Phố nhà tôi không có vạch kẻ cho người đi bộ, sang đường thế nào?

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Trước động thái cứng rắn xử lý người đi bộ vi phạm, nhiều độc giả bày tỏ sự ủng hộ, song cũng đề nghị cơ quan chức năng nâng cấp cơ sở vật chất để người đi bộ được tham gia giao thông đúng quy định.

Như Dân trí phản ánh sáng 8/4, lực lượng cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ tại nút giao Trần Duy Hưng - Hoàng Đạo Thúy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã lập biên bản xử phạt hàng loạt trường hợp người đi bộ qua đường không đúng quy định. Các hành vi bị xử lý gồm không tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn, báo hiệu đường bộ; đi bộ không tuân thủ vạch kẻ đường, nơi có cầu vượt hoặc hầm dành cho người đi bộ... 

Không chỉ khu vực trên, tình trạng người đi bộ không tuân thủ vạch kẻ đường diễn ra thường xuyên ở nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội. Nhiều người mang tâm lý chủ quan, cho rằng CSGT không xử phạt nên bất chấp các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông. 

Phố nhà tôi không có vạch kẻ cho người đi bộ, sang đường thế nào? - 1

Một trường hợp sang đường không đúng vạch kẻ đường bị CSGT xử phạt (Ảnh: Trần Thanh).

Bình luận dưới bài viết phản ánh của Dân trí, nhiều người đồng tình và ủng hộ động thái quyết liệt của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, bên cạnh việc xử phạt nhằm nâng cao ý thức người dân, lực lượng chức năng cần có chỉ dẫn, cơ chế giải quyết phù hợp trong bối cảnh cơ sở vật chất, hạ tầng tại Thủ đô chưa thể đáp ứng, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người đi bộ. 

Bày tỏ sự ủng hộ, độc giả Vũ Hoàng Lan bình luận: "Những biện pháp này rất cần thiết để tạo ra sự thay đổi trong thói quen đi bộ của người dân. An toàn giao thông là ưu tiên hàng đầu". 

"Xử phạt là đúng. Trước đây chưa phạt, dẫn đến người dân sang đường vô tội vạ, gây nguy hiểm cho chính mình và người khác. Xử phạt dần dần, người dân sẽ phải tự ý thức, thượng tôn pháp luật", bạn đọc A Cửu viết. 

Có cùng cảm nhận, anh Nguyen Dang viết: "Xử phạt người đi bộ sai quy định là đúng. Việc này tuy muộn nhưng cũng nên làm ngay, ở nước ngoài có mấy ai dám tùy tiện băng qua đường như ở Việt Nam đâu, lớ ngớ đi bộ sang đường như bên mình, xe tông thì ân hận". 

Cũng ủng hộ việc xử phạt, song độc giả Quanghuy29 chỉ ra những bất cập về hạ tầng tại Hà Nội hiện cũng là một trong các nguyên nhân dẫn tới người đi bộ phải vi phạm quy định khi tham gia giao thông. Do đó, ngoài việc xử phạt, nhà nước cần nghiên cứu, bố trí, bổ sung vạch kẻ đường, phần đường đi bộ một cách hợp lý. 

"Ủng hộ việc xử phạt, nhưng cơ quan quản lý cũng cần nghiên cứu kẻ vạch sang đường cho người đi bộ một cách khoa học, hợp lý. Có những khu phố hầu như không có vạch sang đường cho người đi bộ, vậy nếu muốn sang đường thì phải làm như thế nào? Chẳng lẽ cứ phải chịu nộp phạt hay sao?", bạn đọc này bình luận. 

Phản ánh tình trạng tương tự, bạn đọc Lê Liêm đặt câu hỏi: "Phố nhà tôi (giống nhiều tuyến phố ở Hà Nội) không có vạch kẻ cho người đi bộ, vậy người dân không được sang đường sao?". 

Phản ánh một tình huống "dở khóc, dở cười" khác, anh Tran Nhat Long bình luận: "Nhà tôi muốn sang đường (nhà đối diện) mua đồ thì phải đi vòng 150m lên ngã tư, sau đó vòng ngược lại à? Tôi nghĩ nên có quy định cụ thể về hiệu lực và vị trí hết hiệu lực của vạch kẻ đường". 

"Không ít đoạn đường mà vạch cho người đi bộ chỉ có ở ngã rẽ, cách nhau gần cây số, rất bất hợp lý. Cần phải bố trí vị trí sang đường hợp lý cho người dân dễ chấp hành. Sang đường sai thì vẫn là sai, nhưng rõ là bất tiện nếu bạn phải đi 500m để sang đường, rồi đi 500m quay lại nhà đối diện, rồi lại vòng nữa quay về", chủ tài khoản Vnevono nêu ra một tình huống khó giải quyết khác trên thực tế. 

"Lý thuyết là vậy, nhưng giờ nếu gặp những đoạn mà đi cả cây số mới có chỗ sang đường thì làm như thế nào, chẳng lẽ lại chọn đi bộ hàng cây số để qua đường trong khi mục tiêu của bạn chỉ là phía đối diện, cách chỉ khoảng 200 - 300m?", bạn đọc có nickname HangGuonan tiếp lời. 

Phố nhà tôi không có vạch kẻ cho người đi bộ, sang đường thế nào? - 2

Người đi bộ bất chấp chỉ dẫn, vạch kẻ đường để băng qua một đoạn đường tại Hà Nội (Ảnh: Trần Thanh).

Độc giả Lê Cảnh Hùng chỉ ra một nguyên nhân khác dẫn tới người đi bộ vi phạm là việc thiếu cơ sở vật chất, diện tích để người đi bộ di chuyển. Độc giả này bình luận: "CSGT khuyên người dân đi trên vỉa hè và lề đường, vậy thử hỏi ở Hà Nội, đặc biệt khu phố cổ thì có vỉa hè để người dân đi không? Tôi chấp nhận phạt, nhưng chỉ khi vỉa hè thông thoáng, có lối đi mà vẫn vi phạm thì tôi mới phục". 

"Cho xin lại cái vỉa hè, người đi bộ sẽ đi đúng", anh Nguyễn Tiến Lực tiếp lời. 

Cũng bình luận về sự việc, độc giả Thụy Phạm lại cho rằng tình trạng các phương tiện không có ý thức nhường đường cho người đi bộ như hiện nay là một phần nguyên nhân dẫn tới người đi bộ không chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật. 

"Còn một bộ phận lớn người dân chưa hiểu ý nghĩa của vạch sang đường cho người đi bộ, trong khi các phương tiện tham gia giao thông hầu như không nhường người đi bộ khi họ đang đi đúng vạch kẻ. Hà Nội nên có lực lượng hướng dẫn các phương tiện giao thông, nâng cao ý thức nhường đường cho người đi bộ trên vạch. Với tình trạng hiện nay, đi bộ qua đường nơi có vạch hay không thì không khác nhau là mấy", bạn đọc này viết. 

"Người đi bộ thuộc nhóm yếu thế nhất trong những người tham gia giao thông. Họ hầu như không bao giờ được nhường đường, ngay cả khi qua đường trên vạch kẻ. Lẽ ra nên phạt hành vi không nhường đường cho người đi bộ với những người điều khiển phương tiện cơ giới trước thì hơn", chủ tài khoản Giao Thong tiếp lời.