DMagazine

Cuộc đấu "sát thủ không chiến" đốt nóng xung đột Nga - Ukraine

(Dân trí) - Các máy bay không người lái (UAV) đóng vai trò ngày càng quan trọng trong cuộc xung đột Nga - Ukraine, buộc hai bên phải khai thác tối đa sức mạnh của loại khí tài tối tân này trên chiến trường.

CUỘC ĐẤU "SÁT THỦ KHÔNG CHIẾN" ĐỐT NÓNG CHIẾN TRƯỜNG UKRAINE

Các máy bay không người lái (UAV) đóng vai trò ngày càng quan trọng trong cuộc xung đột Nga - Ukraine, buộc hai bên phải khai thác tối đa sức mạnh của loại khí tài tối tân này trên chiến trường.

"Đôi mắt trên bầu trời"

Cuộc đấu sát thủ không chiến đốt nóng xung đột Nga - Ukraine - 1

Binh sĩ Nga chuẩn bị sử dụng các UAV Orlan-10 (Ảnh: World Today News).

Chưa bao giờ trong lịch sử chiến tranh, máy bay không người lái (UAV) lại được sử dụng nhiều như trong cuộc xung đột Nga - Ukraine, nơi chúng đóng vai trò đáng kể trong việc quyết định các cuộc giao tranh. Cả quân đội Nga và Ukraine đều phụ thuộc nhiều vào các thiết bị bay không người lái để xác định chính xác vị trí của đối phương và dẫn đường cho các cuộc pháo kích khốc liệt.

"Ngày nay, việc trang bị máy bay không người lái trong mỗi đơn vị chiến đấu là rất quan trọng vì đây là đôi mắt của chúng ta trên bầu trời", Trung úy Anton Galyashinskiy, một chuyên gia phân tích dữ liệu hình ảnh của quân đội Ukraine, nhận định.

Tuy nhiên, sau nhiều tháng xung đột, các phi đội máy bay không người lái của cả Nga và Ukraine đều cạn kiệt, buộc cả hai bên phải chạy đua để chế tạo hoặc mua các loại máy bay không người lái tiên tiến, có khả năng chống gây nhiễu, mang lại lợi thế trong giao tranh.

Tình trạng cấp bách về máy bay không người lái đã được hé lộ qua thông báo của Nhà Trắng hôm 11/7 rằng, Iran đang gấp rút gửi hàng trăm máy bay không người lái cho Moscow. Máy bay không người lái do Iran cung cấp đã "xuyên thủng" các hệ thống phòng không do Mỹ cung cấp cho các nước Trung Đông.

"Lực lượng máy bay không người lái của Nga có thể vẫn còn khả năng chiến đấu, nhưng đã cạn kiệt. Nga đang tìm cách tận dụng khả năng đã được chứng minh của (máy bay không người lái) Iran", Samuel Bendett, chuyên gia phân tích tại tổ chức tư vấn quân sự CNA, cho biết.

Theo chuyên gia Bendett, Ukraine muốn có các phương tiện để "tấn công các cơ sở chỉ huy và kiểm soát của Nga ở khoảng cách đáng kể".

Nhu cầu về các mẫu máy bay không người lái mới nhất của quân đội Ukraine đang rất cao. Ukraine cũng đang nỗ lực cải tiến các máy bay không người lái hiện có nhằm giúp chúng có khả năng chống gây nhiễu tốt hơn.

"Số lượng máy bay không người lái chúng tôi cần là rất lớn", Yuri Shchygol, một quan chức cấp cao của Ukraine, nói với các phóng viên hôm 13/7, đồng thời công bố kết quả đầu tiên của một chiến dịch gây quỹ mới mang tên "Quân đoàn UAV". Ông Shchygol cho biết Ukraine ban đầu đặt mục tiêu mua 200 máy bay không người lái theo tiêu chuẩn của NATO, nhưng yêu cầu này hiện tăng gấp 10 lần.

"Mọi người hiện nay đều muốn máy bay không người lái, máy bay không người lái đặc biệt, máy bay không người lái chống nhiễu, hay bất cứ thứ gì khác liên quan. Chúng ta sẽ có hàng triệu máy bay không người lái không thể bị đánh bại", Thorsten Chmielus, giám đốc điều hành của Aaronia - công ty Đức từng hỗ trợ công nghệ cho Ukraine, nhận định.

