Tuyển thẳng lớp 10 bằng IELTS: Nới rộng bất bình đẳng trong giáo dục
"Tuyển thẳng" trong ký ức của tôi với thời đi học phổ thông là một điều gì đó rất xa vời, thường được nhắc đến với các thí sinh thi học sinh giỏi quốc gia hay những kỳ thi quan trọng, mang tính đại diện cho cả một tỉnh thành, đất nước. Khi đọc thông tin các tỉnh tuyển thẳng hay ưu tiên các thí sinh có bằng IELTS trong kỳ thi vào 10 tại nhiều tỉnh thành, tôi tự hỏi Tại sao lại là IELTS? tại sao là IELTS mà không phải một kỳ thi học sinh giỏi khác? một kỳ thi năng lực tiếng Anh khác? Tại sao một kỳ thi năng lực tiếng Anh chuẩn hóa lại được thần thánh hóa như vậy?
Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các tỉnh thành ngừng việc tuyển thẳng, ưu tiên thí sinh với bằng IELTS vào lớp 10 là một quyết định hợp lý ở thời điểm hiện tại.
Thứ nhất, điểm số IELTS không ngang điểm với các kỳ thi tiếng Anh phổ thông vào lớp 10 như chúng ta vẫn có ở Việt Nam. Trước khi có quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỉnh Quảng Trị cho phép thí sinh có chứng chỉ IELTS từ 4.0 trở lên được miễn thi môn tiếng Anh, trong đó điểm IELTS 4.0 sẽ ngang với điểm 9. Tôi không hiểu cách quy đổi này lấy từ đâu. Quy đổi điểm IELTS sang các điểm số các kỳ thi chuẩn hóa khác như TOEIC, TOEFL, khung tham chiếu CEFR chỉ mang tính chất tương đối và lại càng khác xa so với bài thi tiếng Anh phổ thông Việt Nam.
Ví dụ đơn giản nhất có thể thấy là bài thi tiếng Anh kiểu Việt Nam không đi vào đánh giá khả năng nghe - nói, phản xạ ngôn ngữ như IELTS, chủ yếu đi sâu vào kiểm tra ngữ pháp. Tôi không đánh giá chất lượng bài thi kiểu này vì đó là một câu chuyện khác. Cùng là đánh giá năng lực tiếng Anh nhưng so sánh kết quả bài thi IELTS và bài thi năng lực phổ thông tiếng Anh Việt Nam giống như một bên dùng thước, một bên dùng gang tay để đo chiều dài của một vật thể.
Thứ hai, điểm số IELTS về cơ bản đã khó có thể so sánh ngang với điểm số trong kỳ thi tiếng Anh phổ thông, dùng điểm IELTS để thay điểm thi các môn thi khác lại càng phi giáo dục. Trước đó, tỉnh Tuyên Quang từng có kế hoạch tuyển thẳng thí sinh với chứng chỉ IELTS đạt 5.0 vào các trường THPT công lập không chuyên và 6.0 với các trường Phổ thông dân tộc nội trú. Nghệ An cũng là địa phương đầu tiên áp dụng chính sách tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ IELTS vào lớp 10 kể từ năm 2021.
Không cần phải là những chuyên gia giáo dục để nhìn thấy bất cập trong chính sách giáo dục tự phát này của từng tỉnh. Toán học, Ngữ văn hay Ngoại ngữ kiểm tra các kỹ năng, kiến thức khác nhau của người học. Làm thế nào để các tỉnh trên đảm bảo chất lượng giáo dục, đầu vào và đầu ra của học sinh khi kết quả tiếng Anh từ một kỳ thi chuẩn hóa là thước đo duy nhất?
Thứ ba, từ trước tới nay, nhiều chuyên gia giáo dục đã không khuyến khích thí sinh học IELTS quá sớm. Nếu muốn đạt điểm số tốt trong các kỳ thi IELTS để đủ điểm ưu tiên, tuyển thẳng vào lớp 10, học sinh có thể sẽ cần bắt đầu học IELTS từ lớp 7 - lớp 8.
Có nhiều lý do khiến việc học IELTS quá sớm không được khuyến khích. IELTS là một kỳ thi tiếng Anh chuẩn hóa nên với nhiều học sinh, việc học IELTS đồng nghĩa với việc học để ôn thi, chứ không hoàn toàn là học ngoại ngữ như một công cụ giao tiếp. Tất nhiên phải khẳng định rằng, các bài thi IELTS vẫn được xây dựng một cách khoa học để phát triển năng lực ngoại ngữ của người học nhưng khi phải học trong thời gian ngắn hoặc học khi kiến thức nền tiếng Anh chưa vững, thí sinh học IELTS không khác gì luyện gà như các kỳ thi chuẩn học khác.
IELTS không giới hạn độ tuổi người học, nhưng không khuyến khích thí sinh dưới 16 tuổi. Nhiều nội dung trong các bài thi IELTS vượt ngoài tầm kiến thức của học sinh lớp 7, lớp 8. Không ít câu hỏi trong bài thi viết đòi hỏi thí sinh có phông nền kiến thức rất rộng, chạm tới các vấn đề khó như đạo đức, triết học… Không được trang bị đầy đủ những kiến thức trên, một là điểm thi sẽ không cao, hai là thí sinh sẽ "học vẹt" để trả lời.
Thứ tư, điều khiến tôi không đồng ý nhất với việc tuyển thẳng hay ưu tiên IELTS là câu chuyện bất bình đẳng trong giáo dục. Bình đẳng trong giáo dục là một trong những vấn đề được quan tâm trên toàn thế giới, từ mức độ vi mô trong lớp học cho đến các chính sách vĩ mô giáo dục. Trong khi giáo dục bình đẳng cần trao thêm cơ hội, động lực cho các học sinh gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận giáo dục, chính sách tuyển thẳng IELTS lại mở rộng cửa cho các thí sinh vốn đã có điều kiện.
Tại sao lại như vậy? Nếu ai đã từng học và thi IELTS sẽ biết các kỳ thi này đắt đỏ ra sao. IELTS là một "ngành công nghiệp" kiếm ra tiền tại Việt Nam và từng có thời gian, người trẻ Việt coi dạy IELTS là một trong những công việc hốt bạc. Lệ phí thi IELTS hiện nay vào khoảng 4,6 triệu đồng và mức chi phí thi IELTS vẫn luôn tăng theo từng giai đoạn. Chi phí để học IELTS thì vô vàn nhưng với trình độ của đa phần học sinh cấp hai, rất khó để các em tự học IELTS. Theo đuổi một lộ trình IELTS từ 6 tháng đến 1 năm có thể tiêu tốn hàng chục triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn chưa tính đến chi phí đi thi IELTS ở các tỉnh thành lớn, chi phí học liệu IELTS. Nhiều gia đình có điều kiện sẵn sàng cho con xuống Hà Nội, TPHCM để học các lớp IELTS nâng cao. Làm một bài toán cộng đơn giản cũng thấy đây không phải con số nhỏ.
Ai là người có thể chi trả những chi phí trên? Khó có thể là những hộ gia đình nông thôn với thu nhập bình quân đầu người chỉ vài triệu đồng/tháng. Từng là một học sinh không dám xin bố mẹ đi học thêm dù thời tôi đi học chỉ khoảng 10.000 - 20.000 đồng một buổi học, tôi hoàn toàn hiểu được lý do nhiều học sinh nông thôn sẽ không bao giờ nghĩ tới IELTS. Các em bị đẩy vào một cuộc đua không công bằng bởi những chính sách giáo dục méo mó từ tỉnh nhà, không tuân theo quy chế tuyển sinh phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trước khi có quyết định yêu cầu dừng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỉnh Lào Cai cho phép thí sinh miễn thi môn tiếng Anh và tính điểm tối đa vào lớp 10 THPT công lập nếu có IELTS từ 4.0 trở lên. Năm 2021, Lào Cai cũng là một trong 10 địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước. Khi các địa phương đưa ra những lý lẽ nói rằng chính sách "hợp lý" hay tiếc nuối khi phải ngừng tuyển thẳng thí sinh có điểm số IELTS, tôi tự hỏi họ có nghĩ đến mặt bằng chung của học sinh ở tỉnh mình không? nghĩ tới việc nhiều địa phương trong tỉnh còn thiếu giáo viên tiếng Anh, sách vở còn hạn chế không?
Tôi hiểu rằng điểm IELTS là một lựa chọn, không phải bắt buộc với tất cả thí sinh nhưng đó là một lựa chọn chỉ dành cho một nhóm thí sinh có "đặc quyền".
Trong một thế giới mà những điều kiện giáo dục cơ bản vẫn chưa thể đáp ứng, IELTS như một "trang sức" giáo dục xa xỉ chỉ dành cho người có điều kiện.
Tác giả: Bùi Minh Đức học Thạc sĩ ngành Truyền thông tại Đại học Clark, Mỹ; anh là dịch giả với 7 cuốn sách đã xuất bản.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!