DMagazine

Chuyện chưa kể về lần ông Joe Biden lẩy Kiều tặng Tổng Bí thư

(Dân trí) - Tại buổi chiêu đãi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm Mỹ năm 2015, ông Joe Biden đã lẩy hai câu trong truyện Kiều: "Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời"...

Ông Bùi Thế Giang (Phó Chủ tịch Hội Việt – Mỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ Tây Âu và Bắc Mỹ, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng), người tham gia tổ chức và trực tiếp tháp tùng phục vụ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm Mỹ lịch sử lần đầu tiên của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, đã dành cho PV Dân trí cuộc chia sẻ thú vị về ông Joe Biden...

Chuyện chưa kể về lần ông Joe Biden lẩy Kiều tặng Tổng Bí thư - 1

Ông bình luận gì về kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ mà giới truyền thông nước này công bố? Đó có phải là một chiến thắng bất ngờ với số đông không, thưa ông?

Mặc dù truyền thông Mỹ đã đồng loạt đưa tin ông Joe Biden thắng cử Tổng thống Mỹ và nhiều lãnh đạo thế giới đã gửi lời chúc mừng, nhưng tôi vẫn chưa muốn chính thức nói ông Biden là "người chiến thắng". Nói vậy bởi lẽ, về nguyên tắc, vẫn còn nhiều thủ tục pháp lý phải thực hiện theo quy trình.

Chuyện chưa kể về lần ông Joe Biden lẩy Kiều tặng Tổng Bí thư - 2

Đó là chưa kể, Tổng thống đương nhiệm Donald Trump vẫn tuyên bố chưa công nhận kết quả bầu cử, thậm chí đêm 03/11/2020, ông Trump còn tuyên bố mình đã thắng cử, còn nhóm thực hiện chiến dịch tranh cử của ông Trump cũng đã tiến hành nộp đơn yêu cầu điều tra về quy trình kiểm phiếu.

Tuy nhiên, dựa vào kết quả kiểm phiếu hiện tại thì có cơ sở để nói rằng phần thắng đã nghiêng về ứng viên của Đảng Dân chủ. Bản thân ông Joe Biden cũng đã có bài phát biểu, tuyên bố chiến thắng tại thành phố Wilmington (bang Delaware) hôm 08/11.

Đúng là với nhiều người trên thế giới và ngay tại Việt Nam, việc ông Joe Biden đắc cử Tổng thống là một bất ngờ. Bầu cử Tổng thống Mỹ luôn luôn là một thách đố với mọi người quan tâm theo dõi và dự đoán kết quả. Bầu cử năm nay lại càng khó đoán hơn. Nhưng suy ngẫm về kết quả bầu cử năm nay và các cuộc bầu cử trước đây, đặc biệt trong mấy kỳ bầu cử gần đây, tôi tin vào sự lựa chọn của người Mỹ.

Cách đây 4 năm, người Mỹ đã lựa chọn một Donald Trump quyết liệt, nhất là khi đưa ra những quyết sách có thể tác động đến rất nhiều người, nhiều mối quan hệ, khác hoàn toàn, thậm chí trái ngược với một Barack Obama điềm tĩnh, từ tốn. Đó không phải là một sự ngẫu nhiên.

Mặc dù khi đó, ít người nghĩ rằng ông Donald Trump, một tỷ phú địa ốc New York chưa từng nắm giữ bất kỳ chức vụ gì trong chính quyền Mỹ, có thể đắc cử, nhưng tôi đã nghĩ rằng rất có thể sự điềm đạm, từ tốn suốt 2 nhiệm kỳ kéo dài tới 8 năm trời của ông Barack Obama là quá dài đối với người Mỹ, cả về đối nội và đối ngoại, và họ cần một sự thay đổi. Và quả thật, ông Trump đã thắng cử.

Còn nay, có lẽ 4 năm quyết liệt của ông Donald Trump đã đủ với đa số người dân Mỹ. Trong bối cảnh hiện tại, đứng trước sự lựa chọn giữa hai ứng cử viên vào “chung cuộc”, ông Joe Biden là người mà nước Mỹ và người dân Mỹ cần.

