyệt vời để khám phá các lĩnh vực hợp tác mới trong tương lai, đồng thời ghi nhận tất cả những tiến bộ và thành tựu đã đạt được từ trước tới nay.
Giáo dục là lĩnh vực chứng kiến sự hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa 2 nước, vậy trọng tâm của sự phối hợp này là gì?
- Tôi cho rằng, giáo dục là ưu tiên hàng đầu của cả hai nước chúng ta vì nó liên quan đến nhiều mục tiêu chung của 2 nước nhằm cùng trở nên thịnh vượng, giúp người dân giàu có hơn.
Nó đồng thời đáp ứng các mục tiêu phát triển lực lượng lao động vì Mỹ muốn thấy lực lượng lao động Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn và có khả năng làm việc trong lĩnh vực sản xuất tiên tiến.
Tất cả chúng tôi đều coi giáo dục là yếu tố then chốt để đạt được những mục tiêu trên. Vì vậy chúng tôi rất vui mừng khi chỉ cách đây 1-2 tuần, khi Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng tham dự hội nghị APEC tại Mỹ, 2 nước đã ký biên bản ghi nhớ về việc hợp tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Ngoại giao Mỹ.
Điều này cho thấy 2 nước đều coi giáo dục là lĩnh vực hợp tác chung và là ưu tiên hàng đầu. Chúng ta hiện có rất nhiều lĩnh vực hợp tác liên quan tới giáo dục, như chương trình học bổng Full Bright, chương trình Tiếng Anh khu vực giúp đào tạo tiếng Anh cho người Việt Nam...
Ngoài ra, tôi cho rằng, sự hợp tác ngày càng gia tăng giữa các trường đại học của Mỹ và Việt Nam là một lĩnh vực quan trọng. Các trường đại học Mỹ luôn mong muốn hợp tác với phía Việt Nam để tạo dựng quan hệ đối tác, nghiên cứu, phát triển giảng viên, trao đổi sinh viên, du học sinh.
Đại sứ quán Mỹ và chính phủ Việt Nam đang hợp tác chặt chẽ với nhau để tận dụng mọi cơ hội kêu gọi các trường đại học trên khắp Mỹ đến Việt Nam và hợp tác với các trường đại học Việt Nam.
Được biết, hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục các môn STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) là một trọng tâm trong chính sách của Mỹ. Vậy Washington đã và đang thực thi ưu tiên này như thế nào?
- Khi nói đến lĩnh vực giáo dục các môn STEM, đó chắc chắn không chỉ là chủ đề nóng mà còn là ưu tiên hàng đầu của cả hai nước vào thời điểm hiện tại.
Chúng tôi nhận thấy rằng giáo dục STEM là nền tảng sẽ giúp tạo ra công ăn việc làm trong tương lai và sẽ giúp cả 2 nước chúng ta trở nên thịnh vượng hơn. Vì vậy, chính phủ Mỹ đang xem xét mọi công cụ có thể để lồng ghép nhiều hơn các chương trình STEM trong hoạt động hợp tác với Việt Nam về giáo dục.
Ví dụ, chỉ riêng trong năm nay, chúng tôi đang đưa thêm chuyên gia đến Việt Nam hỗ trợ phát triển chương trình giảng dạy STEM. Chúng tôi đang nỗ lực kết nối các trường đại học với nhau để thúc đẩy trao đổi về các vấn đề như sự phát triển của ngành bán dẫn, một ưu tiên lớn của cả 2 nước.
Chúng tôi đồng thời bắt đầu chương trình nhằm hỗ trợ các giáo viên khoa học ở Việt Nam, giúp họ tiếp cận nguồn tài nguyên giảng dạy từ mẫu giáo đến lớp 12 và đại học.
Chúng tôi đang phân tích cùng với các đối tác để hiểu rõ hơn nhu cầu hiện có của các đại học Việt Nam để có thể hỗ trợ tốt hơn trong việc kết nối các trường đại học đó với các trường đại học Mỹ.
Có rất nhiều lĩnh vực để 2 bên hợp tác trong giáo dục, nhưng để xác định các ưu tiên hàng đầu thì sẽ là giáo dục STEM, đào tạo tiếng Anh và thúc đẩy quan hệ đối tác giữa các trường học của 2 nước.
Việt - Mỹ lần đầu tổ chức Ngày Giao lưu Hữu nghị
Vào đầu tháng 12, Đại sứ quán Mỹ và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) dự kiến sẽ tổ chức Ngày Giao lưu Hữu nghị Việt - Mỹ lần đầu tiên. Sự kiện này sẽ có những đặc điểm thú vị nào để có thể giúp 2 nước xích lại gần nhau hơn?
- Ngày Giao lưu Hữu nghị Việt - Mỹ thực sự là một cơ hội thú vị để Đại sứ quán Mỹ hợp tác với VUFO tổ chức một sự kiện vừa mang bản sắc độc đáo của Việt Nam vừa mang bản sắc đặc biệt của Mỹ.
Đây là dịp nhằm kỷ niệm bước tiến mới trong mối quan hệ giữa chúng ta và cũng là cơ hội để công chúng cùng tham gia sự kiện. Đây là cách để công chúng nhìn thấy đầy đủ chiều sâu và chiều rộng của mối quan hệ Mỹ - Việt, trong sự kiện dự kiến diễn ra từ 12-18h ngày 2/12 tại Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội.
Sẽ có nhiều gian hàng, trò chơi, hoạt động nghệ thuật và thủ công thú vị. Và một số màn trình diễn rất đặc biệt. Về phía Mỹ, chúng tôi đã mời nhiều đơn vị khác nhau tại Việt Nam, từ Phòng Thương mại Mỹ đến các trường học và đại học mà chúng tôi hợp tác với tư cách là đối tác đến tham gia.
Vì vậy, chúng tôi thực sự mong đợi rằng lễ hội sẽ mang lại nhiều thông tin bổ ích. Sẽ có 20 gian hàng khác nhau cung cấp thông tin mà mọi người có thể tìm hiểu, ví dụ như về hoạt động của phái đoàn Mỹ, về cách kiếm việc tại Mỹ hay cách sang Mỹ học tiếng Anh.
Ngoài ra, chúng tôi cũng có các hoạt động giải trí vui nhộn, quà tặng, cùng sự góp mặt của các ca sĩ và vũ công. Vì vậy chúng tôi chào đón mọi người cùng tới tham gia vì đây là sự kiện mở cửa miễn phí. Và đây thực sự là một thời điểm thú vị để nhìn lại mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam với một tâm trạng vui vẻ và hào hứng.
Đây là lần đầu chúng tôi hợp tác với VUFO trong một sự kiện lớn như vậy. Đó là một trải nghiệm tuyệt vời. Chúng tôi dự kiến sẽ hợp tác tổ chức hội thảo về quan hệ Việt - Mỹ trong tương lai. Chúng tôi coi VUFO là đối tác quan trọng nhằm giúp củng cố và nâng cao mối quan hệ ngoại giao nhân dân và Mỹ sẵn sàng tiếp tục thực hiện việc này.
Mỹ và Việt Nam rất khác biệt về mặt văn hóa khi một nước ở phương Đông, một nước ở phương Tây. Vậy làm thế nào để 2 quốc gia có thể tận dụng cả sự tương đồng và khác biệt để giao lưu văn hóa với nhau?
- Tôi nghĩ đây là một câu hỏi rất hay. Hai đất nước chúng ta có lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ, nền ẩm thực khác nhau nhưng chúng ta có thể trở nên tốt đẹp hơn khi chúng ta cùng chia sẻ những đặc điểm đó với nhau.
Tôi đã có những khoảnh khắc ấn tượng nhất khi ở Việt Nam là khi trao đổi với người dân địa phương để hiểu rõ hơn về văn hóa tại đây. Vài tháng trước, chúng tôi đã mời đầu bếp người Mỹ gốc Việt Christine Hà (người thắng giải Vua đầu bếp Mỹ - PV) sang Việt Nam. Cô ấy đã có các buổi trao đổi khắp cả nước.
Chúng tôi thấy chương trình này có tác động lớn tới cộng đồng vì nó tôn vinh và giúp khám phá văn hóa và nguyên liệu Việt Nam. Cô Christine đã nếm các loại rau sống và lá mà cô ấy chưa từng thử qua và khám phá cách kết hợp những nguyên liệu đó vào cách nấu ăn của người Mỹ.
Đồng thời, cô cũng chia sẻ một số món ăn và ý tưởng từ văn hóa ẩm thực Mỹ để các đầu bếp Việt Nam nghĩ cách kết hợp những yếu tố đó vào cách nấu nướng của mình.
Tôi cho rằng đây là một ví dụ hoàn hảo về việc khi hợp tác văn hóa cùng nhau, chúng ta sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Đây cũng là cách phối hợp có thể khiến cho trải nghiệm văn hóa giữa 2 nước trở nên thú vị hơn rất nhiều.
Chìa khóa giúp thế hệ trẻ Việt Nam hội nhập
Bà Kate Bartlett nêu ra những kiến thức và kỹ năng mà người trẻ cần để hội nhập với thế giới (Ảnh: Mạnh Quân).
Theo bà, học sinh, sinh viên, người trẻ Việt Nam cần có những kỹ năng và kiến thức nào để có thể hội nhập nền kinh tế thế giới và trở thành công dân toàn cầu? Hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và Việt Nam có thể hỗ trợ thế hệ trẻ Việt Nam đạt được mục tiêu đó như thế nào?
- Như tôi đã đề cập ở trên, người trẻ Việt Nam có kiến thức trong lĩnh vực STEM có thể sẽ gặp thuận lợi hơn khi tiếp cận các cơ hội ở thị trường việc làm toàn cầu. Tuy nhiên, tôi cũng muốn nói về kỹ năng mềm là lĩnh vực mà người trẻ Việt Nam cũng cần chú ý phát triển.
Ngày nay, việc chỉ tập trung vào kiến thức STEM và các ngành khoa học là chưa đủ. Bạn cần phải giao tiếp, có tư duy phản biện để làm việc theo nhóm và cùng nhau giải quyết vấn đề.
Thị trường việc làm trong tương lai sẽ rất khác so với hiện tại. Các nhà tuyển dụng sẽ cần nhân viên có kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo, làm việc nhóm, làm việc trong môi trường đa văn hóa.
Tôi cho rằng, trong môi trường công sở tương lai, sẽ không chỉ có người Việt làm việc với người Việt, mà có thể sẽ có sự phối hợp với người nước ngoài.
Tôi nghĩ kiến thức về STEM, kỹ năng mềm và kỹ năng tiếng Anh sẽ là cần thiết để học sinh, sinh viên, thanh niên Việt Nam có thể giao tiếp và làm việc với người ở quốc gia khác.
Đây là những kỹ năng và kiến thức mà chúng tôi mong muốn người Việt Nam sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ. Chúng tôi đang đầu tư các nguồn lực và thời gian để hợp tác với phía Việt Nam nhằm giúp đạt được mục tiêu trên.
Kiến thức về STEM, kỹ năng mềm và kỹ năng tiếng Anh sẽ là yếu tố cần thiết để học sinh, sinh viên, thanh niên Việt Nam có thể giao tiếp và làm việc với người ở quốc gia khác.
Theo tôi được biết, bà đã học tiếng Việt trước khi sang Việt Nam công tác năm 2021. Bà đánh giá tiếng Việt như thế nào?
- Tôi đã học tiếng Việt được gần 3 năm và đây là một ngôn ngữ rất thách thức. Tôi thường chia sẻ như vậy với người Việt Nam và họ thường cười vì tôi nghĩ rằng họ biết và họ thấy vui vì khi hiểu ngôn ngữ này khó thế nào. Tôi thừa nhận điều đó và tôi không nói vậy vì tôi đang ở Việt Nam.
Tôi đã học 9 ngôn ngữ và thông thạo 5 trong số đó. Và tiếng Việt thì hóc búa về cả ngữ pháp và phát âm. Tôi nghĩ đó là một ngôn ngữ sáng tạo và phức tạp và tôi nghĩ người Việt Nam rất hào hứng khi nhìn người nước ngoài cố gắng học một thứ tiếng khó như vậy.
Tuy nhiên, với tư cách là một người nước ngoài, tôi cho rằng việc học tiếng Việt đã giúp tôi có những trải nghiệm rất thú vị và sống động khi sinh sống tại đây.
Tôi có rất nhiều kỷ niệm thú vị khi học tiếng Việt, ví dụ như tôi cố gắng diễn tả một điều nhưng mọi người lại hiểu theo cách khác. Ví dụ, khi tôi nói từ "mười", có nghĩa là số 10, nhưng nghe có vẻ giống như "mời" hay "mới". Chỉ một sự thay đổi nhỏ trong thanh điệu và cách phát âm và nó đã biến thành một từ hoàn toàn khác.
Vì vậy, tôi nghĩ rằng tôi có lẽ cần phải học tiếng Việt thêm 20 năm nữa. Tôi nghĩ rằng sẽ khó mà học hết được toàn bộ một ngôn ngữ nhưng tôi hứng thú với tiếng Việt.
Tùy viên Mỹ: "Học 9 ngôn ngữ, tôi vẫn thấy tiếng Việt thách thức" (Video: Minh Quang, Đức Hoàng).
Như bà đã đề cập, bà biết tới 9 thứ tiếng, vậy bí quyết để có thể học một ngôn ngữ mới hiệu quả là như thế nào?
- Theo tôi, cách tốt nhất để học một ngôn ngữ mới là "đắm mình hoàn toàn vào ngôn ngữ đó". Tôi khuyên các bạn nên xem các chương trình nước ngoài, kể cả khi bạn có cần sử dụng phụ đề. Ngoài ra, bạn hãy giao tiếp với người nước ngoài nhiều nhất có thể.
Ví dụ, các bạn có thể tới tham gia các sự kiện có người nước ngoài tham gia, ví dụ Ngày Giao lưu Hữu nghị Việt Nam - Hoa Kỳ. Sẽ có rất nhiều người nói tiếng nước ngoài tại đây và bạn sẽ có cơ hội để thực hành ngôn ngữ bạn muốn học.
Tôi cho rằng, để luyện tập ngôn ngữ, bạn sẽ cần thêm cả sự can đảm để bắt đầu các cuộc trò chuyện, để chia sẻ rằng bạn muốn nâng cao trình độ ngoại ngữ. Sẽ có rất nhiều cơ hội ngoài kia để bạn học tập, và điều quan trọng là bạn cần nắm bắt chúng.
Năm 2021, bà đã nổi tiếng trên mạng vì hát bài Bụi Phấn nhân dịp Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11. Cơ duyên nào đã khiến bà chọn bài hát này?
- Tôi có may mắn khi được tới Hà Nội trước ngày Nhà giáo 20/11 và hiểu được vai trò quan trọng của nghề giáo ở nước các bạn. Đồng nghiệp của tôi đã dạy tôi bài hát và đây là một trải nghiệm đặc biệt.
Nó diễn ra vào thời điểm mà Việt Nam đang giãn cách xã hội đối phó dịch Covid-19 và tôi không có cơ hội di chuyển và gặp gỡ các giáo viên tại đây. Vì vậy, với tôi, bài hát này giống như niềm hy vọng rằng tôi sẽ gặp họ nhiều hơn trong tương lai.
Tôi mất khá lâu để luyện tập bài hát vì tôi không rõ một số từ tiếng Việt, nhưng đó là một trải nghiệm tích cực. Kể từ đó, tôi chưa học thêm một bài hát nào bằng tiếng Việt nữa, nhưng tôi nghĩ là tôi sẽ cần học thêm.
Trong một sự kiện vài tuần trước ở Huế, tôi đã có cơ hội tham gia một bữa tiệc hát karaoke và tôi chỉ biết duy nhất bài Bụi Phấn. Chúng tôi đã hát cùng nhau và tôi rất vui khi nhớ lại khoảng thời gian đặc biệt đó.
Nhưng đúng là tôi cần học thêm một bài hát tiếng Việt mới để có thể "trình diễn" sau này nếu có đi hát karaoke vì âm nhạc thực sự là thứ có thể kết nối con người lại với nhau.
Tùy viên Văn hóa Mỹ hát "Bụi phấn" chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam vào năm 2021 (Video: Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam).
Xin chân thành cảm ơn bà!