Bà Harris và cơ hội trở thành nữ tổng thống Mỹ da màu đầu tiên
(Dân trí) - Bầu cử tổng thống Mỹ 2024 đang đi đến hồi kết, ứng viên Dân chủ, Phó Tổng thống Kamala Harris, đang đứng trước cơ hội trở thành nữ tổng thống đầu tiên của nước Mỹ dù cuộc đua rất sít sao.
Bà Kamala Harris sinh năm 1964 trong một gia đình trí thức di cư ở Oakland, California. Mẹ bà là nhà nghiên cứu người Ấn Độ, và bố bà là giáo sư kinh tế đến từ Jamaica. Họ đều hoạt động trong phong trào dân quyền những năm 1960.
Trước khi chuyển về Mỹ theo đuổi chuyên ngành khoa học chính trị và kinh tế tại Washington, bà đã học tập ở Canada. Bà về quê nhà California học luật vào năm 1986.
Năm 1990, bà Harris bắt đầu sự nghiệp với tư cách là công tố viên quận. Năm 2011 bà trở thành tổng chưởng lý của bang California. Bà là phụ nữ da màu và người Mỹ gốc Nam Á đầu tiên giữ chức vụ này.
Năm 2017, bà trở thành người phụ nữ da màu thứ hai làm việc tại Thượng viện. Năm 2019, bà phát động chiến dịch tranh cử ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ.
Năm 2021, bà Harris một lần nữa làm nên lịch sử khi là phụ nữ da màu và gốc Ấn Độ đầu tiên giữ chức phó tổng thống Mỹ.
Giữa năm nay, khi Tổng thống Joe Biden dừng chiến dịch tái tranh cử của mình sau cuộc tranh luận với ông Trump, bà được xác định là ứng viên phù hợp và có tiềm năng nhất thay thế ông Biden. Trong 3 tháng vừa qua, bà đã rất nỗ lực cho chiến dịch tranh cử.
Trọng tâm chính sách và thế mạnh của bà Harris
Đối với đảng Dân chủ, những vấn đề quan trọng là nền dân chủ của Mỹ, việc bầu thẩm phán Tòa án Tối cao, quyền phá thai của phụ nữ, chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Trong đó, quyền phá thai và sức khỏe cộng đồng là ưu tiên hàng đầu của bà Harris.
Trong quá trình vận động tranh cử, Phó Tổng thống Harris tuyên bố sẽ khôi phục quyền sinh sản cho phụ nữ, biến dịch vụ chăm sóc sức khỏe với giá cả phải chăng thành quyền, bao gồm mở rộng Medicare để chi trả cho dịch vụ chăm sóc tại nhà của người cao tuổi và xóa nợ cho các hóa đơn y tế.
Dù mới gia nhập đường đua vào Nhà Trắng vài tháng, nhưng bà Harris đã cho thấy những ưu thế nhất định.
Thứ nhất, bà là phụ nữ thứ hai và là phụ nữ da màu đầu tiên nhận được đề cử của một đảng chính trị lớn để trở thành ứng viên tổng thống tại Mỹ. Điều này giúp bà có được sức hút và vị thế độc đáo, đặc biệt là đối với các nhóm cử tri thiểu số và phụ nữ.
Thứ hai, là cựu tổng chưởng lý California, thượng nghị sĩ Mỹ và phó tổng thống, bà Harris có lý lịch ấn tượng, với kinh nghiệm trong thực thi pháp luật, quản trị, ngoại giao và quy trình lập pháp.
Thứ ba, Phó Tổng thống Mỹ được biết đến với phong cách tranh luận và đặt câu hỏi sắc sảo, điều này thể hiện rõ trong các phiên điều trần của Thượng viện và trong cuộc tranh luận gần nhất với ông Trump.
Sau cuộc tranh luận đầu tiên và cũng là duy nhất giữa họ, các chuyên gia chính trị cho rằng ông Trump bị bà Harris dẫn dắt chệch hướng. Sau cuộc tranh luận, đảng Cộng hòa cũng thừa nhận ông Trump đã bỏ lỡ cơ hội tung ra những đòn tấn công tập trung.
Thứ tư, Phó Tổng thống Kamala Harris đã vận động được nguồn quỹ lớn hơn cựu Tổng thống Donald Trump. Nhìn tổng thể, chiến dịch tranh cử của bà Harris chiếm ưu thế về tài chính.
Trong 3 tháng kể từ khi Phó Tổng thống Kamala Harris phát động chiến dịch tranh cử, đảng Dân chủ đã chi nhiều hơn đảng Cộng hòa cho quảng cáo trên truyền hình ở các tiểu bang dao động quan trọng.
Lợi thế của bà Harris được thể hiện qua những khảo sát gần đây. Theo FiveThirtyEight, tính đến ngày 31/10, Phó Tổng thống Harris dẫn trước cựu Tổng thống Trump trong các cuộc thăm dò toàn quốc với tỷ lệ 48,1% và 46,7%.
Hiện nay, bà Harris dẫn trước ông Trump về vấn đề phá thai và chăm sóc sức khỏe. Cuộc thăm dò gần đây nhất của YouGov cho thấy người Mỹ tin rằng bà Kamala Harris sẽ làm tốt hơn nhiều trong việc xử lý các vấn đề LGBTQ và phá thai.
Đối với cử tri nữ, bà Harris có lợi thế đáng kể. Trong cuộc thăm dò gần đây nhất của New York Times/Siena College từ ngày 20-23/10, bà Harris dẫn trước ông Trump ở nhóm cử tri nữ với tỷ lệ 54% so với 42%.
Bà Harris vẫn duy trì ưu thế lớn so với ông Trump ở nhóm cử tri da màu (84% so với 13%) và cử tri châu Á (61% so với 37%). Cử tri gốc La-tinh hiện ủng hộ bà với tỷ lệ 57% so với 39% của ông Trump.
Theo các cuộc thăm dò mới nhất, Phó Tổng thống Kamala Harris đã có những bước tiến đáng kể trong việc thu hút cử tri trẻ tuổi. Theo khảo sát của CNBC/Generation Lab, 60% người dân Mỹ trong độ tuổi 18-34 sẽ bỏ phiếu cho bà Harris.
Khó khăn ở phía trước
Mặc dù có nhiều ưu thế, song bà Harris cũng đối mặt với nhiều thách thức trong đường đua vào Nhà Trắng.
Thứ nhất, bà Harris đang tụt lại so với ông Trump ở các bang chiến trường với tỉ số sít sao.
Mặc dù dẫn đầu khảo sát trên toàn quốc, nhưng theo khảo sát mới nhất của ABC News, ông Trump có một chút lợi thế ở 5/7 bang chiến trường. Cụ thể, lợi thế của ông Trump ở bang Nevada là 0,3 điểm, ở Pennsylvania là 0,6 điểm, ở North Carolina 1,4 điểm, Arizona 2,5 điểm, và ở Georgia 1,8 điểm. Trong khi đó, khoảng cách dẫn trước hẹp của bà Harris ở Michigan đã tăng từ 0,2 điểm lên 0,8 điểm, Ở Wisconsin, khoảng cách dẫn trước của bà là 0,6 điểm.
Thứ hai, bà Harris đang bị ông Trump dẫn trước trong số cử tri da trắng và nam giới. Đồng thời bà phải đối mặt với việc mất dần sự ủng hộ của các nhóm cử tri lâu năm.
Dù chiếm ưu thế ở nhóm cử tri nữ, bà Harris vẫn phải vật lộn để giành được sự ủng hộ của nam giới, bao gồm cả người Mỹ gốc Phi và gốc Tây Ban Nha, những người có xu hướng nghiêng về cựu Tổng thống trong những năm gần đây.
Những cử tri da màu từ lâu đã là trụ cột trung thành của đảng Dân chủ, nhưng các cuộc thăm dò năm nay cho thấy một bộ phận nam giới da màu có thể không quá nghiêng về đảng Dân chủ như phụ nữ trong gia đình họ.
Xu hướng dài hạn cho thấy nam giới gốc Latinh có thể đang chuyển sang cánh hữu, trong khi phụ nữ gốc Latinh ủng hộ phe Dân chủ chặt chẽ hơn. Mặc dù bà Harris chiếm phần lớn sự ủng hộ của người Mỹ gốc Latinh nhưng so với các ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ trong 4 kỳ bầu cử gần đây, bà dẫn trước với khoảng cách nhỏ nhất.
Thứ ba, lập trường của bà Harris về nhập cư, kinh tế và chính sách đối ngoại bị coi là kém rõ ràng hơn so với ông Trump.
Kinh tế luôn là vấn đề quan trọng nhất trong mắt cử tri Mỹ. Trong khi tỷ lệ thất nghiệp đã thấp hơn đáng kể, lạm phát vẫn là vấn đề thường trực đối với người dân ở xứ sở cờ hoa.
Kinh tế luôn là một trong những quân bài mạnh nhất của ông Trump. Trong cuộc thăm dò gần đây của NBC, ông Trump dẫn trước bà Harris tới 11 điểm (50% so với 39%) trong việc giải quyết tốt nhất các vấn đề lạm phát và chi phí sinh hoạt.
Về vấn đề nhập cư, năm 2021, bà Harris với tư cách là phó tổng thống đã được ông Biden giao nhiệm vụ giải quyết. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực của bà, số lượng người vượt biên trái phép vẫn tiếp tục tăng kỷ lục vào năm ngoái. Trong số những người bỏ phiếu, nhiều người cho rằng ông Trump giải thích rõ ràng hơn bà về các kế hoạch và chính sách của giải quyết vấn đề nhập cư bất hợp pháp.
Bầu cử tổng thống Mỹ hiếm khi bị ảnh hưởng bởi các vấn đề đối ngoại, nhưng các cuộc chiến ở Trung Đông lại leo thang đúng vào thời điểm hàng triệu cử tri chuẩn bị bỏ phiếu.
Một cuộc thăm dò gần đây của Arab News/YouGov cho thấy sự ủng hộ của người Mỹ gốc Ả Rập dành cho ông Trump (45%) lớn hơn một chút so với bà Harris (43%), nhiều người được hỏi cũng cho rằng ông có nhiều khả năng hơn trong việc giải quyết xung đột Israel - Palestine.
Cuộc đua nước rút
Cuộc đua căng thẳng với tỉ số sít sao càng nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của việc truyền tải thông điệp đúng đắn trong tuần cuối cùng của chiến dịch. Trong thời điểm này, cả ông Trump và bà Harris đều cố gắng tấn công điểm yếu của đối phương, cố gắng thuyết phục một bộ phận người Mỹ chưa quyết định bỏ phiếu cho họ ở các bang chiến trường và tăng cường vận động cử tri truyền thống.
Bà Harris gọi ông Trump là nhân vật "nguy hiểm". Vào ngày 29/10, trong bài phát biểu kết thúc chiến dịch tranh cử tổng thống tại chính địa điểm diễn ra cuộc nổi loạn ở Điện Capitol, bà Kamala Harris hứa sẽ "đặt đất nước lên trên đảng phái và trên bản thân", nhấn mạnh sự lựa chọn khó khăn mà cử tri phải đối mặt nếu họ bầu cho ông Trump sau sự kiện Điện Capitol.
Ngoài công kích đối phương, bà Harris nỗ lực nhắm đến nhóm cử tri còn lại chưa đưa ra quyết định, đặc biệt là những người ôn hòa, những người ngoại ô có trình độ đại học và hầu hết phụ nữ. Một trong những mục tiêu mới nhất của bà là nhóm cử tri lâu năm của ông Trump - những người da trắng không học đại học và những phụ nữ Cộng hòa có thể đã ủng hộ bà Nikki Haley trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa năm nay.
Bà cũng thường xuyên nói về những lo ngại về kinh tế, hy vọng sẽ thu hút được các cử tri thuộc tầng lớp lao động.
Gần đây, chiến dịch của bà đã tung ra các quảng cáo mới nhắm vào nam giới ở các tiểu bang chiến trường. Một quan chức của bà cho biết các quảng cáo này đang tận dụng thể thao như một phương tiện để thu hút những cử tri nam trẻ tuổi.
Phó Tổng thống Harris cũng tập trung vào nền kinh tế trong một số quảng cáo cuối cùng trước ngày bầu cử.
Trong quảng cáo được CBS News phát sóng, bà đã truyền tải một số đề xuất kinh tế nhằm cắt giảm chi phí hàng ngày, như ban hành lệnh cấm liên bang đối với việc tăng giá bất hợp lý và các ưu đãi để nhà ở có giá phải chăng hơn.
Các quảng cáo này sẽ được phát trên các chương trình truyền hình, đây là một phần trong khoản chi 370 triệu USD cho quảng cáo mà chiến dịch tranh cử của bà công bố vào tháng 8.
Bà Harris cũng nỗ lực tạo dấu ấn tách biệt với ông Biden. Các quan chức trong chiến dịch của bà Harris cho rằng việc tổ chức các sự kiện chung với ông Biden sẽ gây bất lợi cho bà ở giai đoạn quan trọng nhất của cuộc đua. Họ giữ khoảng cách với ông Biden, phần lớn là vì Phó Tổng thống đang cố gắng thể hiện mình là ứng viên độc lập và truyền đi thông điệp về sự thay đổi.
Bà Harris không muốn cử tri nghĩ rằng mình chỉ là người tiếp nối chính quyền của ông. Tuy vậy, trước hết đối với những người ủng hộ ông Biden cùng nhiều đảng viên Dân chủ, bà Harris phải làm rõ rằng mình coi trọng và tôn trọng người tiền nhiệm.
Theo Al Jazeera, NPR, Lemonde