Mấy năm gần đây, tai họa liên tiếp ập đến khiến gia đình anh Võ Tấn Ghi vốn là hộ nghèo truyền thống ngày càng nghèo không lối thoát.
Tai họa liên tiếp xảy ra với gia đình nghèo
Khi chúng tôi đến thăm nhà anh Võ Tấn Ghi (SN 1974, ngụ ấp Nguyễn Sơn, xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An), trời mưa tầm tã. Hạt mưa rơi xuống mái tôn thấp đùng đùng như tiếng trống, lúc nói chuyện phải hét lên như đang cãi nhau. Nước tràn vào nhà, nền đất nhão nhoẹt dính chân như đang đứng ngoài đồng…
Nhưng cảnh nhà khổ cực cũng không não nề bằng những khốn khó mà gia đình anh Ghi vừa trải qua. Chỉ trong vòng 5 năm, tai họa liên tiếp ập đến khiến hộ nghèo "truyền thống" này ngày càng nghèo không lối thoát.
Gia đình anh Ghi vốn là hộ nghèo ở địa phương, 2 vợ chồng chỉ có 1 công ruộng làm lúa không đủ ăn, phải thuê thêm ruộng để làm, ngày nông nhàn thì đi làm thuê.
Năm 2016, chị Lê Thị Kim Thủy (SN 1980, vợ anh Ghi) sinh đứa con út là cháu Võ Minh Khôi thì bị hậu sản suýt chết. Về nhà, sức khỏe chị rất yếu, lại lo chăm sóc con nhỏ nên không đi làm được, mọi gánh nặng kinh tế đè lên vai anh Ghi.
Thấy cha mẹ quá khổ, năm 2019, con gái lớn là Võ Thị Thúy Duy (SN 2004) học xong lớp 9 thì nghỉ học, đi làm công nhân kiếm tiền phụ cha mẹ.
Cô bé mới gần 16 tuổi đi làm xa nhà được một chàng trai tán tỉnh rồi chẳng may có thai. Đến cuối năm 2020, khi thai kỳ hơn 8 tháng thì Thúy Duy bị chính người tình đánh đập, dẫn đến sinh non. Chàng trai từng thề non hẹn biển ấy bỏ mặt mẹ con Thúy Duy trong bệnh viện, không một lời thăm hỏi.
Tháng 12/2020, Thúy Duy một mình vượt cạn, sinh ra bé Võ Quốc Kiên. Ra viện, Thúy Duy ôm con về nhà nương tựa cha mẹ. Thương con, anh Ghi lại cáng đáng thêm một miệng ăn nhỏ bé.
Gánh nặng trên vai, anh Ghi tìm đủ việc làm thêm để kiếm tiền. Nhưng ở cái ấp nghèo nằm giữa đồng hoang vắng đâu có việc gì cho anh làm. Ghi nhờ xã bảo lãnh vay ngân hàng chính sách 50 triệu đồng để mua 2 con bò và 1 con nghé về nuôi, thuê 2 mẫu ruộng với giá 20 triệu đồng/năm để làm lúa..
Không ngờ đúng năm dịch Covid-19 bùng phát, nhiều lần hạn chế đi lại, ruộng anh thuê không chăm được nên thất bát, thu về không đủ chi phí phân giống, không có tiền trả tiền thuê ruộng.
Năm 2022, hết dịch thì chị Thủy phát bệnh suy thận mãn, hai chân sưng phù lên. Anh Ghi kể: "Chân vợ em sưng to lên mà tưởng do đứng nhiều nên đau, ra tiệm thuốc mua giảm đau, uống nhiều lần không hết. Ra bệnh viện tỉnh khám thì bác sĩ bảo đi ngay lên TPHCM".
Kết quả chẩn đoán chị Thủy bị suy thận mãn, tăng huyết áp và nhiều chứng bệnh khác. Sau gần 1 tháng điều trị, phẫu thuật lắp bàng quang ngoài thì chị Thủy được cho xuất viện về nhà chăm sóc. Về nhà được hơn tháng thì chị qua đời.
Anh Ghi tâm sự: "Nhanh lắm, bả đang ăn dở chén cơm thì bỏ xuống rồi than mệt, khó thở. Em để bả tựa vào người cho đỡ mệt, điện nhờ người quen đánh xe vào chở đi cấp cứu. Mà chưa được 10 phút, xe chưa tới mà bả đứt thở, chết trên tay em luôn…".
Không dám mơ có tiền sửa nhà
Nhẩm tính lại thiệt hại sau những tai nạn mà gia đình vừa trải qua mấy năm gần đây, anh Võ Tấn Ghi chỉ nhớ được số nợ hơn 100 triệu đồng mà không biết khi nào trả nổi.
Lúc trước, nhà anh nghèo nhưng không nợ, làm được bao nhiêu thì ăn bấy nhiêu, không dám tiêu xài. Từ lúc vợ bị hậu sản, số tiền vay mượn lớn dần lên.
"Lúc vợ em đi cấp cứu, trên người vợ chồng chỉ có mỗi bộ đồ với 50 ngàn. Em phải nhờ người nhà mượn 50 triệu đồng mới dám đi thành phố. Nằm bệnh viện chưa đến một tháng là đã hết tiền mà bệnh cũng không hết", anh Ghi chia sẻ.
Chưa hết khổ, thời gian vợ chồng anh đi chữa bệnh, 3 con bò không ai chăm sóc nên bệnh chết, phải bán tháo được gần 20 triệu đồng, chưa bằng một nửa số tiền mua giống, nợ ngân hàng chính sách không trả được.
Thế cho nên, khi nghe cán bộ giảm nghèo của xã nhắc đến chuyện sửa lại cái nhà để an tâm qua mùa mưa bão này, anh Ghi thở dài: "Nợ còn chưa trả hết, em không dám mơ có tiền sửa nhà".
Trước đây, nhà anh Ghi là căn chòi nằm sâu trong đồng lúa, phải lội đồng mấy trăm mét mới ra tới đường lộ. Lo con đi học khó khăn, anh mượn ít đất rồi dỡ cái nhà cũ ra mặt lộ cất nhà mới cho con tiện đường đi học.
Nói là nhà cho oai chứ thật ra khi dỡ cái nhà cũ, anh Ghi chỉ lựa được hơn chục cây gỗ tràm và mấy tấm tôn còn dùng được. Bà Niên đầu xóm cho vài chục cây tràm. Bà Mười ở chợ bán thiếu 10 triệu đồng tiền tôn, giảm 1 triệu, còn nợ 9 triệu. Hàng xóm phá nhà kho còn dư ít tôn cũ cũng cho anh…
Anh Ghi gom góp tất cả lại để dựng lên căn nhà cho vợ con trú ngụ. Vào nhà, anh nhớ từng tấm tôn là của ai cho, đem về vào ngày nào…
Với nhiều người, căn nhà này không bằng cái chòi coi rẫy. Nhưng với anh Ghi, đó là tất cả tài sản nhiều năm 2 vợ chồng tiết kiệm mới dựng lên được, là mái ấm cho vợ con trú mưa trú nắng.
Nhưng không ngờ mới ở nhà mới được vài năm, vợ anh đã qua đời, để lại anh mấy đứa con cháu còn nhỏ…
Giờ đây, trong căn chòi cũ kĩ, anh ráng làm để cho con cháu có bữa cơm no, được đến trường đi học. Anh chỉ mong con cháu kịp lớn để đi làm thuê, tự kiếm miếng ăn trước khi mình không còn đủ sức khỏe chăm lo cho tụi nhỏ…
Anh bảo mình không mắc bệnh gì vì... anh chưa từng đi bệnh viện khám lần nào. Cứ sốt, mệt không đứng dậy nổi thì mua thuốc giảm đau về uống. Giờ thấy đau nhiều, nhưng anh cũng không dám đi bệnh viện...
Ông Đinh Văn Định, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hòa Lập, xác nhận gia đình ông Ghi thuộc diện hộ nghèo của xã, hằng ngày đi làm thuê, thu nhập không ổn định. Hiện nhà cửa của ông Ghi đã xuống cấp mà gia đình chưa có khả năng sửa chữa.