Xung đột Ukraine sẽ xoay chuyển thế nào khi bầu cử Mỹ ngã ngũ?

Thành Đạt

(Dân trí) - Cuộc xung đột Ukraine sẽ đặt ra một loạt vấn đề cho tổng thống Mỹ tiếp theo, bao gồm chi phí viện trợ cho Kiev, cơ hội đàm phán hòa bình và mức độ can dự của NATO vào chiến sự.

Xung đột Ukraine sẽ xoay chuyển thế nào khi bầu cử Mỹ ngã ngũ? - 1

Hai ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump và Kamala Harris (Ảnh: AFP).

Ian Proud, cựu nhà ngoại giao Anh, từng là cố vấn kinh tế tại Đại sứ quán Anh ở Moscow, Nga đã nói với hãng tin Sputnik rằng, hai ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump và Kamala Harris đã đưa ra những cách tiếp cận khác nhau rõ rệt đối với cuộc xung đột ở Ukraine.

"Bà Kamala Harris có cách tiếp cận gần như tương đồng với những gì chính quyền Tổng thống Joe Biden đã làm đối với cuộc xung đột Ukraine. Đó là sự ủng hộ vững chắc dành cho chính phủ Kiev và không thay đổi quan điểm của Mỹ về các cuộc đàm phán với Nga, tức là về cơ bản sẽ không có cuộc đàm phán nào với Moscow", ông Proud cho biết.

Chuyên gia Proud dự đoán, nếu ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris thắng cử, "bà sẽ gặp khó khăn hơn nhiều trong việc cung cấp mức hỗ trợ tài chính cho Kiev tương tự dưới thời chính quyền Biden, khi hơn 100 tỷ USD hỗ trợ đang được cung cấp". Điều này có thể khiến "công việc của bà Harris trở nên khó khăn hơn".

"Bà Harris sẽ tiếp tục ủng hộ bất cứ điều gì mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng ông ấy muốn làm, nhưng điều bà Harris có thể không làm được là cung cấp cho ông ấy số tiền và số lượng vũ khí mà ông ấy đang tìm kiếm. Điều này sau đó sẽ gây ra bất đồng giữa chính phủ của bà Harris và chính phủ Ukraine", cựu nhà ngoại giao Anh nói thêm.

Theo ông Proud, đối với ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump, cựu tổng thống đã nhiều lần nhấn mạnh rằng "chiến tranh thực sự nên kết thúc" và "tốt hơn hết nên đạt được một thỏa thuận với Nga, chấm dứt xung đột và sau đó bắt đầu một tiến trình hòa bình lâu dài".

"Đó là một sự khác biệt rất lớn so với bà Harris. Liệu ông ấy có thể thực hiện được điều đó hay không, hãy chờ xem", nhà phân tích nói, đồng thời đề cập đến tuyên bố công khai của ông Trump rằng "ông không muốn cung cấp nguồn tài chính vô tận để hỗ trợ chính quyền Kiev, khi họ đang dần thua trong cuộc chiến".

Trong một cuộc phỏng vấn với Sputnik, Earl Rasmussen, chuyên gia tư vấn quốc tế và trung tá đã nghỉ hưu với hơn 20 năm phục vụ trong quân đội Mỹ, đã tập trung vào cách hai ứng cử viên có thể giải quyết các vấn đề liên quan đến NATO.

"Tôi tin rằng bà Harris sẽ thực sự hành động tích cực hơn, củng cố nhiều hơn NATO, thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc củng cố NATO đến mức nhiều nhất có thể, có thể sẽ tăng cường hỗ trợ cho Ukraine và mọi cuộc xung đột trên thế giới", ông Rasmussen lập luận.

"Có rất nhiều phe tân bảo thủ, tân tự do đều ủng hộ bà Harris. Những người hiếu chiến là những người đứng về phía bà ấy và ngay cả Tổng thống Biden cũng chưa bao giờ phản đối bất kỳ hình thức can thiệp hay chiến tranh nào. Tôi thấy bà Harris là người "diều hâu hơn" trong hai ứng cử viên", ông Rasmussen nhận định.

"Trong khi đó, ông Trump có xu hướng đối thoại. Lần trước ông ấy đã liên hệ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông ấy đã liên hệ với Triều Tiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông ấy cố gắng đối thoại với tất cả các bên", ông Rasmussen cho biết thêm.

Chuyên gia khẳng định "nếu có bất kỳ hy vọng nào để giải quyết cuộc xung đột Ukraine, Tổng thống Trump có thể thực hiện điều đó".

Tuy nhiên, ông Rasmussen cảnh báo rằng, trước đây ông Trump cũng từng nói về việc cải thiện quan hệ với Nga, nhưng sau đó, ông áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Moscow, khiến căng thẳng trở nên tồi tệ hơn.

Nhà phân tích lưu ý rằng, đối với các thành viên NATO, họ lo ngại ông Trump vì không biết ông ấy sẽ làm gì.

"Điều đó là không thể đoán trước. Họ không biết liệu ông ấy có rút tài trợ hay không. Nếu Mỹ rút khỏi NATO, tổ chức này sẽ tan rã hoàn toàn", ông Rasmussen khẳng định.

Theo nhà phân tích, nếu Donald Trump thắng cử, "ông ấy sẽ độc lập hơn để làm những gì mình muốn", mặc dù có những cố vấn đứng sau.

Theo Sputnik