Chiến thuật và thế trận: Cuộc tranh cãi nảy lửa giữa Ukraine và phương Tây
(Dân trí) - Những chia rẽ về chiến thuật phản công đang ngày càng khoét sâu bất đồng giữa Ukraine và phương Tây khi Kiev không còn nhiều thời gian cho cuộc phản công.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba vốn là một nhà ngoại giao khéo léo và niềm nở. Ông chưa từng bối rối trước những câu hỏi hóc búa nhất. Nhưng vào ngày 31/8, ông dường như mất đi sự kiên nhẫn vốn có của mình.
Ông nói với các phóng viên: "Việc chỉ trích tốc độ phản công chậm chạp không khác nào sỉ nhục người lính Ukraine, những người đang hy sinh mạng sống của mình mỗi ngày. Tôi đề nghị tất cả những người chỉ trích hãy im miệng, đến Ukraine và thử tự mình giành giật một centimet vuông".
Cảm xúc bùng nổ đó xuất hiện khi báo chí Mỹ nhiều tuần liền liên tục nói về cuộc phản công của Ukraine, trong đó các quan chức giấu tên bày tỏ quan ngại về tiến độ chậm chạp của Kiev trên chiến trường và đặt câu hỏi về chiến thuật quân sự của nước này. Liệu cách tiếp cận của Ukraine có thực sự hiệu quả?
Giới chức phương Tây cho rằng Ukraine không đạt được đột phá nào vì dàn lực lượng quá mỏng dọc tuyến phòng thủ dài gần 1.000km của Nga. Ukraine tập trung cả lực lượng cho mặt trận Bakhmut ở miền Đông, thay vì chỉ tập trung ở miền Nam, nơi là trọng tâm chính của cuộc phản công và Kiev cần đạt đột phá.
Ukraine đã từ bỏ một số kế hoạch tấn công trực diện quy mô lớn mà phương Tây đã huấn luyện cho lực lượng của họ khi không thể đạt được bước đột phá mang tính quyết định nào và một phần trang thiết bị của phương Tây không hiệu quả trong việc chọc thủng phòng tuyến của Nga.
"TRỐNG ĐÁNH XUÔI, KÈN THỔI NGƯỢC"
Việc các nước đồng minh phương Tây tranh luận về chiến lược của Kiev không phải quá bất thường.
Giới chức Mỹ và Anh đã hợp tác chặt chẽ với Ukraine trong những tháng trước khi nước này tiến hành cuộc phản công vào tháng 6.
Họ cung cấp thông tin tình báo, đưa ra lời khuyên, tiến hành các cuộc chiến thử nghiệm để mô phỏng những cách thức Nga có thể sử dụng để tấn công, đồng thời giúp thiết kế và huấn luyện các lữ đoàn sử dụng thành thạo thiết bị của phương Tây.
Mặc dù vậy, Ukraine vẫn giữ nguyên ý kiến riêng của mình. Họ trì hoãn thời điểm bắt đầu cuộc phản công và giữ chặt các kế hoạch cho riêng mình.
Một điểm gây tranh cãi lớn là quyết định của Ukraine trong nửa đầu năm nay khi tiếp tục chiến đấu để giành lại Bakhmut, một thành phố ở vùng phía đông Donbass có tầm quan trọng chiến lược hạn chế nhưng đã trở thành biểu tượng của sức kháng cự.
Chuyên gia Konrad Muzyka tại Rochan Consulting, công ty theo dõi tình hình chiến sự ở Ukraine, lập luận rằng quyết định bảo vệ thành phố Bakhmut bằng mọi giá của Ukraine đã ảnh hưởng lớn đến cuộc phản công sau đó. Ukraine đã sử dụng cạn kiệt kho đạn pháo trong cuộc chiến này, trong khi Nga có thời gian xây dựng hệ thống phòng thủ kiên cố ở miền Nam hay còn gọi là phòng tuyến Surovikin.
Những cuộc tranh luận vẫn tiếp diễn ngay cả sau khi cuộc phản công bắt đầu. Giới chức Mỹ khuyến khích Ukraine tập trung lực lượng vào trục tấn công chính ở phía nam, hướng tới Biển Azov.
Thay vào đó, Ukraine chia nhỏ lực lượng với mục đích dàn quân Nga ra một mặt trận dài hơn. Các lữ đoàn giàu kinh nghiệm nhất, hầu hết được trang bị vũ khí cũ, được giữ lại Bakhmut, nơi họ chỉ đạt những bước tiến khiêm tốn ở hai bên sườn.
Tuy nhiên, lực lượng này nhận được phần lớn đạn dược, nhiều hơn mức cần thiết ngay cả khi kho đạn dược của Kiev đang cạn kiệt.
Ngược lại, Ukraine triển khai các lữ đoàn ít kinh nghiệm hơn ở trục phía nam quan trọng hơn, với trang bị vũ khí mới hơn. Họ nhanh chóng sa lầy bởi mạng lưới bãi mìn dày đặc được yểm trợ bởi pháo binh, máy bay không người lái và trực thăng của Nga.
Những viên chỉ huy chưa được đào tạo kỹ lưỡng đã mắc một loạt sai lầm như lao vào bãi mìn và tấn công sai thời điểm.
Michael Kofman và Rob Lee, hai chuyên gia về lực lượng vũ trang Nga, viết trên tạp chí War on the Rocks rằng: "Nếu những lữ đoàn có kinh nghiệm hơn của Ukraine được cung cấp thiết bị mới, họ có lẽ đã không mắc nhiều sai lầm như các lữ đoàn mới".
Một số ý kiến đổ lỗi cho những người đã giúp Ukraine lập kế hoạch phản công, khiến Kiev có bước đi sai lầm ngay từ ban đầu.
Trong một bài báo gần đây, Jack Watling và Nick Reynolds tại Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) lập luận, cuộc phản công của Kiev một phần dựa vào những giả định lỗi thời khi không tính đến mối đe dọa từ các thiết bị cảm biến mới và máy bay không người lái.
Họ kết luận: "Phần lớn dữ liệu mà đồng minh quốc tế của Kiev sử dụng để thiết kế chiến thuật và huấn luyện cho quân đội Ukraine đều dựa trên phân tích từ thế kỷ XX và không đề cập đến một loạt công nghệ được sử dụng ở Ukraine hiện nay".
Ngoài ra, các công sự của Nga cũng vững chắc hơn nhiều so với những gì các nhà hoạch định phương Tây nghĩ.
Dù lỗi nằm ở đâu thì rõ ràng là sự cố đã xảy ra. Ông Muzyka lưu ý: "Có vẻ như Kiev không có kế hoạch dự phòng nào để có thể nhanh chóng triển khai trong trường hợp cuộc phản công bị đình trệ".
Cuối cùng, các chỉ huy Ukraine quyết định giữ lại thiết giáp hạng nặng của họ và chuyển sang cách tiếp cận đơn giản hơn. Các nhóm đặc công giờ đây đang phải rà phá mìn bằng tay.
Thay vì triển khai lữ đoàn, Ukraine sử dụng các trung đội và đại đội với mục tiêu chiến đấu để giành lấy từng hàng cây và đi bộ tiến công.
Điều này giúp hạn chế tổn thất về người và thiết bị, nhưng chỉ cho phép lực lượng của Kiev cứ 5 ngày tiến được 700-1.200m, RUSI cho hay. Tuy nhiên, kiểu tiến công này cho quân đội Nga có thời gian để thiết lập lại hệ thống phòng thủ của họ.
LỐI ĐÁNH PHƯƠNG TÂY KHÔNG PHÙ HỢP VỚI UKRAINE
Điều đó dẫn đến hai luồng tranh luận. Một là, liệu các chỉ huy Ukraine có đang quá sợ rủi ro hay không.
Một số quan chức phương Tây lập luận, nếu Ukraine tiếp tục các cuộc tấn công táo bạo và quy mô lớn như kế hoạch, ban đầu họ sẽ phải chịu thương vong cao hơn nhưng mọi chuyện sẽ suôn sẻ hơn khi chọc thủng được phòng tuyến của Nga, rút ngắn thời gian của cuộc phản công và giảm tổng thiệt hại.
Tuy nhiên, các quan chức Ukraine phản pháo rằng điều này sẽ chỉ dẫn đến đổ máu nhiều hơn và họ không thể mong đợi một đội quân đang suy kiệt nghiêm trọng có thể bắt chước phương thức tấn công.
Vitaliy Kryukov, một chỉ huy vũ khí của nhóm Adam Tactical Group tinh nhuệ, từng nói với Business Insider rằng Ukraine phải chọn chiến thuật giúp cứu được càng nhiều binh sĩ của mình càng tốt.
"Tôi nghĩ đối với quân đội Ukraine, không có lựa chọn nào khác ngoài việc đảm bảo chắc chắn rằng tổn thất của họ không quá nghiêm trọng ngay cả khi có chiến dịch tấn công", viên chỉ huy này nói.
Cuộc tranh luận thứ hai là liệu Ukraine có nên áp dụng chiến thuật tác chiến của phương Tây hay tự đi theo con đường riêng của mình. Các lực lượng vũ trang phương Tây đề cao chiến thuật cơ động phối hợp vũ khí, trong đó lực lượng thiết giáp đồng bộ hóa di chuyển với bộ binh, pháo binh, phòng không và có sự hỗ trợ của các cuộc tấn công điện tử, tấn công mạng.
Năm tuần huấn luyện ở Đức của quân đội Ukraine trước cuộc phản công gần như không đủ để họ thành thạo chiến thuật này.
Một quan chức Mỹ cho rằng: "Người Ukraine vẫn bị ràng buộc với học thuyết của Liên Xô. Sẽ mất thời gian để họ suy nghĩ và thay đổi chiến thuật".
Thay vì tấn công một cách thận trọng và chính xác, Ukraine lại triển khai các cuộc tấn công bằng pháo hạng nặng, và đó là một trong những nguyên nhân gây căng thẳng, đặc biệt khi Mỹ đang đóng vai trò dẫn đầu trong việc cung cấp đạn dược cho Ukraine.
B.A. Friedman, một sĩ quan pháo binh đã nghỉ hưu thuộc Thủy quân lục chiến Mỹ và là tác giả một cuốn sách về chiến thuật quân sự, nhận định trên thực tế, cách tiếp cận của Ukraine hiện nay phù hợp với mục đích của họ.
Vào mùa xuân năm 1918, sau nhiều năm bế tắc ở mặt trận phía Tây của Thế chiến thứ I, quân đội Đức nhận ra rằng các đơn vị lớn rất dễ bị pháo binh tấn công. Giải pháp của họ là thành lập những đội xung kích nhỏ hơn, nhanh nhẹn hơn và được huấn luyện tốt hơn.
Họ sẽ là những người có thể vượt qua phòng tuyến của đối phương và giành lấy lãnh thổ, còn các đơn vị có thiết giáp nặng hơn sẽ tiến lên sau.
Ông Friedman nói: "Vì Ukraine không có khả năng sử dụng sức mạnh không quân ở bất kỳ quy mô phù hợp nào, nên trước khi sức mạnh không quân của họ phát triển, việc giải quyết cuộc chiến theo cách hiện nay là hoàn toàn hợp lý".
Nhiều sĩ quan châu Âu thậm chí thừa nhận rằng đội quân được huấn luyện và trang bị tốt hơn của họ cũng sẽ gặp khó khăn trong việc phá vỡ phòng tuyến Surovikin.
Theo ông Friedman, các quan chức Mỹ không có đủ kinh nghiệm để đưa ra lời khuyên cho Ukraine về chiến thuật tốt nhất cho cuộc xung đột hiện tại. Phần lớn kinh nghiệm chiến đấu gần đây của họ là ở các khu vực miền núi hoặc sa mạc, nơi các đơn vị nhỏ không thể tận dụng chỗ ẩn nấp để tiến lên theo cách này.
Ông chỉ ra rằng hai trung tâm huấn luyện chính cho lực lượng mặt đất của Mỹ, một tại Fort Irwin và một của thủy quân lục chiến tại Twentynine Palms, đều nằm trong môi trường sa mạc ở California.
"Lực lượng của chúng tôi có rất ít kinh nghiệm đối mặt với bất cứ điều gì giống như những gì Ukraine đang phải đối mặt, dù là trong chiến đấu hay huấn luyện".
Vấn đề là Ukraine cũng vậy. Ông Watling và Reynolds lập luận, việc tiêu hao nhiều sĩ quan và tốc độ tiến công chậm chạp của quân đội Ukraine trong 18 tháng qua cho thấy nước này đang thiếu lãnh đạo cấp dưới có chuyên môn về các hoạt động tấn công.
Kết quả là việc đưa ra quyết định được chuyển lên cho sĩ quan cấp cao hơn, khiến các sở chỉ huy lữ đoàn càng thêm quá tải. Họ lấy ví dụ về cuộc tấn công của Ukraine vào làng Rivnopil, tỉnh Donetsk hồi mùa hè.
Quân đội Ukraine có nhiệm vụ nhả khói để che đậy hành tung của họ và khiến đối phương bối rối. Tuy nhiên, chỉ 3% lực lượng pháo binh của Ukraine có khói, một phần vì các chỉ huy cấp cao không muốn tầm nhìn của họ về trận chiến thông qua máy bay không người lái bị che khuất.
Bài học ở đây là Ukraine cần có thêm nhiều sĩ quan cấp dưới đủ tin cậy để có thể chủ động quyết định ngay cả khi cấp trên của họ không thể quan sát từ xa.
Chất lượng huấn luyện cũng rất quan trọng. Ông Watling và Reynolds cho rằng các cơ sở đào tạo của phương Tây đang bị ảnh hưởng bởi "văn hóa an toàn ở NATO".
Máy bay không người lái là trọng tâm trong chiến thuật của Ukraine, cho phép các đơn vị pháo binh phát hiện mục tiêu và bộ binh thực hiện trinh sát. Tuy nhiên, hầu hết các khu vực huấn luyện của NATO đều áp đặt những hạn chế chặt chẽ về thời gian và cách thức hoạt động của máy bay không người lái vì sợ chúng sẽ đi chệch hướng.
Để đảm bảo an toàn, các kỹ năng pháo binh thường được dạy ở phần sau của các khóa huấn luyện. Tuy vậy, ở Ukraine, "những đội quân không sẵn sàng để đối phó với pháo binh sẽ được xem là không sẵn sàng cho cuộc chiến", các nhà phân tích của RUSI viết. Các quy định về an toàn và sức khỏe của châu Âu rõ ràng không phù hợp cho một cuộc chiến sinh tồn quốc gia.
Hầu hết những vấn đề này sẽ không thể giải quyết trong cuộc phản công hiện nay. Ukraine cuối cùng sẽ phải tái triển khai các lực lượng cơ giới và thiết giáp nếu muốn đạt được bất kỳ bước đột phá nào. Điều đó có thể trở nên dễ dàng hơn, bởi các bãi mìn phía sau tuyến phòng thủ đầu tiên đã bớt dày đặc hơn.
Ukraine được cho là có đủ đạn dược để chiến đấu suốt mùa thu năm nay. Nhưng hôm 10/9, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley nhận định Ukraine có lẽ chỉ còn 30-45 ngày chiến đấu trước khi mưa và bùn lầy gây khó khăn cho các phương tiện di chuyển.
Trong những tuần gần đây, Ukraine đã đạt được tiến bộ nhanh hơn ở phía nam khi chọc thủng tuyến phòng thủ đầu tiên trong số 3 tuyến phòng thủ của Nga ở Zaporizhia xung quanh làng Robotyne. Họ đồng thời khoét rộng lỗ thủng này bằng cách tiến về phía đông tới Verbove và sau đó tấn công về phía làng Novoprokopivka.
Vào ngày 13/9, Ukraine đã tấn công bằng tên lửa vào một xưởng đóng và sửa chữa tàu của Hạm đội Biển Đen Nga ở Sevastopol, bán đảo Crimea. Vụ tấn công khiến 2 tàu chiến của Nga đang sửa chữa ở đây bốc cháy. Nga sau đó đã phải triển khai lực lượng dự bị từ sư đoàn tấn công đường không số 76 của mình.
Theo giới chuyên gia, bất chấp những tổn thất gần đây, Nga có thể vẫn có đủ nguồn dự trữ để vá tuyến phòng thủ.
"Trừ khi phòng tuyến Nga sụp đổ, còn không những trận chiến mà chúng ta đã thấy trong 4 tháng qua là những trận chiến mà chúng ta có thể sẽ tiếp tục chứng kiến trong vài tháng tới", ông Muzyka dự đoán.
Cũng theo ông, để đẩy nhanh tiến độ phản công, Ukraine phải triển khai đội hình lớn hơn, nhưng điều này dường như vượt quá khả năng của Kiev. Không ít quan chức phương Tây tỏ ra hoài nghi về việc Ukraine sẽ đạt được một bước đột phá lớn trước mùa đông. Một trong số họ nói: "Đây có thể là một cuộc chiến rất lâu dài".
Theo WSJ, Economist, Reuters