DNews

Đàm phán hòa bình Ukraine: "Vũ điệu tango" của ông Putin làm khó ông Trump

Minh Phương

(Dân trí) - Nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump tin có thể thuyết phục Nga ngừng bắn toàn diện ở Ukraine, ông sẽ phải thừa nhận: Nga quan tâm đến hòa bình, nhưng theo các điều kiện của nước này.

Đàm phán hòa bình Ukraine: "Vũ điệu tango" của ông Putin làm khó ông Trump

"Vũ điệu tango" của ông Putin

Kết quả sau hàng loạt nỗ lực tiếp cận Nga của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc tìm giải pháp cho cuộc xung đột kéo dài hơn 3 năm qua ở Ukraine là tuyên bố của Tổng thống Vladimir Putin rằng Nga sẵn sàng ngừng tấn công hạ tầng năng lượng Ukraine trong vòng 30 ngày.

Bằng cách nhượng bộ ít ỏi, ông Putin phát đi tín hiệu ông sẵn sàng nhảy điệu tango chậm rãi với ông Trump trong khi quân đội Nga tiếp tục tiến quân trên chiến trường Ukraine.

Chiến lược của ông rất rõ ràng: Sử dụng đàm phán ngừng bắn như một công cụ để đẩy nhanh chiến thắng, đặt ra các điều kiện sau này sẽ trở thành một phần của thỏa thuận cuối cùng.

Trong cuộc điện đàm hôm 18/3, ông Putin nói rõ, Nga coi điều kiện tiên quyết để hướng đến một giải pháp hòa bình cho cuộc chiến ở Ukraine là phương Tây phải ngừng viện trợ quân sự và chia sẻ thông tin tình báo cho Ukraine.

Rõ ràng, ông Trump vẫn chưa sẵn sàng nhượng bộ, ngay cả khi gần đây ông ra lệnh tạm đóng băng viện trợ quân sự và chia sẻ thông tin tình báo để buộc Ukraine chấp nhận đề xuất ngừng bắn.

Không giống ông Trump, ông Putin không vội vàng phải đạt thỏa thuận với Ukraine. Quân đội Nga có thể tiếp tục chiến đấu trong nhiều tháng trong khi lực lượng dự bị chiến đấu của Ukraine sẽ giảm dần từ đầu mùa hè, vì rất khó có khả năng chính quyền ông Trump đồng ý một gói viện trợ quân sự khác cho Kiev.

Thay vì vội vã chấp nhận đề xuất của Washington về cuộc chiến Ukraine, ông Putin tìm cách xoa dịu ông Trump bằng những tín hiệu thiện chí rộng rãi hơn: đồng ý khôi phục nhanh chóng quan hệ song phương với Mỹ và chấp nhận ý tưởng hợp tác ở Trung Đông.

Chủ nhân Điện Kremlin đưa ra những nhượng bộ nhỏ như lệnh ngừng bắn hạ tầng năng lượng Ukraine, để duy trì niềm tin của ông Trump vào cam kết đàm phán của Nga. Trong khi đó, Nga có thể theo đuổi những lợi ích lớn hơn trên chiến trường và từ từ thiết lập lại kỳ vọng về một thỏa thuận hòa bình theo điều khoản của Moscow.

Nga đang có đầy đủ các điều kiện thuận lợi để thực hiện chiến thuật trì hoãn khi mối quan hệ với Mỹ đã chuyển từ đối đầu sâu sắc dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden sang thân thiện không tưởng dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Trước khi các cuộc đàm phán bắt đầu, Washington đã nhượng bộ. Kể từ khi trở lại Nhà Trắng, ông Trump đã liên tục cho thấy những tín hiệu rằng ông không có thiện cảm với Ukraine.

Ông Trump cũng tiếp tục cho thấy ông không coi trọng NATO. Hồi đầu tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth tuyên bố rằng Washington không ủng hộ tư cách thành viên NATO của Ukraine, gián tiếp giúp Nga đạt được mục tiêu mà không cần phải đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào.

