Tâm điểm
Bích Diệp

Ngày vía Thần Tài, nói chuyện giá vàng

Mỗi năm, hễ cứ chuẩn bị tới ngày vía Thần Tài, không khí mua bán trên thị trường vàng lại sôi động. Việc mua vàng vốn dĩ xuất phát từ quan niệm "lấy may", cầu mong một năm tài lộc, sung túc, kinh doanh suôn sẻ, thuận buồm xuôi gió, cho rằng tiền vàng vào nhà đầu năm thì cả năm dư giả.

Theo tích xưa, Thần Tài vốn được coi là vị thần cai quản tiền bạc, tài lộc trên Thiên đình, trong một lần uống rượu say mà lạc xuống trần gian. Thần Tài vào nhà nào nhà đó giàu có, buôn may bán đắt… Đến ngày mồng 10 tháng Giêng thì Thần Tài bay về trời.

Trước đây, việc  mua vàng để cầu tài cầu lộc trong Ngày vía Thần Tài thường chỉ có gói gọn lại ở phạm vi những người kinh doanh, nhưng hiện nay, hoạt động này trở nên phổ biến. Người dân thường chọn mua vàng đầu năm hoặc mua vàng vào đúng Ngày Thần Tài để đón lộc và thành "phong trào" thường niên. Việc mua - bán vàng theo đó cũng không chỉ dừng lại ở việc lấy may, nhiều người còn coi đây là dịp để ăn chênh lệch.

Ngày vía Thần Tài, nói chuyện giá vàng - 1

Người dân mua vàng trong ngày vía Thần Tài tại TPHCM, tháng 1/2023 (Ảnh minh họa: Quang Ninh)

Trong năm 2023, giá vàng giảm trong ngày vía Thần Tài nhưng sau đó đã có một năm thăng hoa với những kỷ lục về giá liên tục bị phá vỡ. Nếu mua vàng SJC trong ngày vía Thần Tài 2023 với giá 67,82 triệu đồng/lượng và giữ đến thời điểm này (17/2) với mức mua vào của các nhà vàng hơn 76 triệu đồng lượng thì đã lãi gần 9 triệu đồng/lượng. Dù vậy, mức chênh mua vào bán ra vẫn lớn, xấp xỉ 2 triệu đồng nên việc "lướt" giá trong ngày khá khó.

Quan sát từ năm 2013 đến nay, giá vàng thường biến động theo kịch bản tương đối giống nhau: Dần tăng từ nửa tháng trước ngày vía Thần Tài rồi lập đỉnh ngắn hạn ngay sau Tết (thường là trước ngày 10 tháng Giêng). Trong ngày mùng 10, giá thông thường sốt buổi sáng khi sức mua tăng vọt và đến chiều thì hạ nhiệt. Sau ngày vía Thần Tài, giá vàng có xu hướng giảm mạnh trong ngắn hạn, thường giảm sâu trong ngày 11 tháng Giêng.

Tất nhiên, đồ thị giá không phải năm nào cũng "copy" một kiểu giống nhau do giá vàng chịu tác động của nhiều yếu tố. Có những năm giá vàng lình xình sau lễ rồi lao dốc (2013, 2015, 2016, 2018) lại có những năm tăng như năm 2014, 2019, 2020, 2022…

Bởi vậy, việc vào - ra lướt sóng vàng trong ngắn hạn, đặc biệt với vàng miếng, có nhiều rủi ro và chịu tác động tâm lý đám đông. Ví như khi nhà nhà mua vào thì giá đương nhiên sẽ tăng, khi giá tăng, người mua thường sợ mất lượt, mất phần. Đến khi mọi người bán ra đồng loạt, giá giảm mạnh.

Vào những dịp vía Thần Tài, đa số người dân chọn mua vàng nhẫn do có giá phải chăng và mệnh giá nhỏ, phù hợp với hoạt động mua vào lấy may, trong khi vàng miếng có mệnh giá cao hơn, đòi hỏi người mua có tài chính lớn hơn. Chính vì vậy, giá vàng nhẫn thường tăng cao ở chiều mua trong dịp này.

Hơn nữa, vàng nhẫn được ưa chuộng do năm 2023, trong khi giá vàng miếng chỉ tăng 15% thì giá vàng nhẫn tăng tới 20%, một mức sinh lời rất hấp dẫn.

Một số "típ" mua vàng mà người có nhu cầu mua có thể tham khảo. Ví như nên chọn mua vàng nhẫn tròn trơn loại ép vỉ, vì loại không ép vỉ khó xác định được chất lượng, tuổi của vàng; nên chọn mua vàng ở những cửa hàng uy tín, lấy hóa đơn đầy đủ để đảm bảo chất lượng cũng như thuận tiện cho các giao dịch mua đi bán lại. Còn với vàng miếng, người mua chỉ có một lựa chọn với thương hiệu SJC độc quyền, song lại phải thận trọng trong khâu bảo quản.

Với mặt hàng vàng trang sức, người mua phải mất chi phí cho công đánh vàng; trong khi các sản phẩm mạ vàng sẽ không bán lại được cho các cửa hàng kinh doanh vàng. Vì vậy, người mua vàng nếu mua những sản phẩm này sẽ phải cân nhắc vì chưa chắc sinh lời.

Sẽ không có gì phải lăn tăn nếu như việc mua vàng ngày vía Thần Tài chỉ dừng lại ở một vài chỉ vàng để lấy may "gọi là", tuy nhiên nếu mua với mục đích tích trữ số lượng nhiều, người mua có lẽ sẽ cần tính toán nhiều hơn, chú ý đến các chính sách nhằm quản lý thị trường của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.

Trước hết phải nhấn mạnh rằng, Nhà nước vốn không có chủ trương khuyến khích người dân tích trữ vàng. Quyết tâm chống "vàng hóa" đã được thực hiện nhất quán suốt nhiều năm qua.

Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây đã ký ban hành Chỉ thị số 06 ngày 15/2 về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024, trong đó yêu cầu cơ quan quản lý tổng kết Nghị định 24 và có giải pháp quản lý thị trường này trong quý I để phù hợp tình hình mới.

Trước đó, ngày 28/12/2023, Thủ tướng cũng đã ra công điện yêu cầu Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và trong nước để khẩn trương thực hiện giải pháp theo quy định để bình ổn thị trường vàng; chủ động xây dựng kịch bản, phương án ứng phó với biến động của giá vàng thế giới và trong nước. Ngân hàng Nhà nước ngay lập tức khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến, chuẩn bị sẵn sàng để triển khai phương án can thiệp bình ổn thị trường vàng.

Sự biến động mạnh của giá vàng trên thị trường thời gian qua được lý giải do lượng vàng miếng giao dịch trên thị trường không nhiều. Trong suốt hơn 10 năm qua, thị trường vàng miếng không có hàng hóa cung ứng thêm, Nhà nước không sản xuất thêm, doanh nghiệp không được phép nhập khẩu, vàng trong nước và quốc tế không có sự liên thông.

Tuy nhiên hiện nay, nhiều chuyên gia hiện đang đề nghị nhanh chóng sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP theo hướng cho phép nhập khẩu vàng miếng tạo sự liên thông giữa thị trường vàng trong nước và quốc tế, bỏ cơ chế độc quyền vàng SJC, thậm chí có đề xuất mở lại sàn vàng… Trên tinh thần đó, giá vàng sẽ được bình ổn tốt hơn, có thể tránh được những cú sốc giá cục bộ do khan hiếm hàng.

Năm nay, Ngày vía Thần Tài rơi vào thứ Hai (tức ngày 19/2/2024 Dương lịch), hoạt động mua vàng đã sôi động dần. Với những phương thức cho phép mua trực tuyến, người mua không nhất thiết phải chen lấn đến trực tiếp mua vàng. Hy vọng rằng mỗi người đều sẽ có được những trải nghiệm vui vẻ khi mua vàng, không bị thua lỗ vì đua tranh dịp vía Thần Tài.

Tác giả: Bích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog - Tâm điểm từ năm 2016.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!