Vàng và trí tuệ tài chính
Mỗi tối, trước khi đi ngủ, người đàn ông đó lại cẩn thận mang chiếc lon sữa cũ ra góc nhà. Tiếng lạo xạo của những chiếc nhẫn vàng bên trong làm khuôn mặt ông sáng bừng lên, như được thắp lên bởi niềm vui sống át đi những nhọc nhằn ban ngày. Ông đổ cả lon vàng nhẫn ra nền, nhìn chúng lấp lánh dưới ánh đèn. Đôi tay chai sạm nâng niu từng chiếc nhẫn, như chạm vào chính những nỗ lực, nước mắt và nỗi cô đơn của cuộc đời mình. Trong khoảnh khắc ấy, ông cho phép mình tận hưởng niềm hạnh phúc nhỏ nhoi: vừa xếp từng chiếc nhẫn vào lon, vừa đếm chúng, dù đã thuộc nằm lòng con số ấy.
Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, đông anh em, ông là con út, lại không may bị liệt cả hai chân sau một cơn bạo bệnh. Không vợ con, suốt cuộc đời, ông rong ruổi trên chiếc xe lăn khắp ngõ ngách quận 8 (TPHCM), nhặt ve chai để mưu sinh.
Dù trời nắng hay mưa, ông vẫn kiên trì gom nhặt từng mảnh phế liệu, sống qua ngày với sự giúp đỡ từ những mạnh thường quân hoặc các cháu thỉnh thoảng dúi cho ông ít tiền tiêu vặt. Có lẽ ông trời không nỡ thử thách ai đến tận cùng, nên cho ông một sức khỏe đủ để mưu sinh. Ngày này qua ngày khác, ông dồn hết những đồng tiền lẻ kiếm được để mua vàng - từng chút một, nhờ cháu mua giúp mỗi khi đủ tiền. Những chiếc nhẫn vàng ông tích lũy từ ngày giá chưa đến một triệu đồng một chỉ, giờ đã gần đầy chiếc lon sữa cũ, lên đến gần hai mươi cây vàng. Dù không ai thấy ông dùng đến số vàng ấy, nhưng tôi hiểu: đó là minh chứng cho lòng tự trọng, cho cảm giác rằng ông không phải là gánh nặng của ai, rằng cuộc đời ông vẫn có giá trị riêng.
Đó chính là lẽ sống còn lại, thứ mang lại cho ông sự tự tin, một thứ gì đó để hướng đến và sẽ là một chút tình yêu ông muốn dành lại cho những đứa cháu vẫn quan tâm, chăm sóc ông cho đến khi một ngày ông rời bỏ kiếp sống quá đỗi nhọc nhằn này…
Câu chuyện của ông là một lát cắt nhỏ trong bức tranh văn hóa tích lũy vàng đã ăn sâu vào tâm thức người Việt. Vàng giúp cho bất kỳ ai cũng có quyền năng tích lũy sức lao động của mình qua thời gian mà không bị hao hụt giá trị. Vàng không chỉ là tài sản, mà còn là biểu tượng của sự kiên trì, niềm tin vào giá trị lao động. Những chiếc nhẫn vàng nhỏ bé mà ông nhặt nhạnh qua từng ngày, gom góp từ những gì tưởng như vô giá trị, chính là minh họa sống động cho triết lý sống giản dị mà sâu sắc của người Việt: "tích tiểu thành đại," "kiến tha lâu cũng đầy tổ."
Lịch sử dân tộc Việt Nam là một dòng chảy bất tận của những thử thách, biến cố và phát triển, "sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa". Từ thiên tai bão lũ, hạn hán, mất mùa đến chiến tranh, di dân, lạm phát… Trong dòng chảy ấy, với nhiều người, vàng luôn là điểm tựa, là nơi trú ẩn an toàn. Khi nhà cửa bị cuốn trôi, mùa màng thất bát, và gia đình lâm vào cảnh khó khăn, vàng trở thành thứ duy nhất giữ nguyên giá trị. Người ta dùng vàng để mua lương thực, tái thiết nhà cửa, hoặc làm vốn để bắt đầu lại…
Với những người dân di cư, vàng là tài sản dễ dàng mang theo nhất, vượt xa bất động sản hay hàng hóa cồng kềnh. Trong những hành trình bất định, vàng trở thành "vật hộ thân", thành "bùa thông hành", là điểm tựa tài chính, tinh thần, là vốn khởi nghiệp, là tấm bùa đảm bảo cho sự ổn định của cuộc sống mới.
Ở một góc độ nào đó, vàng là một "ngôn ngữ tài chính chung" mà mọi người đều hiểu và chấp nhận - đó là điều mà không nhiều loại tài sản nào khác có thể so sánh được.
Vàng trong đời sống người Việt không đơn thuần là một loại tài sản tích lũy. Nó gắn liền với niềm tin, phong tục, những giá trị tâm linh sâu sắc và giá trị trang sức. Từ xa xưa, người Việt đã xem vàng là biểu tượng của sự bền vững, thịnh vượng và bảo vệ. Không phải ngẫu nhiên mà trong những sự kiện trọng đại nhất đời người như cưới hỏi, xây nhà, sinh con, vàng luôn xuất hiện như một món quà ý nghĩa. Đó không chỉ là của cải mà ông bà, cha mẹ trao cho con, mà còn là lời chúc phúc, mong con cháu sung túc, vững chãi trên đường đời.
Thế nhưng, cùng với sự thay đổi của thời đại, thói quen tích lũy vàng đã có sự chuyển dịch tự nhiên. Thế hệ trẻ - đặc biệt là 9x và 2k - không còn coi vàng là kênh tích lũy duy nhất. Được tiếp cận với giáo dục hiện đại và thị trường tài chính đa dạng, họ tìm đến những kênh đầu tư như cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, ETF (Quỹ giao dịch hoán đổi), REIT (Quỹ đầu tư bất động sản). Gần đây là xu hướng tìm hiểu về tiền mã hóa, trong bối cảnh khuôn khổ pháp lý chưa có quy định cụ thể và chưa coi tiền mã hóa là một loại tài sản... Nhiều người trẻ tin rằng với kiến thức mới, họ có thể tối ưu hóa tài sản tốt hơn thế hệ trước. Thế nhưng, không ít người đã rơi vào cảnh "trứng khôn hơn vịt," khi bán vàng của cha mẹ để đầu tư vào các kênh này, chỉ để chứng kiến giá trị sụp đổ trong khi giá vàng tăng vọt.
Thế hệ trước, dù ít kiến thức tài chính chính thống, lại sở hữu "trí tuệ tài chính" - một sự nhạy bén thực tế về sự an toàn và bền vững. Họ hiểu rằng vàng, dù không sinh lời nhanh, vẫn là lựa chọn vững chắc trước những bất trắc của cuộc đời.
Khi nhìn nhận về vàng, sẽ là không thực tế, duy ý chí nếu chúng ta không nhìn vào những yếu tố kể trên. Tất nhiên đây là ở góc độ cá nhân mỗi người dân. Còn ở góc độ vĩ mô thì rõ ràng nhu cầu về vốn trong sản xuất kinh doanh là rất lớn, nên việc đưa ra các giải pháp để vàng trở thành nguồn lực của nền kinh tế là cần thiết.
Để thúc đẩy dòng vốn lưu thông và giảm tỷ trọng nắm giữ vàng trong dân, điều cốt lõi không phải là dùng các biện pháp hành chính, sự cưỡng ép mà là tạo dựng niềm tin.
Niềm tin ấy được xây dựng vững chắc từ sự ổn định của đồng nội tệ, từ một môi trường kinh tế vững mạnh và các kênh đầu tư bền vững. Những lựa chọn như trực tiếp sản xuất, kinh doanh hay tham gia thị trường chứng khoán, rồi đầu tư vào các loại hình ETF, REIT, chứng chỉ quỹ mở…, cần được thiết kế sao cho đơn giản, thông thoáng, minh bạch, dễ tiếp cận, có khuôn khổ pháp lý rõ ràng và phù hợp với mọi tầng lớp, giống như cách vàng đã hiện diện bền bỉ trong đời sống người Việt.
Khi đó, người dân thực sự yên tâm đưa tài sản vào lưu thông, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế mà không đánh mất đi những giá trị tích lũy đã được hun đúc qua bao thế hệ.
Giáo dục tài chính cá nhân chính là yếu tố then chốt để tạo nên sự thay đổi bền vững. Hiểu biết về tài chính không chỉ giúp thế hệ trẻ quản lý tốt hơn tài sản của mình, mà còn tránh được những sai lầm đáng tiếc. Giáo dục phải bắt đầu từ những điều cơ bản nhất như thiết lập ngân sách quỹ dự phòng, quản lý rủi ro, bảo hiểm đến những khái niệm phức tạp hơn như đầu tư, phát triển tài sản... Khi được trang bị kiến thức đầy đủ, thế hệ trẻ sẽ biết cách cân bằng giữa sự đổi mới và truyền thống, giữa các kênh đầu tư hiện đại và sự an toàn của vàng.
Tác giả: Đức Nguyễn là chuyên gia đào tạo & huấn luyện tài chính được chứng nhận bởi Hội đồng Giáo dục Tài chính Mỹ (NFEC - National Financial Educators Council); chuyên gia huấn luyện được chứng nhận Certified Professional Coach của Liên đoàn Huấn luyện Quốc tế (ICF).
Ông có 10 năm kinh nghiệm đào tạo, tư vấn & quản lý đội ngũ tư vấn tài chính tại Citibank, Standard Chartered bank và Vndirect; 13 năm kinh nghiệm giảng dạy, huấn luyện tài chính và quản trị gia sản.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!