(Dân trí) - Vấn đề ô nhiễm môi trường bây giờ không còn là câu chuyện của riêng quốc gia nào. Từ Ấn Độ cho tới Mexico hay Trung Quốc, người dân ở khắp nơi trên thế giới đang cảm thấy bế tắc và tuyệt vọng khi phải sống trong bầu không khí với nồng độ bụi mịn cao.
Cuộc tuyên chiến với “cơn ác mộng” ô nhiễm không khí khắp thế giới
Vấn đề ô nhiễm môi trường bây giờ không còn là câu chuyện của riêng quốc gia nào. Từ Ấn Độ cho tới Mexico hay Trung Quốc, người dân ở khắp nơi trên thế giới đang cảm thấy bế tắc và tuyệt vọng khi phải sống trong bầu không khí với nồng độ bụi mịn cao.
Bắc Kinh, Trung Quốc
Ngày qua ngày, người dân ở thủ đô Bắc Kinh vẫn đang đương đầu với cuộc chiến chống lại không khí ô nhiễm. Ngay cả khi Bắc Kinh được kỳ vọng sẽ thoát khỏi danh sách 200 khu vực ô nhiễm nhất thế giới, một màn sương mờ đục vẫn thường bao trùm thành phố này, che khuất đường chân trời, thậm chí nhấn chìm cả các nhà ga tàu điện ngầm. Vào mùa đông, chất lượng không khí tại Bắc Kinh có xu hướng tệ hơn, và gần như tất cả mọi người đi lại trên đường đều đeo khẩu trang.
Hầu hết các gia đình trung lưu ở Bắc Kinh đều lắp máy lọc không khí, đặt ở vài căn phòng trong nhà và luôn giữ thiết bị theo dõi chất lượng không khí bên mình để đo mức độ bụi mịn có thể hủy hoại phổi của họ.
Các phòng tập thể dục, một số nhà hàng và văn phòng cũng đều trang bị máy lọc không khí. Trước mỗi mùa đông, khi tình trạng ô nhiễm không khí trở nên tồi tệ nhất, máy lọc không khí bán rất chạy, trong khi giá của chúng có thể lên tới 4.000 Nhân dân tệ (khoảng 570 USD).
Với những người không có nhiều tiền, họ chỉ việc nhìn ra ngoài cửa sổ để xem liệu mặt trời có đang chiếu sáng hay không, từ đó họ sẽ quyết định có mở cửa hay không và đeo mặt nạ loại nào trong ngày hôm đó.
Hồi tháng 10, các quan chức Trung Quốc đã công bố “kế hoạch hành động” để kiểm soát ô nhiễm không khí tại Bắc Kinh và các vùng lân cận, nhằm hạ thấp nồng độ bụi mịn PM 2.5 thêm tiếp 4% trước tháng 3 năm sau. PM 2.5 là loại hạt nhỏ gây ô nhiễm không khí và có hại cho sức khỏe của con người, có thể gây các bệnh về đường hô hấp, tim mạch và phổi.
Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và đạt được nhiều kết quả tích cực. Mặc dù nồng độ bụi mịn PM 2.5 hiện tại ở Bắc Kinh vẫn cao hơn nhiều so với mức an toàn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), song đã có sự giảm thiểu đáng kể so với cách đây một thập niên.
Theo NPR, kể từ năm 2017, chính quyền Trung Quốc cho biết khoảng 4 triệu hộ gia đình ở phía bắc nước này đã chuyển sang sử dụng các nhiên liệu thân thiện với môi trường hơn như khí gas hay điện, thay vì các chất đốt truyền thống như than hay củi gỗ. Việc chuyển đổi này đã giúp làm giảm mức độ tiếp xúc với bụi mịn PM2.5 của một người trung bình ở Trung Quốc tới 47%. Các cuộc nghiên cứu cũng ước tính, việc chuyển đổi nhiên liệu trong sinh hoạt đã giúp ngăn chặn 400.000 ca tử vong sớm hàng năm do các bệnh liên quan tới ô nhiễm không khí.
