Đằng sau "mưa" điểm 10 môn giáo dục công dân
Công bố mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo sau kỳ thi tốt nghiệp trung học 2023 cho thấy kỷ lục về điểm 10 môn giáo dục công dân.
Trong khi môn văn cả kỳ thi chỉ có vẻn vẹn một điểm 10, môn toán có 12 điểm 10, cao hơn đáng kể là Anh văn 494 điểm 10 thì giáo dục công dân bùng nổ với 14.693 điểm 10.
Nên đánh giá cao kết quả bài thi nếu có sự trung thực
Tất nhiên nhìn vào đề thi giáo dục công dân có thể thấy đây là đề trắc nghiệm. Do đó nếu cháu nào chịu học thuộc bài thì sẽ dễ có điểm cao. Hơn nữa trước đó các cháu cũng đã có những tài liệu, những bộ đề ôn thi.
Nhưng, nếu ai đã đọc qua đề thi năm nay thì rất nên đánh giá cao việc các cháu học sinh trung học đã được điểm 10 thi tốt nghiệp trung học môn giáo dục công dân. Bởi vì, nếu làm bài trung thực thì rõ ràng các cháu đã có kiến thức tốt về môn này. Đây là những kiến thức thực sự hữu ích cho các cháu khi thực thi trách nhiệm và nghĩa vụ công dân của mình.
Ví dụ ở mã đề thi 311, câu 84 như sau: Trong nền kinh tế thị trường, tiền tệ có chức năng cơ bản nào sau đây: (a/ thước đo giá trị; b/ phương tiện kiểm toán, c/ nghiệm thu công trình; d/ kiểm duyệt sản phẩm).
Câu 102: Theo quy định của pháp luật, công dân vi phạm dân sự khi cố ý thực hiện hành vi nào sau đây để trục lợi : ( a/ sản xuất hàng giả là thực phẩm, b/ phát tán các chương trình tin học gây hại; c/theo dõi giải quyết khiếu nại tố cáo; d/ phản ánh những bất cập của pháp luật).
Câu 110: Theo quy định của pháp luật, nhân viên bưu chính được thực hiện quyền được đảm bảo an toàn và bí mật thư tín của khách hàng khi: ( a/ công khai nội dung thư tín; b/ tự ý bóc mở thư tín; c/ giao thư tới tận tay người nhận; d/ chuyển thư nhầm địa chỉ.
Những nội dung học và thi của các cháu liên quan chặt chẽ tới các hiểu biết phổ thông cần thiết, bao gồm: giáo dục kinh tế (hoạt động của nền kinh tế, hoạt động của kinh tế Nhà nước, hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động tiêu dùng), giáo dục luật pháp (quyền và nghĩa vụ công dân), hệ thống chính trị và pháp luật.
Trong chương trình trung học, môn giáo dục công dân có tới 9 chuyên đề giảng dạy trong từng cấp lớp 10, 11 và 12. Ví dụ như chuyên đề về Tình yêu hôn nhân và gia đình, chuyên đề về Mô hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vừa và nhỏ, chuyên đề về Luật Dân sự, về Luật Hình sự, Luật Lao động, Luật Doanh nghiệp, chuyên đề về Phát triển kinh tế và sự biến đổi môi trường tự nhiên, chuyên đề về Phát triển kinh tế và sự biến đổi văn hóa xã hội, chuyên đề về Việt Nam trong quá trình Hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì giáo dục công dân là môn học bắt buộc tại chương trình PTTH, trong khi một số môn khác có thể chọn theo tổ hợp.
14.693 điểm 10 môn giáo dục công dân có nhiều không?
Điểm qua nội dung đề thi và nội dung học như trên, và nếu chúng ta xuất phát từ việc coi trọng chất lượng công tác giáo dục đạo đức và tính cách của học sinh thì rõ ràng 14.693 điểm 10 của môn Giáo dục công dân trong kỳ thi tốt nghiệp THPT không phải nhiều nhặn gì.
Bởi theo thống kê, trong kỳ thi năm nay có tới hơn một triệu thí sinh dự thi, trong đó trên 500.000 thí sinh thi môn giáo dục công dân mà chỉ có 14.693 điểm 10 (chiếm tỷ lệ 2,6%).
Vấn đề cần bàn ở đây chính là từ việc học môn giáo dục công dân tại trường phổ thông của các cháu cho tới thực tế thực hành môn học này thế nào? Vì thế nên số điểm 10 của môn này, dù chỉ đạt 2,6% trong tổng số bài thi, vẫn là những tín hiệu được xã hội quan tâm và xem xét kỹ.
Nhiều người sẽ liên hệ môn giáo dục công dân, số điểm 10 của môn học này ở kỳ thi tốt nghiệp PTTH, khi nhìn vào văn hóa học đường. Bên cạnh những mặt tích cực là chủ yếu, vẫn còn đó các vấn nạn nhức nhối về đạo đức và tuân thủ luật pháp trong học đường, trong đó có cả vấn đề đạo đức của thầy và trò.
Trong vài năm gần đây, những sai phạm của thầy cô trong nhiều trường phổ thông đã bị phanh phui. Từ sai phạm về luật pháp cho tới đạo đức. Ví dụ như, lãnh đạo nhà trường tham nhũng, giáo viên mang sổ hồng của nhà trường đi cầm, nam giáo viên quấy rối tình dục các học sinh nhỏ, thầy cô quan hệ bất chính, thầy cô bạo hành học sinh, thầy giáo giúp học sinh này đạo dự án của học sinh khác, thầy cô ép học trò học thêm, thầy cô ép cha mẹ mua sắm những sách vở hay trang thiết bị trong trường học quá mức…
Những sai phạm còn lan lên cấp Sở và cấp Bộ với những vụ việc tiêu cực mà báo chí đã đưa tin, liên quan đến đấu thầu trang thiết bị học đường, sách giáo khoa…
Cùng lúc các vấn nạn về đạo đức của học trò như nạn bạo hành học đường, nạn bắt nạt bạn học, nạn gian lận thi cử, nạn chạy theo thành tích ảo, nạn nghiện game, lêu lổng, bỏ học…
Vì thế, qua cơn mưa mát lành điểm 10 môn giáo dục công dân, một mặt chúng ta cần tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học môn này cho các em, nhưng mặt khác cần có những sự chấn chỉnh đạo đức đối với thầy cô trong học đường. Bởi nếu chỉ dạy các em toàn lý thuyết, thi cử dù nghiêm minh thế nào và các em có thuộc bài thế nào cũng không bằng những thầy cô thực sự làm gương cho học trò.
Những tấm gương đó mới tạo ra rung cảm sâu sắc, truyền cảm hứng cho các em không chỉ dừng lại ở việc thuộc bài đạt 10 điểm, mà là thực sự sống và làm việc theo những chuẩn mực đạo đức và thượng tôn pháp luật.
Tác giả: Nhà báo Nguyễn Thị Bích Hậu tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội ngành Ngôn ngữ và Văn chương; có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí. Chị là tác giả các cuốn sách giúp các bậc cha mẹ chuẩn bị cho con học tập trong nước và du học, lấy học bổng thành công như Đồng hành du học cùng con, Du học cho con nhà nghèo, Du học đừng để tiền mọc cánh, Cẩm nang chọn trường công, trường tư hay trường quốc tế...
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!