Tương quan lực lượng UAV

Cuộc đấu sát thủ không chiến đốt nóng xung đột Nga - Ukraine - 2

Các UAV của Ukraine được tổ chức thành các đơn vị phục vụ cho các nhiệm vụ riêng biệt (Ảnh: Getty).

Các binh sĩ Ukraine phàn nàn rằng, họ không có các máy bay không người lái cấp quân sự cần thiết để đối phó với các hệ thống gây nhiễu điều khiển bằng sóng vô tuyến của Nga. Các mẫu máy bay không người lái dân sự của Ukraine đều dễ bị phát hiện và đánh bại tương đối dễ dàng. Không có gì lạ khi pháo binh Nga dội mưa hỏa lực vào các mục tiêu chỉ vài phút sau khi máy bay không người lái Ukraine bị phát hiện.

So với những tháng đầu xung đột, chuyên gia Bendett cho biết hiện ít có bằng chứng về việc máy bay không người lái của Nga bị bắn hạ. "Ukraine đang lép vế hơn", ông nói.

Một lãnh đạo của đơn vị trinh sát trên không Ukraine nhận định, "Nga đang ở vị thế tốt hơn nhiều vì họ sở hữu các máy bay không người lái tầm xa, được thiết kế để né tránh các loại hình tác chiến điện tử".

Trên mặt đất, các đơn vị tác chiến điện tử đa dạng hơn của Nga có thể cắt đứt liên lạc của người điều khiển máy bay không người lái, làm gián đoạn video trực tiếp và bắn rơi máy bay từ không trung, hoặc công nghệ điều khiển buộc máy bay phải rút lui.

Do vậy, Ukraine đang có nhu cầu rất lớn về những loại máy bay không người lái tiên tiến, có thể sống sót trước các hệ thống gây nhiễu sóng vô tuyến và gây nhiễu GPS, đồng thời dựa vào liên lạc vệ tinh và các công nghệ khác để điều khiển và điều hướng.

Theo Maksym Muzyka, người sáng lập UA Dynamics - hãng sản xuất máy bay không người lái của Ukraine, nhu cầu cấp thiết nhất của Ukraine hiện nay là các máy bay không người lái có thể giúp pháo binh tầm xa của phương Tây tấn công các mục tiêu ở xa.

Vào giữa tháng 6, một cố vấn hàng đầu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết nước này cần tới 1.000 máy bay không người lái nếu muốn kết thúc chiến tranh.

Nguồn cung máy bay không người lái quân sự tầm xa của Nga vượt trội hơn Ukraine, tuy nhiên nguồn cung của Moscow cũng đang giảm dần. 

Vào tháng trước, ông Yuri Borisov, phó thủ tướng phụ trách giám sát các ngành công nghiệp vũ khí của Nga, nói rằng ngành công nghiệp phát triển máy bay không người lái của Nga trước khi xung đột nổ ra không mạnh. Quan chức Nga cho biết nước này đang đẩy mạnh sản xuất nhiều loại máy bay không người lái, "mặc dù công việc này không thể thực hiện ngay lập tức".

Chuyên gia Bendett ước tính, Nga đã mất khoảng 50 mẫu máy bay không người lái Orlan-10, nhưng con số thực tế có thể còn cao hơn nữa. Một báo cáo mới từ tổ chức nghiên cứu RUSI của Anh cho biết, "tuổi thọ" trung bình hiện tại của một máy bay không người lái Ukraine khoảng một tuần. Trong khi đó, các lực lượng Nga "thường có thể bắn pháo chính xác vào các mục tiêu (của Ukraine) từ 3-5 phút" sau khi một máy bay không người lái trinh sát xác định được các mục tiêu.

Chiến thuật "sát thủ trên không"

Cuộc đấu sát thủ không chiến đốt nóng xung đột Nga - Ukraine - 3

Máy bay không người lái Bayraktar TB-2 của quân đội Ukraine trong một lễ duyệt binh tại thủ đô Kiev (Ảnh: Reuters).

UAV được xem là "người hùng" của Ukraine trong những tuần đầu chiến sự là Bayraktar TB-2 - "sát thủ" ném bom, dẫn đường bằng laser do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất. Với chiều dài 6,5m, sải cánh rộng 12m và khả năng bay với tốc độ tối đa 220 km/h trong phạm vi tác chiến tối đa khoảng 6.000km, UAV Bayraktar TB-2 đã làm tốt nhiệm vụ cung cấp thông tin tình báo và cập nhật tình hình chiến trường, qua đó hỗ trợ quân đội Ukraine trong việc trinh sát và chỉ thị mục tiêu.

Tuy nhiên, Bayraktar TB-2 trở nên kém hiệu quả hơn khi đối mặt với các lá chắn phòng thủ của Nga ở miền Đông Ukraine. Kể từ khi Nga quyết định rút gọn mục tiêu chiến dịch quân sự về Donbass, Moscow đã bắt đầu triển khai mạng lưới phòng không dày đặc ở khu vực này và rút ra được một số bài học về mẫu UAV nổi tiếng. Nga cũng tập trung thêm các hệ thống phòng không đất đối không S-300, S-400 tới Donetsk và Lugansk, miền Đông Ukraine.

Mỹ và các đồng minh phương Tây đã chuyển hàng trăm máy bay không người lái, bao gồm các máy bay "cảm tử" Switchblade (Dao bấm) 600 mang đầu đạn chống tăng. Chúng có thể bay với tốc độ 112km/h và sử dụng trí tuệ nhân tạo để theo dõi mục tiêu. Tuy nhiên, phạm vi của máy bay không người lái này bị hạn chế và chúng chỉ có thể hoạt động trên cao khoảng 40 phút.

Ukraine nhiều khả năng có thể tiếp cận các kho đạn dược và các sở chỉ huy của Nga nhờ 121 máy bay không người lái quân sự tiên tiến Phoenix Ghost (Bóng ma Phượng hoàng) do Mỹ viện trợ hồi tháng 5. Thông số kỹ thuật của UAV này hầu như không được tiết lộ, nhưng theo tướng không quân nghỉ hưu David Deptula, thành viên hội đồng quản trị của nhà thầu quốc phòng Mỹ Aevex Aerospace, Phoenix Ghost có thể hoạt động trong 6 giờ, phá hủy các phương tiện bọc thép và có camera hồng ngoại để thực hiện các nhiệm vụ ban đêm.

Video UAV "sát thủ cảm tử" Ukraine phá hủy xe tăng Nga

Ukraine cũng sở hữu các máy bay không người lái có khả năng trinh sát và phát hiện pháo binh, bao gồm máy bay Furia do nước này tự sản xuất.

Ông Artem Vyunnyk, giám đốc điều hành của Athlon Avia - nhà sản xuất Furia, cho biết 70% trong số khoảng 200 chiếc Furia mà Ukraine mua đã bị bắn hạ. Ông nói rằng, các máy bay không người lái vẫn đang được sản xuất tại một nhà máy mới, nhưng nếu chỉ sản xuất trong nước thì không đủ để thu hẹp khoảng cách về UAV của Ukraine.

Quân đội Ukraine không có một đơn vị UAV chính thức, nhưng việc sử dụng máy bay không người lái đã giúp Kiev có thể tiến hành trinh sát dọc theo chiến tuyến dài 2.470km, phát hiện các lực lượng và thiết bị của Nga rồi chỉ đạo pháo binh từ xa để bắn vào mục tiêu.

Máy bay không người lái giúp Ukraine hạn chế thương vong, tuy nhiên thiết bị này lại khan hiếm và tốn kém đối với Ukraine. Trong khi các UAV sử dụng một lần như Switchblade và Phoenix Ghost có giá vài nghìn USD mỗi chiếc, TB2 có giá 1-2 triệu USD/chiếc. Việc mất nhiều UAV trong chiến sự sẽ rất tốn kém.

UAV đã góp phần giúp Ukraine cản đà tiến của lực lượng Nga ở giai đoạn đầu chiến sự, nhất là khi khả năng đánh nhanh thắng nhanh của Nga phụ thuộc rất lớn vào sự cơ động, sức mạnh của các xe tăng và xe chiến đấu bộ binh hạng nặng.

UAV nhiều lần chỉ điểm cho pháo binh và vũ khí chống tăng của Ukraine khai hỏa vào các vị trí tập kết của quân đội Nga, đồng thời thực hiện những phi vụ tấn công và trực tiếp tiêu diệt nhiều xe quân sự của Nga. Giới chức Ukraine còn tuyên bố các UAV Bayraktar TB-2 đã góp phần đánh chìm soái hạm Moskva của Hạm đội Biển Đen Nga.