Ở góc độ quốc gia, việc chính phủ Trung Quốc đưa ra những quy định khắt khe hơn về việc phát thải khí tại các nhà máy cũng góp phần cải thiện chất lượng không khí. Các nhà máy nhiệt điện tại Trung Quốc bị hạn chế phát thải khí hoặc yêu cầu dừng hoạt động.
Trung Quốc đã đóng cửa gần 2.500 nhà máy và hạn chế việc cấp phép mở các nhà máy mới, đồng thời lên kế hoạch tiếp tục đóng cửa khoảng 1.000 nhà máy nữa ở Bắc Kinh. Việc Trung Quốc giảm khoảng 30% nồng độ bụi mịn PM 2.5 trong vòng 5 năm được đánh giá là thành tựu lớn.
Theo Indian Express, từ ngày 11/10/2018, Bắc Kinh đã áp dụng chính sách cấm xe theo biển số. Vào mỗi ngày trong tuần, hai nhóm phương tiện sẽ không được phép di chuyển trên đường tại Bắc Kinh dựa theo số cuối cùng của biển số xe. Ví dụ, các xe có biển số kết thúc bằng số 1 và số 6 bị cấm vào ngày thứ 2, số 2 và số 7 bị cấm vào ngày thứ 3, số 3 và số 8 bị cấm vào ngày thứ 4… Còn vào cuối tuần, các xe ô tô bị cấm đi vào khu vực Vành đai 5 của Bắc Kinh từ 7 giờ sáng tới 8 giờ tối.
Tài xế nào vi phạm quy định trên sẽ bị phạt 200 Nhân dân tệ (28 USD) và bị chấm 3 điểm trên bằng lái xe. Nếu quá 12 điểm một năm, bằng lái xe sẽ bị thu hồi, tài xế phải thi bằng lái mới. Ngoài ra, Trung Quốc cũng khuyến khích việc sử dụng xe chạy bằng điện, thay vì dùng xăng dầu, kể cả với các phương tiện như taxi công cộng.
New Delhi, Ấn Độ
“Lời khuyên của tôi ư? Hãy ở trong nhà, khóa tất cả cửa sổ và đặt máy lọc không khí ở mọi góc trong ngôi nhà của bạn. Những gì bạn mất trong hóa đơn tiền điện bây giờ, bạn sẽ kiếm lại được trong những trong những năm sống thêm sau này”, Guardian dẫn lời, Rachna, 31 tuổi, một người dân sống ở nam New Delhi, Ấn Độ, nói.
Tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng đã trở thành câu chuyện quen thuộc ở thủ đô New Delhi vào mỗi dịp tháng 10 và tháng 11 hàng năm, khi những lớp sương mù màu nâu dày đặc bao trùm cả thành phố.
“Tôi thực sự khuyến cáo mọi người sống ở những thành phố ô nhiễm không nên tải các phần mềm kiểm tra chất lượng không khí. Chúng có thể hủy hoại cuộc đời bạn. Đôi khi việc không biết mọi chuyện đang tồi tệ như thế nào thậm chí còn tốt hơn”, Amad Kumar, một người dân khác ở New Delhi, cho biết.
Trước đây, việc đeo khẩu trang từng được xem là hành động kỳ quặc ở Ấn Độ. Còn bây giờ, hầu hết người dân New Delhi đều khuyến cáo nên đầu tư vào những chiếc khẩu trang có chất lượng tốt.
Khi tình trạng ô nhiễm lên đến mức đáng báo động tại New Delhi, nhiều người dân đã quyết định không ra khỏi nhà. Các cơ sở kinh doanh đồ ăn và nhà hàng tại thành phố này đã sụt giảm 10% doanh thu khi ô nhiễm không khí lên đến đỉnh điểm hồi tháng 11. Ngược lại, phần mềm giao đồ ăn tại nhà Swiggy lại chứng kiến sự gia tăng về doanh số.
Nilanjana Roy, một cây bút bình luận sống ở New Delhi, cho biết trong những tháng không khí bị ô nhiễm nhất, cô đã chọn cách rời khỏi thành phố “thường xuyên nhất có thể” để tới dãy Himalaya hoặc rừng Corbett.
