(Dân trí) - Vụ không kích giết chết tướng Qassem Soleimani là đỉnh điểm trong các mâu thuẫn âm ỉ giữa Mỹ và Iran kéo dài suốt 40 năm qua, kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979 và vụ bắt giữ con tin tại đại sứ quán Mỹ kéo dài 444 ngày ở Tehran sau đó.
Trong hơn 40 năm qua, Iran chưa từng đứng ngoài những tin tức nóng nhất của thế giới. Kể từ khi cuộc Cách mạng Hồi giáo kết thúc năm 1979, phương Tây luôn theo dõi chặt chẽ mọi động thái của quốc gia vốn có vai trò quan trọng này ở trung tâm của châu Á.
Cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran 1979 đã tạo ra các vết nứt lớn về ngoại giao kéo dài cho tới tận ngày nay, khiến Iran và Mỹ đứng về hai phía đối lập.
Từng là đồng minh thân thiết
Iran từng là một trong những đồng minh thân thiết nhất của Mỹ trong khu vực trước năm 1979. Nhưng các mâu thuẫn cũng phát sinh từ sự thân thiết này. Nhiều người Iran đã lo ngại về các nỗ lực của nước ngoài nhằm thao túng các nhà lãnh đạo trước Cách mạng Hồi giáo, trong đó có Vua Shah.
Trong Thế chiến II, Mỹ đã tham gia vào một nỗ lực của Anh và Liên Xô nhằm duy trì nguồn dầu mỏ vận chuyển từ Iran tới Khối đồng minh. Washington vẫn duy trì quan hệ thân thiết với các nhà lãnh đạo Iran trong Chiến tranh Lạnh do lo ngại về các tham vọng của Liên Xô trong khu vực.
Vào năm 1953, lo ngại về sự lớn mạnh của Chủ nghĩa Cộng sản và những hạn chế đối với việc vận chuyển dầu, Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã cùng cơ quan tình báo MI6 của Anh dàn dựng một cuộc đảo chính nhằm lật đổ Thủ tướng Mohammad Mosaddegh vì sợ rằng ông này sẽ đưa Iran vào phe của Liên Xô nếu tiếp tục nắm quyền. Ông Mosaddegh vốn được nhiều người Iran xem là người hùng vì chống lại sự can thiệp của nước ngoài.
Đó là một thời kỳ mà Mỹ và các quốc gia phương Tây lo sợ về các nguy cơ gây ra do sự lớn mạnh của Chủ nghĩa Cộng sản và sự mở rộng của Liên bang Xô Viết.
Cách mạng Hồi giáo 1979
Trong những năm sau cuộc đảo chính, Mỹ vẫn quan tâm đặc biệt tới Iran nhằm chống lại các tham vọng của Liên Xô và đã cung cấp viện trợ và thậm chí là huấn luyện cho lực lượng cảnh sát bí mật của Vua Shah - Savak. Điều đó khiến nhiều người Iran ngày càng tin rằng Vua Shad chỉ là bù nhìn của Mỹ và đất nước của họ bị CIA chi phối.
Trong số những người giận giữ với mối quan hệ giữa Vua Shah và Mỹ là một nhà lãnh đạo tôn giáo có tên là Ayatollah Ruhollah Khomeini, người đã bị buộc phải sống lưu vong do các quan điểm chống đối chính phủ và sau này lập nên Cộng hòa Hồi giáo Iran. Trong những năm 1970, một loạt các hành động của Vua Shah và những biến động về kinh tế trên thế giới đã khiến sự trị vì của ông ngày càng không được dân chúng ủng hộ.
Người dân ngày càng bất mãn về sự trị vì kéo dài nhiều năm của Vua Shah. Trong bầu không khí ngày càng căng thẳng đó, vai trò của Savak, được cho là cũng có sự ủng hộ của Israel để thành lập, ngày càng trở thành tâm điểm chú ý.
Trong khi đó, dù sống lưu vong ở Iraq và sau đó là Paris, ông Khomeini đã ngày càng trở thành một nhân vật nhiều ảnh hưởng bằng cách đưa ra các kế hoạch nhằm lật đổ Vua Shah và lãnh đạo Iran bằng học thuyết Hồi giáo. Mặc dù nhiều tư tưởng của ông Khomeini đã được viết trong các cuốn sách, các bài giảng của ông cũng được thu âm vào băng cassette và bán nhiều tại các chợ cho người Iran, giúp hệ tư tưởng của ông được quảng bá rộng rãi.
Vào năm 1978, sự giận dữ đối với Vua Shah đã biến thành các cuộc biểu tình, khi nhiều người ủng hộ nhà lãnh đạo đối lập Khomeini xuống đường. Họ đã vấp phải sự phản kháng quyết liệt và cái chết của những người biểu tình khi đó đã “đổ thêm dầu vào lửa”.Vào tháng 1/1979, khi tình hình an ninh ngày càng xấu đi, Vua Shad đã buộc phải chuyển giao quyền lực cho một thủ tướng mới và cùng gia đình chạy tới Ai Cập sống lưu vong.
Nhận thấy thời cơ đến, ông Khomeini đã từ Paris trở về Iran và gặp gỡ hàng triệu người ủng hộ. Triều đại Shah đã nhanh chóng sụp đổ vào tháng 2/1979 và không lâu sau đó ông Khomeini tuyên bố thành lập Cộng hòa Hồi giáo.
Mỹ từng hi vọng về mối quan hệ tốt với chính phủ Hồi giáo mới thành lập. Các tài liệu tối mật được giải mật gần đây cho thấy đã có những liên lạc đáng kể giữa các nhà ngoại giao Mỹ và nhóm của ông Khomeini, và cả chính ông, trước khi ông kết thúc cuộc sống lưu vong để trở về Tehran.
Nhưng chính quyền của Tổng thống Mỹ Jimmy Carter, vốn cho phép Vua Shah nhập cảnh để điều trị ung ung, đã bắt đầu nhận ra có nhiều vấn đề phía trước.
Đại sứ quán Mỹ tại Tehran đã bị tấn công vào ngày 14/2. Đến tháng 11 cùng năm, một nhóm những người biểu tình Iran tự xưng là sinh viên đã xông vào đại sứ quán và bắt giữ 66 người làm con tin. Một trong số các lãnh đạo của cuộc biểu tình khi đó đã đọc to một tuyên bố rằng: “Chúng tôi, các sinh viên Hồi giáo, những người ủng hộ ông Khomeini, chiếm đại sứ quán để bày tỏ sự phản đối… Chúng tôi phản đối Mỹ cho phép tị nạn và chiêu mộ kẻ phạm tội Shah trong khi ông ta bị vấy máu của hàng chục nghìn phụ nữ và trẻ em tại nước này”.
Vụ chiếm đại sứ quán Mỹ được cho là đã được ông Khomeini ủng hộ, khiến Tổng thống Mỹ Jimmy Carter gia tăng áp lên chính quyền mới nhằm đóng băng các tài sản của Iran. Đáp lại, ông Khomeini đã gửi thông điệp tới những người ủng hộ: “Đừng quên rằng Mỹ là kẻ thù lớn nhất của các bạn. Đừng quên hô lớn: Mỹ phải chết”.
Giữa lúc khí thế của cuộc cách mạng Hồi giáo đang hừng hực, Iran không mong muốn đàm phán để chấm dứt cuộc khủng hoảng. Các nhà ngoại Mỹ đã bị bắt giữ làm con tin trong 444 ngày và họ chỉ được phóng thích vào tháng 1/1981, đúng ngày Tổng thống Mỹ Ronald Reagan nhậm chức. Một sứ mệnh giải cứu thất bại trong thời gian đó cũng khiến 8 quân nhân thiệt mạng.
Sáu người Mỹ khác thoát khỏi đại sứ quán đã được đưa khỏi Iran nhờ một nhóm đóng giả làm các nhà làm phim. Vụ việc đã được tái hiện trong bộ phim Argo giành giải Oscar năm 2012.
Mỹ đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran vào năm 1980 và chưa bao giờ nối lại quan hệ.
Máy bay thương mại Iran bị bắn hạ
Trong khi các nhà ngoại giao Mỹ vẫn đang bị bắt giữ làm con tin tại Tehran, vào tháng 9/1980, các lực lượng Iraq đã tấn công Iran với lý do Tehran không tuân thủ một thỏa thuận biên giới. Vào năm 1982, Iran đã đáp trả để lấy lại phần lãnh thổ mà Iraq giành trước đó và tiến sát thành phố Basra của Iraq.
Lo ngại rằng Iran có thể đánh bại Iraq và kiểm soát các đồng minh giàu dầu mỏ khác ở Trung Đông, Mỹ đã bắt đầu hỗ trợ chính quyền của cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein và dàn xếp các vũ khí không do Mỹ chế tạo được nhập khẩu vào Iraq.
Khi cuộc Cách mạng Iran bắt đầu nổ ra, Mỹ đã ngừng vận chuyển một lô vũ khí mà chế độ của Vua Shah từng trả tiền trước đó, khiến những người kế nhiệm ông càng giận dữ.
Vào năm 1983, hai vụ tấn công riêng rẽ nhằm vào đại sứ quán Mỹ và một khu trại của lực lượng gìn giữ hòa bình thuộc Thủy quân lục chiến Mỹ tại Beirut (Li Băng) đã khiến tổng cộng 362 người thiệt mạng, và một vụ tấn công khác nhằm vào một căn cứ Pháp làm 58 thiệt mạng. Một nhóm Hồi giáo Shite có tên gọi là Tổ chức Thánh chiến Hồi giáo đã nhận trách nhiệm về các vụ tấn công này, nhưng một số người cáo buộc Iran là chủ mưu.
Vào năm 1988, sau khi Mỹ đưa hải quân tới đồn trú tại vịnh Péc-xích để bảo vệ tuyến đường biển khỏi chiến tranh Iraq-Iraq đang diễn ra, một máy bay thương mại của hãng hàng không Iran Air đã bị tên lửa đất đối không từ tàu chiến Mỹ USS Vincennes bắn trúng bên trên lãnh hải Iran tại eo biển Hormuz. Toàn bộ 290 người trên khoang, phần lớn là những người hành hương Iran đang trên đường tới thánh địa Mecca, đã thiệt mạng.
Mỹ sau đó nói rằng tàu hải quân Mỹ đã tưởng nhầm chiếc Airbus A300 là một máy bay chiến đấu, nhưng chưa từng xin lỗi. Iran cáo buộc Mỹ hành động bừa bãi.
Cùng năm đó, chuyến bay mang số hiệu 103 của hãng hàng không Pan Am từ London (Anh) đi Mỹ đã bị đặt chất nổ và nổ tung trên bầu trời Lockerbie, Scotland, khiến 270 người thiệt mạng, trong đó có 11 người trên mặt đất. Giới chức Mỹ nghi ngờ Iran đứng sau vụ việc này.
Bất chấp việc mối quan hệ giữa hai bên trở nên tồi tệ, đã có những lời điểm hai nước dường như có thể hợp tác, dù trong các trường hợp gây tranh cãi.
Các bằng chứng xuất hiện năm 1986 cho thấy một nhóm trong chính quyền Iran đã cố gắng sắp xếp để vận chuyển các bộ phận vũ khí thay thế cho Iran, bất chấp một lệnh cấm vận vũ khí do Mỹ tài trợ, để đổi lấy sự trợ giúp của Iran trong việc giải thoát các con tin Mỹ bị bắt giữ tại Li Băng.
Các cáo buộc khủng bố
Mỹ đã liệt Iran vào danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố vào năm 1984, ban đầu là vì sự ủng hộ của nước này đối với nhóm Hezbollah và các nhóm vũ trang khác, và sau đó là ủng hộ Hamas. Washington đã liệt cả Hezbollah và Hamas là những tổ chức khủng bố.
Kể từ đó, cùng với việc gia tăng ủng hộ Israel, Mỹ cũng cáo buộc Iran tiếp tục hỗ trợ Hezbollah và Hamas để tấn công các mục tiêu của Israel.
Iran đã đáp trả bằng việc bác bỏ sự liên quan trong các âm mưu tấn công, và các buộc các quốc gia phương Tây, trong đó có Mỹ, hỗ trợ các nhóm hoặc những nhân vật mà họ xem là khủng bố, trong đó có ông Saddam Hussein.
Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã đi xa hơn người tiền nhiệm Ronald Reagan khi gọi Iran là “một quốc gia khủng bố”. Sau đó, cựu Tổng thống George W. Bush liệt Iran là một phần của “trục ma quỷ”, ám chỉ các quốc gia không chỉ tài trợ khủng bố mà còn tìm cách sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Nỗi lo sợ hạt nhân và các lệnh trừng phạt
Vào năm 2002, một nhóm đối lập Iran tiết lộ rằng nước này đang phát triển các cơ sở hạt nhân, trong đó có một nhà máy làm giàu uranium.
Mỹ cáo buộc Iran phát triển một chương trình vũ khí hạt nhân bí mật, điều mà Tehran bác bỏ. Một thập niên thúc đẩy các hoạt động ngoại giao giữa Iran và cơ quan hạt nhân thanh sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc đã diễn ra sau đó. Nhưng Liên hợp Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu đã áp đặt vài vòng các biện pháp cấm vận nhằm vào chính quyền của cựu Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad. Điều này khiến đồng tiền Iran mất giá trị 2/3 chỉ trong 2 năm.
Vào tháng 9/2013, một tháng sau khi Tổng thống mới, ôn hòa của Iran là ông Hassan Rouhani nhậm chức, ông và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc điện đàm - cuộc trò chuyện cấp cao đầu tiên như vậy trong hơn 30 năm.
Vào năm 2015, sau một loạt các hoạt động ngoại giao con thoi, Iran đã nhất trí một thỏa thuận lâu dài về chương trình hạt nhân của nước này với một nhóm các cường quốc thế giới được gọi là P5+1, gồm Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Đức.
Theo thỏa thuận, Iran đã nhất trí hạn chế các hoạt động hạt nhân nhạy cảm và cho phép các thanh sát viên quốc tế tiếp cận để đổi lấy việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế.
Thời thế thay đổi
Người kế nhiệm ông Obama là Tổng thống Donald Trump không mấy thiện cảm với Iran. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Trump đã nhiều lần chỉ trích thỏa thuận hạt nhân Iran, cáo buộc rằng thỏa thuận này không ngăn được Tehran sở hữu bom hạt nhân.
Vào tháng 5/2018, ông Trump đã đưa Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân trên, trước khi tái áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế với Iran và cảnh báo sẽ làm tương tự đối với các quốc gia và công ty mua dầu của nước này. Nền kinh tế Iran đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Quan hệ giữa hai bên càng xấu đi khi vào tháng 5/2019, Mỹ thắt các lệnh trừng phạt nhằm vào ngành xuất khẩu dầu mỏ của Iran. Đáp trả, Tehran cũng bắt đầu một chiến dịch nhằm chống lại sức ép của Mỹ.
Vào tháng 5 và 6/2019, các vụ nổ đã xảy ra đối với 6 tàu chở dầu tại vịnh Oman, mà Mỹ cáo buộc Iran là thủ phạm.
Ngày 20/6, các lực lượng Iran đã bắn rơi một máy bay không người lái của quân đội Mỹ trên eo biển Hormuz. Mỹ nói máy bay ở trên vùng biển quốc tế, nhưng Iran khẳng định nó xâm phạm không phận nước này.
Iran bắt đầu rút khỏi các cam kết hạt nhân chủ chốt theo thỏa thuận hạt nhân vào tháng 7/2019.
Vụ ám sát tướng Soleimani
Vào ngày 3/1, tướng Qassem Soleimani, chỉ huy lực lượng Quds thuộc Vệ binh Cách mạng - một đơn vị tinh nhuệ chuyên hoạt động ở nước ngoài - đã bị sát hại trong một vụ tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ cạnh sân bay Baghdad, Iraq. Ông này thiệt mạng cùng vài quan chức cấp cao khác từ một nhóm dân quân của Iraq được Iran hậu thuẫn. Iran đã thề sẽ trả đũa cho cái chết của ông và rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015.
Một cuộc thăm dò của BBC vào năm 2013 cho thấy 87% người Mỹ có ác cảm với Iran. Trong khi đó, một cuộc thăm dò năm 2018 do nhóm People Analytics của Canada thực hiện cho thấy 81% người Iran có quan điểm tiêu cực về Mỹ.
An Bình
Theo BBC, Sky, Wikipedia