Nghị định 168 và "không có phần thưởng nào hơn"
Báo cáo tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 3/2, ngành Công an cho biết, trong dịp Tết, toàn quốc xảy ra 411 vụ tai nạn giao thông, làm chết 191 người, 354 người bị thương, giảm từ 38% đến 40% số vụ, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông so với cùng kỳ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. "Số vụ tai nạn, số người tử vong giảm, dù chỉ là một người cũng là điều rất đáng mừng, không có phần thưởng nào hơn, không có động viên nào hơn bằng điều này", Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói như vậy.
Nhìn lại 9 ngày nghỉ Tết Ất Tỵ 2025, cả nước có hơn 55.500 trường hợp vi phạm bị CSGT xử lý; gần 3.000 giấy phép lái xe và chứng chỉ chuyên môn bị thu giữ; hơn 7.000 giấy phép bị trừ điểm; gần 430 ôtô, hơn 20.700 môtô bị tạm giữ. So với cùng kỳ, số vụ vi phạm giảm 42%.
Điều đáng ghi nhận là dù vi phạm về nồng độ cồn vẫn chiếm nhiều nhất (30% tổng số vụ vi phạm) với 17.100 trường hợp, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái, đã giảm hơn 20.300 vụ (giảm hơn 54%). Toàn cảnh tình hình trật tự giao thông Tết năm nay cho thấy Nghị định 168 đã phát huy tác dụng đáng kể trong việc thay đổi hành vi của người tham gia giao thông. Từ đó, hạn chế vi phạm, giảm thiệt hại về tính mạng và tài sản cho người dân.
Cá nhân tôi vừa trải nghiệm hơn 2.000km đường bộ Hà Nội - Quảng Ngãi - Hà Nội trong dịp Tết Ất Tỵ, có thể khẳng định rằng, đã có sự thay đổi trong nhận thức của nhiều người tham gia giao thông so với mấy năm trước. Ô tô đi đã đúng làn đường hơn, tuân thủ tốc độ, tín hiệu giao thông tốt hơn. Trên những đoạn cao tốc 2 làn xe không có dải phân cách như Cam Lộ - La Sơn - Túy Loan, tình trạng ô tô lấn làn, vượt xe trái quy định đã giảm đáng kể. Ở các địa phương chúng tôi ghé qua như Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi… giao thông cũng trật tự hơn.
Có thể khẳng định việc tăng mức xử phạt cùng các biện pháp xử lý hành chính kèm theo của Nghị định 168 đã có hiệu ứng tích cực. Từ sợ bị phạt đến hình thành thói quen, ý thức chấp hành pháp luật khi ra đường là cả một quá trình lâu dài. Nhưng nếu hôm nay không mạnh tay chấn chỉnh, thì e rằng, sẽ chẳng bao giờ chúng ta xây dựng được môi trường giao thông văn minh.
Dù đã được kéo giảm so với các năm trước, tai nạn giao thông tại Việt Nam hiện vẫn ở mức cao với nhiều hành vi vi phạm mang tính liều lĩnh, gây nguy hiểm cho cộng đồng. Không chỉ ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM… mà hầu như tỉnh, thành nào cũng có. Đặc biệt là những địa phương có đường cao tốc và quốc lộ chạy qua, khiến áp lực giao thông ngày càng gia tăng.
Vì vậy, việc tăng mức phạt đối với những hành vi vi phạm nguy hiểm như vượt đèn đỏ, phóng nhanh giành đường vượt ẩu, đi ngược chiều trên đường cao tốc… là cần thiết. Nhưng theo tôi, về lâu dài chúng ta vẫn cần xây dựng chiến lược thông tin, giáo dục pháp luật về giao thông một cách bài bản, để người dân không chỉ am hiểu pháp luật mà còn tự giác và có trách nhiệm trong việc thực hành văn hóa giao thông một cách văn minh và an toàn.
Ngoài ra, tăng cường xử phạt phải đi liền với việc đảm bảo những điều kiện cần thiết để mọi người được tham gia giao thông an toàn và trật tự. Đây là điều cần quan tâm của chính quyền các địa phương lúc này. Thực tế cho thấy, nhiều lỗi vi phạm do một bộ phận tài xế cố ý, nhưng cũng có những lỗi vi phạm do bất cập của cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật liên quan… Các tỉnh thành, nhất là Hà Nội và TPHCM, nên tăng cường các biện pháp giám sát, lắp thêm camera phạt nguội, ứng dụng khoa học công nghệ… nhằm đảm bảo mọi người tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông.
Pháp luật ban hành là nhằm đưa các hoạt động của xã hội đi vào nền nếp, tôn trọng quyền và lợi ích của số đông. Không thể vì để được việc cho mình mà lại cổ vũ cho lối sống vô tổ chức, ra đường mạnh ai nấy đi, mạnh ai nấy chen tạo nên hình ảnh giao thông xấu xí của người Việt. "Triết lý điền vào chỗ trống" chính là cách nói mỉa mai về kiểu giao thông ấy. Trật tự giao thông được đảm bảo thì "phần thưởng" là số vụ tai nạn, số người tử vong giảm và thay đổi triết lý giao thông xấu xí này.
Tác giả: Ông Nguyễn Vân Thiêng là nhà báo với hơn 30 năm trong nghề, hiện công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!