Vaccine Covid, cục máu đông - khoa học và bằng chứng
Thông tin vaccine Covid-19 của AstraZeneca nghi ngờ gây cục máu đông xuất hiện trên các phương tiện truyền thông thời gian gần đây khiến nhiều người băn khoăn. Một số bạn bè nhắn tin cho tôi nói rằng, họ cảm thấy mông lung và lo lắng vì là những người đã rất tích cực ủng hộ chương trình vaccine và đã tiêm vaccine AstraZeneca 2 năm trước.
Tôi rất hiểu tâm trạng này, và trên tư cách là một người nghiên cứu trong lĩnh vực y tế, tôi thấy trước khi đưa ra bất cứ phán xét nào, chúng ta cần bình tĩnh đặt ra và trả lời những câu hỏi sau:
Thứ nhất, vaccine Covid có gây đông máu không?
Câu trả lời là "có" nhưng với một tỷ lệ rất thấp và chỉ với vaccine được sản xuất từ Adenovirus (Astra Zeneca, J&J). Theo tổng kết của Tổ chức GAVI (liên minh vaccine toàn cầu), ngay cả ở nhóm chủng tộc có nguy cơ bị biến chứng cục máu đông cao nhất là châu Âu và Anh thì xác suất của biến chứng này rất thấp, chỉ 1/250.000 người.
Thứ hai, vì sao bây giờ nhiều người mới biết đến tin này và vì sao đến lúc này AstraZeneca mới thừa nhận nguy cơ gây đông máu của vaccine?
Thực ra, đây hoàn toàn không phải là một phát hiện mới mẻ. Thông tin này đã được công khai từ đầu năm 2021, đã đưa vào khuyến cáo và tư vấn trước tiêm chủng, và vẫn đang được các công cụ tìm kiếm như Google lưu trữ, tuy nhiên, trong suốt thời gian đó cho đến nay có thể nhiều người để ý hoặc đã quên.
Mới đây nhất, thông tin với báo chí ngày 3/5, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) - cho biết, vấn đề đông máu là tác dụng phụ mà Việt Nam khi tổ chức tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca cũng đã được cảnh báo. Vì vậy, khi triển khai tiêm vaccine Covid-19, ngành y đã thận trọng tư vấn và hướng dẫn người dân theo dõi sau tiêm chủng để tới cơ sở y tế kịp thời.
Đại diện Bộ Y tế cũng cho biết, hầu hết mọi người đã tiêm vaccine AstraZeneca phòng COVID-19 đã được vài năm, hiện cũng đã hết tác dụng, do đó người dân cũng không cần lo ngại bị tác dụng phụ dẫn đến đông máu.
Câu hỏi thứ ba, với những người đã tiêm vaccine AstraZeneca thì liệu bây giờ họ có nguy cơ bị cục máu đông hay không? Đây cũng là mối băn khoăn của bất cứ ai đã từng tiêm vaccine Covid của Astra Zeneca.
Tuy nhiên, mọi người có thể yên tâm nếu từng tiêm vaccine này trong giai đoạn dịch bùng phát, bởi cục máu đông nếu xảy ra cũng trong vòng 2-4 tuần sau tiêm. Hơn nữa, như đã đề cập ở trên, với tỉ lệ 1/250.000 thì tác dụng phụ này cũng rất hiếm gặp. Giả sử bạn là trường hợp không may 1 trong 250.000 người bị đông máu, hoặc có yếu tố cơ địa làm tăng nguy cơ bị tác dụng phụ này, thì hãy thử nhớ lại xem lần cuối bạn tiêm vaccine này khi nào? Từ thời điểm đó đến nay đã rất lâu rồi, vậy bạn có nghĩ rằng mình còn có thể bị đông máu nữa không?
Nếu như vẫn còn băn khoăn về vấn đề này, chúng ta hãy cùng xem xét lại cơ chế gây đông máu của vaccine: Đầu tiên, khi tiêm vaccine vào người (loại làm từ adenovirus), vaccine kích hoạt tiểu cầu (một loại tế bào máu) và tiểu cầu giải phóng ra PF4 (một loại protein). Ở vài người, cơ thể họ có phản ứng miễn dịch bất thường, sinh ra một loại kháng thể có thể bám vào PF4 giống như keo siêu dính, tạo thành các cấu trúc lớn được gọi là "phức hợp miễn dịch", gây ra cục máu đông.
Một số nghiên cứu cho thấy bất thường này có liên quan tới yếu tố gen, gặp nhiều ở cộng đồng châu Âu. Hầu hết mọi người khi tiêm vaccine không sinh ra kháng thể này nên không bị tác dụng phụ đông máu. Và như đã nói ở trên, cục máu đông xuất hiện sau khi tiêm vaccine từ 2-4 tuần. Tới nay đã quá lâu rồi nên tác dụng phụ này không xuất hiện nữa.
Thực tế, cục máu đông không chỉ có nguy cơ xuất hiện sau tiêm vaccine Astra Zeneca mà những người mắc Covid cũng có thể bị cục máu đông, thậm chí có thể xảy ra tới tận 6 tháng sau khi mắc Covid.
Giả sử một người cực kỳ xui xẻo thì dù không tiêm vaccine cũng có thể bị cục máu đông do Covid. Nhưng những thứ đen đủi này không còn xảy ra nữa vì bây giờ Covid đã biến thể rất nhẹ và hầu như chúng ta cũng không còn tiêm vaccine nữa.
Vậy giải thích thế nào khi hiện nay nhiều người bị đột quỵ? Có phải do họ đã từng tiêm vaccine không? Thẳng thắn mà nói, nếu do tiêm vaccine thì tình trạng đột quỵ đã phải xảy ra từ lâu lắm rồi chứ không phải đến lúc này người tiêm vaccine mới phải lo lắng về chúng.
Đột quỵ xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Để phát hiện sớm nguy cơ đột quỵ và có phương án phòng tránh, mỗi người cần khám sức khỏe tổng quát định kỳ để kiểm tra tình trạng huyết áp, đường huyết và mỡ máu xem có bất thường không và điều trị khi được bác sĩ chỉ định. Có chế độ ăn uống hợp lý, tập thể dục, rèn luyện thể thao một cách khoa học, bỏ rượu bia, thuốc lá… mới là cách đúng đắn để bảo vệ bản thân trước nguy cơ đột quỵ.
Như vậy, chúng ta không nên hoang mang, lo lắng. Theo tôi, trong cuộc chiến chống Covid-19, tiêm vaccine là hành động đúng đắn, góp phần bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng. Trong giai đoạn đầu của đại dịch, khi còn thiếu vaccine, đã có hơn 40.000 người Việt tử vong do Covid (tính đến tháng 3/2022). Chúng ta hãy thử tự trả lời câu hỏi nếu vẫn tiếp tục không có vaccine thì tình hình sẽ như thế nào?
Vaccine nói chung mang lại lợi ích lớn lao hơn rất nhiều so với nguy cơ mà nó có thể gây ra cho con người.
Tác giả: GS.BS Nguyễn Thu Anh hiện là Giám đốc Viện Đại học Sydney Việt Nam. Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!