Thành Đạt

Cuộc đua gay cấn Trump - Harris: Ai sẽ cán đích trước?

Cuộc bầu cử khó đoán

Cuộc đua gay cấn Trump - Harris: Ai sẽ cán đích trước? - 1

Ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump vận động tranh cử ở bang Georgia ngày 28/10 (Ảnh: Reuters).

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 5/11 là sự kiện quan trọng nhất trong số hơn 70 cuộc bầu cử diễn ra trên thế giới trong năm nay. Tuy nhiên dự báo kết quả cuộc bầu cử lần này là một thách thức lớn và gần như là bất khả thi vì nhiều lý do.

Kết quả các cuộc thăm dò bầu cử đảo chiều liên tục kể từ khi chiến dịch tranh cử bắt đầu. Bất chấp lợi thế vốn có của tổng thống đương nhiệm trong các cuộc bầu cử trước đây, Tổng thống Joe Biden luôn tụt lại phía sau so với ứng cử viên của đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Donald Trump, trong các cuộc thăm dò ban đầu.

Tuy nhiên, Tổng thống Biden đã rời bỏ cuộc đua vào cuối tháng 7 và dồn sự ủng hộ cho Phó Tổng thống Kamala Harris làm ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ. Động thái này đã làm đảo lộn các dự báo và các cuộc thăm dò sau đó cho thấy bà Harris liên tục dẫn điểm so với ông Trump.

Trong những ngày gần đây, ông Trump lại bất ngờ vượt lên dẫn điểm so với bà Harris với khoảng cách rất sít sao. Nhưng nhìn chung, theo kết quả thăm dò, 2 bên vẫn ở thế giằng co, khoảng cách giữa 2 bên chỉ 2-3 điểm nằm trong biên độ sai số của các cuộc thăm dò, nghĩa là kết quả thăm dò có thể có lợi cho bên này, nhưng thắng lợi bầu cử vẫn có thể thuộc bên kia. Hơn nữa, cho đến nay vẫn còn 1/3 số cử tri chưa đưa ra quyết định có đi bỏ phiếu hay không và số cử tri này nhiều khả năng sẽ quyết định kết quả cuộc bầu cử năm nay.

Một trong những lý do khiến cuộc đua vào Nhà Trắng lần này trở nên khó đoán là quy tắc bầu cử theo cử tri đoàn, trong đó mỗi bang được trao số phiếu bầu gần đúng với quy mô dân số của bang đó. Tổng cộng có 538 phiếu đại cử tri, vì vậy một ứng cử viên cần đạt được 270 phiếu để giành chiến thắng. Ở 48 bang của Mỹ, người giành chiến thắng trên toàn bang sẽ nhận được tất cả phiếu đại cử tri của bang đó. Riêng ở hai bang Maine và Nebraska, ứng cử viên nhận được nhiều phiếu bầu nhất ở mỗi khu vực bầu cử sẽ giành được một phiếu đại cử tri của khu vực đó và chiến thắng trên toàn bang mang về thêm hai phiếu đại cử tri cho ứng viên này.

Hầu hết các bang có truyền thống bỏ phiếu hoặc cho đảng Dân chủ hoặc đảng Cộng hòa trong nhiều năm qua. Trong khi bà Harris năm nay sẽ có sự ủng hộ truyền thống tại 2 bang lớn California gần 40 triệu dân và bang New York hơn 20 triệu dân, ông Trump có sự ủng hộ truyền thống tại 2 bang Texas gần 30 triệu dân và Florida gần 22 triệu dân. Theo thống kê mới nhất của đài CNN, tính riêng trên các bang trung thành, bà Harris có thể được 225 phiếu đại cử tri so với 219 phiếu của ông Trump. Chỉ còn 90 phiếu đại cử tri từ 7 bang chiến trường (Arizona, Georgia, Michigan, Nevada, Bắc Carolina, Wisconsin, Pennsylvania) và một phiếu đại cử tri ở Quận 2 của Nebraska vẫn chưa xác định được chủ nhân.

