Cháu đi học thêm liên tục, bà ngoại muốn nói chuyện phải chờ đến... 11h đêm
(Dân trí) - Mẹ chị Ngân nhiều lần gọi điện để nói chuyện với cháu nhưng... lúc nào đứa cháu cũng vướng lịch học thêm. Bà đành canh thức đến 11h đêm để gặp được cháu.
Muốn gọi điện cho cháu, bà phải chờ đến... 11h đêm
Con nhỏ quay cuồng vì học thêm, không có thời gian vui chơi, trò chuyện là câu chuyện của gia đình chị Lê Bảo Ngân - ở Thanh Xuân, Hà Nội.
Hai con của chị Ngân, một lớp 3, một lớp 8, gần như lịch học kín mít từ sáng đến tối. Nói gần như vì thật ra vẫn còn 1-2 buổi trong tuần còn trống.
Như lịch học của bé lớp 3, ngoài giờ học ở trường, cháu chỉ không đi học thêm buổi tối vào thứ 3 và chiều đến tối chủ nhật. Cháu học thêm tất cả các buổi còn lại trong tuần, riêng thứ 7 học cả ngày với 3 ca tiếng Anh, toán và học nhạc.
Bé lớp 8 hiện vẫn trống một vài buổi xen kẽ như vậy. Tuy nhiên, sang năm cháu sẽ bước vào kỳ thi lớp 10 căng thẳng, theo chị Ngân, sắp tới, lịch ôn thi sẽ được lấp đầy.
Buổi tối, các con chị thường kết thúc ở lớp học thêm lúc 7h30-8h rồi di chuyển về nhà để tắm rửa, ăn tối trước khi tiếp tục ngồi vào bàn học cho đến gần 11h giờ đêm.
Theo chị Ngân, nhiều đứa trẻ con bạn bè, người thân của mình đều đi học thêm như vậy. Con chị chỉ học thêm cơ bản, không phải học nâng cao để thi vào trường điểm, trường chuyên như nhiều gia đình.
Lý giải cho việc con đi học thêm suốt tuần, người mẹ cho rằng, có quá nhiều thứ chị muốn con học như bơi, vẽ, nhạc, múa. Còn các môn văn hóa, hội tụ đủ các lý do... để đi học thêm như cô giáo mở lớp dạy thêm, học lực con yếu, bố mẹ không kèm được.
"Tôi không đòi hỏi con phải thế này thế kia nhưng chí ít các cháu phải học để đỗ vào lớp 10 công lập. Chúng tôi không có điều kiện cho con tư thục", chị Ngân nói.
Người mẹ thừa nhận, với lịch học như vậy, con chị có rất ít thời gian vui chơi, vận động hay các hoạt động khác.
Chị kể, mẹ chị ở quê hay gọi điện để nói chuyện với cháu nhưng các con chị vướng lịch học, rất ít thời gian để nói chuyện với bà. Khi thì các cháu đang bận học, khi thì đang vội vàng chuẩn bị đi học, về đến nhà lại cập rập ăn uống để học bài đi ngủ...
Nhiều lần chị Ngân nói với mẹ các cháu đi học đến đêm mới về. Thế là nhiều đêm, mẹ chị thức đến 11h đêm để... gọi điện ra cho cháu nhưng bà cháu cũng chỉ nói được vài câu để còn đi ngủ.
Ông bà, người thân không dễ gặp gỡ, trò chuyện với con cháu vì lịch học thêm như gia đình chị Ngân không hề cá biệt.
Chị Nguyễn Ngọc Thu - quê ở Nghệ An - kể, mùa hè chị thường thu xếp đưa con nhỏ ra Hà Nội chơi với anh chị em họ 1-2 tuần. Vậy nhưng, cũng hiếm khi chị em có thể chơi đủ đầy cùng nhau vì đứa này hoặc đứa kia sẽ vướng lịch học thêm. Có khi 3h chiều cùng nhau đi chơi thì 4h chiều, cháu phải bỏ cuộc vui để đi học thêm.
Còn khi đã vào năm học, chị Thu cho biết, việc các cháu nói chuyện qua điện thoại cũng rất khó khăn.
"Cuối tuần, con tôi rất muốn gọi điện cho các anh chị em họ để buôn chuyện nhưng chẳng biết gọi lúc nào. Anh chị toàn kẹt đi học thêm, muốn gặp phải chờ khuya để gọi", chị Thu nói.
Luật bài tập... bất tận
Trong một chương trình tọa đàm về áp lực học tập ở một trường ở TPHCM, một bà mẹ đã bật khóc khi nói về áp lực học tập mà con trẻ đang gồng gánh: "Con cái chúng ta học thế này, làm sao có thể thành người bình thường".
Người lớn đi làm 8 tiếng về nhà cũng cần nghỉ ngơi, cũng cần nhiều hoạt động khác. Còn nhiều đứa trẻ, học cả ngày ở trường, về nhà lại tiếp tục chìm trong việc học, bài vở.
Rõ ràng đã không bình thường khi nhiều nhu cầu cơ bản và quan trọng khác của một con người như vận động, thể thao, giao tiếp, trò chuyện, vui chơi, nghỉ ngơi, thư giãn, cả thời gian ngủ bị "bóp nghẹt" bởi lịch học.
Nghiên cứu về sức khỏe tâm thần và sự phát triển trẻ em vị thành niên tại Việt Nam do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT thực hiện công bố vào năm 2022 đưa ra nhiều cảnh báo về áp lực học tập đối với học sinh.
Theo báo cáo, học sinh tuổi vị thành niên thường đi học 6 ngày/tuần, bao gồm cả nửa ngày vào thứ 7. Hầu hết học sinh cho biết đã học thêm hai hoặc nhiều lớp học thêm ngoài giờ học mỗi tuần, bao gồm các lớp toán, lý, tiếng Anh...
Kết quả chỉ ra rằng hơn 50% học sinh học hơn 2 giờ sau giờ học mỗi ngày, với 28% học sinh báo cáo học hơn 3 giờ mỗi tối. Học sinh cũng dành một lượng thời gian đáng kể để học thêm hoặc học gia sư mỗi tuần.
Có khoảng 50% học sinh cho biết các em học thêm hoặc học gia sư từ 2 giờ trở xuống mỗi tuần, 50% học sinh còn lại cho biết nhiều hơn 3 giờ mỗi tuần, bao gồm 15% học sinh dành hơn 9 giờ một tuần để học thêm/học với gia sư.
Báo cáo này thể hiện, một học sinh ở Hà Nội nói đùa về "luật bài tập bất tận". Em này giải thích: "Em không có nhiều hoạt động giải trí. Em đi học thêm, rồi sáng thứ 7 hàng tuần phải làm bài tập trong tuần. Chủ nhật em cũng có lớp học thêm".
Báo cáo đề cập đến tình trạng mất kết nối của vị thành niên, các vấn đề về sức khỏe tinh thần của học trò với các hàng loạt vấn đề cô đơn, buồn chán, trầm cảm, ý định tự tử...
Ông Nguyễn Tiến Đạt - nguyên Phó giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM - từng lên tiếng cảnh báo vấn đề này trong một chương trình giáo dục: "Học trò chúng ta đang học thế nào mà chúng trở nên oán ghét bố mẹ, oán ghét thầy cô".
Hay trăn trở của nhà giáo dục khác nêu ra: "Học như vậy thì các con sống vào lúc nào?".