“Đó là cách làm xa xỉ mà hầu hết mọi người không thực hiện được, và cũng đắt đỏ, nhưng cách đó giúp phổi của tôi sạch hơn một chút và tiếp thêm cho tôi đủ năng lượng để tiếp tục cuộc sống”, Roy chia sẻ.
Trong thời gian vẫn ở lại New Delhi, Roy đã thực hiện nhiều cách để bù đắp những tác động tiêu cực do không khí ô nhiễm gây ra cho cô.
“Yoga sẽ giúp xử lý các cơn sốt nhẹ liên tục và các vấn đề về hệ miễn dịch. Nước ép trái cây, Vitamin C và D, trà nghệ, máy lọc không khí, khẩu trang sẽ có tác dụng ở mức độ giới hạn, nhưng bạn vẫn không thể trốn khỏi môi trường đó”, Roy nói.
Một số trung tâm thương mại ở New Delhi đã lắp đặt các máy lọc không khí khổng lồ và thu hút đám đông tới đó, không phải để mua sắm mà là để hít thở không khí sạch. Một quán bar oxy, nơi mọi người có thể trả tiền để được hít thở không khí trong lành, cũng làm ăn phát đạt trong những ngày không khí bị ô nhiễm.
Tuy nhiên, ngay cả khi áp dụng những biện pháp đối phó như vậy, một cuộc khảo sát gần đây cho thấy khoảng 40% người dân vẫn muốn rời khỏi New Delhi do tình trạng ô nhiễm môi trường tồi tệ.
“Khi mọi thứ trở nên tồi tệ, cách tốt nhất chỉ đơn giản là rời đi”, Rachna cho biết.
Mexico City, Mexico
Ana Lilia Flores than phiền rằng tình trạng ô nhiễm không khí tại thủ đô Mexico City đã trở thành nỗi ám ảnh của cuộc đời bà.
“Mắt tôi chảy nước, đầu tôi đau đớn, đôi lúc tôi thấy khó thở. Điều tồi tệ nhất là tâm trạng lo âu”, bà Ana, nữ bảo vệ 51 tuổi, cho biết.
Công việc của bà phải đứng ở bên ngoài cửa hàng, cạnh một ngã tư đông đúc ở trung tâm thành phố, trong suốt 10 giờ mỗi ngày. Ngoài ra, bà cũng mất 3 giờ mỗi ngày để di chuyển dọc các tuyến đường cao tốc tắc nghẽn khi xe buýt quá tải.
“Tôi giấu miệng và mũi sau cổ áo sơ mi và khi về tới nhà, tôi sẽ rửa mũi bằng trà hoa cúc với nước súc miệng bằng giấm táo. Những người khác sử dụng nước xịt mua từ hiệu thuốc, nhưng cách của tôi cũng hiệu quả mà lại ít tốn kém hơn”, bà Ana chia sẻ.
Vấn đề ô nhiễm tại Mexico City hiện nay đã đỡ nghiêm trọng hơn nhiều so với thời điểm thập niên 80 và 90, khi khu đô thị này có chất lượng không khí tồi tệ nhất thế giới. Mọi thứ trở nên tốt hơn khi chính quyền đưa ra các quy định như đóng cửa các nhà máy, hạn chế xăng dầu, và cấm xe ô tô phát thải khí gây ô nhiễm ít nhất một ngày trong tuần. Lượng xe ô tô lưu thông trên đường mỗi ngày tại Mexico City được kiểm soát chỉ ở mức 20%.
Trong những năm gần đây, thủ đô của Mexico có dấu hiệu ô nhiễm không khí trở lại. Bụi mịn cũng gây ra nhiều vấn đề cho thành phố này. Cảnh người đạp xe đeo khẩu trang không còn là chuyện hiếm gặp, trong khi máy lọc không khí xuất hiện ngày càng nhiều trong các hộ gia đình.
Thành Đạt
Tổng hợp