Bộ Giáo dục và Đào tạo có nên "quay lại" làm sách giáo khoa?
Tại Hội nghị góp ý về triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa (SGK) phổ thông diễn ra mới đây, có ý kiến cho rằng: "Nhà nước nên đầu tư để có bộ SGK chuẩn cho học sinh".
Có lẽ ý kiến trên ủng hộ Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục dùng 16 triệu USD vay của Ngân hàng Thế giới để biên soạn một bộ sách giáo khoa chuẩn. Tuy nhiên, đề xuất này đứng trước khá nhiều câu hỏi hóc búa.
Một là, ý kiến đó dường như đi ngược lại chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK của Quốc hội năm 2014 (Nghị quyết 88). Tại điểm g Điều 3 Nghị quyết 88 nêu rõ: thành lập Hội đồng thẩm định SGK; Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tiêu chí đánh giá và phê duyệt SGK; và khuyến khích các cá nhân, tổ chức biên soạn SGK trên cơ sở Chương trình giáo dục phổ thông.
Việc Quốc hội chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK là phù hợp với thông lệ quốc tế. Ví dụ, ở Hoa Kỳ, có trên 300 nhà xuất bản giáo dục. 100% là nhà xuất bản tư nhân, trong đó 5 nhà xuất bản: Cengage Learning, Houghton Mifflin Harcourt, McGraw Hill, Pearson và Scholastic chiếm phần lớn thị phần. Trong 5 nhà xuất bản này, chỉ duy nhất McGraw Hill là nhà xuất bản thuộc sở hữu tư của Hoa Kỳ, còn lại thuộc sở hữu tư đến từ nhiều quốc gia.
Ở châu Á, 40 năm trước đây, việc biên soạn - xuất bản và phân phối SGK chủ yếu do các nhà xuất bản nhà nước thực hiện. Và dĩ nhiên, lúc đó, phần lớn chỉ có một bộ SGK. Tình trạng này được gọi là mô hình hệ thống tập trung (Centralized System) biên soạn - xuất bản - phân phối SGK.
Tương ứng với mô hình hệ thống tập trung là hệ thống một bộ SGK (one textbook system). Tuy nhiên, từ những năm 80 của thế kỷ trước, các quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Indonesia… đã chuyển từ mô hình hệ thống tập trung và hệ thống một bộ sách giáo khoa sang các mô hình chuyển đổi (The transition to Liberalization), mô hình hỗn hợp (The Mix Model) và mô hình cạnh tranh công tư (The Public - Private Competition).
Các mô hình này có ba đặc điểm chính: Một chương trình nhiều bộ SGK; vai trò của khu vực tư nhân và nhà xuất bản thương mại (tư nhân) trong biên soạn - xuất bản và phân phối SGK; quyền tự chủ trong việc chọn SGK của giáo viên, của trường ở các địa phương.
Hai là, từ việc chuyển đổi tư duy và mô hình như trên ta thấy sẽ không còn một bộ SGK chuẩn theo nghĩa SGK là chân lý, là thánh kinh của người dạy và người học. Và giáo viên không chỉ phải dùng duy nhất một bộ SGK để giảng dạy.
Giáo dục hiện đại khuyến khích rằng, cần đa dạng SGK cho nhiều vùng miền, nhiều trình độ, nhiều mức giá; và SGK cũng chỉ là một trong những tài liệu tham khảo cho giáo viên.
Việc các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn SGK dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ là sự cụ thể hóa quyền tự chủ và tự do tư tưởng, tự do học thuật được hiến định. Quyền được chọn SGK cũng thể hiện năng lực, sự tự chủ của giáo viên, cơ sở giáo dục với việc giảng dạy.
Ba là, ý kiến cho rằng "Nhà nước nên đầu tư một bộ sách giáo khoa chuẩn" sẽ là nguồn cơn nảy sinh những xung đột không hồi kết.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, khi cơ quan hoạch định chính sách và quản lý lĩnh vực giáo dục chỉ mới tham gia biên soạn một vài tựa sách giáo khoa như Quốc văn, Lịch sử và Đạo đức nhằm đảm bảo tính dân tộc, chủ quyền và bản sắc văn hóa đã tạo ra xung đột lợi ích giữa việc xây dựng chương trình với thẩm định, phê duyệt SGK và phân phối SGK. Nói nôm na, là vừa đá bóng vừa thổi còi.
Ở Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa là cơ quan quản lý lĩnh vực giáo dục nhưng đồng thời là cơ quan chủ quản của Nhà xuất bản Giáo dục, Trường Đại học sư phạm Hà Nội, Trường Đại học sư phạm TPHCM, Trường Đại học Huế. Trong đó, Trường Đại học sư phạm Hà Nội là cơ quan chủ quản của Nhà xuất bản Đại học sư phạm Hà Nội. Tương tự như vậy, Trường Đại học Sư phạm TPHCM và Trường Đại học Huế lại sở hữu hai nhà xuất bản đại học sư phạm TPHCM và nhà xuất bản Đại học Huế.
Các nhà xuất bản này đều có chức năng xuất bản SGK. Trong danh sách 5 nhà xuất bản có chức năng xuất bản SGK thì chỉ duy nhất Nhà xuất bản Đại học quốc gia trực thuộc Đại học quốc gia Hà Nội là không thuộc "nhóm" chịu sự quản lý trực tiếp của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vậy, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo lại trực tiếp đầu tư, xuất bản "một bộ sách giáo khoa chuẩn" thì Bộ lại cạnh tranh với chính các tổ chức trực thuộc? Chưa kể, Bộ Giáo dục và Đào tạo không có "bí quyết", không có nhân sự để tổ chức biên soạn, xuất bản SGK.
Hơn ba thập kỷ trước, các quốc gia ở khu vực châu Á như Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Indonesia chuyển đổi mô hình biên soạn, xuất bản và phân phối SGK từ mô hình tập trung, một bộ SGK sang các mô hình chuyển đổi, hỗn hợp và công tư cạnh tranh với nhiều bộ SGK đã làm thị trường SGK đa dạng, giảm chi phí phân phối và tăng hiệu quả.
Chính sách này đã tác động mạnh mẽ tới sự phát triển của ngành xuất bản trong nước; mở rộng quyền lựa chọn của người dạy, người học và cơ sở giáo dục; nâng cao nhận thức của phụ huynh và giáo viên về nguyên tắc "một chương trình nhiều bộ SGK".
Vì vậy, chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK là bước đi muộn màng nhưng đúng đắn của Việt Nam trong việc xã hội hóa biên soạn, xuất bản, phân phối SGK theo thông lệ quốc tế.
Tác giả: Ông Trịnh Minh Tuấn là người sáng lập Công ty cổ phần xuất bản và giáo dục Quảng Văn, Ehomebooks và Trung tâm nghiên cứu xuất bản - giáo dục IPER.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!