Chuyện chưa kể về lần ông Joe Biden lẩy Kiều tặng Tổng Bí thư - 3

Theo ông, điều gì đã quyết định, làm nên chiến thắng của ông Joe Biden?

Trước hết, phải nhìn nhận thế này, trong 4 năm nhiệm kỳ của mình, ông Donald Trump đã làm được nhiều việc, đã góp phần làm nên một nước Mỹ khác, ít nhất là khác rất xa với 4 năm trong nhiệm kỳ hai của ông Barack Obama. Nhưng song song với những việc làm được, thì ông Donald Trump còn làm những việc mà có thể coi là chưa "được".

Chuyện chưa kể về lần ông Joe Biden lẩy Kiều tặng Tổng Bí thư - 4

Xử lý đại dịch Covid-19 là một trong những việc đó. 

Tương phản với ông Trump, ông Biden thể hiện sự thấu đáo hơn khi nhìn nhận mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. Đặc biệt, nhất quán suốt chiến dịch tranh cử của mình, ông Biden luôn luôn nhấn mạnh tới cả việc phòng, chống và điều trị Covid-19, bày tỏ tin cậy đội ngũ các nhà chuyên môn.

Bản thân ông Joe Biden ngay từ những ngày đầu vận động tranh cử đã luôn luôn đeo khẩu trang, tuân thủ giãn cách.

Dẫu ai đó có thể coi đây chỉ là những chi tiết rất nhỏ, nhưng tôi tin vào sự tinh tế quan sát của người Mỹ. Trong bối cảnh "cơn lũ" Covid-19 tàn phá nước Mỹ ghê gớm, thì đây lại là một trong những điều để họ cân nhắc chọn ra người lãnh đạo mình.

Ngoài ra, đời tư của ông Joe Biden cũng cho thấy khía cạnh nhân văn, cho thấy câu chuyện về một người có khả năng vượt qua những thảm kịch cá nhân: Ông Biden có một quá khứ đau thương khi vợ và con gái mất trong một vụ tai nạn xe hơi thảm khốc năm 1972, rồi cách đây 5 năm, vào năm 2015, lại mất người con trai vì u não. Chắc không nhiều người đứng vững nổi sau ngần ấy mất mát.

Vậy nhưng ông Joe Biden đã thể hiện một sự vững vàng và bản lĩnh thật lớn, đã tiếp tục trụ vững sau những đau đớn. Nếu nhìn tới một Phó Tổng thống năng nổ như ông Mike Pence hiện nay, thì hình ảnh một Phó Tổng thống không mấy ồn ào như ông Joe Biden đằng sau ông Barack Obama đã giúp ông Joe Biden trở thành một lựa chọn an toàn cho đa phần người Mỹ.

Chuyện chưa kể về lần ông Joe Biden lẩy Kiều tặng Tổng Bí thư - 5

Ông có lo ngại về cuộc chiến pháp lý kéo dài khi ông Donal Trump tuyên bố sẽ không dễ dàng chấp nhận kết quả này?

Như tôi vừa nói, trong cuộc họp báo kéo dài 11 phút đêm 03/11/2020, ông Donald Trump đã tuyên bố thắng cử và “sẽ đến Tòa án Tối cao”. Tôi nhớ, ngay khi cuộc họp báo vừa kết thúc, tại chương trình truyền hình trực tiếp phóng viên hãng CNN đã đặt ngay câu hỏi: “Ông ấy đến Tòa án Tối cao để làm gì?” vì thấy đó là một tuyên bố lạ.

Tôi không có cơ sở để nhận định về tuyên bố đó, nhưng rất có thể mặc dù tự tuyên bố chiến thắng, chính ngay lúc đó ông Donald Trump đã nghĩ đến khả năng kết quả sẽ không được như mong muốn và sẽ phải tìm đến tòa án.

