"Ảo ảnh đỏ" trong đêm bầu cử Mỹ gây lo ngại

Dương Đăng

(Dân trí) - Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và đội ngũ của mình đã chuẩn bị kế hoạch để đối phó kịch bản cựu Tổng thống Donald Trump tuyên bố thắng cử sớm dựa trên cái gọi là "ảo ảnh đỏ".

Ảo ảnh đỏ trong đêm bầu cử Mỹ gây lo ngại - 1

Đảng Dân chủ lo ngại cựu Tổng thống Donald Trump, ứng viên Cộng hòa, sẽ lại tuyên bố thắng cử sớm trong đêm bầu cử (Ảnh: Getty).

"Ảo ảnh đỏ" trong ngày bầu cử 

Kể từ sau năm 2000, số lượng lớn phiếu bầu đã không được đếm cho đến sau Đêm bầu cử do việc sử dụng thư và phiếu bầu tạm thời ngày càng tăng. Vào năm 2020, xu hướng này tăng lên khi nhiều cử tri chuyển sang bỏ phiếu qua thư và bỏ phiếu vắng mặt trong thời kỳ đại dịch.

Thêm vào đó, đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ luôn có sự khác biệt trong việc áp dụng các hình thức bỏ phiếu này. Chính vì vậy mà kết quả kiểm phiếu sớm thường khác với kết quả kiểm phiếu cuối cùng, cũng từ đây mà thuật ngữ "ảo ảnh đỏ" và "sự dịch chuyển xanh" ra đời.

Hai thuật ngữ này mô tả hiện tượng mà các ứng cử viên đảng Cộng hòa dường như dẫn trước mạnh mẽ trong đêm bầu cử, nhưng quá trình kiểm phiếu sau đó lại chứng kiến phiếu bầu cho các ứng cử viên Dân chủ tăng lên đáng kể. Từ "ảo ảnh" đặc biệt quan trọng vì nó mô tả kết quả ban đầu có thể gây hiểu lầm.

Sự thay đổi này đến từ nhiều yếu tố nhưng chủ yếu do việc cử tri bỏ phiếu theo các cách khác nhau. 

Cụ thể, những phiếu bầu trực tiếp trong ngày bầu cử sẽ được đếm trước vì chúng được chuyển trực tiếp đến các trung tâm kiểm phiếu. Trong khi đó, phiếu bầu qua thư thường được đếm sau, một số tiểu bang còn cho phép nhận và đếm sau ngày bầu cử.

Ngoài ra, phiếu bầu tạm thời cũng chỉ được đếm sau khi xét đủ điều kiện của cử tri sau bầu cử. Chính điều này có thể dẫn đến sự chậm trễ trong việc đưa ra thống kê hoàn chỉnh. 

Đối với 2 đảng, cử tri Dân chủ có nhiều khả năng bỏ phiếu tạm thời và bỏ phiếu qua thư hơn, trong khi cử tri Cộng hòa nhiều khả năng bỏ phiếu trực tiếp hơn. 

Cuộc bầu cử năm 2020 là một ví dụ hoàn hảo cho hiện tượng này khi đại dịch Covid-19 khiến nhiều cử tri không bỏ phiếu trực tiếp nữa. Cựu Tổng thống Trump đã dẫn trước ở một số bang chiến trường quan trọng vào đêm bầu cử, nhưng kết quả cuối cùng lại nghiêng về Tổng thống Joe Biden khi có kết quả cuối cùng. Đây chính xác là "ảo ảnh đỏ" và "sự dịch chuyển xanh" mà một số chuyên gia đã dự đoán trước đó.

Ngay sau nửa đêm ngày 3/11/2020, ông Trump đã tuyên bố chiến thắng ngay cả khi các cuộc tranh cử ở các bang chiến trường vẫn còn sít sao.

Động thái này đã vấp phải chỉ trích gay gắt. Cựu Thống đốc New Jersey Chris Christie gọi đó là "một quyết định chính trị tồi tệ".

Ngay cả lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện khi đó là Mitch McConnell cũng nói: "Tuyên bố bạn đã thắng cử khác với việc hoàn thành việc kiểm phiếu".

Ông Trump có thể tuyên bố chiến thắng sớm

Năm nay, nhiều người dự đoán ông Trump có thể lặp lại hành động trong cuộc bầu cử năm 2020 là tuyên bố giành chiến thắng trước khi có kết quả chính thức.

Hôm 22/10, Phó Tổng thống Kamala Harris cho biết chiến dịch của bà đang chuẩn bị cho việc ông Trump sử dụng các chiến thuật tương tự trong khoảng thời gian này. Bà nói với NBC News rằng đảng Dân chủ "có nguồn lực và chuyên môn" nếu cựu tổng thống cố gắng tuyên bố chiến thắng sớm.

Bob Beatty, chủ tịch khoa khoa học chính trị của Đại học Washburn nói rằng điều này đặc biệt có khả năng xảy ra nếu cuộc đua quá gắt gao.

Trong thời gian các bang cuối cùng quyết định kết quả, cựu Tổng thống có thể sẽ tuyên bố chiến thắng và tuyên bố kết quả ủng hộ bà Harris sau đó là gian lận.

David Schultz, giáo sư khoa khoa học chính trị và pháp lý tại Đại học Hamline, nhận định việc ông Trump tuyên bố chiến thắng sớm có thể do động lực chính trị tương tự trong cuộc bầu cử trước khi ông cáo buộc các lá phiếu được kiểm sau đêm bầu cử là bất hợp pháp hoặc gian lận.

Tuy nhiên, ông Schultz cũng khẳng định tuyên bố chiến thắng của ông Trump sẽ không mang ý nghĩa pháp lý nào. Nói cách khác, kết quả kiểm phiếu vẫn là điều quyết định tất cả.

Theo Newsweek, Democracy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm