Tâm điểm
Nguyễn Thị Bích Hậu

Xuyên tạc ngữ liệu sách giáo khoa và những việc cần làm

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay đã đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xử lý các cá nhân, tổ chức đưa thông tin sai lệch về sách giáo khoa phổ thông (SGK).

Theo đó, những ngày gần đây, mạng xã hội lan truyền thông tin một số nội dung được cho là ngữ liệu trong sách giáo khoa (SGK) phổ thông hiện hành như: "Giã gạo thổi cơm", "Bạn An dũng cảm", "Bắn tung tóe", "Bé xách đỡ mẹ", "Vẽ gì khó"…, dẫn đến nhiều bình luận tiêu cực về SGK, người viết SGK và ngành giáo dục. Tuy nhiên, các nội dung này không có trong bất kỳ cuốn SGK hiện hành nào được sử dụng trong các nhà trường.

Một số ngữ liệu từng sử dụng trong SGK nhưng nay không còn được lưu hành hoặc chỉ ở trong sách tham khảo.

Có thể hiểu được nỗi bức xúc của các nhà quản lý giáo dục trước sự việc trên, vì như vậy sẽ gây ra các hiểu lầm không đáng có. Nhưng cũng cần hiểu được phần nào nỗi lo lắng của người dân trước sự học hành của con em mình. Nhiều người có lẽ không xuất phát từ động cơ tiêu cực mà chỉ đơn giản là chưa tìm hiểu kỹ thông tin.

Bài học là ai đã lỡ phát tán và bình luận về một thông tin không đúng thì nên rút lại ngay và cẩn trọng hơn. Nhưng mặt khác, cần thấy rằng những nội dung đó tuy không có trong SGK nhưng ít nhiều vẫn tồn tại trong sách tham khảo, nghĩa là từ một vài cuốn sách được cấp phép chính thức nào đó mà nhiều người dân bình thường rất khó phân biệt cấp độ "SGK" và "sách tham khảo".

Xuyên tạc ngữ liệu sách giáo khoa và những việc cần làm - 1

Các nội dung trên đây không có trong bất kỳ cuốn SGK nào đang sử dụng trong nhà trường (Ảnh: MOET).

Tôi nghĩ rằng cách hay nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo ra một thông cáo bác bỏ các thông tin sai, nhấn mạnh những thông điệp cần thiết, nói cho người dân hiểu về nội dung sách giáo khoa hiện hành. Và tốt hơn thì Bộ có thể thiết lập một đầu mối thường trực, cho phép người dân phản ánh nếu thấy có vấn đề về sách giáo khoa. Đầu mối này sẽ làm nhiệm vụ minh định thông tin về SGK, tập hợp nội dung phản ánh từ xã hội để bất cứ khi nào cần, Bộ sẽ ra các khuyến cáo hữu ích và kịp thời.

Với những sách tham khảo có nội dung chưa mang tính giáo dục cao, hay thậm chí tạo phản ứng tiêu cực, thì cơ quan quản lý giáo dục cũng cần góp ý, yêu cầu các tác giả, các nhà xuất bản chỉnh sửa phù hợp.

Những phản ứng như của Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan đến SGK như vừa qua là cần thiết. Tuy nhiên chúng ta không nên chỉ dừng lại ở việc phủ nhận một vài thông tin sai lệch, đề nghị xử lý ai phát tán nội dung xuyên tạc, mà quan trọng hơn là có các động thái để làm cho đông đảo các vị phụ huynh, học sinh hiểu rõ, yên tâm và tin tưởng hơn nữa vào lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa mà Bộ đang là cơ quan chủ trì thực hiện.

Tôi cho rằng những trao đổi đa chiều sẽ làm chất lượng sách giáo khoa, cũng như chất lượng dạy và học, mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình tốt lên rất nhiều.

Việt Nam là một trong các quốc gia mà người dân rất quan tâm tới giáo dục. Nhà nước xác định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, dành ngân sách lớn (những năm gần đây trung bình khoảng 18% tổng chi ngân sách mỗi năm). Cùng với đó, từng gia đình có thể đầu tư tới 50-70-80% thu nhập mà họ có được cho con ăn học. Đây là một mức độ đầu tư giáo dục gia đình rất đáng quý.

Vì vậy, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo trên cơ sở sự quan tâm của người dân để thông tin thông suốt giúp các vị phụ huynh hiểu được những nỗ lực trong công tác của mình, thì họ sẽ ủng hộ các trường sở và thầy cô nhiều hơn.

Tất nhiên nói đi cũng phải nói lại. Theo nội dung cuộc giám sát chuyên đề "Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông", thì SGK đã được bảo đảm đầy đủ theo đúng lộ trình quy định, nội dung cơ bản đã đáp ứng yêu cầu, được đổi mới theo hướng tinh giản, tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn…

Nhưng, bên cạnh kết quả đạt được, báo cáo của Đoàn giám sát chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong thực hiện đổi mới SGK. Cụ thể như, việc thẩm định, tiếp thu chỉnh sửa một số SGK chưa chặt chẽ dẫn tới chất lượng chưa bảo đảm, còn nhiều lỗi, nội dung thiếu chính xác, văn phong chưa chuẩn mực ở nhiều SGK, nhất là với SGK tiếng Việt lớp 1, Khoa học tự nhiên lớp 6 và Lịch sử lớp 11.

Chất lượng một số SGK của chương trình giáo dục phổ thông mới còn hạn chế, nội dung chưa phù hợp với học sinh, còn khó, kiến thức nặng.

Báo cáo giám sát cũng chỉ ra một số nội dung khó hiểu, khó giải thích vấn đề; chưa phù hợp với một số vùng miền, có từ ngữ mang tính địa phương; một số đoạn văn, bài thơ đưa vào SGK chưa được đánh giá cao.

Ngoài ra, ở một số địa phương, việc lập hồ sơ lựa chọn SGK còn thiếu sót so với quy định. Trong khi đó, cung ứng, phát hành SGK còn nhiều bất cập, qua nhiều khâu trung gian… Giá SGK theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 cao, tăng 2-4 lần giá SGK chương trình giáo dục phổ thông 2006, gây khó khăn cho một bộ phận người dân…

Có thể thấy rằng ngành Giáo dục đang có rất nhiều việc cần làm, không riêng gì vấn đề một số thông tin sai lệch về SGK.

Các nhà quản lý giáo dục sẽ phải tập trung thời gian và công sức để thực hiện đổi mới chương trình, SGK đáp ứng mục tiêu và yêu cầu đề ra. Thiết nghĩ trong bất cứ hoàn cảnh nào, việc chia sẻ thông tin về công việc của các nhà quản lý giáo dục quốc gia với người dân đang cho con em đi học, vì mục tiêu chung, vẫn là vô cùng cấp thiết.

Tác giả: Bà Nguyễn Thị Bích Hậu tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội ngành Ngôn ngữ và Văn chương; có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí. Bà là tác giả các cuốn sách giúp các bậc cha mẹ chuẩn bị cho con học tập trong nước và du học, lấy học bổng thành công như Đồng hành du học cùng con, Du học cho con nhà nghèo, Du học đừng để tiền mọc cánh, Cẩm nang chọn trường công, trường tư hay trường quốc tế...

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!