Điều này tạo cơ hội cho Nga áp đặt các điều kiện làm suy yếu khả năng kháng cự của Ukraine trong dài hạn, bao gồm giới hạn về quy mô quân đội Ukraine và ngăn chặn việc triển khai lực lượng châu Âu trên lãnh thổ Ukraine.

Tuy nhiên, vẫn còn 2 trở ngại chính để Nga đạt được mục tiêu của mình gồm: Quyết tâm của một bộ phận xã hội Ukraine từ chối thỏa thuận hòa bình, muốn tiếp tục chiến đấu, và sự sẵn sàng của một "liên minh tự nguyện" do Pháp và Anh đứng đầu để tiếp tục cung cấp hỗ trợ kinh tế và quân sự cho Ukraine.

Moscow cho rằng họ có thể phá vỡ rào cản thứ nhất bằng cách buộc Ukraine tổ chức bầu cử trong một khoảng thời gian xác định sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực. Mục tiêu là thành lập một chính phủ Ukraine mới không có lựa chọn nào khác ngoài mối quan hệ chặt chẽ với Nga để tồn tại.

Ngoài ra, Nga dường như tìm cách thuyết phục ông Trump rằng các nước châu Âu cam kết hỗ trợ Ukraine đang phá hoại hòa bình, với hy vọng rằng Washington sẽ trừng phạt chính các đồng minh châu Âu.

Matthew Shoemaker, cựu sĩ quan tình báo Mỹ, nhận định Moscow đang áp dụng chiến thuật điển hình thời Chiến tranh Lạnh: Kéo dài đàm phán để củng cố vị thế quân sự và chính trị, trong khi làm suy yếu uy tín của Mỹ với đồng minh.

Thế khó của ông Trump

Đàm phán hòa bình Ukraine: Vũ điệu tango của ông Putin làm khó ông Trump - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Getty).

Với những quân bài mạnh trong tay, Nga cảm thấy không có lý do để vội vàng chấp nhận một thỏa thuận mà họ cảm thấy chưa đủ.

Ông Trump không phải không có những quân bài để gây sức ép với Nga, tuy nhiên, việc ông nóng lòng đạt một thỏa thuận chấm dứt xung đột ở Ukraine khiến ông phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn.

Bản thân ông thừa nhận rằng cuộc xung đột Nga - Ukraine thực tế phức tạp hơn nhiều so với ông nghĩ và mục tiêu chấm dứt xung đột trong vòng 24 giờ như tuyên bố của ông trong chiến dịch tranh cử là không khả thi.

Câu hỏi mà ông Trump phải đối mặt là liệu chính quyền của ông có nên gây sức ép thực sự để buộc Nga phải nhượng bộ hay cố gắng giành thêm nhiều sự thỏa hiệp hơn từ Ukraine như những gì ông đang làm.

Chủ nhân Nhà Trắng từng cảnh báo, nếu Nga không chấp nhận đàm phán hòa bình, họ sẽ phải hứng chịu một hậu quả tồi tệ về tài chính. "Tôi có thể gây ra những điều rất tồi tệ cho Nga về mặt tài chính, nhưng tôi không muốn làm điều đó vì tôi muốn có hòa bình", ông Trump cho biết.

Siết lệnh trừng phạt Nga dường như là lá bài khả thi nhất của ông Trump nhằm gây sức ép với Moscow.

"Điều mà Mỹ có thể làm là gây thêm áp lực lên ngành tài chính của Nga, tăng cường lệnh trừng phạt đối với các ngân hàng về cơ bản cũng có cổ phần trong ngành dầu khí để gây tổn hại đến tính bền vững về tài chính của Nga và khiến Nga về cơ bản không thể tiếp tục cuộc xung đột", Federico Borsari thuộc Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu, bình luận.

Tuy nhiên, Nga đã cho thấy khả năng thích ứng và né tránh các lệnh trừng phạt, ngay cả khi các biện pháp này làm suy yếu nền kinh tế quốc gia. Theo các nhà phân tích, kể cả Mỹ siết lệnh trừng phạt, điều đó có thể không đủ để ngay lập tức buộc Nga ngồi vào bàn đàm phán.