Đường vào Nhà Trắng của hai ứng cử viên Donald Trump và Kamala Harris sẽ phụ thuộc vào kết quả tại 7 bang chiến trường trên, tuy nhiên cả ông Trump và bà Harris đều không có lợi thế vượt trội hẳn so với đối thủ tại các bang này. Hiện tại, các cuộc thăm dò cho thấy hai ứng cử viên chỉ cách nhau sát nút vài phần trăm ở tất cả các bang chiến trường khiến cho cuộc đua rất khó dự đoán người chiến thắng. Thăm dò của báo Washington Post cho thấy bà Harris dẫn trước ở bang Georgia, Michigan, Winconsin, trong khi ông Trump dẫn trước ở Arizona và Bắc Carolina, và hai bên hòa nhau tại Nevada.

Cuộc đua gay cấn Trump - Harris: Ai sẽ cán đích trước? - 2

Cử tri bỏ phiếu sớm ở New York (Ảnh: Reuters).

Trong số 7 bang chiến trường, cục diện bầu cử sẽ chỉ thực sự quyết định bởi 3 bang quan trọng hàng đầu là Pennsylvania, Bắc Carolina và Georgia. Đặc biệt, tại Pennsylvania, bang chiến trường quan trọng nhất đối với cả hai đảng, nhưng cả hai lại đang bị mắc kẹt trong thế giằng co. Các cuộc thăm dò về tỷ lệ ủng hộ ở bang chiến trường sở hữu tới 19 phiếu đại cử tri này cho thấy, khoảng cách giữa ông Trump và bà Harris chỉ dưới một điểm phần trăm. Đây là khoảng cách sát nút chưa từng thấy giữa hai ứng cử viên đại diện đảng lớn tại cuộc đua quan trọng nhất nước Mỹ trong ít nhất nửa thế kỷ trở lại đây. Bang này vốn khét tiếng khó khăn đối với ứng cử viên của đảng Dân chủ, nhưng nếu ông Trump giành chiến thắng tại đây, bà Harris vẫn có thể trở thành tổng thống bằng cách giành chiến thắng ở Bắc Carolina hoặc Georgia (mỗi nơi có 16 phiếu Đại cử tri đoàn) và các bang Michigan và Wisconsin (lần lượt có 15 và 10 phiếu Đại cử tri đoàn).

Kết quả bầu cử lần này còn khó dự báo do hai ứng cử viên đều có những lợi thế và bất lợi riêng. Những người ủng hộ Phó Tổng thống Harris tin rằng bà trẻ hơn nên có năng lực tinh thần lớn hơn ông Trump, nhưng thất bại của ứng cử viên nữ như bà Hillary Clinton năm 2016 vẫn cho thấy mức độ không ủng hộ phụ nữ làm tổng thống tại Mỹ vẫn cao và có thể làm giảm sự ủng hộ đối với bà Harris. Thành tích không mấy sáng sủa của chính quyền hiện tại của đảng Dân chủ cũng có thể ảnh hưởng tới tỷ lệ ủng hộ của cử tri cho bà Harris.

Trong khi đó, ông Trump trở nên nổi tiếng hơn sau khi sống sót trong hai vụ ám sát hồi đầu năm và ngày càng nhiều đàn ông da đen và Mỹ Latinh có xu hướng ủng hộ ông Trump. Tuy nhiên, nguy cơ cựu Tổng thống Trump có thể bị thất cử lại xuất phát từ chính nội bộ đảng Cộng hòa do vẫn có một bộ phận đảng viên công khai phản đối ông Trump. Theo cuộc thăm dò gần đây nhất của New York Times/Siena College tại Pennsylvania, tỷ lệ ủng hộ của cử tri Dân chủ dành cho bà Harris có phần áp đảo tỷ lệ ủng hộ của cử tri Cộng hòa dành cho ông Trump, khiến bang này có nhiều khả năng sẽ được "nhuộm xanh" trên bản đồ bầu cử năm nay.

Ông Trump đang tranh thủ vận động sự ủng hộ từ nhóm cử tri người Mỹ gốc Ả Rập ở Michigan, khi nhóm này bất đồng với chính sách của đảng Dân chủ cầm quyền liên quan đến cuộc chiến ở Gaza. Trong khi đó, bà Harris tập trung vào nhóm cử tri trí thức, cử tri thuộc tầng lớp trung lưu và đặc biệt là cử tri nữ. Dù không phải là vấn đề thu hút nhiều sự chú ý nhất hiện nay, quyền tự do sinh sản vẫn được xem là "con át chủ bài" của đảng Dân chủ.

Ngoài ra còn có những nhân tố khó xác định khác như khả năng những cử tri dự định ủng hộ các ứng cử viên độc lập đã bỏ cuộc đua như Cornel West, Jill Stein và Robert Kennedy, sẽ quay sang bỏ phiếu cho ứng cử viên đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa. Hơn nữa, việc tỷ phú công nghệ Elon Musk tuyên bố sẽ trao 1 triệu USD mỗi ngày cho các cử tri ủng hộ ông Trump tại bang Pennsylvania, trong khi người sáng lập Microsoft Bill Gates tuyên bố ủng hộ 50 triệu USD cho chiến dịch tranh cử của bà Harris cũng có thể là yếu tố ảnh hưởng tới cuộc đua vào Nhà Trắng.

Chiều hướng chính sách đối ngoại

Cuộc đua gay cấn Trump - Harris: Ai sẽ cán đích trước? - 3

Ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris vận động tranh cử ở Michigan ngày 28/10 (Ảnh: Reuters).

Nhìn chung, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ thường có xu hướng tập trung vào vấn đề trong nước. Năm nay cũng không ngoại lệ, khi ông Trump và bà Harris chủ yếu tranh luận về các vấn đề đối nội, nhất là vấn đề kinh tế như lạm phát, nhưng ít đề cập đến các vấn đề đối ngoại và tỏ ra mơ hồ khi nói đến chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, hồ sơ lý lịch của hai ứng cử viên có thể cung cấp manh mối nhất định cho thấy cách họ sẽ xử lý các vấn đề đối ngoại và an ninh quốc gia phức tạp và đầy thách thức như thế nào nếu được bầu.

Bà Kamala Harris, bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là một công tố viên, nhưng sau đó đã tham gia Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, một vị trí có quyền truy cập các hồ sơ an ninh quốc gia được phân loại cao và khi trở thành phó tổng thống, bà đã đại diện cho Mỹ tại các cuộc họp quốc tế cấp cao, bao gồm Hội nghị An ninh Munich và Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương. Trong khi đó, ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump là doanh nhân nổi tiếng, đã giữ chức tổng thống Mỹ trong vòng 4 năm. 

Căn cứ vào hồ sơ trên và những phát biểu của họ trong quá trình vận động tranh cử, hai ứng cử viên dường như không có nhiều sự khác biệt về chính sách đối ngoại, thậm chí thống nhất nhau về mục tiêu đối ngoại và lợi ích cốt lõi của nước Mỹ. Do vậy, dù ai lên làm tổng thống cũng sẽ không dẫn tới thay đổi lớn trong chiều hướng chính sách đối ngoại của Mỹ. Cả hai ứng cử viên đều nhất quán về quyền bá chủ của Mỹ, không thừa nhận giới hạn của các nguồn lực quân sự, vai trò suy giảm của Mỹ trên thế giới để xác định các ưu tiên chính sách đối ngoại phù hợp thực tế hơn.

Không ai trong số hai ứng cử viên ủng hộ vai trò nhỏ hơn của Mỹ trên thế giới, chấp nhận thế giới ngày càng đa cực và sự thay đổi triệt để trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Ông Trump với học thuyết "hòa bình thông qua sức mạnh", đảm bảo rằng Washington vẫn đứng đầu hệ thống thế giới. Ông Trump không chấp nhận EU xây dựng quân đội độc lập ngoài khuôn khổ NATO và trên thực tế đã không cắt giảm các cam kết quốc phòng của Mỹ tại châu Âu.

Trong khi đó, bà Harris theo chủ nghĩa can thiệp tự do và chủ nghĩa Đại Tây Dương, đã tuyên bố sẽ tăng gấp đôi các cam kết của Mỹ với NATO. Thông điệp nhất quán của bà Harris là Washington sẽ đầu tư toàn diện vào NATO và không bỏ rơi các đồng minh châu Âu.

Cả ông Trump và bà Harris đều có vẻ sẽ không cắt giảm ngân sách quốc phòng, có khả năng đạt 1.000 tỷ USD trong một vài năm tới và cũng không cắt giảm sự hiện diện của quân đội Mỹ ở nước ngoài, hiện đã trở thành một mạng lưới hàng trăm căn cứ quân sự tại 70 quốc gia với hơn 200.000 người.

