Truyền thông chính sách và vai trò chuyên gia
Câu chuyện liên quan dự án hồ thủy lợi Ka Pét những ngày qua minh họa cho chúng ta thấy vai trò, hiệu quả của hoạt động truyền thông chính sách trong tổ chức thực thi pháp luật như bài viết trên báo Dân trí hôm 8/9 đã đề cập.
Mở rộng ra các lĩnh vực khác, chúng ta thấy trong hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật, việc các cơ quan soạn thảo, thẩm định, thẩm tra... chung tay xây dựng một đạo luật tốt, phù hợp thực tiễn, hiệu quả, khả thi thôi là chưa đủ. Làm sao để đạo luật ấy khi ban hành được người dân, doanh nghiệp... đón nhận một cách tích cực, để chính sách đi vào thực tiễn cuộc sống thì đó mới là một đạo luật thành công.
"Ở Việt Nam có một luật rất hay, rất lạ mà thế giới chưa có là Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Có nghĩa, luật ban hành ra rồi vẫn không làm, đến khi ra thêm Luật phổ biến, giáo dục pháp luật cũng... chưa làm", hơn 10 năm trước, bà Nguyễn Thị Kim Ngân khi ấy là Phó chủ tịch Quốc hội từng phát biểu tại một phiên họp.
Sau khi Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật được thông qua vào năm 2012, Bộ Tư pháp đã thành lập một Cục đảm nhiệm chức năng về phổ biến, giáo dục pháp luật. Mặc dù lĩnh vực này đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng có thể nói sau hơn 10 năm, việc phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn tồn tại không ít hạn chế.
Tất nhiên đây là lĩnh vực khó. Pháp luật thuộc hệ thống các quy phạm xã hội (quy tắc xử sự của con người) và chắc chắn là khó nhất trong các quy phạm xã hội. Con người phải ở một trình độ văn hóa, nhận thức nhất định mới có khả năng nắm, hiểu và thuần thục pháp luật. Sự thay đổi nhận thức pháp luật phải đúc rút từ một quá trình dài.
Quan sát và tham gia góp ý kiến xây dựng các luật thời gian qua, tôi nhận thấy hoạt động xây dựng pháp luật đang được cấp có thẩm quyền rất quan tâm. Các ý kiến góp ý xác đáng được tiếp thu ngay.
Một ví dụ nhỏ, tại hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần đầu tiên do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 4/8/2022, tôi đã tham luận về việc phải đảo toàn bộ bố cục của luật để logic, khoa học, chặt chẽ hơn; góp ý được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường lúc đó tiếp thu ngay tại hội thảo.
Các vấn đề quan trọng khác được các đại biểu Quốc hội và giới chuyên gia góp ý, như các trường hợp Nhà nước thu hồi đất; việc bỏ quy định đấu giá quyền sử dụng đất với đất chưa bồi thường; hay thời hạn sở hữu chung cư trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)... cũng được cơ quan soạn thảo tiếp thu. Những góp ý không được tiếp thu thì cơ quan soạn thảo có giải trình cụ thể. Đây là điểm sáng của hoạt động xây dựng dự thảo Luật thời gian gần đây.
Vấn đề của việc xây dựng, thực thi pháp luật ở nước ta hiện nay theo tôi nằm ở 2 khía cạnh: Thứ nhất, khâu tổ chức thực thi của cấp cơ sở (chính quyền địa phương); Thứ hai, hoạt động truyền thông chính sách còn mang tính hình thức.
Vì vậy, mặc dù dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, báo chí đưa tin đầy đủ về các phiên họp liên quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội, kỳ họp Quốc hội hay hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách..., nhưng qua dự hàng loạt hội thảo cũng như trao đổi với nhiều người dân, tôi thấy các quy định mới và những điểm nổi bật của dự thảo chưa được truyền thông đủ tốt để mọi người hiểu thấu đáo, cặn kẽ, thậm chí có nhiều trường hợp hiểu sai lệch.
Điều đáng lo ngại là sự hiểu sai lệch thậm chí đến từ một số vị chuyên gia, những người có học hàm, học vị đáng nể và đã trải qua nhiều năm nghiên cứu pháp luật. Chẳng hạn, một chuyên gia khi góp ý về phương pháp xác định giá đất đã nhận xét rằng:"Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thấy khó nên đề xuất bỏ việc áp giá đất theo thị trường".
Thực ra đây là một nhầm lẫn, vì Ủy ban Kinh tế chỉ bỏ một câu tại điều 158 dự thảo Luật Đất đai vì câu đó nhắc lại nội dung mang tính định hướng của Nghị quyết 18 là"có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường", trong khi tại quy định khác của dự thảo Luật đã nêu rõ nội dung này.
Dự thảo Luật Đất đai thể chế hóa Nghị quyết 18, nhưng về kỹ thuật lập pháp thì không nhất thiết phải nhắc lại lời văn nghị quyết mà đưa tinh thần đó vào các điều khoản liên quan trong dự thảo. Và khi dự thảo Luật đã có quy định rồi thì không cần phải lặp lại ở điều 158 nữa để tránh phức tạp trong áp dụng. Đây không phải là một vấn đề quá phức tạp, nhưng rõ ràng một thiếu sót nào đó trong khâu truyền thông (có thể do báo chí tường thuật chưa đầy đủ) đã gây nhầm lẫn ngay cả với vị chuyên gia nhiều kinh nghiệm.
Trên thực tế thì không phải đến Nghị quyết 18 và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này thì Nhà nước ta mới chủ trương "xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường". Chẳng hạn tại Luật Đất đai năm 2013 đã quy định việc định giá đất phải bảo đảm nguyên tắc: "Phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường của loại đất có cùng mục đích sử dụng" (Điều 112); hay "Việc xác định giá đất cụ thể phải dựa trên cơ sở điều tra, thu thập thông tin về thửa đất, giá đất thị trường..." (Điều 114).
Trên đây chỉ là một ví dụ, còn rất nhiều trường hợp tương tự tôi quan sát thấy trong quá trình tham gia góp ý xây dựng pháp luật. Rõ ràng, khâu truyền thông chính sách cần phải được đẩy mạnh song hành cùng hoạt động xây dựng pháp luật, và khi việc truyền thông chính sách được làm tốt thì quá trình tổ chức thi hành pháp luật sẽ thuận lợi hơn.
Ngoài ra, trong việc truyền thông chính sách, bên cạnh vai trò của cơ quan chức năng, của báo chí..., tôi cho rằng mỗi chuyên gia, nhà khoa học... bằng kiến thức và uy tín của mình cũng có vị trí rất quan trọng. Với các dự thảo chính sách nói chung và vấn đề nóng, nổi cộm trong dư luận nói riêng (chẳng hạn dự án hồ thủy lợi Ka Pét) thì tiếng nói của chuyên gia chính là thẩm quyền: Thẩm quyền chuyên môn. Vị trí độc lập của chuyên gia khiến tiếng nói mang tính khách quan và ít nhiều sẽ tác động đến dư luận cũng như cơ quan chức năng liên quan.
Chính vì tiếng nói của chuyên gia có vị trí rất quan trọng như vậy, càng đòi hỏi trách nhiệm cao, kiến thức sâu của người phát biểu, sao cho góp ý xây dựng nhưng không xuôi chiều, phản biện nhưng không phá hoại…
Từ trải nghiệm của bản thân cũng là một người được tham gia góp ý chính sách, xây dựng dự thảo văn bản, nhất là lĩnh vực pháp luật về đất đai, bất động sản…, tôi ý thức sâu sắc rằng cần rèn luyện thói quen đọc thật kỹ, không ngừng tư duy, xâu chuỗi, nghiền ngẫm để đi đến tận cùng tri thức và đưa ra những góp ý, nhận định có chất lượng, hữu ích với người nghe.
Tôi rất tâm đắc tuyên ngôn nghề nghiệp của nhà văn Nam Cao: "Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương".
Tác giả: Nguyễn Văn Đỉnh là kỹ sư, thạc sĩ xây dựng, cử nhân luật, từng có nhiều năm công tác tại Bộ Xây dựng và hiện là chuyên gia tư vấn pháp lý trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản. Ông Đỉnh đã và đang tham gia đóng góp xây dựng các luật: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản...
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!