Ông Donald Trump cũng từng phàn nàn trên Twitter: “Tối qua tôi đang dẫn trước, thường khá chắc chắn ở những bang quan trọng. Sau đó, lần lượt từng bang một, chúng bắt đầu biến mất một cách kỳ lạ khi đống phiếu rác bất ngờ được kiểm”.

Những rắc rối trên xuất phát từ các quy định liên quan đến bầu cử qua bưu điện mà Đảng Cộng hòa cho rằng dễ dẫn đến gian lận. Trước đây, hình thức này ít phổ biến. Tuy nhiên năm nay, do lo ngại lây lan của đại dịch Covid-19, nhu cầu bỏ phiếu qua bưu điện tăng đột biến.

Khác với phương thức bầu trực tiếp, bầu cử qua bưu điện đòi hỏi thời gian kiểm phiếu lâu hơn vì phải xác định tính hợp pháp của phiếu bầu thông qua chữ ký của cử tri. Thêm vào đó, hình thức này lại được quy định rất khác nhau ở mỗi bang.

Tuy nhiên, việc viện đến Tòa án giải quyết tranh chấp kết quả bầu cử cũng không phải là việc dễ dàng. Đến nay, ông Donald Trump vẫn chưa đưa ra bất kỳ một bằng chứng cụ thể nào ngoài những tuyên bố. Sẽ có rất nhiều việc phải làm tại các tòa án cấp bang trước khi vụ việc được phân xử tại Tòa án Tối cao.

Thực tế, trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2000 giữa ông George Bush và Al Gore, Tòa án Tối cao liên bang đã phải vào cuộc. Việc nhờ đến Tòa án Tối cao trong các cuộc bầu cử Mỹ không phải là chưa có tiền lệ. Nhưng Tòa án Tối cao cũng không phải là nơi đưa ra phán quyết cuối cùng về kết quả bầu cử.

Cũng xin lưu ý rằng trong lịch sử 244 năm của nước Mỹ, có 10 Tổng thống Mỹ đã không thắng cử khi tranh cử lần 2, và nếu năm nay điều này lặp thì ông Donald Trump sẽ là Tổng thống thứ 11.

Chuyện chưa kể về lần ông Joe Biden lẩy Kiều tặng Tổng Bí thư - 6

Ngoài một cuộc chiến pháp lý có thể phải đối mặt, theo ông những thách thức nào đang chờ đợi ông Biden giải quyết khi lên nắm quyền Tổng thống?

Như tôi nói ở trên, đại dịch Covid-19 là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu mà ông Joe Biden sẽ phải tập trung giải quyết nếu và khi lên nắm quyền. Hiện nay, Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất với số ca nhiễm và tử vong cao nhất. Covid-19 cũng đã khiến cho nền kinh tế số 1 thế giới chao đảo.

Những kết quả tích cực của nền kinh tế Mỹ mà ông Donald Trump thường tự hào nhắc tới trong gần 3 năm đầu tiên cầm quyền đã bị Covid-19 cuốn trôi.

Covid-19 còn đẩy bầu không khí phân biệt sắc màu, chủng tộc và bất bình đẳng lên một mức cao, khiến cho chia rẽ, ngăn cách trong xã hội Mỹ trở nên rất sâu sắc.

Chuyện chưa kể về lần ông Joe Biden lẩy Kiều tặng Tổng Bí thư - 7

Về đối ngoại, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang ở mức căng thẳng nhất kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ cách đây 4 thập niên. Quan hệ với các đồng minh, vấn đề hạt nhân Triều Tiên, hồ sơ Iran, quan hệ với Nga... đều sẽ là những vấn đề mà ông Joe Biden nêu và khi nhậm chức Tổng thống Mỹ phải giải quyết.

Chúng ta đều đã biết những tuyên bố của ôngJoe Biden về việc sẽ củng cố lại mối quan hệ với các đồng minh đã bị ông Trump làm trở nên căng thẳng, thậm chí có nguy cơ rạn nứt; đưa Mỹ trở lại với những tổ chức quốc tế và thỏa thuận đa phương mà Chính quyền Trump đã từ bỏ, trong đó có Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu, rồi Thỏa thuận Hạt nhân Iran của P5+1, rồi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)...

