Tâm điểm
Bích Diệp

Lấy ý kiến trẻ em vào dự thảo Luật Đất đai có cần thiết?

Mạng xã hội đang xôn xao về hình ảnh Trường THCS Lương Yên (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) phối hợp với Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến tham gia của trẻ em, học sinh về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), một sự kiện vừa diễn ra hôm 9/3.

Xôn xao là bởi, luật về đất đai rất khó, rất phức tạp. Nhiều ngôn ngữ chuyên ngành trong dự thảo luật bản thân nhiều người lớn đọc cũng không hiểu huống hồ là học sinh đang độ tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới". Chính vì vậy, không tránh khỏi sẽ có thắc mắc rằng, các cháu học sinh hãy còn quàng khăn đỏ trên vai (tức còn chưa tới tuổi Đoàn, vẫn là Đội viên Đội Thiếu niên Tiền phong) thì sẽ có thể đưa ra được những ý kiến gì, đóng góp gì cho dự thảo?

Hơn nữa, trẻ dưới 18 tuổi còn chưa đầy đủ năng lực hành vi dân sự và vẫn cần được giám hộ, sự hiểu biết về luật pháp của trẻ còn hạn chế, vậy khó kỳ vọng vào chất lượng đóng góp của đối tượng này.

Thay vì lấy ý kiến trẻ em ở trường học thì vì sao không tổ chức tại địa phương như nhà văn hóa, tổ dân phố hay gửi phiếu khảo sát đến từng hộ gia đình để thu hoạch được những đóng góp sát sườn hơn, trong đó có cả ý kiến của trẻ em (nếu muốn)?

Thông thường, mỗi khi đưa ra ý kiến đóng góp đồng thuận hay phản biện, mỗi người đều phải hiểu về vấn đề mà bản thân đang thảo luận, bàn bạc. Có nghĩa là, muốn nêu ý kiến với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thì ít nhất là phải đọc văn bản luật, hiểu được nội dung được bàn tới trong văn bản đó. Đồng thời, việc đưa ra ý kiến còn phải dựa trên vốn hiểu biết từ sách vở, vốn sống, sự trải nghiệm cá nhân… Liệu rằng các em học sinh đọc luật có hiểu được hay không để mà nêu ra góp ý?

Với 16 chương, 236 điều - có thể thấy khối lượng nội dung của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là rất lớn. Chính vì vậy, không khó hiểu khi rất nhiều bình luận cho rằng, việc tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với học sinh bậc THCS là rất hình thức, không đúng đối tượng.

Tuy nhiên, theo giải thích của ông Hà Đình Bốn - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam thì dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nội dung liên quan đến nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội đó là trẻ em.

Cụ thể, tại Điểm d Khoản 2 Điều 104 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định về hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, các khoản sẽ bao gồm: "Hỗ trợ cho trẻ em chưa đến tuổi lao động, người khuyết tật, người cao tuổi theo quy định của pháp luật".

Lấy ý kiến trẻ em vào dự thảo Luật Đất đai có cần thiết? - 1

Hình ảnh lấy ý kiến tham gia của trẻ em vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gây xôn xao (Ảnh: Kinh tế đô thị).

Về vấn đề trên, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), lưu ý việc lấy ý kiến trẻ em trong quá trình xây dựng chính sách pháp luật là thực hiện theo Hiến pháp và pháp luật, cụ thể là Luật Trẻ em 2016 và Nghị định 56 của Chính phủ quy định chi tiết về bộ luật này. Bên cạnh đó, chúng ta còn có Thông tư số 36 năm 2018 hướng dẫn thực hiện lấy ý kiến của trẻ em trong quá trình xây dựng chương trình, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quyết định, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em.

Theo ông Nam, việc trẻ em có ý kiến về một số vấn đề liên quan đến trẻ em, đặc biệt là quá trình xây dựng pháp luật chính sách là một quy định rất tiến bộ của Hiến pháp 2013 và của Luật Trẻ em. Sự tham gia của công dân, trong đó có trẻ em, vào trong quá trình xây dựng pháp luật chính sách được lấy ý kiến là một trong những quyền quan trọng của công dân. Hiến pháp và pháp luật quy định, trẻ em được tham gia vào tất cả những vấn đề liên quan đến trẻ em. Khi lấy ý kiến rộng rãi với bất cứ dự thảo luật nào có đề cập, có vấn đề liên quan đến trẻ em thì trẻ em đều có quyền tham gia đóng góp.

Tuy nhiên, quy trình lấy ý kiến của trẻ em cần chuẩn bị kỹ lưỡng các tài liệu, văn bản để giải thích cho trẻ em hiểu và khi lấy ý kiến thì phải thu hoạch được chính xác ý kiến của trẻ em, không mang tính hình thức.

Việc lấy ý kiến ở đây không nhất thiết là toàn bộ văn bản luật mà chỉ trong phạm vi những điều khoản, nội dung có liên quan đến trẻ em mà thôi.

Ông Đào Trung Chính - Cục trưởng Cục Quy hoạch và phát triển tài nguyên đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường (một trong những đơn vị được giao xây dựng, tổng hợp ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi) cũng có nói rằng: "Chúng ta nên trân trọng các ý kiến góp ý, trong đó có cả các ý kiến của các cháu học sinh, trẻ em. Biết đâu, ý kiến góp ý của các cháu cũng rất chất lượng, xác đáng, đáng suy ngẫm thì sao?".

Tiếc là tôi chưa được đọc về bản tổng hợp góp ý của các em học sinh, cũng không được xem video ghi lại ý kiến của các em học sinh tại Trường THCS Lương Yên về nội dung này. Việc tổ chức lấy ý kiến trẻ em về một dự thảo luật thiết nghĩ là hoạt động thú vị và cần thiết trong chương trình giáo dục của các nhà trường.

Với những hoạt động này, nhìn từ góc độ giáo dục, sẽ khuyến khích học sinh tìm tòi, tìm hiểu những vấn đề chính trị, xã hội, dần có tư duy độc lập, biết nói lên nguyện vọng và bày tỏ ý kiến của bản thân đối những vấn đề chung của đất nước. Thú thực, một số lần theo dõi trẻ em các nước phát biểu về những vấn đề lớn như bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, quyền trẻ em hay nhận xét về ứng viên các cuộc bầu cử… tôi cũng hi vọng, trẻ em chúng ta cũng sẽ sớm có tinh thần như vậy.

Trở lại với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đối tượng lấy ý kiến bao gồm các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Còn nhớ cách đây ít tháng (ngày 13/12/2022), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã lưu ý về vấn đề đối tượng lấy ý kiến, theo đó, "nhân dân" ở đây được hiểu "nội hàm" như thế nào và Chủ tịch Quốc hội cũng đã yêu cầu cần nói rõ đối tượng lấy ý kiến. "Cách thức lấy ý kiến như thế nào, phải làm sao cho thực chất và có hiệu quả. Tránh việc lấy ý kiến hình thức, hiệu quả thấp, đóng góp không được nhiều" - người đứng đầu cơ quan lập pháp lưu ý.

Nếu nói chung là "các tầng lớp nhân dân", hiển nhiên là ban tổ chức hội nghị đã đề cập ở trên không làm sai, miễn là quy trình tổ chức lấy ý kiến trẻ em có sự chuẩn bị kỹ lưỡng theo đúng quy định. Điều quan trọng hơn cả là rốt cuộc sự kiện có đạt chất lượng và mục tiêu như mong muốn hay không? Việc lấy ý kiến trẻ em với một số điều khoản có liên quan đến trẻ em trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là đúng luật, nhưng có lẽ nên nhìn trên góc độ là một buổi sinh hoạt ngoại khóa, mang ý nghĩa giáo dục nhiều hơn.

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội. Việc lấy ý kiến nhân dân được đánh giá là cơ sở thực tiễn quan trọng để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ hai tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023). Hoạt động lấy ý kiến nhân dân cho dự thảo này diễn ra từ ngày 3/1 đến ngày 15/3, như vậy, chúng ta đang ở giai đoạn nước rút của quá trình lấy ý kiến. Thời gian không còn nhiều, đã vô cùng gấp rút, trong khi đó rất nhiều người dân ở nhiều địa bàn dân cư vốn quan tâm và chịu ảnh hưởng lớn bởi các nội dung luật thì lại phản ánh rằng, họ chưa thấy triển khai lấy ý kiến.

Bởi vậy, nhiệm vụ quan trọng hơn cả là tuyên truyền và tạo điều kiện tối đa cho người dân có điều kiện tham gia đóng góp trực tuyến một cách thuận lợi nhất.

Hơn nữa, việc tổ chức các sự kiện như hội nghị, hội thảo, tọa đàm… với mục đích rõ ràng, đem lại hiệu quả, đồng thời giảm bớt những sự kiện mang tính chất hình thức cũng là một trong những hành động thiết thực để thực hành lối sống tiết kiệm, tránh lãng phí nguồn lực Nhà nước và nhân dân.

Tác giảBích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; gia nhập báo Dân Trí từ năm 2012 và chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!