Chứng chỉ IELTS "toàn năng"
Tôi từng thi IELTS 3 lần vào năm 2015, 2017 và 2021, không phải với mục đích nâng điểm, chủ yếu vì IELTS hết hạn mà tôi cần để nộp hồ sơ xin việc, xin học bổng.
Trước mỗi lần thi IELTS, tôi thường lên mạng tìm tài liệu ôn thi cập nhật. Đa phần mọi người sẽ tìm tài liệu cho bài thi Nói (Speaking) và bài thi Viết (Writing). Với bài thi Nói, các thí sinh có thể dễ dàng tìm kiếm tài liệu theo dạng "40 bộ đề thi nói dự đoán trong Quý 3" hay "Dự đoán bộ đề thi Quý 2/2022".
Bài thi nói gồm 3 phần với phần 2 là một bài nói 2 phút theo chủ đề. Đa phần các tài liệu đều đưa ra dự đoán cho phần thi này. Tôi nhớ cả 3 lần thi, câu hỏi phần thi Nói theo chủ đề của tôi đều có trong các tài liệu dự đoán. Đề thi của tôi không phải một câu hỏi quá phổ biến nhưng vẫn có trong tài liệu. "Hãy miêu tả một lần bạn ngước nhìn lên bầu trời" - tôi không nghĩ giáo viên dạy thi IELTS sẽ tập trung vào những chủ đề hẹp như vậy.
Tóm lại, 3 lần tôi đi thi IELTS là cả 3 lần tôi đều đã nhìn thấy đề thi Nói trong một tài liệu ôn thi trôi nổi trên mạng.
Tất nhiên, việc từng nhìn thấy câu hỏi dự đoán cho kỳ thi trong Quý đấy trước không đồng nghĩa là tôi sẽ trả lời được. Tôi không học thuộc lòng vì 40-50 câu là khá nhiều nên chỉ nhớ mình đã nhìn qua những đề thi này. Theo nhiều người chia sẻ, đây là nguồn đề thi từ Trung Quốc hoặc các nước khác, theo một cách nào đó sẽ được xào xáo tại Việt Nam.
Tôi không chứng minh được điều này, nhưng 3 lần từng nhìn thấy đề thi IELTS trong tài liệu ôn tập chắc không hẳn là một sự "trùng hợp".
Những ưu điểm, uy tín và lợi ích của IELTS đã được nói đến lâu nay và không riêng ở Việt Nam. Nhưng đây vẫn chỉ là một kỳ thi và bất cứ khả năng nào cũng có thể xảy ra. Chẳng hạn, theo thời báo Ấn Độ đưa tin vào ngày 3/8/2022, 950 thí sinh bị nghi ngờ liên quan tới gian lận trong một kỳ thi IELTS tại Gujarat, Ấn Độ. Cũng tại Ấn Độ, các đường dây thi hộ IELTS từng được điều tra với mức chi phí thi hộ lên tới gần 2.500 USD, tương đương với gần 70 triệu VNĐ.
Với tính chất là một chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, IELTS có thể phù hợp với các hồ sơ xin việc, xin học bổng… trong những môi trường cần đánh giá mức độ thông thạo tiếng Anh. Tuy nhiên, liệu có hợp lý không khi dùng IELTS để tuyển thẳng vào đại học, lớp 10…? Liệu chứng chỉ tiếng Anh có thể thay thế điểm Toán, điểm Ngữ văn?
Trong thực tế ngoài chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, đa số các trường sẽ đồng thời yêu cầu các điều kiện đi kèm về điểm học tập trung bình của các kỳ học THPT, xếp loại hạnh kiểm và học lực bậc THPT (từ khá trở lên)… Tuy nhiên, ở đây tôi xin nêu những vấn đề cho thấy cần cân nhắc khi sử dụng IELTS trong việc xét tuyển chuyển cấp ở bậc phổ thông cũng như đại học.
Thứ nhất, IELTS là một bài thi chuẩn hóa đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh của học sinh, không đánh giá năng lực ngôn ngữ của người học. Với nhu cầu học IELTS như một xu thế hiện nay, nhiều người học tiếng Anh chủ yếu để đạt điểm cao trong kỳ thi IELTS nhưng khi phải sử dụng tiếng Anh trong các tình huống thực tế, không ít người vẫn khó có thể nói được một câu trơn tru, hoàn chỉnh.
Khi học trong các lớp luyện thi cấp tốc 3-6 tháng, người học chủ yếu tiếp cận với các kỹ thuật luyện thi để đạt điểm cao. Nhiều trung tâm hứa hẹn sau 6 tháng sẽ giúp một người từ mất gốc lên được 6.0, cam kết không đủ đầu ra sẽ trả lại học phí. Dễ thấy rằng, điều họ cam kết là một điểm số đẹp cho ứng viên chứ không phải năng lực sử dụng tiếng Anh.
Thứ hai, nhóm năng lực, kỹ năng đánh giá ở kỳ thi IELTS khác so với các môn học như Toán hay Ngữ Văn. Hai bài thi viết vỏn vẹn 60 phút trong kỳ thi IELTS không thể thay thế được những bài thi Ngữ văn đòi hỏi học sinh khả năng cảm thụ sâu sắc, phân tích vấn đề, kỹ năng viết luận…. Ngay cả tại các quốc gia như Mỹ, nhiều trường đại học vẫn yêu cầu học sinh phải có điểm SAT (trong đó có phần thi toán) cũng như viết rất nhiều bài luận để đánh giá toàn diện khả năng của học sinh.
Thứ ba, khi chứng chỉ IELTS được chấp nhận như một tấm vé tuyển thẳng vào trường đại học, nhiều học sinh sẽ chỉ tập trung vào luyện thi IELTS - thậm chí hơn cả việc học tiếng Anh một cách toàn diện. Bộ Giáo dục Đào tạo và các nhà trường trên cả nước đã dành nhiều năm để đấu tranh với vấn đề học lệch, bỏ hệ thống chuyên chọn tại trường trung học cơ sở, vì giáo dục phổ thông là giáo dục toàn diện. Sau ngần ấy năm nỗ lực, liệu ngành Giáo dục có chấp nhận mở toang cánh cửa "học lệch" vốn đã tốn bao giấy mực của báo giới và nỗ lực thay đổi của toàn ngành giáo dục?
Hệ lụy của việc học lệch cũng ảnh hưởng không nhỏ tới giáo viên khi từ trước tới nay vẫn luôn có khoảng cách giữa giáo viên "môn chính" và "môn phụ." Khi IELTS nói riêng và tiếng Anh nói chung được đề cao quá mức, có lẽ nhiều giáo viên "môn phụ" sẽ gặp khó khăn hơn với nghề khi đồng lương còn hạn chế. Chứng chỉ tiếng Anh đóng vai trò quan trọng trên hành trình bước ra ngoài thế giới của học sinh, nhưng khi bước qua cánh cửa trường đại học dù là trong hay ngoài nước, sinh viên sẽ nhận ra mình cần được trang bị nhiều nhóm kỹ năng từ các bộ môn khác.
Thứ tư, khi các trường đại học chấp nhận tuyển thẳng học sinh với điểm thi IELTS, một lần nữa khoảng cách bất bình đẳng trong giáo dục - đặc biệt giữa thành thị và nông thôn, lại được nới rộng ra hơn. Thời điểm năm 2016 khi tôi thi IELTS lần đầu, chi phí cho một kỳ thi chỉ rơi vào khoảng hơn 3 triệu đồng. Vài năm sau đó, chi phí đã leo cao tới gần 5 triệu đồng và được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới. Con số trên mới chỉ là chi phí dự thi, chưa kể đến chi phí học IELTS có khi lên tới hàng trăm triệu đồng.
Bao nhiêu gia đình có thể đầu tư ngần ấy chi phí cho con học chỉ để đổi lấy một chứng chỉ tiếng Anh? Khi một trường đại học thông báo rằng họ sẽ rộng cửa tuyển thẳng cho học sinh với chứng chỉ IELTS, ẩn sau đó là thông điệp "chúng tôi ưu tiên học sinh từ các gia đình có thu nhập tốt, có điều kiện cho con học IELTS."IELTS như một món "trang sức" giáo dục với nhiều học sinh từ các gia đình có thu nhập tốt trong khi với phần nhiều gia đình Việt Nam, đó vẫn là một chứng chỉ xa xỉ.
Ngành giáo dục Việt Nam luôn nỗ lực để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, bất bình đẳng trong trường học. Một bộ đồng phục ra đời để học sinh không thấy mình khác biệt với các bạn, dù gia đình có điều kiện hay không có điều kiện. Khi IELTS được chấp nhận như tấm vé tuyển thẳng vào trường đại học, vào lớp 10, thậm chí là lớp 6, có lẽ những điều bộ đồng phục học sinh đã làm được sẽ không còn nhiều nghĩa lý.
Tác giả: Bùi Minh Đức học Thạc sĩ ngành Truyền thông tại Đại học Clark, Mỹ; anh là dịch giả với 7 cuốn sách đã xuất bản.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!