Nói vậy, tôi cũng đoán rằng ông Joe Biden sẽ không như người tiền nhiệm trong việc thay đổi triệt để, dỡ bỏ hết những gì người tiền nhiệm đã từng làm.

Vị chính khách 77 tuổi này, với một nước Mỹ đã khác xa nước Mỹ của cách đây chỉ 4 năm và với một thế giới cũng đã khác xa thế giới của cách đây 4 năm, tất nhiên sẽ không để cái bóng của Chính quyền Trump che lên mình, cũng sẽ không bệ nguyên xi những gì Chính quyền Obama từng làm.

Ông Biden sẽ có Chính quyền Biden, vừa giống và vừa khác với Chính quyền Obama và Chính quyền Trump, cả về đối nội và đối ngoại.

Chuyện chưa kể về lần ông Joe Biden lẩy Kiều tặng Tổng Bí thư - 8

Cụ thể theo ông, thời gian sắp tới, nước Mỹ sẽ giải quyết các vấn đề Iran, Triều Tiên và trong quan hệ với nước lớn Trung Quốc ra sao? Chính sách của Mỹ về vấn đề Biển Đông liệu có sự thay đổi thế nào, thưa ông?

Quan hệ Mỹ – Trung Quốc là một mối quan hệ mà cả thế giới đều quan tâm. Dưới thời Tổng thống Trump, căng thẳng liên tục gia tăng giữa hai nước. Nếu và khi lên làm Tổng thống, ông Biden không thể lập tức hạ nhiệt chứ đừng nói gì tới việc lập tức đảo ngược sự căng thẳng đó. Cần nhớ rằng nguyên nhân cốt lõi của sự căng thẳng đó là lợi ích, và một trong những lợi ích nhiều chiều đó là lợi ích của nước Mỹ.

Đó là chưa kể một thực tiễn là trong thời gian vừa qua, với mục đích tranh thủ lá phiếu của cử tri, lưỡng Đảng Dân chủ và Cộng hòa đều đã có một điểm chung trong cương lĩnh tranh cử là thái độ và chủ trương cứng rắn, mạnh mẽ với Trung Quốc.

Bởi vậy, dù ai làm ông chủ của Nhà Trắng trong bốn năm tới, những căng thẳng còn tồn đọng trong quan hệ giữa hai cường quốc Mỹ - Trung cũng sẽ không thể dễ dàng xuống thang và trở lại bình thường như từ 2016 trở về trước.

Chuyện chưa kể về lần ông Joe Biden lẩy Kiều tặng Tổng Bí thư - 9

Về vấn đề Iran, như tôi vừa nói, ông Joe Biden đã tuyên bố sẽ tái gia nhập Thỏa thuận Hạt nhân Iran của P5+1 mà ông Trump đã rút khỏi trước đó.

Trong quan hệ với Triều Tiên, trong nhiệm kỳ của mình, ông Trump từng có 3 cuộc gặp trực tiếp với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. Tuy nhiên, theo suy nghĩ của cá nhân tôi, việc nước Triều Tiên của ông Kim Jong-un chấp nhận phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có kiểm chứng là tương lai xa.

Nước Triều Tiên đã phải bỏ ra bao nhiêu công sức, tiền bạc, chấp nhận bao nhiêu hi sinh, mất mát, và chịu bao nhiêu trừng phạt của quốc tế, kể cả nhiều Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, chỉ để có được vũ khí hạt nhân làm đòn bẩy và vật mặc cả trong quan hệ đối ngoại.

Nay, phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có kiểm chứng đồng nghĩa với việc từ bỏ cái đòn bẩy và vật mặc cả duy nhất đó. Nếu là một nước bất kỳ nào khác, liệu điều đó có khả thi không? Đây sẽ là “một gánh nặng”, bài toán hóc búa lớn mà ông Biden sẽ phải đau đầu tìm kiếm cách tiếp cận và bước đi tiếp theo phù hợp.

Trong vấn đề Biển Đông, bất cứ Tổng thống của Đảng nào, Cộng hòa hay Dân chủ, cũng đều phải đặt biển Đông trên cơ sở căn bản là lợi ích và vai trò toàn cầu của Mỹ cũng như vị trí của khu vực này trong lợi ích và vai trò đó.

Nhìn vào bản chất, tôi cho rằng chiến lược tái cân bằng của Chính quyền Obama trước kia và Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Tự do và Mở của Chính quyền Trump hiện nay không khác nhau bao nhiêu.

Vì thế, tôi cho rằng chính sách đối với biển Đông của tân lãnh đạo Nhà Trắng sẽ về cơ bản không có sự thay đổi so với trước nay.

Chuyện chưa kể về lần ông Joe Biden lẩy Kiều tặng Tổng Bí thư - 10

Hơn 5 năm trước, ông Joe Biden, khi đó là Phó Tổng thống Mỹ, đã chủ trì buổi tiệc chiêu đãi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm Mỹ lịch sử lần đầu tiên của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam. Là người tham gia phục vụ chuyến thăm đó, ông có thể chia sẻ những ấn tượng, cảm nghĩ của mình về ông Joe Biden?

Nói một câu khái quát, theo cảm nhận của tôi, ông Joe Biden là người có thiện cảm với Việt Nam.

Nói cụ thể hơn, thì trong chuyến thăm tới Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ năm 2015, có rất nhiều điều đặc biệt làm nên tính chất lịch sử của chuyến thăm đó. Ở đây, tôi chỉ xin dẫn hai điều.

Thứ nhất, chỉ trước đó 20 năm, khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao với nhau, hẳn không ai có thể hình dung tại Phòng bầu dục của Nhà Trắng lại có thể diễn ra một cuộc hội đàm cấp Nhà nước giữa Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam và Tổng thống Mỹ.

Tham dự cuộc Hội đàm đó, về phía Mỹ, ngoài Tổng thống Barack Obama còn có Phó Tổng thống Joe Biden, Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice, Bộ trưởng Tài chính Jack Lew và Đại diện Thương mại Michael Froman. Thành phần tham dự như thế này không phải là điều thường xuyên xảy ra trong hội đàm giữa lãnh đạo Mỹ với lãnh đạo nước ngoài. Và chắc chắn đây không phải là điều ngẫu nhiên.

Điều đặc biệt thứ hai, theo kế hoạch, kết thúc hội đàm, chủ trì chiêu đãi sẽ là Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Đến phút chót, chúng ta được thông báo Phó Tổng thống Joe Biden sẽ là chủ trì tiệc.

Tôi cũng chắc chắn rằng sự thay đổi ấy không phải là ngẫu nhiên, và dẫu sự thay đổi ấy làm nhiều người bất ngờ, thì ông Joe Biden chắc chắn không phải là người bất ngờ. Ông ấy là một trong những người đã bàn bạc và đi tới quyết định có ý nghĩa đó.

Chuyện chưa kể về lần ông Joe Biden lẩy Kiều tặng Tổng Bí thư - 11

Quan sát từ bên ngoài, phải nói không khí cuộc trò chuyện giữa Phó Tổng thống Joe Biden và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc chiêu đãi là “tâm đắc và dí dỏm”.

Và, các quan khách có mặt trong buổi tiệc hôm đó, nhất là những người Việt Nam – cả các vị thành viên trong đoàn của Tổng Bí thư và Việt kiều – đều ngạc nhiên một cách hết sức xúc động và thú vị khi nghe ông Joe Biden lẩy hai câu quen thuộc trong truyện Kiều: "Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời" với đầy ngụ ý tốt đẹp về mối quan hệ Việt – Mỹ sẽ phát triển ngày càng tốt đẹp.

Còn nhớ, sau khi chuyến thăm của Tổng Bí thư kết thúc, trong trả lời phỏng vấn của một số báo chí, tôi đã được hỏi về điều này.

Hôm nay, với báo Dân trí, tôi xin được nhắc lại nguyên văn câu trả lời ấy.