"Việc tìm cách hạn chế hơn nữa xuất khẩu năng lượng của Nga hoặc mở rộng các lệnh trừng phạt thứ cấp, nghĩa là các biện pháp chống lại những bên vẫn đang làm ăn với Nga, có thể khiến quan hệ giữa Mỹ với các đối tác quan trọng của Nga như Trung Quốc và Ấn Độ leo thang căng thẳng", Oleg Ignatov, nhà phân tích cấp cao về Nga của Nhóm nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế, nhận định.

Chuyên gia này nhấn mạnh: "Không có giải pháp thần kỳ nào về mặt trừng phạt".

Yehor Cherniev, một thành viên của Quốc hội Ukraine và là chủ tịch phái đoàn của nước này tại Đại hội đồng Nghị viện NATO, cũng cho rằng: "Hiện không còn nhiều lựa chọn cho chính quyền Tổng thống Trump".

Điều gì có thể khiến Nga đồng ý ký thỏa thuận hòa bình với Ukraine?

Đàm phán hòa bình Ukraine: Vũ điệu tango của ông Putin làm khó ông Trump - 2

Nga tuyên bố sẽ đạt mọi mục tiêu đề ra ở Ukraine bằng cách này hay cách khác (Ảnh: FT).

Để hiểu Nga muốn gì từ các cuộc đàm phán hiện tại với Mỹ, điều quan trọng là phải nhớ rằng 2 bên đang đàm phán vì Washington đã thay đổi chính sách dưới thời ông Trump, chứ không phải vì sự thay đổi cơ bản trong lập trường của Moscow.

Ông Trump muốn chiến tranh ở Ukraine kết thúc càng sớm càng tốt, ngay cả khi điều đó có nghĩa là Ukraine sẽ mất thêm lãnh thổ. Điều này có nghĩa là Nga không mất mát gì nhiều khi đàm phán.

Ông Putin và các trợ lý đã nói rất rõ rằng các mục tiêu dài hạn của họ không thay đổi. Ngay cả khi nói mong muốn hòa bình, giới chức Nga tiếp tục nhấn mạnh cần loại bỏ "nguyên nhân gốc rễ" của cuộc xung đột ở Ukraine. Theo quan điểm của Điện Kremlin, những "nguyên nhân gốc rễ" này bao gồm chủ quyền của Ukraine cũng như sự mở rộng của NATO về phía đông trong 30 năm qua.

Các chuyên gia quân sự nhận định, Tổng thống Putin có thể bị thuyết phục ký kết một thỏa thuận hòa bình với Ukraine nếu Nga được đề nghị gia hạn các thỏa thuận an ninh với NATO.

Ông Jonathan Powell, Cố vấn An ninh Quốc gia của Thủ tướng Anh Keir Starmer, đã sử dụng một bài báo cách đây 2 năm để đề xuất ý tưởng đưa ra lời đảm bảo với Nga như một cách để khiến họ thỏa hiệp trong các cuộc đàm phán hòa bình Ukraine.

Một thỏa thuận không xâm lược giữa NATO và Nga, tương tự các hiệp ước hòa bình được đàm phán trong Chiến tranh Lạnh giữa phương Tây và Liên Xô, có thể "mở ra một con đường để Nga từ bỏ những yêu cầu bất khả thi về lãnh thổ", ông Powell, một nhà đàm phán hòa bình giàu kinh nghiệm, viết trên tạp chí Prospect năm 2023.

Mặc dù tình hình thế giới đã thay đổi kể từ đó, đặc biệt là sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và những động thái gần đây của chủ nhân Nhà Trắng với ông Putin, nhưng bài viết của ông Powell đưa ra cái nhìn sâu sắc về cách các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine có thể diễn ra.

Emily Ferris, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện nghiên cứu Rusi, đồng ý rằng Nga có thể bị thuyết phục nhượng bộ nếu được cung cấp các thỏa thuận an ninh mới với phương Tây.

Ông Powell dự kiến có mặt tại Washington trong tuần này để gặp gỡ người đồng cấp Mỹ Mike Waltz và thảo luận về những diễn biến mới nhất trong tiến trình đàm phán Nga - Ukraine. Đây là dịp để cố vấn an ninh người Anh cập nhật kết quả hội đàm Mỹ - Ukraine tại Ả rập Xê út vừa qua và cũng xem xét phản ứng từ phía Nga về đề xuất ngừng bắn 30 ngày.

Tuy nhiên, theo nguồn thạo tin, ông Powell nhiều khả năng sẽ tập trung thuyết phục Mỹ tiếp tục hỗ trợ lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế tại Ukraine - một ý tưởng đang được Anh và Pháp thúc đẩy.

Ông Powell phản đối việc Ukraine và Nga đàm phán song phương mà không có sự hậu thuẫn quốc tế. Theo ông, việc để các cường quốc châu Âu tham gia đàm phán dù đúng hay sai, nhưng họ vẫn có thể hỗ trợ bên ngoài với tư cách "những người bạn của Ukraine".

Kể từ tháng trước, Thủ tướng Anh Starmer và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, cũng như các nhà lãnh đạo và đồng minh khác của châu Âu, NATO, đã họp thường xuyên trong một tiến trình song song với các cuộc đàm phán chính, nhằm xây dựng một "liên minh tự nguyện" có thể hỗ trợ lực lượng gìn giữ hòa bình ở Ukraine.

Ông Powell cũng đề xuất một bên trung gian thứ ba độc lập, như Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Ấn Độ, làm địa điểm trung lập cho các cuộc đàm phán. Ả rập Xê út, quốc gia có lập trường trung lập về Ukraine, đã tổ chức khởi động các cuộc thảo luận độc lập về kế hoạch hòa bình giữa Mỹ với Nga và Ukraine tại Jeddah.

Theo ông Powell, một giải pháp hòa bình sẽ phải cho phép Ukraine gia nhập EU. Ông nhấn mạnh, mặc dù khả năng Ukraine gia nhập NATO "trong thời gian tới" là không cao, nhưng Kiev nên tránh một hiệp ước hòa bình trong đó phải cam kết trung lập.

"Họ nên yêu cầu tiếp tục có quyền mua thiết bị quân sự, bao gồm cả máy bay từ phương Tây, và được huấn luyện quân sự trên lãnh thổ của họ từ bất kỳ quốc gia hoặc liên minh nào mà họ muốn", ông Powell cho biết.

Nhưng phương Tây cũng cần "những ý tưởng mới để thuyết phục Nga đàm phán" nếu họ không đạt được mục tiêu lãnh thổ ở Ukraine. Cách rõ ràng nhất để thực hiện điều này là xem xét lại các cấu trúc an ninh của châu Âu.

Nga có thể thỏa hiệp về vấn đề lãnh thổ và những "lằn ranh đỏ" khác nếu họ có được một thỏa thuận từ phương Tây về việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt với Moscow.

"Các lằn ranh đỏ về lãnh thổ có lẽ linh hoạt hơn vẻ bề ngoài của chúng. Ví dụ, Nga sẽ không đồng ý từ bỏ bán đảo Crimea nhưng họ có thể sẽ hài lòng với các vùng lãnh thổ đã sáp nhập đang nằm dưới sự kiểm soát của họ thay vì giành toàn bộ khu vực", bà Ferris phân tích.

Bà bình luận thêm: "Bất kỳ vấn đề nào liên quan đến gìn giữ hòa bình và vùng đệm có lẽ cần được xem xét nghiêm túc. Nga đã nói rõ rằng họ coi quân đội châu Âu là quân đội NATO và họ coi đây là hành động leo thang và rủi ro về an ninh".

Bà cho biết, ý tưởng về một hiệp ước NATO - Nga có thể được xem xét thông qua các cơ chế như Hội đồng NATO - Nga, cơ chế vốn bị đình trệ sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra.

"Có lẽ một điểm khởi đầu tốt để đưa ra lời đảm bảo an ninh rằng quân gìn giữ hòa bình châu Âu không gây ra mối đe dọa an ninh có thể là thông qua cơ quan hiện tại này, mặc dù vẫn còn sự ngờ vực đáng kể ở cả 2 bên và sẽ cần rất nhiều thiện chí chính trị để khôi phục mối quan hệ", bà Ferris chỉ ra.

Theo Chatham House, WSJ, ABC News

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine