"Có nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ mình được tặng nhà"
(Dân trí) - "Có nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ mình được tặng nhà, có nhà mới để ở. Tôi biết ơn bạn đọc báo Dân trí", ông Võ Tấn Ghi xúc động nói tại lễ khởi công nhà Nhân ái của báo Dân trí sáng ngày 6/9.
5h, ông Võ Tấn Ghi (50 tuổi, ở xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh, Long An) đã lọ mọ thức dậy lo cơm nước cho các con rồi một mình theo xe của UBND huyện lên thị trấn Bình Phong Thạnh, cách đó 30km dự lễ khởi công căn nhà mới dành cho gia đình mình.
Gia đình ông là một trong 10 hộ dân được bạn đọc báo Dân trí hỗ trợ cất nhà Nhân ái ở 2 huyện Mộc Hóa và Tân Thạnh (tỉnh Long An).
"Tôi không tin là mình thoát nghèo"
Trước khi đến trung tâm thị trấn nhận tiền cất nhà, ông Ghi thắp hương cho vợ, rồi tự nhủ trong lòng: "Hôm nay là một ngày mới".
Người đàn ông chọn cho mình chiếc áo cổ gập rồi cài hết các cúc lại. Áo ông mặc bạc đến mức không nhìn ra màu vải ban đầu.
Ông Ghi khoe với phóng viên đây là cái áo nguyên vẹn nhất trong mớ đồ dày chưa quá 1 gang tay của mình.
Thủ thỉ, người đàn ông 50 tuổi kể cái nghèo bám ông từ khi mới lọt lòng đến lúc lập gia đình. Ngày vợ gục chết trên tay, để lại 2 con nhỏ, gia tài của ông Ghi chỉ có căn nhà sắp sập và mảnh ruộng chưa tròn 1 công đất.
Thấy nhà quá khổ, con gái lớn ông Ghi (SN 2004) học xong lớp 9 đã quyết định nghỉ học, đi làm công nhân kiếm tiền. Khi mang thai, người mẹ trẻ chẳng may bị người ta đánh đập dẫn đến sinh non.
Lên chức mẹ khi chưa tròn 20 tuổi, cô ôm con về nhà. Lúc này, ông Ghi phải cáng đáng thêm miệng ăn trong khi tiền làm thuê chưa được 100.000 đồng/ngày.
Để có tiền, ông Ghi tìm đủ việc làm thêm. Thế nhưng ở cái ấp nghèo nằm giữa đồng hoang vắng đâu có việc gì để ông có thể kiếm ra tiền. Ông nhờ xã bảo lãnh vay ngân hàng chính sách mua 2 con bò và 1 con nghé về nuôi, thuê 2 mẫu ruộng với giá 20 triệu đồng/năm để làm lúa.
Đúng lúc đó dịch Covid-19 bùng phát. Làm ruộng thì thất bát, thu về không đủ chi phí phân giống khiến ông không có tiền trả tiền thuê ruộng.
"Từ ngày báo Dân trí viết bài về hoàn cảnh của tôi, điện thoại tôi reo liên tục. Cứ cách mấy ngày lại có một mạnh thường quân gọi nói họ đã gửi tiền cho tôi thông qua báo. Tôi mừng nhưng không dám tin là mình thoát nghèo. Có mơ tôi cũng không dám nghĩ mình được tặng nhà", ông Ghi nói.
Ngày 6/9, bước chân đến trụ sở UBND thị trấn Bình Phong Thạnh, ông Ghi được sắp xếp chỗ ngồi riêng. Hễ có ai đến hỏi thăm, ông cũng đan hai tay lại rồi cúi mặt đáp lời một cách chất phác.
Suốt buổi lễ, ông Ghi trầm ngâm, không nói một lời cho đến khi cầm trên tay phong thư chứa tiền do bạn đọc báo Dân trí ủng hộ ông mới nở một nụ cười. Đôi mắt rưng rưng, giọng ông lắp bắp: "Tôi cảm ơn cô chú, tôi rất cảm ơn cô chú. Tôi biết ơn bạn đọc báo Dân trí".
Trước khi ra về, ông chia sẻ với phóng viên, số tiền này sẽ dành để cất nhà, nếu còn dư sẽ mua bò hoặc trâu làm vốn chăn nuôi rồi cho các con đến trường viết tiếp ước mơ.
"Chúng tôi sẽ không còn những ngày tháng sống khổ sở"
Gia đình bà Huỳnh Thị Chín (62 tuổi) và ông Lý Văn Dũng (58 tuổi, ngụ xã Tân Thành, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An) cũng rất khó khăn. Cả nhà chỉ có một chiếc xe đạp là phương tiện đi lại. Thương các cháu còn tuổi ăn, tuổi lớn, vợ chồng bà Chín luôn nhường xe cho cháu đi học, còn ông bà đi đâu cũng chỉ "cuốc bộ".
2h30 ngày 6/9, bà Huỳnh Thị Chín (62 tuổi, ngụ tại xã Tân Thành, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An) thức giấc sau một đêm ngủ chập chờn. Nhìn căn nhà lợp lá rách nát, thủng đủ chỗ mà mình đang ở, bà Chín ứa nước mắt, ôm chầm lấy chồng và các cháu ngoại.
Nhà bà Chín (Ảnh: Nguyễn Vy).
Biết tin gia đình mình là một trong 10 hộ dân được bạn đọc báo Dân trí hỗ trợ cất nhà, bà Chín bảo nôn nao cả đêm không ngủ được. Các cháu bà cũng ríu rít nói: "Ngoại chờ con đi học về, con ghé ủy ban thị trấn xem làm lễ trao nhà cho mình nha".
Đồng hồ điểm 6h, bà Chín bắt đầu đi bộ từ nhà đến UBND thị trấn Bình Phong Thạnh (huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An) để dự lễ khởi công xây dựng 10 căn nhà cho hộ dân có hoàn cảnh khó khăn. Nửa tiếng đi bộ đó trong lòng bà luôn hồi hộp.
Thở hổn hển vì quá mệt sau quãng đường dài nhưng bà Chín vẫn không giấu được sự hạnh phúc ngập tràn trong ánh mắt.
Bà lão kể mấy hôm nay mưa bão, căn nhà cũ của gia đình dột đủ chỗ. Bà và chồng phải lấy bao xi măng đặt lên nóc mùng để nước không chảy xuống người các cháu. Hai ông bà cứ thế thức trắng đêm vì sợ nếu mưa quá lớn, căn nhà có thể bị đánh sập, đè lên họ lúc nào chẳng hay.
"Khi có nhà mới rồi, chúng tôi sẽ không còn những ngày tháng sống khổ sở, sợ sệt như vậy nữa. Giờ tôi già rồi, không mong gì ngoài một căn nhà vững chắc, an toàn để các cháu có một cuộc sống đỡ nhọc nhằn hơn. Tôi xin cảm ơn báo Dân trí và các mạnh thường quân đã giúp đỡ", bà Chín rưng rưng nói.
Nhớ lại hoàn cảnh của mình, người phụ nữ không khỏi tủi thân. Mỗi tháng, ngoài hỗ trợ học phí cho các cháu, địa phương cũng ưu tiên trao tặng lương thực, thực phẩm cho gia đình nếu có đoàn thiện nguyện nào đến.
Ông Dũng làm thuê đủ nơi, còn bà Chín đan lục bình để kiếm sống. Hàng tháng, cả hai kiếm được hơn 1 triệu đồng, nhận tiền địa phương hỗ trợ cho các cháu tổng hơn 2 triệu đồng.
Bà Chín có 7 người con, nhưng ai nấy đều dựng vợ, gả chồng, hoàn cảnh khó khăn, thỉnh thoảng mới về thăm và cho tiền bố mẹ. Người con gái thứ 4 của bà Chín đã qua đời, để lại 2 con cho bố mẹ chăm sóc. Từ đó, cảnh nghèo của vợ chồng ông lại càng thảm thương hơn.
"Ngày con gái mất, các cháu chỉ mới 2-3 tuổi. Chúng nó chả biết gì, đến cạnh giường ôm mẹ. Đến khi nhận thức rồi, các cháu mới khóc, đòi mẹ. Cháu trai thì thường xuyên ra mộ mẹ ngồi thật lâu. Cháu gái thì ngày nào cũng lau chùi bàn thờ của người mẹ", bà Chín xót xa.
Với số tiền ít ỏi kiếm được hàng tháng, đôi vợ chồng già không dám ăn, không dám mặc, dành dụm nuôi 2 cháu. Mới đây, ông Dũng vừa phẫu thuật dạ dày nên sức khỏe yếu dần, không thể đi làm. Mọi sinh hoạt trong nhà hầu như phụ thuộc vào bà Chín. Nghĩ đến hoàn cảnh của mình, người phụ nữ này đêm nào cũng khóc.
Ở cái tuổi đáng lẽ phải được con cháu phụng dưỡng, bà Chín và chồng phải gồng gánh, nuôi 2 cháu ngoại.
Bà Chín nghẹn ngào, cho hay mỗi khi cơn dông kéo đến, gia đình bà lại chạy ra tấm phản gỗ đặt trước nhà. Nếu gió to cả đêm không ngớt, các thành viên trong nhà đành thức theo. Bởi nếu vào bên trong, sợ nhà sẽ sập và đè lên họ bất cứ lúc nào.
Trước đây, mưa, dông từng khiến căn bếp của gia đình bà Chín sập xuống. May mắn, lúc ấy không có ai ở trong.
Căn nhà chỉ có 2 bóng đèn điện, 2 chiếc giường và 2 bàn thờ đã cũ là tài sản lớn nhất. Nền bằng đất, được vợ chồng bà Chín xin mấy chiếc bao xi măng về lót tạm. Nhìn cảnh căn nhà xập xệ, tối tăm, đôi vợ chồng bảo cảm thấy chạnh lòng.
"Điều mà tôi ước ao suốt cả cuộc đời"
Là một trong những hộ dân được báo Dân trí, các mạnh thường quân và địa phương hỗ trợ hơn 90 triệu đồng để xây nhà mới, ông Nguyễn Văn Dọn (60 tuổi, ngụ tại xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa) khóc nấc trong lễ khởi công tại căn nhà cũ của mình.
"Tôi không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn chân thành đến báo Dân trí, các mạnh thường quân và chính quyền địa phương. Đây là điều mà tôi thầm ao ước suốt cả cuộc đời mình", ông Dọn nghẹn ngào.
Sụt hơn 10kg vì căn bệnh suy thận mãn tính thời kỳ cuối, ông Dọn với thân hình gầy gò, đến việc đứng lên, ngồi xuống cũng khó khăn. Hơn 2 tháng trước, ông phát hiện mình bị suy thận nặng. Không có tiền chữa trị, ông đành từ chối các y lệnh của bác sĩ. Bệnh tình hành hạ khiến thể trạng ông lão mệt mỏi, bàn chân sưng vù, đau đớn.
Bệnh tật ngày càng trầm trọng, ông không thể ra ngoài kiếm tiền được mà chỉ ở nhà chăm con trai. Con ông bị mù một bên mắt do tai nạn lao động. Cả hai bố con phụ thuộc vào khoản lương 5 triệu đồng/tháng do người phụ nữ duy nhất trong nhà (vợ ông Dọn) kiếm được từ công việc giúp việc ở Bình Phước.
Hai người con trai còn lại của ông Dọn đã có gia đình riêng, hoàn cảnh cũng vô cùng khó khăn nên chẳng thể giúp gì cho cha mẹ.
Ở cái tuổi đáng lẽ phải được con cháu phụng dưỡng, ông Dọn lúc nào cũng tủi thân khi phải lo ngược lại cho con, bản thân lại đối mặt với bệnh hiểm nghèo. Ông kể, nhà của ông dựng lên từ hơn 7 năm trước. Vì quá nghèo, ông phải xin người em trai cho khất tiền mua cây tràm dựng nhà, đến nay vẫn chưa trả được. Nói là nhà nhưng thật ra đó chỉ là một cái chòi, dựng bằng cây tràm đã mục gần hết.
Chỉ tay về phía cột nhà đã gãy làm đôi, người đàn ông nghèo khổ nói với giọng run run: "Gió to một chút thôi là nhà sập ngay. Mái nhà thì chỗ thủng, chỗ hở, nước mưa tạt hết vào bên trong, ướt đẫm chỗ ngủ của hai cha con. Nhiều đêm mưa dông kéo đến, tôi ngồi trong nhà mà run cầm cập, cảm giác bất lực vô cùng".
Nhà của ông Dọn cũng không có cửa như những ngôi nhà khác. Cửa nhà được che chắn bằng mấy tấm vải cũ. Mưa, nắng cứ thế rọi thẳng vào bên trong, lộ rõ gia cảnh vô cùng thiếu thốn của gia đình ông.
Hai tấm phản nhỏ đặt ở giữa nhà, là chỗ ngủ của hai cha con, cũng rất cũ kỹ. Ngồi trên tấm phản, người con trai 32 tuổi của ông Dọn liếc mắt nhìn ngơ ngác khi thấy có người lạ vào nhà. Ai hỏi gì, anh cũng trả lời không biết.
Sáng 6/9, báo Dân trí phối hợp với các sở, ban ngành của tỉnh Long An tổ chức lễ khởi công xây dựng 10 căn nhà nhân ái trên địa bàn 2 huyện Mộc Hóa và Tân Thạnh thuộc tỉnh Long An.
Kinh phí xây 10 căn nhà là gần 700 triệu đồng do bạn đọc báo Dân trí chung tay đóng góp. Cùng với báo Dân trí, Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Bất động sản Thiên Lộc Phát cũng tặng 10 chiếc tủ lạnh và 100.000 viên gạch cho các hộ dân.