DNews

Dự báo chính sách đối ngoại của Mỹ nếu ông Donald Trump thắng cử

Nguyên Long

(Dân trí) - Trong khi bà Kamala Harris, nếu thắng cử, được dự đoán sẽ tiếp tục đường hướng của người tiền nhiệm Biden, ông Donald Trump chắc chắn có những thay đổi lớn về chính sách đối ngoại của Mỹ nếu đắc cử.

Dự báo chính sách đối ngoại của Mỹ nếu ông Donald Trump thắng cử

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024, diễn ra vào ngày 5/11, sẽ là cuộc đối đầu giữa đương kim Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, có thể tạo ra bước ngoặt lớn và ảnh hưởng sâu rộng đến nền dân chủ Mỹ cũng như cách tiếp cận của nước này với thế giới, đặc biệt trong bối cảnh xung đột và biến động toàn cầu.

Mặc dù ông Trump đang đối mặt với nhiều thách thức pháp lý, nhưng điều này không làm giảm đi sự ủng hộ từ phía cử tri của ông. Khả năng ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vẫn khá lớn.

Và nếu điều này xảy ra, chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ là mối quan tâm hàng đầu của cả nước Mỹ và thế giới.

Về chính sách đối ngoại

 Mặc dù hiện nay có nhiều lo ngại rằng nếu ông Trump giành chiến thắng, chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ có nhiều thay đổi, nhưng đa số các chuyên gia đều chung nhận định rằng, cho dù là bà Harris hay ông Trump giành chiến thắng thì chính sách đối ngoại của nước Mỹ sẽ không có quá nhiều sự khác biệt rõ ràng.

Nếu ông Trump giành chiến thắng, có thể ông sẽ duy trì phong cách ngoại giao "thất thường và hay đối đầu" đặc biệt với các đồng minh NATO giống như cách mà ông đã làm trong nhiệm kỳ đầu. Tuy nhiên, xét trên khía cạnh khác, có thể trong nhiệm kỳ hai tới đây, ông Trump sẽ thực hiện chính sách đối ngoại không thực sự nhiều khác biệt so với chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời ông Biden, đặc biệt là đối với các vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự của Mỹ như Ukraine, Trung Quốc hay Trung Đông…

Xung đột Nga - Ukraine

Ngay từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, chính quyền Biden - Harris đã dồn toàn lực để hỗ trợ Kiev, bất chấp sự phản đối của nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa cũng như triển vọng ngày càng xấu về việc Kiev có thể giành chiến thắng hoặc lấy lại các phần lãnh thổ đã mất.

Tuy nhiên, các nhà quan sát chính trị đánh giá, nếu ông Trump tái đắc cử, chính sách của Mỹ với Ukraine sẽ có thay đổi lớn và rất có khả năng Mỹ sẽ cắt các khoản viện trợ cho Kiev.

Tuy nhiên, cũng không có gì đảm bảo bà Harris sẽ tiếp tục duy trì các khoản viện trợ cho Ukraine như hiện nay nếu bà giành chiến thắng, nhất là trong bối cảnh cục diện chiến trường Ukraine đã có nhiều thay đổi theo hướng bất lợi trong năm 2023. 

Nhìn chung, các chuyên gia chính trị quốc tế đều đồng thuận rằng, cả bà Harris và ông Trump sẽ cố gắng thúc đẩy Ukraine đàm phán để chấm dứt chiến tranh sau tháng 1/2025 và thỏa thuận đạt được có thể gần với mục tiêu của Nga hơn là của Kiev.

Trung Quốc và các vấn đề nóng ở châu Á

Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Trump đã dứt khoát từ bỏ chính sách hợp tác kinh tế với Trung Quốc mà Mỹ triển khai trước đó để phát động cuộc chiến thương mại đầy tốn kém. Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Biden vẫn tiếp tục chính sách này, thậm chí còn tăng cường các biện pháp áp đặt nghiêm ngặt hơn với Trung Quốc nhằm cản trở các nỗ lực của Bắc Kinh trong một số lĩnh vực chủ chốt như công nghệ, chất bán dẫn.

Trên thực tế, cách tiếp cận với Trung Quốc là một trong rất ít vấn đề nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng Mỹ. Cả ông Biden và Trump đều đồng ý rằng Trung Quốc là cường quốc duy nhất trong hệ thống quốc tế có cả ý định và khả năng thách thức trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu. Do đó, dù ông Trump hay bà Harris đắc cử thì chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ không có nhiều thay đổi.

Trong khi đó, đối với các đồng minh châu Á, nếu ông Trump giành chiến thắng, có thể cách tiếp cận của ông sẽ cứng rắn hơn bởi trong nhiệm kỳ trước đã nhiều lần ông chỉ trích các đồng minh về việc quá phụ thuộc vào sự bảo vệ của Mỹ. Tuy nhiên, chắc chắn ông sẽ không thể từ bỏ họ, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc trong khu vực ngày càng gay gắt.

Bên cạnh đó, cách tiếp cận chính sách của ông Trump đối với châu Á và các vấn đề nóng trong khu vực như Đài Loan, Biển Đông, cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc là các vấn đề cần phải theo dõi.

"Lò lửa" Trung Đông

Có thể thấy, cả chính quyền Trump và Biden đều có cách tiếp cận tương đồng trong vấn đề Trung Đông và cho dù ai giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng sắp tới, chính sách của Mỹ đối với thế giới Ả Rập sẽ không có nhiều sự khác biệt.

Khi còn là Tổng thống Mỹ, ông Trump đã từ bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) vào ngày 8/5/2018, chuyển Đại sứ quán của Mỹ tại Israel đến Jerusalem và đóng cửa Văn phòng Lãnh sự Mỹ phụ trách các vấn đề của người Palestine ở Washington.

Ông Trump đã thúc đẩy việc bình thường hóa quan hệ của Israel với thế giới Ả rập, tuy nhiên lại không có động thái gì để giải quyết vấn đề của hàng triệu người Palestine ở khu vực Bờ Tây và Dải Gaza.

Trong khi đó, chính sách của chính quyền Biden đối với vấn đề Trung Đông vẫn không có khác biệt như kỳ vọng. Thực tế cho thấy, chính quyền Biden đã và đang triển khai chính sách vừa ủng hộ chiến dịch chống Hamas của Israel, vừa thúc đẩy giải pháp "hai nhà nước" nhằm tìm kiếm hòa bình và ổn định khu vực dù bị đồng minh Israel phản đối. Nếu giành chiến thắng, bà Harris được dự đoán sẽ tiếp tục chính sách của người tiền nhiệm.

Cho đến nay, các động thái của Mỹ chủ yếu mang tính đối phó với các diễn biến trên thực địa, hầu như chưa thể giải quyết tận gốc tình hình. Mỹ hiện đang rất khó xử giữa việc làm sao vừa có thể bảo vệ đồng minh Israel, vừa có thể xoa dịu được thế giới Ả Rập.

Hơn nữa, thế khó của Mỹ lại tăng gấp đôi sau các hành động leo thang căng thẳng vừa qua giữa Israel và Iran. Hiện Mỹ đang chủ trương hòa hoãn, không đẩy tình hình nóng lên, tuy nhiên, nếu diễn biến phức tạp hơn, đe dọa đến an ninh của đồng minh Israel và quyền lợi chiến lược của Mỹ trong khu vực, không loại trừ khả năng Mỹ có thể nhờ các đồng minh có lực lượng ở Trung Đông (như Anh, Pháp) can thiệp.

Cho dù đôi lúc có sự suy giảm ưu tiên nhưng Trung Đông vẫn luôn là một trong những khu vực đầy lợi ích chiến lược của Mỹ. Do đó, sẽ không có nhiều khác biệt trong chính sách của Mỹ đối với Trung Đông trong thời gian tới.

Tuy nhiên, những thay đổi mà ông Trump có thể mang lại cho chính sách của Mỹ ở Trung Đông sẽ rất quan trọng. Có thể chính quyền Trump sẽ tăng cường các nỗ lực nhằm làm suy yếu nền kinh tế Iran, tăng cường củng cố mối quan hệ với các nước vùng Vịnh vừa để thúc đẩy bình thường hóa quan hệ với Israel vừa tăng cường hợp tác để kiềm chế nhằm mục đích cuối cùng là làm suy yếu Iran.

Bên cạnh đó, cũng có khả năng ông Trump sẽ quyết định rút lực lượng Mỹ khỏi Syria và Iraq. Và tất nhiên, chính quyền mới của ông Trump sẽ không chào đón những người tị nạn, đặc biệt là những người tị nạn Hồi giáo.

 Mối quan hệ với NATO

Trong khi chính quyền Biden - Harris chủ trương chính sách cải thiện quan hệ với châu Âu thì ông Donald Trump có thể sẽ tạo ra vấn đề lớn với nhiều nước châu Âu nếu giành chiến thắng. Trong nhiệm kỳ tổng thống, ông Trump thường chuyên chỉ trích NATO và muốn cắt giảm ngân sách đóng góp cho khối.

Có thể ông Trump sẽ tìm cách để rút Mỹ khỏi NATO dù vấp phải sự phản đối của giới ngoại giao và quốc phòng của nước này. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia chính trị đánh giá, đây dường như chỉ là "chiến thuật đàm phán" nhằm thúc đẩy đồng minh của Mỹ tăng chi tiêu quốc phòng và giảm bớt gánh nặng cho Washington. Hơn nữa, một số người tin rằng những phát biểu gần đây cho thấy, ông Trump ngày càng có xu hướng ít đề cập đến việc rút Mỹ khỏi NATO như thời gian trước. Ông đã phát biểu rằng, Mỹ sẽ "100% ở lại NATO dưới sự lãnh đạo của ông miễn là các nước châu Âu "chơi công bằng".

Châu Âu vẫn đang hồi hộp chờ đợi kết quả bầu cử tổng thống Mỹ vì rõ ràng nếu ông Trump giành chiến thắng, họ có nhiều thứ phải lo hơn. Lãnh đạo Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde đã phát biểu rằng, việc ông Trump tái đắc cử sẽ là "mối đe dọa" đối với châu Âu.

Các bước chuẩn bị của Mỹ và đồng minh

Cuộc đối đầu giữa Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump cũng như khả năng ông Trump giành chiến thắng đang làm dấy lên những lo ngại về chính sách đối ngoại sắp tới của Mỹ. Chính vì vậy, chính quyền Mỹ hiện nay cũng như các đồng minh thân cận của Mỹ đang tích cực lập chiến lược để giải quyết những thách thức tiềm ẩn.

Đối với Mỹ, giới chính sách của Mỹ có thể đang tiến hành các cuộc thảo luận về những kịch bản tiềm năng, trong đó  Bộ Ngoại giao, Hội đồng An ninh Quốc gia và Bộ Quốc phòng đang tham gia vào các hoạt động lập kế hoạch, kịch bản để đánh giá sự phân nhánh tiềm tàng của các kết quả chính sách khác nhau trong một chính quyền Trump giả định.

Tuy nhiên, về mặt pháp lý, chính quyền Biden có thể gặp trở ngại trong kiềm chế việc theo đuổi chính sách của Trump sau thất bại bầu cử tiềm tàng, đặc biệt nếu Hạ viện vẫn nằm trong tay đảng Cộng hòa sau cuộc bầu cử.

Cuối năm ngoái, Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật ngân sách quốc phòng trong đó có điều khoản ngăn Tổng thống đơn phương rút khỏi NATO mà không có sự đồng ý của Quốc hội hoặc một Đạo luật Quốc hội. Điều khoản này nhấn mạnh cam kết của Mỹ đối với NATO vốn đã được chính quyền Tổng thống Biden - Harris coi trọng hơn so với chính quyền tiền nhiệm, nhất là trong vấn đề Ukraine.

Hơn nữa, với lập trường chính sách đối ngoại của ông Trump, có thể hình dung rằng không chỉ chính quyền Mỹ mà các quốc gia khác, nhất là các đồng minh của Mỹ cũng đang có một số bước điều chỉnh chính sách cho phù hợp với tình hình sắp tới. Các đồng minh của Mỹ hiện đang tích cực triển khai các bước đi để bảo vệ hoặc thúc đẩy lợi ích của họ trong trường hợp ông Trump quay lại nắm quyền.

Một số cuộc phỏng vấn của hãng Reuters với các nhà ngoại giao cũng như quan chức chính phủ trên thế giới cho thấy có sự chuẩn bị cho "kịch bản Trump 2.0". Chẳng hạn Mexico đã có các cuộc thảo luận về việc bổ nhiệm một ngoại trưởng mới có hiểu biết về ông Trump trong cuộc bầu cử hồi tháng 6; trong khi đó Australia cũng đã thảo luận về vai trò của đặc phái viên nước này trong việc bảo vệ các thỏa thuận về tàu ngầm.

Các quan chức Đức đang gấp rút đẩy nhanh các cuộc đàm phán với các thống đốc bang thuộc đảng Cộng hòa của Mỹ bởi Đức đang đầu tư mạnh vào ngành công nghiệp ở đất nước cờ hoa. Trong khi đó, ở châu Á, Nhật Bản - đồng minh của Mỹ cũng đang có những bước đi để tăng cường cam kết ngoại giao với chính quyền Trump giả định vì lo ngại ông Trump có thể khôi phục chủ nghĩa bảo hộ thương mại và yêu cầu Nhật Bản đóng góp thêm ngân sách để duy trì lực lượng Mỹ ở Nhật Bản.

Kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 5/11 tới đây là sự kiện mà không chỉ cử tri Mỹ mà cả thế giới cùng quan tâm bởi nó không chỉ tác động đến chính trị nội bộ của Mỹ mà còn cả các vấn đề quốc tế. Bên cạnh đối nội, các vấn đề quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ từ Ukraine, Trung Đông, Trung Quốc hay các vấn đề xuyên Đại Tây Dương sẽ là lăng kính để các cử tri Mỹ đo lường khả năng phán đoán và chính sách sắp tới của tổng thống Mỹ.

Dù ứng viên nào giành chiến thắng, điều đó có thể báo hiệu những thay đổi trong chính sách đối ngoại của Mỹ, từ đó có khả năng định hình quỹ đạo quan hệ quốc tế trong nhiều năm tới.

Theo FP, Economist, WSJ