Sự khác biệt nếu có giữa 2 ứng cử viên chỉ là cách tiếp cận của đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa đối với các khu vực trên thế giới và các cuộc khủng hoảng lớn, như tình trạng bạo lực ngày càng gia tăng ở Trung Đông, xung đột Nga - Ukraine và quan hệ thương mại Mỹ - Trung Quốc.

Cuộc đua gay cấn Trump - Harris: Ai sẽ cán đích trước? - 4

Ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Tháp Trump, New York hồi tháng 9 (Ảnh: Reuters).

Bà Harris thường ủng hộ cách tiếp cận ngoại giao và đa phương hơn đối với các vấn đề nan giải tại các khu vực. Bà cũng hứa sẽ "kiên định" ủng hộ các đồng minh hiệp ước của Washington ở châu Âu và Đông Á. Bà cũng đã nêu bật tầm quan trọng của an ninh toàn cầu, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh với các cường quốc như Trung Quốc và Nga. Bà Harris sẽ giống như ông Biden, coi NATO như một thành trì đối trọng với các đối thủ như Nga và Trung Quốc và bảo vệ trật tự sau Thế chiến 2.

Phó Tổng thống Harris sẽ tiếp tục nỗ lực của chính quyền Biden nhằm trang bị vũ khí cho Ukraine và tập hợp sự ủng hộ của châu Âu và quốc tế cho Kiev để chống lại Nga. Bà đã tán thành quan điểm duy trì viện trợ quân sự cho Ukraine sẽ củng cố vị thế đàm phán của nước này. Tổng cộng Mỹ đã cung cấp cho Ukraine khoảng 175 tỷ USD viện trợ, phần lớn trong số đó được dùng để cung cấp hệ thống vũ khí, đào tạo và tình báo.

Bà Harris tin rằng hợp tác quốc tế là cần thiết để giải quyết các thách thức toàn cầu, cam kết Mỹ tham gia lại vào Hiệp định Paris và đặt vấn đề biến đổi khí hậu lên hàng đầu trong chính sách đối ngoại. Bà thường xuyên nhấn mạnh quan điểm của đảng Dân chủ về việc bảo vệ nhân quyền và thúc đẩy dân chủ trên toàn cầu. Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ cũng nhấn mạnh việc sử dụng công nghệ và truyền thông xã hội trong chính sách đối ngoại. Những điểm này cho thấy bà Harris ưu tiên một chính sách đối ngoại đa phương, kết hợp với các giá trị dân chủ và nhân quyền.

Trong khi đó, ông Trump bày tỏ một số quan điểm theo chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa biệt lập với triết lý "Nước Mỹ trên hết", hoài nghi về bất kỳ nghĩa vụ quốc tế nào có thể cản trở chủ quyền của Mỹ hoặc khiến nước này tốn kém. Ông Trump chỉ trích NATO, từng nhiều lần nói rằng các nước NATO đang lợi dụng Mỹ và dọa sẽ rút Mỹ khỏi NATO. Ông cũng có quan điểm không mấy tích cực về Liên hợp quốc và các hiệp ước đa phương như các thỏa thuận kiểm soát vũ khí. Ông Trump có khả năng sẽ giảm sự ủng hộ của Mỹ đối với Ukraine và thúc đẩy Ukraine nhượng bộ Nga để đổi lấy hòa bình. Đây có lẽ là khác biệt lớn nhất, mà nếu nó diễn ra sẽ thúc đẩy quyền tự chủ chiến lược của châu Âu và sự hình thành lực lượng phòng thủ riêng của châu Âu, giúp cho trật tự đa cực hình thành sớm hơn.    

Cả bà Harris và ông Trump đều ám chỉ rằng họ sẽ có lập trường cứng rắn với Trung Quốc. Bà Harris ủng hộ mạnh mẽ quan điểm cho rằng Trung Quốc tác động sự ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cũng như đối với "trật tự dựa trên luật lệ" quốc tế do Mỹ và các cường quốc phương Tây khác tạo ra sau Thế chiến 2. Bà Harris sẽ củng cố các liên minh trong khu vực như một đối trọng với Bắc Kinh ở Biển Đông và những nơi khác. Bà cũng đã ủng hộ hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc các chất bán dẫn tiên tiến, với lý do Bắc Kinh có thể sử dụng vào mục đích quân sự. Trong bối cảnh căng thẳng về Đài Loan và lo ngại Trung Quốc có thể cố gắng sử dụng vũ lực để kiểm soát hòn đảo này, bà Harris đã kêu gọi tiếp tục đối thoại với Trung Quốc, nhưng chưa rõ bà có ủng hộ quan điểm công khai của Tổng thống Biden về việc Mỹ phải bảo vệ Đài Loan nếu bị Trung Quốc hành động quân sự.

Mặc dù hoài nghi hơn về các thể chế đa phương ở châu Á và có xu hướng coi đó như một sự lãng phí thời gian, chính sách của ông Trump đối với Trung Quốc có cùng mục tiêu với bà Harris.

Bà Harris và ông Trump đều không đưa ra nhiều sự rõ ràng cho các đối tác thương mại của Mỹ trên toàn thế giới và đều tỏ hoài nghi về thương mại tự do. Cách tiếp cận của Phó Tổng thống Harris là đưa ngành sản xuất trở lại Mỹ, đồng thời vẫn hướng tới mục tiêu duy trì mối quan hệ thương mại tốt với các quốc gia đối tác. Đạo luật Giảm lạm phát và Đạo luật CHIPS và Khoa học đã cung cấp các khoản trợ cấp lớn cho việc "reshoring" hoặc quay trở lại Mỹ, sản xuất năng lượng sạch và chất bán dẫn. Đây là đạo luật chủ yếu nhằm vào việc hạn chế vật liệu và linh kiện từ Trung Quốc, nhưng không phải là không có rủi ro đối với các đối tác thương mại như Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc.

Trong khi đó, cựu Tổng thống Trump nói rằng ông sẽ không chỉ tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc lên 60% mà còn áp dụng mức thuế suất cố định từ 10% đến 20% đối với tất cả hàng nhập khẩu trên toàn thế giới. Nhưng bà Harris ủng hộ quan điểm cho rằng loại thuế này cũng giống như "bắt đầu một cuộc chiến tranh thương mại với toàn thế giới". Nếu được ban hành, mức thuế này sẽ đặc biệt gây khó khăn cho các quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, kể cả hai đồng minh của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc, vốn phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Ông Trump cũng nói có kế hoạch 4 năm để thúc đẩy sản xuất tại Mỹ, nhằm giảm phụ thuộc vào Trung Quốc về các mặt hàng thiết yếu.

Giữa ông Trump và bà Harris cũng không có nhiều khác biệt nhiều về xung đột Israel - Hamas. Bà Harris ủng hộ quyền tự vệ của Israel và loại bỏ Hamas, nhưng ủng hộ việc giảm leo thang, Mỹ làm trung gian hòa giải để đạt được lệnh ngừng bắn, trao trả con tin và thúc đẩy giải pháp 2 nhà nước. Ông Trump khẳng định xung đột Israel - Hamas "sẽ không bao giờ xảy ra" nếu ông còn tại nhiệm. Ông cáo buộc chính quyền Biden - Harris có thái độ "yếu kém" với Iran và phá hỏng mọi tiến triển về Hiệp định Abraham  nhằm tạo ra mối quan hệ ngoại giao toàn diện giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain, Morocco và làm đình trệ thỏa thuận giữa Israel và Ả Rập Xê Út.

Nói tóm lại, ai thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ không làm thay đổi đáng kể chiều hướng chính sách đối ngoại Mỹ, mục tiêu của Mỹ vẫn là duy trì vị trí siêu cường số một, ngăn chặn sự nổi lên của Trung Quốc. Sự khác biệt giữa hai ứng cử viên chỉ là cách tiếp cận khi thực thi chính sách đối ngoại nhằm đạt được mục tiêu. Trong khi bà Harris coi trọng đa phương kèm theo giá trị dân chủ nhân quyền, ông Trump sẽ coi trọng đơn phương, song phương, dựa trên sức mạnh thực dụng.

Đại sứ, Tiến sĩ Tôn Sinh Thành

Tác giả: Đại sứ Tôn Sinh Thành nguyên là Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, kiêm nhiệm Nepal và Bhutan nhiệm kỳ 2014-2018. Ông hiện là giảng viên cao cấp tại Học viện Ngoại giao Việt Nam.