Đó là: Tôi không nghĩ ông Biden thuộc truyện Kiều, nhưng việc ông Biden lẩy Kiều trong phát biểu chứng tỏ phía Mỹ có những người tham mưu giỏi, thiện chí và Lãnh đạo Mỹ cũng có ý chí chính trị, thiện chí và tầm nhìn để chấp nhận ý kiến tham mưu đó.

Chuyện chưa kể về lần ông Joe Biden lẩy Kiều tặng Tổng Bí thư - 12

Theo ông, quan hệ Việt - Mỹ sẽ thay đổi, phát triển ra sao dưới thời tân Tổng thống? Ông có kỳ vọng gì vào điểm đột phá nào trong chặng đường tiếp theo?

Kể từ khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, quan hệ hai nước liên tục phát triển theo hướng đi lên. Tôi tin tưởng đó là sẽ tiếp tục là một chiều hướng không đổi dù Tổng thống tới đây là Cộng hòa hay Dân chủ.

Về chính trị-ngoại giao, quan hệ song phương Việt – Mỹ đã được đánh dấu bằng nhiều cột mốc quan trọng, mà đỉnh cao là các chuyến thăm thường xuyên giữa Lãnh đạo cấp cao của hai nước.

Chuyện chưa kể về lần ông Joe Biden lẩy Kiều tặng Tổng Bí thư - 13

Các bản tuyên bố mà hai nước thống nhất đưa ra trong các chuyến thăm cấp cao đó đều khẳng định hai bên cam kết “tôn trọng hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế; tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau”. Đây là nền tảng quan trọng nhất để quan hệ giữa hai nước có nhiều tiến triển vượt bậc trên hầu như tất cả các lĩnh vực trong thời gian qua cũng như tới đây.

Về kinh tế-thương mại, với tư cách một trong 9 trụ cột của quan hệ đối tác toàn diện Việt – Mỹ, trong nhiều năm qua, Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, còn Việt Nam cũng là một trong những thị trường xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng cao nhất của Mỹ.

Hợp tác trong vấn đề môi trường, y tế, giáo dục-đào tạo, văn hóa, du lịch và an ninh-quốc phòng giữa hai nước, kể cả trong lĩnh vực an ninh hàng hải, đã phát triển mạnh mẽ trong những năm  qua.

Ngay cả hợp tác trong một lĩnh vực thường là không dễ dàng trong quan hệ giữa các nước thời kỳ hậu chiến tranh và tưởng chừng như rất khó khăn, nhạy cảm trong quan hệ Việt – Mỹ là khắc phục những hậu quả rất nặng nề do chiến tranh để lại, thì cả Việt Nam và Mỹ cũng đã hợp tác với nhau rất tốt.

Và xin nói thêm, hợp tác Việt – Mỹ trong chiến đấu chống đại dịch Covid-19 những tháng qua cũng thật đặc biệt! Chẳng vậy mà bà Hillarry Clinton đã từng đánh giá: Quan hệ Việt Nam – Mỹ là điển hình, là tấm gương cho thế giới về quan hệ giữa hai cựu thù trở thành hai nước bạn bè và đối tác của nhau.

Chuyện chưa kể về lần ông Joe Biden lẩy Kiều tặng Tổng Bí thư - 14

Với cuộc bầu cử ở Mỹ hiện nay, với Đại hội Đảng lần thứ 13 của Đảng ta tới đây, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đều đã có nhiều chuyển biến mau lẹ, phức tạp và khó lường như Đảng ta đã chỉ ra, tôi tin rằng chúng ta đều mong muốn quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Mỹ sẽ tiếp tục phát triển, và sẽ có những đột phá trong thời gian tới.

Tôi trông chờ và tin rằng Chính quyền của tân Tổng thống Mỹ sẽ tiếp tục chiều hướng phát triển tốt đẹp trên nền tảng mà Nhà nước và nhân dân hai nước đã xây dựng, vun đắp trong những năm qua, và những người lãnh đạo của hai nước sẽ có những quyết định cần thiết và đúng lúc để mối quan hệ đó tiếp tục đem lại lợi ích cho nhân dân hai nước cũng như cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung.