(Dân trí) - Ở giai đoạn hai của chiến dịch quân sự tại Ukraine, mục tiêu của Nga không chỉ còn là kiểm soát Donbass mà cả miền Nam Ukraine với tham vọng lập hành lang trên bộ đến bán đảo Crimea.
ĐẰNG SAU MỤC TIÊU THAM VỌNG MỚI CỦA NGA Ở UKRAINE
Ở giai đoạn hai của chiến dịch quân sự tại Ukraine, mục tiêu của Nga có thể không chỉ còn là kiểm soát Donbass mà cả miền Nam Ukraine với tham vọng lập hành lang trên bộ đến bán đảo Crimea.
HÀNH LANG TRÊN BỘ TỪ DONBASS ĐẾN CRIMEA
Ngày 19/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov xác nhận, Nga đã bắt đầu giai đoạn hai của chiến dịch quân sự tại Ukraine. Giai đoạn này mở đầu bằng các đợt tấn công vào hàng trăm mục tiêu trải khắp miền Đông và miền Nam Ukraine.
Trước đó giới chức Nga nhiều lần tuyên bố, ở giai đoạn hai này, Moscow chuyển trọng tâm sang "giải phóng Donbass" ở miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, trong một thông điệp mới nhất, Phó tư lệnh Quân khu Trung tâm của Nga, ông Rustam Minnekayev, nêu ra những mục tiêu có phần cụ thể hơn và tham vọng hơn nữa. Các mục tiêu này gồm: Kiểm soát hoàn toàn Donbass và miền Nam Ukraine.
"Kể từ khi giai đoạn hai của chiến dịch quân sự đặc biệt khởi động, một trong những nhiệm vụ của quân đội Nga là kiểm soát toàn diện vùng Donbass và khu vực miền nam Ukraine. Việc kiểm soát Donbass cho phép chúng ta thiết lập một hành lang trên bộ tới Crimea và giành ảnh hưởng đối với các cơ sở quân sự có tầm quan trọng thiết yếu của Ukraine, các cảng Biển Đen, nơi phục vụ việc vận chuyển các sản phẩm nông nghiệp và luyện kim cho các quốc gia khác", hãng tin TASS dẫn lời Phó Tư lệnh Quân khu miền Trung của Nga Rustam Minnekayev hôm 22/4 cho biết.
Hiện chưa rõ phát ngôn này của tướng Minnekaev có thể hiện chiến lược chính thức của Nga hay không, song đây không phải lần đầu tiên một quan chức Nga đề cập đến tham vọng lập hành lang trên bộ từ miền Đông Ukraine đến bán đảo Crimea và có thể là đến cả Transnistria. Bộ Quốc phòng Ukraine cho rằng, phát ngôn của ông Minnekayev cho thấy Nga "đã không còn che giấu" tham vọng của chiến dịch quân sự.
Sau giai đoạn đầu không thể giành quyền kiểm soát thủ đô Kiev của Ukraine, Nga đã chuyển hướng, dồn lực lượng cho mặt trận Donbass ở miền Đông, nơi lực lượng ly khai thân Nga đã kiểm soát một phần tỉnh Donetsk và Lugansk từ năm 2014. Với kế hoạch mới, rõ ràng, ở giai đoạn hai của chiến dịch, Nga sẽ tìm cách để lập một hành lang trên bộ trải dài từ bán đảo Crimea đến miền Đông Ukraine hoặc sâu hơn nữa.
"Tôi vẫn tin rằng, mục tiêu chính của Nga là kiểm soát Donbass và lập một hành lang trên bộ đến Crimea, chia cắt các miền của Ukraine", Carlo Masala, giáo sư về chính trị quốc tế tại Đại học Bundeswehr (Đức), nhận định.
Năm 2018, Nga đã mở một cầu đường sắt dài gần 20 km bắc qua eo biển Kerch, nối khu vực Krasnodar với bán đảo Crimea. Tuy nhiên, việc lập hành lang trên bộ có nghĩa là Nga cần kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn của Ukraine nối với bán đảo Crimea.
"MẢNH GHÉP" MARIUPOL VÀ ODESSA
Chiến dịch quân sự của Nga chiếm ưu thế ở miền Đông và miền Nam Ukraine. Việc chuyển trọng tâm vào một mặt trận thu hẹp hơn tạo cho Nga nhiều cơ hội đạt mục tiêu đề ra, trong đó có mục tiêu lập hành lang trên bộ từ bán đảo Crimea đến miền Đông, miền Nam Ukraine hoặc xa hơn nữa. Tuy nhiên, Nga vẫn còn thiếu "những mảnh ghép" cho bản đồ hành lang trên bộ đầy tham vọng, trong đó có mảnh ghép Mariupol và Odessa.
Mariupol là thành phố cảng chiến lược nằm bên bờ Biển Azov. Mariupol từ lâu đã được coi là thành phố cảng công nghiệp quan trọng của Ukraine. Với cảng biển lớn nhất ven Biển Azov và sở hữu nhà máy luyện kim Azovstal bậc nhất châu Âu, Mariupol là cửa ngõ quan trọng cho hoạt động xuất khẩu thép và ngũ cốc của Ukraine, đóng vai trò là "đầu tàu" kinh tế của nước này.
Khi phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ngày 24/2, Nga đã nhanh chóng siết gọng kìm quanh Mariupol với hai cánh quân tiến từ Donbass và bán đảo Crimea.
Việc kiểm soát Mariupol sẽ giúp Nga thiết lập hành lang đường bộ an toàn nối liền lục địa Nga và lãnh thổ ly khai thân Nga ở miền Đông Ukraine với bán đảo Crimea. Điều này tạo điều kiện cho Nga hợp nhất hai cánh quân ở đây, tăng sức mạnh cho đợt tiến công mới vào các khu vực khác của Ukraine, thay vì dàn quân để bao vây và tấn công Mariupol.
Ngoài ra, nếu kiểm soát Mariupol, Nga sẽ nắm quyền kiểm soát hơn 400 km bờ biển, qua đó có thể tước đi 80% đường bờ biển của Ukraine và làm tê liệt nền kinh tế của nước láng giềng. Một cảng có quy mô lớn như vậy cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho giao thông hàng hải giữa lục địa Nga, Donbass và Crimea. Hơn nữa, kiểm soát Mariupol không chỉ có ý nghĩa về mặt quân sự, kinh tế, mà còn có thể giúp Nga "xốc" lại tinh thần của binh sĩ sau thời gian dài đối mặt với sự kháng cự mạnh mẽ từ Ukraine.
Lý giải Mariupol là một mắt xích quan trọng trong chiến lược của Nga ở Ukraine, giáo sư lịch sử Margaret MacMillan bình luận: "Cảng biển vốn rất quan trọng với một nước xuất khẩu lớn như Ukraine. Tôi nghĩ điều mà ông Putin luôn muốn có được là một hành lang trên bộ từ Crimea kéo dài đến miền Nam Ukraine. Nếu kiểm soát được Mariupol, Nga có thể làm suy yếu Ukraine, thậm chí hoạt động xuất khẩu của Ukraine khi đó sẽ phụ thuộc đáng kể vào Nga".
Odessa cũng có ý nghĩa chiến lược không kém. Đây là thành phố cảng quan trọng nhất của Ukraine nằm bên Biển Đen và cũng từng là nơi có cảng biển lớn nhất thời Liên Xô. Nếu Nga kiểm soát được Mariupol bên bờ Biển Azov, thì Odessa sẽ là cửa ngõ trọng yếu cuối cùng có thể giúp Ukraine kết nối với thương mại toàn cầu.
NHỮNG CHƯỚNG NGẠI VẬT CUỐI CÙNG
Liệu hành lang trên bộ có phải là mục tiêu cuối cùng để Nga kết thúc chiến dịch quân sự ở Ukraine hay không vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ, song có thể khẳng định rằng đạt mục tiêu này không hề dễ dàng.
Ở giai đoạn hai, lực lượng của Nga có thể rút ra bài học từ những vấn đề của giai đoạn trước, khả năng tổ chức lực lượng của họ có thể tốt hơn dưới sự điều phối của chỉ huy mới giàu kinh nghiệm. Đổi lại, họ phải chiến đấu với một lực lượng Ukraine tập trung hơn và có sự tiếp viện gần như hàng ngày từ phương Tây.
Lực lượng Nga hiện dàn quân trên một hành lang dài khoảng 200-250 km trên lãnh thổ Ukraine, từ Biển Azov đến ngoại ô thành phố Kharkov, song vẫn chưa thể nắm hoàn toàn khu vực này.
Tuần trước, Nga tuyên bố đã kiểm soát hoàn toàn Mariupol, nhưng lại chưa thể buộc hàng nghìn quân nhân Ukraine ở nhà máy Azovstal đầu hàng.
Nga và lực lượng ly khai đã kiểm soát hầu hết Mariupol nhưng chưa thể phá vỡ "thành trì cuối cùng" của Ukraine tại nhà máy Azovstal. Bất chấp Nga hết lần này đến lần khác ra "tối hậu thư", những binh sĩ cuối cùng của Ukraine tiếp tục cố thủ bên trong Azovstal cùng với hàng nghìn dân thường và tuyên bố "chiến đấu đến cùng".
Azovstal được xây dựng từ thời Liên Xô với hệ thống boongke kiên cố có thể chống chịu một cuộc tấn công hạt nhân. Mạng lưới đường hầm ở Azovstal cho phép lực lượng của Ukraine di chuyển và tránh xung đột trực tiếp với Nga trong các cuộc giao tranh.
Theo một nhà phân tích quân sự Nga giấu tên, các cơ sở dưới lòng đất ở rìa phía đông trung tâm thành phố được che chắn bởi hàng tấn bê tông cốt thép có thể dày tới vài mét. Bên trong là giường và nguồn cung cấp thực phẩm có khả năng đã được dự trữ để chuẩn bị cho một cuộc xung đột lớn. Điều mà Nga có thể làm lúc này là bao vây và tiếp tục chờ đợi bởi họ tin rằng lực lượng của Ukraine sẽ không thể cầm cự được bao lâu nữa.
"Xét ở khía cạnh quân sự, Mariupol là khu vực cuối cùng mà người Nga cần để lập một hành lang trên bộ từ Ukraine đến bán đảo Crimea. Tuy nhiên, thực tế là hai tháng trôi qua, họ vẫn chưa làm được điều đó. Họ không ngờ đến khả năng kháng cự của Ukraine", Ed Arnold, chuyên gia nghiên cứu an ninh châu Âu tại tổ chức RUSI, bình luận.
Michel Goya, một cựu quân nhân Pháp, cho rằng mục tiêu kiểm soát Donbass và miền Nam Ukraine đặt ra thách thức lớn với Nga. "Càng tiến sâu vào Ukraine, lực lượng Nga càng dễ bị tổn thương hơn", ông Goya nhận định.
Nick Reynolds, chuyên gia tại Viện nghiên cứu quốc phòng RUSI, nói Nga vẫn có cơ hội kiểm soát hoàn toàn Donbass nhưng sẽ rất khó với tình hình binh lực đã hao mòn đáng kể sau 2 tháng chiến sự.
"Nếu xung đột kéo dài, điều mà tôi quan tâm là khả năng huy động lực lượng của Nga. Đến nay, ông Putin vẫn tránh đặt Nga vào trạng thái chiến tranh, nhưng mọi thứ có thể thay đổi. Điều này có thể gây mất ổn định trước nhưng có thể cho phép Nga tiến hành các hoạt động quân sự mới", ông Reynolds bình luận.
Theo tạp chí Foreign Policy, nếu thiết lập thành công một hành lang trên bộ từ miền Đông hoặc miền Nam Ukraine đến Crimea, đó sẽ là một chiến thắng to lớn đối với ông Putin. Một số nhà phân tích đặt ra câu hỏi liệu hành lang trên bộ có khuyến khích Nga mở rộng hoạt động quân sự nhằm cắt đứt hoàn toàn khả năng tiếp cận của Ukraine với các vùng biển hay không.
Tuy nhiên, ngay cả khi thiết lập được một hành lang như vậy, Moscow vẫn phải đối mặt với không ít thách thức để bảo vệ nó trước sự kháng cự của Kiev, đặc biệt khi phương Tây tiếp tục trang bị vũ khí cho Ukraine.
Mỹ và các đồng minh phương Tây những ngày qua đã "lên dây cót" cho kế hoạch cấp cho Ukraine những vũ khí mà họ tin có thể giúp Kiev giành chiến thắng trong cuộc xung đột với Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 26/4 đã chủ trì cuộc họp với giới quân sự của hơn 40 nước đồng minh và đối tác để bàn chiến lược trang bị cho Ukraine. Kết thúc cuộc họp, ông cho biết, hơn 30 đồng minh và đối tác đã cam kết viện trợ hơn 5 tỷ USD trang thiết bị cho Kiev.
Giới chuyên gia cảnh báo, khi Nga theo đuổi tham vọng lớn hơn, còn phương Tây tiếp tục "bơm" vũ khí vào Ukraine, cuộc xung đột ở Ukraine có nguy cơ kéo dài và lan rộng hơn.
Minh Phương
Theo Foreign Policy, AFP, Sky News