DMagazine

Di sản mang đậm dấu ấn của cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo

(Dân trí) - Nhiệm kỳ Thủ tướng của ông Abe Shinzo đã để lại những thành tựu ấn tượng, không chỉ giúp cải thiện nền kinh tế mà còn nâng tầm vị thế của Nhật Bản trong khu vực và trên toàn cầu.

DI SẢN MANG ĐẬM DẤU ẤN CỦA CỰU THỦ TƯỚNG NHẬT BẢN ABE SHINZO

Nhiệm kỳ Thủ tướng của ông Abe Shinzo đã để lại những thành tựu ấn tượng, không chỉ giúp cải thiện nền kinh tế mà còn nâng tầm vị thế của Nhật Bản trong khu vực và trên toàn cầu.

Khi ông Abe lần đầu tiên đảm nhiệm vai trò Thủ tướng vào năm 2006, ông đã ghi dấu ấn trong lịch sử chính trị hiện đại Nhật Bản khi trở thành Thủ tướng trẻ nhất của nước này kể từ thời đệ nhị thế chiến ở tuổi 52. Tuy nhiên, sức khỏe kém do căn bệnh viêm loét đại tràng buộc ông phải từ chức chỉ một năm sau đó, và đây cũng chính là lý do ông từ chức Thủ tướng sau 8 năm tại nhiệm Thủ tướng lần hai, để lại một di sản mặc dù có nhiều thành tựu to lớn nhưng vẫn còn nhiều dang dở.  

Dấu ấn trên trường quốc tế

Di sản mang đậm dấu ấn của cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo - 1

Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gặp mặt tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Đức năm 2017 (Ảnh: Reuters).

Nổi tiếng là một người theo chủ nghĩa dân tộc, ông Abe Shinzo trong thời gian tại nhiệm đã tìm cách tăng chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản, ủng hộ sáng kiến viết lại hiến pháp và theo đuổi chính sách ngoại giao chủ động nhằm phục hồi vị thế và sự hiện diện quốc tế của Nhật Bản trên toàn cầu cũng như chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bằng việc tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ, thúc đẩy mối quan hệ bạn bè và đối tác trên khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, châu Âu và Bắc Mỹ. Ông Abe đã mang lại sự tự tin cho người dân Nhật Bản cũng như sự ổn định cho nền chính trị của nước này.

Năm 2012 là năm đặc biệt với chính trị khu vực Đông Bắc Á. Đó là năm ông Tập Cận Bình trở thành Tổng Bí thư đảng Cộng Sản Trung Quốc, còn ông Abe Shinzo quay trở lại chính trường Nhật Bản giữ vị trí Thủ tướng lần thứ hai. Đó cũng là năm lãnh đạo đảng Dân chủ Nhật Bản, Yoshihiko Noda, quốc hữu hóa quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng nhất trong quan hệ Trung - Nhật kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai.

Tuy nhiên, ông Abe là một chính trị gia thực tế hơn là người theo chủ nghĩa dân tộc, mặc dù quan điểm chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ của ông thường là nguồn gốc gây lo lắng cho Hàn Quốc và Trung Quốc do những khúc mắc lịch sử. Chính Thủ tướng Abe là người đã đưa quan hệ Trung - Nhật thoát khỏi khủng hoảng sau sự kiện Senkaku 2012. Ông đã thăm chính thức Trung Quốc vào năm 2014 và tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh song phương với Chủ tịch Tập Cận Bình.

Mặc dù hai quốc gia có nền kinh tế lớn nhất, nhì châu Á giữ quan điểm thận trọng đối với chính sách đối ngoại của nhau nhưng ông Abe đã kiềm giữ cho mối quan hệ song phương này không chệch hướng so với sự ổn định an ninh ở khu vực Đông Bắc Á.

Di sản mang đậm dấu ấn của cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo - 2

Ông Abe gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh năm 2019 (Ảnh: Xinhua).

Khi quay trở lại ghế Thủ tướng lần hai, chuyến thăm đầu tiên của ông Abe là đến khu vực Đông Nam Á cho thấy tầm nhìn dài hạn của ông về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) mà ông đã đặt nền móng đầu tiên cho khuôn khổ hợp tác. Trong đó, Việt Nam là nước đầu tiên ông Abe tới thăm sau khi tái cử Thủ tướng. Còn trong suốt thời gian tại chức, ông Abe đã thăm chính thức Việt Nam 4 lần và quan hệ hai nước Việt - Nhật liên tục được nâng tầm, từ Tuyên bố chung "Hướng tới Quan hệ Đối tác Chiến lược" năm 2006, đến Quan hệ Đối tác Chiến lược sâu rộng vào năm 2014. Vai trò cá nhân của ông Abe đối với quan hệ Việt - Nhật vượt xa khỏi dấu ấn các người tiền nhiệm, và giúp Việt Nam giữ vai trò quan trọng hơn trong khu vực.

Trên chính trường quốc tế, Thủ tướng Abe đã để lại di sản to lớn về vai trò của Nhật Bản đối với cấu trúc địa chính trị và địa kinh tế khu vực khi tiếp tục dẫn dắt Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, một hiệp định thương mại quan trọng giữa 11 quốc gia sau khi Mỹ rút lui đột ngột dưới thời chính quyền tổng thống Donald Trump. Ông Abe đã tái khởi động hiệp định này thành Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc, ông Abe đã thiết lập nền tảng cho các sáng kiến đa phương khu vực như chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở cũng như Đối thoại an ninh bốn bên (QUAD).

Việt Nam là một trong những quốc gia hưởng lợi từ vai trò chủ động của Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Abe Shinzo. Năm 2016, lần đầu tiên Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm G7 bao gồm 7 nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới là khi Nhật Bản đảm nhận vai trò nước chủ nhà. Tương tự như vậy, năm 2019, khi Nhật Bản là chủ nhà của nhóm G20, một lần nữa Việt Nam được mời tham dự.

Nước Nhật dưới thời Abe Shinzo

Di sản mang đậm dấu ấn của cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo - 3

Ông Abe ăn món cá địa phương tại Fukushima năm 2014 (Ảnh: Reuters).

Về mặt thể chế, ông Abe đã để lại dấu ấn mạnh mẽ bằng cách thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia Nhật Bản vào năm 2013 giúp điều phối các bộ liên quan, và tránh sự chồng chéo. Cũng cuối năm đó, ông đã thông qua Chiến lược An ninh Quốc gia cho phép Nhật Bản lần đầu tiên có một tầm nhìn dài hạn và rõ ràng về an ninh quốc gia kể từ sau chiến tranh Lạnh. Ngoài ra, ông đã cải cách luật để cho phép Nhật Bản thực hiện quyền hỗ trợ quân sự cho một đồng minh đang bị tấn công. Năm 2015, ông cũng đưa ra tuyên bố Nội các về "lịch sử thế kỷ 20 và vai trò của Nhật Bản và trật tự thế giới trong thế kỷ 21", trong đó thừa nhận quá khứ đế quốc của Nhật Bản, đồng thời thảo luận về cách tiếp cận chủ động của nước này trong việc xây dựng một cộng đồng quốc tế trong thời hậu chiến.

Ở trong nước, ông Abe gặp nhiều thách thức về mặt kinh tế hơn. Vào năm 2012 khi ông Abe quay trở lại, Nhật Bản vẫn đang chịu ảnh hưởng bởi thảm họa hạt nhân và sóng thần Fukushima năm 2011. Nền kinh tế nước này tiếp tục bị ảnh hưởng bởi tình trạng lạm phát cao, xuất khẩu yếu kém, tỷ lệ thất nghiệp cao và tăng trưởng âm. Sự kết hợp của các yếu tố đã khiến Nhật Bản rơi vào suy thoái, buộc ông Abe theo đuổi một chương trình kinh tế đầy tham vọng được gọi là "Abenomics".

Kế hoạch kinh tế của ông Abe bao gồm "ba mũi tên" nhằm phục hồi nền kinh tế bao gồm tăng chi tiêu của chính phủ, thúc đẩy cung tiền của quốc gia và cải cách cơ cấu kinh tế. Cụ thể, Abenomics sử dụng sự gia tăng chi tiêu của chính phủ và chính sách nới lỏng tiền tệ dưới hình thức lãi suất ngắn hạn âm để kích thích nền kinh tế trì trệ của Nhật Bản. Mũi tên thứ ba tập trung vào cải cách cơ cấu bằng cách đưa nhiều phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động hơn, tăng cường bảo vệ người lao động tạm thời và nới lỏng các quy định đã hạn chế phần lớn lao động nhập cư.

Di sản mang đậm dấu ấn của cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo - 4

Ông Abe ôm chú chó Akita Inu tặng cho vận động viên đoạt huy chương vàng trượt băng nghệ thuật người Nga Alina Zagitova tại Moscow năm 2018 (Ảnh: Reuters).

Cũng nhờ giải pháp cải cách cơ cấu kinh tế của chính sách Abenomics mà hiện nay cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản tăng nhanh chóng. Theo Cục Quản lý xuất nhập cảnh và lưu trú Nhật Bản, thời điểm cuối năm 2021 có 432.934 người Việt Nam ở Nhật Bản, chiếm 15,7% số người nước ngoài ở quốc gia này, và là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ hai ở Nhật Bản.

Trong thời gian tại vị của ông Abe, nền kinh tế Nhật Bản có sự tăng trưởng dương, vượt qua giai đoạn ảm đạm của những thập niên 1990 và 2000, khi xuất khẩu tăng và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Vào tháng 11/2019, ông đã đi vào lịch sử khi trở thành Thủ tướng tại vị lâu nhất của Nhật Bản.

Di sản mang đậm dấu ấn của cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo - 5

Người dân Nhật Bản tiễn đưa cựu Thủ tướng Abe khi xe tang chở linh cữu của ông đi qua đường phố thủ đô Tokyo ngày 12/7, trước khi được đưa đi hỏa táng vào chiều cùng ngày (Ảnh: Reuters).

Tuy nhiên, cách tiếp cận của ông Abe dường như không còn ưa chuộng sau khi nền kinh tế Nhật Bản gần như rơi vào suy thoái một lần nữa vào năm 2020, khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Sự ủng hộ của công chúng Nhật Bản đối với ông đã giảm vào mùa hè năm 2020. Ông Abe đã bị vấp phải những chỉ trích vì đã phản ứng chậm chạp đối với đại dịch.

Nước Nhật sau chiến tranh Lạnh đã trở nên rất khác dưới thời Thủ tướng Abe Shinzo. Một nước Nhật tự tin và mạnh mẽ hơn trên chính trường quốc tế sau vài "thập niên mất mát" do nền kinh tế trì trệ. Lịch sử sẽ ghi nhận Thủ tướng Abe Shinzo là một trong những chính trị gia quan trọng nhất trong việc định hình địa chính trị và địa kinh tế khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với những sáng kiến của mình. Ông cũng đã để lại một di sản đáng tự hào trong việc nâng tầm mối quan hệ song phương Việt - Nhật vượt trên những diễn ngôn chính trị và tầm nhìn ngắn hạn.

Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung

TS Nguyễn Thành Trung hiện nay là giảng viên trường Đại học Fulbright Việt Nam, chuyên nghiên cứu về quan hệ quốc tế và chính trị học so sánh. Ông trước đây từng là Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn, ĐHQG-HCM cũng như giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS).