Nhìn lại 2022: Hai bài học về vaccine và kit test Việt Á
Năm 2022 sắp qua. Nhìn lại nhiều vấn đề thời sự lớn nhất trong năm đều liên quan đến Covid-19, từ diễn biến của đại dịch, đến chuyện tham nhũng trong ngành y, chuyện phục hồi kinh tế...
Đầu năm, sau khi vừa trải qua đợt dịch khủng khiếp ở các tỉnh phía Nam - tháng 6 đến tháng 10/2021 - tình hình cả nước rất căng thẳng. Dòng người lao động từ các tỉnh phía Nam sau một thời gian dài bị cách ly, kiệt quệ về kinh tế, đã bung ra trở về quê. Lúc đó, chính quyền và các nhà chuyên môn rất lo ngại về một đợt dịch bùng phát trên toàn quốc.
Các biện pháp hành chính cách ly nghiêm ngặt được thực hiện. Truyền thông liên tục có các bài thảo luận về nguy cơ lây nhiễm. Chính quyền ráo riết triển khai các biện pháp hành chính như khai báo di chuyển, cách ly tập trung, cách ly hộ gia đình, dán biển đỏ thông báo nhà có người nhiễm, thông báo trên truyền thông...
Mặc cho các biện pháp phòng tránh quyết liệt trên, dịch vẫn bùng phát và lan rộng ở các tỉnh phía Bắc trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 3 năm 2022. Quy mô đỉnh dịch lần này cao hơn đỉnh dịch tháng 9/2021 nhiều lần. Ngày cao nhất có 424.000 ca mới mắc (ngày 19/3/2022), trong khi đó ngày cao nhất của năm 2021 là 14.000 ca mới (ngày 7/9/2021).
Nhưng điều đáng mừng là đợt dịch này số người bệnh nặng ít hơn trước nhiều và số tử vong rất ít. Số tử vong chủ yếu tập trung ở người chưa tiêm vaccine và nhóm rất nhỏ người có bệnh lý nền nặng. Tại bệnh viện tôi đang làm khi đó có hàng nghìn người nhập viện, nhưng bệnh nhân cần thở oxy rất ít và chỉ có vài người tử vong.
Sang đến tháng 4 dịch gần như đột nhiên giảm hẳn. Lúc này sự lo lắng về dịch bệnh trong dân chúng hạ nhiệt. Nhiều người test Covid-19 dương tính không muốn nằm viện. Các bệnh viện chuyên Covid-19 thu hẹp quy mô, nhiều bệnh viện đóng cửa bộ phận điều trị bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2. Ngay tại buồng bệnh điều trị Covid-19, các biện pháp phòng hộ lây nhiễm virus cũng giảm mức độ, nhân viên y tế chỉ còn đeo khẩu trang mà không còn mặc cả bộ đồ PPE như trước.
Cuối tháng 4/2022 thẩm phán liên bang Mỹ bãi bỏ quyết định bắt buộc đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng. Do đó ngày 4/5/2022 CDC Hoa Kỳ cũng tuân theo quyết định trên, không bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi công cộng, nhưng vẫn khuyến khích mọi người nên dùng khẩu trang khi đến nơi đông người. Tin này đã ảnh hưởng tới thái độ chống dịch trên toàn thế giới. Bộ Y tế Việt Nam vào đầu tháng 9/2022 đã thay đổi khuyến nghị từ 5K còn 2K+, trong đó vẫn duy trì khuyến cáo sử dụng khẩu trang.
Khi số người mắc mới giảm dần, gần đây đã có ý kiến nêu Việt Nam nên tuyên bố kết thúc dịch. Bộ Y tế đã nhanh chóng khẳng định chưa thể tuyên bố kết thúc dịch Covid-19. Tuy nhiên nhìn vào thực tế cuộc sống thì đối với người dân, đại dịch đã kết thúc. Các hoạt động công cộng đông người đã hồi phục. Các dịp lễ 1/5, 2/9 số người tham gia vui chơi rất đông, các bãi biển, công viên, rạp chiếu phim, siêu thị đông nghịt người, hầu hết không còn đeo khẩu trang, mà số người nhiễm mới ngày càng giảm. Từ thực tế này cho thấy người dân Việt Nam thực sự đã có miễn dịch cộng đồng.
Nhìn lại giai đoạn từ cuối năm 2021 đến nay có thể thấy việc chuyển từ "zero-Covid" sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, tập trung phát triển kinh tế xã hội trên cơ sở tỷ lệ tiêm chủng và trong thực tế đã kiểm soát được dịch bệnh, là quyết định đúng đắn của các cấp có thẩm quyền.
Tôi có một trải nghiệm cá nhân, đó là vào đầu tháng 6/2022 đã có bài viết trên báo chí đề xuất bỏ quy định bắt buộc sử dụng khẩu trang (đeo khẩu trang hay không tùy thuộc mỗi người). Cơ sở cho đề nghị của tôi là Việt Nam đã có miễn dịch cộng đồng, do số người tiêm vaccine đầy đủ đã đạt trên 80% số người cần tiêm, đồng thời quan sát thấy chủng virus corona đột biến hiện thời đã giảm độc lực. Lúc đó bài báo có nhiều người ủng hộ tuy cũng gây ra ít nhiều tranh cãi.
Thời gian tiếp theo tôi khá hồi hộp khi theo dõi tình hình dịch bệnh hàng ngày. Có lúc số người nhiễm mới tăng cao tới mấy nghìn người một ngày làm tôi lo lắng, có khi nào mình đề xuất bỏ khẩu trang sớm quá không. Tuy nhiên một điều khiến tôi yên tâm là số người tử vong đợt này giảm rất sâu, có khi cả tuần chỉ có một người tử vong, còn thấp hơn cả tử vong do sốt xuất huyết.
Thời điểm này nhìn lại đại dịch, tôi thấy có một số bài học rút ra như sau:
Một là đại dịch này một lần nữa khẳng định vai trò của vaccine trong phòng chống các bệnh truyền nhiễm. Vaccine được Louis Pasteur phát minh từ thế kỷ 19, sang đến tận thế kỷ 21 vẫn là trụ cột của phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm. Trong quá khứ, cố bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch là người rất chú trọng phủ vaccine trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng, mà thành tựu chống lao ở Việt Nam bằng chủng vaccine phòng lao là rất lớn lao. Tuy nhiên khi đối phó với dịch Covid-19, có lúc nào đó chúng ta có vẻ lãng quên bài học này.
Trong giai đoạn đầu của dịch, số người mắc còn ít, chiến lược "zero virus" có vẻ hiệu quả. Bằng cách quyết liệt phát hiện, truy vết, khoanh vùng, cách ly... bước đầu tình hình cả nước khá yên ắng. Một số người đã sớm tự hào về thành tích chống dịch của Việt Nam. Trong khi nhiều nhà chuyên môn nhấn mạnh, biện pháp cách ly chỉ làm chậm sự lan truyền của bệnh, chứ không ngăn được bệnh.
Làm chậm sự lan truyền của bệnh cũng rất quý giá, giúp Việt Nam có thời gian chờ vaccine. Chỉ có vaccine mới giải quyết triệt để căn bệnh truyền nhiễm này. Ban đầu chúng ta thiếu quyết liệt trong việc tiếp cận vaccine phòng Covid-19. Sau đó, chúng ta đã nhìn thấy vấn đề và bằng đủ mọi cách để có vaccine tiêm cho dân, giúp dịch Covid-19 bị chặn đứng ở phía Nam vào tháng 10/2021 và ở phía Bắc vào tháng 4/2022.
Hai là bài học đối phó với nạn trục lợi. Đại dịch phơi bày thực tế rằng lòng tham vẫn chi phối nhiều mặt trong cuộc sống này. Ngay từ đầu dịch, một chai nước sát khuẩn từng bị hét giá lên một triệu đồng, một hộp khẩu trang 500.000 đồng... Bao nhiêu người "ôm hàng" khẩu trang, que test, thực phẩm chức năng chữa Covid, rao bán với giá trên trời. Tức là đại dịch được tận dụng thành một dịp làm ăn, kiếm lợi gấp nhiều lần trên hoàn cảnh ngặt nghèo của người khác. Nhiều người đã mong dịch kéo dài mãi. Người bé thì ăn bé, người to thì ăn to. Những chuyện như đại án Việt Á trở nên tất yếu.
Đại dịch này là một việc chưa từng xảy ra, nên qua đây cũng bộc lộ những bất cập của luật pháp cần được bổ sung. Đó là những quy định về chi tiêu trong tình trạng khẩn cấp để người thực hiện có đủ sự yên tâm trong công việc chống dịch, cũng như tránh sự lạm dụng. Đồng thời việc cho phép y tế tư nhân tham gia chống dịch cũng cần đưa vào luật, để huy động nguồn lực quan trọng trong phòng chống dịch.
Nhìn về tương lai, qua đại địch này chúng ta thấy sự cần thiết của xây dựng công nghiệp vaccine lớn mạnh, đủ sức đáp ứng với những diễn biến bất ngờ của dịch bệnh. Trong đại dịch này dù thời gian kéo dài nhưng các vaccine của Việt Nam chưa có loại nào về đích được. Ngoài ra còn nhiều bệnh chúng ta đang phụ thuộc vào vaccine của nước ngoài. Nhiều dịch bệnh lưu hành hàng năm của Việt Nam như sốt xuất huyết, cúm... chưa có vaccine nội địa.
Cuối cùng, chúng ta nên chính thức tuyên bố đại dịch đã kết thúc. Căn cứ cho quyết định trên là con số người đã mắc và đã tiêm vaccine đủ liều đã đủ để tạo miễn dịch cộng đồng. Hơn nữa các biến chủng mới của SARS-CoV-2 ngày càng giảm độc lực.
Việc tuyên bố kết thúc đại dịch để chuyển sang giai đoạn coi Covid-19 là bệnh truyền nhiễm theo mùa sẽ mang lại rất nhiều lợi ích về kinh tế và xã hội. Tuy nhiên việc công bố kết thúc đại dịch đòi hỏi một sự dũng cảm khá cao, e rằng lúc này không ai dám gánh. Thế thì khi nào chúng ta mới tuyên bố kết thúc đại dịch? Chắc có lẽ an toàn nhất là đợi khi nào Tổ chức y tế thế giới công bố kết thúc đại dịch thì Việt Nam mới cân nhắc tuyên bố theo. Thôi cũng được. Chắc cũng sắp rồi vì ông Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã nói về việc này từ tháng 10/2022.
Tác giả: Tiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội 1983, từng công tác điều trị và giảng dạy tại một số cơ sở y tế ở TP HCM và Hà Nội, sau khi nghỉ hưu hiện đang tiếp tục công tác trong lĩnh vực y tế tư nhân.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!