"Các máy bay không người lái của quân đội Ukraine, đặc biệt là Bayraktar TB-2, có một đặc tính nổi bật là giá thành rẻ. Do vậy, quân đội Ukraine có thể huy động một lực lượng lớn UAV để tấn công các phương tiện quân sự đắt đỏ của Nga. Những đòn tấn công này tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả và đặc biệt an toàn cho các binh sĩ Ukraine", Giáo sư Michael Clarke tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh, nhận định.

Nỗ lực bắt bài UAV

Cuộc đấu sát thủ không chiến đốt nóng xung đột Nga - Ukraine - 4

Máy bay không người lái Switchblade có thể coi như một quả bom thông minh tự hành (Ảnh minh họa: Army).

Trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột, các máy bay không người lái Ukraine đã phát huy hiệu quả khi cản đà tiến và gây thiệt hại không nhỏ cho lực lượng Nga. Tuy nhiên, sau một thời gian điều chỉnh chiến lược, Nga đã tìm cách bắt bài và vô hiệu hóa UAV Ukraine. Một số chuyên gia cho rằng các máy bay không người lái của Ukraine bây giờ hoạt động gần như không còn hiệu quả vì Nga đã dựng các lưới lửa phòng không, cũng như triển khai khí tài tác chiến điện tử uy lực.

Theo chuyên gia Bendett, lực lượng Nga đã sử dụng các radar cảnh báo sớm để xác định các máy bay không người lái của đối phương, trong khi hệ thống tác chiến điện tử có nhiệm vụ gây nhiễu và làm gián đoạn liên lạc của những khí tài này. Nga cũng triển khai các lớp phòng thủ như súng máy, hệ thống phòng không để bắn rơi máy bay không người lái Ukraine.

Theo chuyên gia Mark Cancian tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Ukraine trước đây có thể sử dụng máy bay không người lái hiệu quả là do Nga chưa tổ chức hệ thống phòng thủ. Tuy nhiên, tình hình chiến sự bây giờ đã thay đổi.  

Chuyên gia Cancian cho biết, các lá chắn của Nga hầu hết sử dụng tên lửa tầm ngắn và tầm trung. Trong khi đó, UAV bay chậm và thấp nên chúng rất dễ trở thành mục tiêu trước các hệ thống phòng thủ của Nga.

Trong giai đoạn 2 của chiến sự, Nga đang triển khai hàng loạt máy bay không người lái để thực hiện các nhiệm vụ. "UAV đang đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp khả năng tình báo, giám sát, trinh sát cho Nga để họ có thể tiến hành các cuộc nhiệm vụ từ mặt đất và trên không", chuyên gia Bendett bình luận.

Nga tung video UAV chiến thuật ném hỏa lực vào mục tiêu Ukraine

Nga được cho là đang chuyển hàng nghìn UAV Orlan-10, vốn là máy bay chiến thuật của nước này, thành các máy bay ném bom. Orlan-10 cho đến nay là UAV phổ biến nhất trong lực lượng Nga, với hàng nghìn thiết bị được chế tạo và được các đơn vị pháo binh triển khai rộng rãi với nhiệm vụ là "mắt thần" trinh thám. Khi một chiếc Orlan-10 xuất hiện trên không, nó có thể báo trước một đợt pháo kích lớn sắp xảy ra. Quân đội Nga đã bắt đầu sử dụng các UAV Orlan-10 được trang bị đạn nổ phân mảnh cho nhiệm vụ tấn công các xe bọc thép hạng nhẹ của các lực lượng Ukraine.

Tập đoàn quốc phòng Nga Rostec hồi tháng 6 thông báo, các UAV cảm tử KUB và Lancet đang được tăng cường sử dụng trong các hoạt động tác chiến của Nga tại Ukraine. Các UAV cảm tử này về cơ bản được sử dụng để nhằm vào các mục tiêu mặt đất ở khoảng cách xa.

Lancet còn được gọi là "AK-47 biết bay" vì sự đơn giản, tiện dụng và đáng tin cậy - những đặc điểm đã làm nên mẫu súng trường huyền thoại. Lancet hoạt động theo cơ chế mang thuốc nổ bay lơ lửng trên không trung và liên tục tìm kiếm mục tiêu. Khi mục tiêu được xác nhận, UAV sẽ thực hiện một vụ tấn công cảm tử như cơ chế của một tên lửa không đối đất.

Thành Đạt

Theo AP, AFP, Drive, Reuters

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine