Trẻ con bây giờ "sướng" hay "khổ" hơn thế hệ trước?
Nhóm bạn chúng tôi, những người tầm tuổi 40, từng tranh luận sôi nổi về một chủ đề: Trẻ con bây giờ "sướng" hay "khổ" hơn chúng tôi trước đây.
Mỗi người, đứng dưới mỗi góc độ, có các ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, tất cả đều thừa nhận điểm chung: Trẻ bây giờ đầy đủ về mặt vật chất, dinh dưỡng hơn nhưng thời gian, không gian gắn kết tự nhiên lại bị thu hẹp rất nhiều mặt. Đó là không gian trong gia đình, mối quan hệ bạn bè - học tập và cả không gian vui chơi công cộng.
Trong phạm vi gia đình, khoảng không gian dường như bị "gói" vào các thiết bị điện tử. Điện thoại di động thông minh giống như "người trông trẻ điện tử". Giải pháp được nhiều phụ huynh lựa chọn để "dỗ trẻ" ngồi ăn hoặc không khóc là xem ca nhạc, phim hoạt hình. Những lời ru, cử chỉ yêu thương vì thế mà cũng ít đi. Lớn hơn một chút, các trò chơi điện tử sẽ rất hiệu quả khi muốn con "ngồi ngoan" để bố mẹ làm việc. Đôi khi, phần thưởng cho trẻ khi bố mẹ hài lòng vẫn là những trò chơi điện tử…
Một số phụ huynh, thay vì trò chuyện, tâm sự cùng con cái sau khi đi làm về thì lại có thói quen "ôm" điện thoại lướt tin tức, tương tác mạng xã hội… Tôi đã nghe một câu chuyện, có đứa trẻ cảm thấy mình không còn quan trọng với bố mẹ khi nói rằng "con ước mình là chiếc điện thoại di động kia, để bố mẹ dành thời gian bên con nhiều hơn". Tính liên kết giữa bố mẹ và con cái đang bị xâm lấn. Giao tiếp trong phạm vi không gian gia đình cũng bị co lại vào các thiết bị điện tử.
Khi lớn lên trong học tập, quan hệ bạn bè không gian của trẻ cũng thu hẹp lại do việc học tập quá mức.
Con trai tôi, đang học cấp 2 tại một trường của Hà Nội, từng kể có những bạn trong lớp cứ đến giờ ra chơi hai tiết đầu buổi sáng thường ngủ. Lý do sau khi học cả ngày ở trường, tối bạn phải học thêm 2 ca đến 22h. Để hoàn thành các bài tập trên lớp và học thêm, về nhà bạn phải thức đến rất khuya. Nhiều người nghĩ "đây không phải con mình" nhưng thực tế những trường hợp như vậy tôi hiểu không phải thiểu số, chỉ là hình thức thể hiện khác nhau.
Tôi không hiểu những kiến thức nâng cao trong các buổi học thêm dày đặc sẽ giúp gì cho cuộc sống sau này của trẻ. Cảm xúc của bố mẹ đôi khi tương ứng với những điểm số hay thành tích học tập của con. Khi kỳ vọng của bố mẹ đặt trên vai những đứa trẻ càng nặng thì không gian, thời gian vui chơi của chúng sẽ giảm đi tương ứng. Dù vô tình hay cố ý, trẻ đã mất đi những khoảnh khắc được hòa mình vào thiên nhiên, vào những liên kết xã hội mà chúng đáng được có.
Giao tiếp giữa những đứa trẻ với nhau cũng không thường xuyên vì ưu tiên cao nhất luôn là "học xong bài". Đến khi nghỉ ngơi, thay vì gặp gỡ trò chuyện, vui chơi cùng bạn bè niềm đam mê của trẻ lại được dành cho ti vi, máy tính… Sợi dây liên kết giữa những đứa trẻ ngày càng mỏng manh hơn.
Thực tế, nhiều phụ huynh cũng thấy những tác động tiêu cực của những vấn đề trên, muốn kéo con mình rời các thiết bị điện tử, bài tập về nhà. Những không gian công cộng sẽ là điều đầu tiên mọi người nghĩ đến. Đây là lựa chọn đúng nhưng không dễ thực hiện. Không gian công cộng vui chơi cho trẻ hiện nay vừa hạn hẹp vừa không đủ sức hấp dẫn.
Có thể nhận thấy thời gian qua, tiến trình đô thị hóa của Việt Nam phát triển rất "nóng" nhưng chủ yếu để đáp ứng các yêu cầu về chỗ ở của lượng dân cư đang gia tăng nhanh mà ít quan tâm đến đầu tư, phát triển các không gian công cộng như công viên, vườn hoa, hồ… vốn là nơi những đứa trẻ có thể vui chơi, giải trí, để trau dồi kỹ năng sống và dung nạp thêm nguồn năng lượng tích cực.
Hà Nội ngày càng đông, dù đã được mở rộng về diện tích nhưng tôi có cảm giác không gian vui chơi cứ như hẹp lại dần. Theo thống kê của các chuyên gia dự án thành phố sống tốt - Tổ chức HealthBridge Việt Nam, Hà Nội đang thiếu nhiều không gian công cộng trong các khu vực dân cư. Đất được làm không gian công cộng chỉ chiếm 2% tổng quỹ đất.
Theo quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ của thành phố Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 đặt mục tiêu chỉ tiêu bình quân cho khu vực trung tâm là 3,02m2/người, thấp hơn các thành phố khác như New York là 23,1m2/người, Paris 11,5m2/người... Tại thành phố Hồ Chí Minh và một số đô thị khác, chỉ tiêu cây xanh chỉ đạt khoảng 2m2/người và chỉ bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các thành phố tiên tiến trên thế giới.
Không gian công cộng không chỉ thể hiện bản sắc đô thị mà còn là nơi gắn kết cộng đồng. Không dễ để tìm những không gian xanh có đủ sức hấp dẫn tại những đô thị lớn. Điểm vui chơi công cộng thiếu, môi trường ngột ngạt, sân chơi bị xuống cấp, không an toàn, các hạng mục vui chơi nhàm chán, không đáp ứng nhu cầu của trẻ dẫn tới một vòng lẩn quẩn: Trẻ em có xu hướng thụ động, muốn ngồi ở nhà xem tivi, chơi trò chơi điện tử. Không biết chơi đâu nên nhiều khi các trung tâm thương mại, các siêu thị là địa điểm được gia đình lựa chọn vào cuối tuần.
Ở vùng quê, những con sông trong trẻo, mát rượi trong tuổi thơ chúng tôi giờ cũng đã trở thành đen kịt, bốc mùi khó chịu. Tôi tự hỏi những đứa trẻ ngày nay làm sao có thể tìm về tuổi thơ, tìm về miền ký ức với một không gian như vậy.
Tôi không phải là một chuyên gia về môi trường và cũng không nghiên cứu về tâm lý, nhưng tôi hiểu rằng những đứa trẻ không nhiều cơ hội hòa mình vào thiên nhiên thường có xu hướng không yêu thiên nhiên, không có ý thức bảo vệ môi trường. Những đứa trẻ thiếu tương tác với bạn bè, người thân sẽ khó hình thành nên những tính cách tích cực như: Chia sẻ, vị tha, tình yêu thương…
Cơ thể sinh học của mỗi cá nhân là một vũ trụ thu nhỏ. Sống hòa mình vào với thiên nhiên giúp mỗi người thích nghi và cảm nhận được những năng lượng tích cực từ vũ trụ.
Tính cách cá nhân mỗi người được hình thành từ những mối quan hệ xã hội. Tham gia tích cực vào các mối quan hệ xã hội giúp mỗi đứa trẻ hình thành nhân cách sống của mình. Khi trẻ chìm đắm vào việc nhồi nhét kiến thức có lẽ sẽ khó cảm nhận được những năng lượng tích cực từ tự nhiên, cuộc sống.
Nhiều người cho rằng xu thế xã hội hiện đại thì những điều trên là không thể tránh khỏi. Không thể cho những đứa trẻ ở thành phố được đi lội bùn, đi tắm sông, câu cá, hái hoa hay chơi đùa như trẻ sống ở quê trước đây. Điều này hoàn toàn đúng nhưng chỉ là một mặt của vấn đề. Mỗi phụ huynh có thể thay đổi được không gian, tăng tính liên kết trong phạm vi gia đình mình. Thay đổi từ không gian sống "kín" sang "mở" hơn để trẻ được sống gần gũi hơn với tự nhiên, được nhiều cơ hội vui đùa trong không gian và tuổi thơ của chúng.
Gia đình, với vai trò tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng giáo dục nếp sống, hình thành nhân cách của mỗi đứa trẻ. Hãy thay đổi từ những tế bào nhỏ...
Tác giả: Bà Đặng Thị Thanh Ngân tốt nghiệp Đại học Ngoại thương và đang công tác trong lĩnh vực xuất nhập khẩu tại khu vực tư nhân.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!